Chúa Trịnh Tạc (1606-1682) là vị chúa Trịnh duy nhất chứng kiến cả 7 cuộc giao tranh Trịnh Nguyễn, mà riêng ông đã trực tiếp tham dự 4 lần và được cha phong là Tây Định Vương. Ông cũng là người quyết định chấm dứt chiến tranh với Chúa Nguyễn phương nam, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi ông bình định phương bắc với việc dẹp tan triều đại nhà Mạc ở Cao Bằng (1677) sau 80 năm tồn tại. Vì cậy mình có công lớn nên nhà chúa rất kiêu ngạo : viết sớ không thèm ghi tên, không quỳ lúc vào yết kiến vua và khi vào điện thì tự tiện ngồi ở bên phải của vua, ông còn muốn cướp cả ngôi vua Lê nữa .

Để biểu dương uy thế, Chúa Trịnh cho xây đài Thụ Thiên rất hoành tráng ở giữa Thăng Long. Một hôm, Chúa đi thị sát công trình và triệu cả quan đại thần Nguyễn quốc Trinh đi cùng. Chỉ  vào đài cao đang được xây dựng, Chúa hỏi :

- Khanh nghĩ sao về đài Thụ Thiện sẽ được hoàn thành nay mai ?

Vị quan cương trực khẳng khái tâu :
- Khải Chúa thượng! Xây đắp thế nào mà chẳng được, chỉ có điều là lòng thiên hạ không vui đâu.
Chúa Trịnh tái mặt hỏi lại:
- Thiên hạ có hàng trăm hàng nghìn người,một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng?
Quốc Trinh ung dung đưa tay chỉ vào ngực trái mình và đáp:
- Thiên hạ là thần đây! Lòng thần không vui ắt biết lòng thiên hạ không vui!

Chúa nín lặng hồi cung. Tối hôm đó, giông tố nổi lên, sấm sét đánh sập mấy cột đài đang xây dang dở. Cho là ý trời hợp với lòng người, Chúa Trịnh Tạc phải bỏ ý định cướp ngôi nhà Lê.

 

Lời bàn :

Nguyễn quốc Trinh nhà nghèo, cha mẹ mất sớm. « Ngày thì đem sách ra ruộng, hễ bỏ tay cầy thì lại cầm đến sách; Đêm chong đèn đọc sách đến hết canh ba ». Ông chăm đọc sách nhưng không chỉ biết có sách mà còn biết đời sống khốn khổ của dân, từng sống nghèo nên dễ cảm thông với họ. Chẳng lạ gì khi dám nghĩ rằng mình hiểu dân, biết lòng của dân là lòng mình. Hiểu là một chuyện, dám nói mà không sợ uy quyền, không màng danh vọng lại là chuyện khác ; mấy ai dám vì dân mà tỏ lòng như Nguyễn quốc Trinh.   

 

Hoài Nam

 

 


Sống Đẹp