Vào cuối thế kỷ 11, dưới triều Vua Lý Thần Tông (1128–1138), có nhà sư Viên Thông (1080–1151)  là quốc sư của triều đình, tinh thông Phật pháp, học vấn rất uyên thâm, am hiểu việc trị quốc. Năm Thiên Thuận thứ 3 (1130), vua triệu quốc sư vào điện Sùng Khai để hỏi cách trị loạn, an bang định quốc. Viên Thông trả lời :                                                                                                                   

- Thiên hạ ví như món đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nguy, chỉ ở do đức vua thực hành khác nhau đó thôi. Đức hiếu sanh của vua nhuần thấm đến chúng dân thì dân yêu vua như cha mẹ, tôn vua như mặt trời, mặt trăng, thế tức là đặt thiên hạ vào chỗ yên vậy.

Sư lại tiếp:

- Việc trị loạn còn ở các quan, được lòng người thì trị an, mất lòng người thì loạn lạc. Trải xem các đế vương đời trước, chưa từng bao giờ chẳng do dùng quân tử mà được hưng thịnh, hay cũng vì dùng tiểu nhân mà bị nguy vong. Xét lý do như thế, không phải tại ngay một sớm một chiều, mà nguyên do của nó phát từ từ đã lâu lắm vậy.

Trời đất không thể làm nóng lạnh ngay, ắt phải dần dần từ Xuân sang Thu; nhân quân không thể làm trị loạn ngay, ắt phải dần dần từ thiện ác. Các thánh vương đời xưa biết thế, nên bắt chước trời tu đức sửa mình, bắt chước đất chăm tu đức để an dân. Sửa mình là cẩn thận bên trong, run sợ như giẫm đi trên lớp băng mỏng. Yêu dân là kính cẩn công chúng, nơm nớp như cầm roi nắm cương ngựa. Được như thế thì đâu mà chẳng hưng; nếu trái lại thì đâu mà chẳng vong. Lý do hưng vong từ từ như thế.

 

Lời bàn :

« Vua là  thuyền, dân  là nước, nước chở  thuyền và nước cũng lật được thuyền »  (Tuân Tử )

 

 Việc cai trị dân xưa nay cần có đức, đức độ khiến người lãnh đạo được tôn trọng trước cả tài năng, uy quyền. Khi đặt người khác và chỗ yên vui hạnh phúc thì con người và xã hội sẽ được bình an, ngược lại sẽ gây nên chống đối hỗn loạn. Yên lành hay loạn lạc là do cách cư xử được lòng hay mất lòng người. Muốn vậy, người lãnh đạo được khuyến khích nên gần người tốt và xa kẻ xấu để hướng dẫn dân cho tốt. Kẻ gọi là « thiên tử » lòng cần hướng lên cao, « bắt chước trời » để tu đức mà sửa mình.Vua quan như bậc phụ mẫu, cha mẹ dân, cần cúi xem những nhu cầu cụ thể của con dân, «bắt chước đất » tu đức để an dân. Chuyện an nguy của thiên hạ cũng như của mỗi người khởi đầu tự việc sửa mình, tâm tràn ngập bình an, luôn yêu thương coi trọng người khác .

 

        Hoài Nam

 


Sống Đẹp