Lý Cao Tông (11731210) là vị vua thứ bảy của nhà Lý. Thuở nhỏ rất ngoan hiền nhưng khi lớn lên lại ham chơi bời, mất sáng suốt. Sử chép : “Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém” (ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyển 4, Kỷ Nhà Lý,t.17a ). Năm 1189, vua đi du hành khắp nước, đến chỗ nào nghe nói có thần linh thì lại cho xây dựng đền miếu. Ngoài ra, còn vơ vét của dân xây nhiều cung điện, dân bị bóc lột, thêm than oán triều đình. « Kinh Thi có câu: Bên trong mê sắc đẹp, bên ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, nhà cao tường đẹp, người nào phạm một trong các điều ấy tất phải diệt vong, mà vua thì phạm đủ các điều ấy, còn làm gì được »(ĐVSKTT, Q4, Kỷ nhà Lý, t.27a.) Ngoài biên cương thì quân Chiêm Thành quấy rối ; trong triều, công thần bị giết oan ; Lòng người càng chia lìa.

Đến mùa thu, tháng 8 năm Đinh Mão (1207), vua Lý Cao Tông thấy triều đình lụn bại, giặc cướp nổi lên như ong bèn hối lại lỗi xưa, nhân đó hạ chiếu nhận lỗi, bài chiếu viết rằng: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại” (Đại Việt sử lược, Quyển 3).

 

Lời bàn :

Dù được giáo dục tốt từ nhỏ và có các đại thần tận trung phò trợ , vua Lý Cao Tông khi lớn lên lại là con người khác , quyền lực và lòng ham hưởng thụ đã biến đổi ông thành người lười biếng, thiếu sáng suốt, mở ra mầm hoạ mất cơ nghiệp Nhà Lý cho ngay thế hệ sau . Tuy vậy, ông còn có chỗ đáng khen là :  vị vua đầu tiên biết lỗi và dám nhận lỗi của mình với dân chúng trong lịch sử nước nhà. Đời người « nhân vô thập toàn », ai không có lỗi ? Có khác chăng là ý thức lỗi lầm của mình đã di hại đến người khác , hối hận ăn năn và quyết tâm sửa đổi bản thân.

 

 

Ân Linh