Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua đầu tiên của triều Trần, người rất chăm chỉ học tập, trong bài tựa kinh Kim Cang Tam-muội, nhà vua viết:

“Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, Trẫm cố học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi còn học kinh Phật.”

Trong cuộc đời, ngoài việc trị nước, an dân, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Người đã viết sách, để lại cho hậu thế những tác phẩm sau :

1. Thin Tông Chỉ Nam

2. Kim Cang Tam-muội  Kinh chú giải

3. Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi

4. Bình Đẳng Lễ Sám Văn

5. Khóa Hư Lục                                                                                                                                                        

6.Thi tập

 

 

Lời bàn :

Con người khi sinh ra thì bản tính khá giống nhau , nhưng sẽ biến đổi khác nhau nhờ học hỏi, thói quen, kinh nghiệm, tu tâm dưỡng tính ; Nhờ học tập sẽ có tri thức và dễ trở thành người tốt.Người hiếu học như kẻ leo núi, càng lên cao càng nhìn được xa, để có thể phán đoán, xử sự không sai lầm cho mình và cho người. Vua Trần Thái Tông đã siêng năng học hỏi, trước là để tu thân, trau dồi đức hạnh, sau mới có thể dẫn dắt thiên hạ sống cảnh thái bình. Những gì không biết phải học, những gì không hiểu phải hỏi. Đức Khổng Tử khi bước vào Thái Miếu « mỗi việc đều hỏi », còn hỏi những điều người ta đều biết ; Có kẻ chế nhạo rằng : Người đã uyên bác mà lại đi hỏi người khác. Người chỉ trả lời « Đây chính là Lễ ». Lễ ở đây không chỉ là việc tế tự, mà còn là phong tục tập quán, là điển lệ pháp chế, là điều hợp với lẽ phải. Trên hết, lễ là sự thành thực, ngay thẳng, là « cái thực của nghĩa ». Khác với luật pháp trừng trị những sự việc đã có rồi, lễ nghĩa có mục đích giáo dục ngăn ngừa được việc xấu chưa xảy ra. Khổng Tử rất trọng lễ, hỏi để khỏi thất lễ. « Biết thì nói là biết, không biết thì nói mình không biết ». Biết không phải chỉ để đó hoặc khoe khoang tự cao, mà để đem ra thực hành : « tri hành hợp nhất ». Đó mới thực là quân tử chính danh.

 

 Nguyễn  Hoài Nam

 





Mục Lục Sống Đẹp