Lý Thánh Tông ( 1023 - 1072) là vị vua thứ ba của nhà Lý,  ngay sau khi lên ngôi (1054), nhà vua đổi quốc hiệu nước ta thành Đại Việt. Là vị vua uy dũng, sáng suốt, vua đã chinh phạt Chiêm Thành, khiến vua Chiêm phải dâng đất của 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội, mở rộng bờ cõi đến tận Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay. Vua lại có công dựngVăn Miếu để thờ các bậc tiên hiền, mở mang Nho học. Nhưng điều sử sách ca ngợi nhiều nhất  là đức độ nhân từ của nhà vua .Người thương dân như con, nhất là những người bị tù đầy, đói rét :

"Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa". (ĐVSKTT, bản kỷ, kỷ nhà Lý, quyển III, t. 1b ).

Lại có một hôm, Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng: « Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi. » (ĐVSKTT, bản kỷ, kỷ nhà Lý, quyển III, t. 3b)

 "Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo"….Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, [6a] cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. (ĐVSKTT ,bản kỷ, quyển III, tờ 5a. 6b)

Lòng dân mến phục nhà vua, thời người trị vì ít có giặc giã, người  hết lòng yêu nước thương nòi, thật xứng lời sử xanh ca tụng : " Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt….". (ĐVSKTT,bản kỷ, quyển III, tờ 1a)

Lời bàn :                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 

Chữ nhân có tác dụng rất lớn, không chỉ ở bản thân mà còn nơi gia đình, đoàn thể, xã hội. Lòng trắc ẩn lại là đầu mối của nhân: thấy người khổ thì thương, thấy người nghèo thì giúp. Vua Lý Thánh Tông động lòng thương dân, theo nhân nghĩa mà làm và đã làm được điều nhân nghĩa . « Nhân là yêu, nghĩa là lý…  người nhân yêu người , người nghĩa theo lý » (Tuân Tử). Lòng nhân nhiều khi cần đi với lý trí  và lòng can đảm: như khi thấy người rơi xuống giếng thì tìm cách kéo lên, chứ chả nghĩ suy lại liều mình nhảy xuống có khi lại hại ta, hại người ; cái dũng cảm của người tốt lại biến thành sự liều lĩnh hồ đồ của kẻ thất phu, nhân mà không có dũng cảm thực hiện thì chỉ là nhân trên lý thuyết ; dũng cảm mà không có trí, có nhân, thì dễ thành hung bạo,cố chấp. Nhân, trí, dũng cần đi liền với nhau để có thể tạo thành một người lãnh đạo , một cộng đồng, một xã hội thương yêu, nhân từ, sáng suốt và dám đi lên trong cuộc sống.


       Ân Linh


Mục Lục Sống Đẹp