An Sinh Vương Trần Liễu u uất vì sự chia lìa gia quyến do Trần Thủ Độ gây nên và vì việc thua trận. Nên trước khi chết có dặn con mình là Trần Quốc Tuấn : "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Quốc Tuấn nghe và  để trong lòng, nhưng không cho là phải. Đến lúc đất nước bị quân Mông Cổ xâm lược, ông đã gác bỏ thù nhà, lãnh ấn Quốc công Tiết Chế, hai lần đẩy lui quân giặc, cứu vớt giang sơn Đại Việt, được phong tước Hưng Đạo Vương.

Lúc vận nước lung lay, quyền lực ở trong tay mình, ông muốn thử lòng người thân, đem lời cha dặn dò nói lại với các gia tướng là Dã Tượng,Yết Kiêu. Hai người đã can ông:« Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu... » Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người. Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?". Hưng Vũ Vương trả lời: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!". Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ". Quốc Tuấn rút gươm kể tội: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra", định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn Hưng Vũ Vương: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng". (ĐVSKTT Bản Kỷ, Kỷ nhà Trần, Quyển VI, t 9b-10b.)

Lời bàn 

« Đạo trung nghĩa phát ở thân mình, nẩy nở ở nhà, thành tựu ở nước. Ở thân mình và ở nhà, hành động chỉ là một » (Trung kinh). Trần Quốc Tảng là con của Hưng Đạo Vương, tuy được dạy dỗ về trung hiếu, nhưng lại nói lời bất trung ; mới hay lòng trung không phát sinh từ học vấn, tài năng, mà từ tâm tư đức độ. Hưng Đạo Vương thì khác, không nghe di ngôn của cha mình vì tư thù mà bất trung, không nghe lời con mình vì lợi riêng mà bất nghĩa. Lòng trung ở đây không phải chỉ trung thành với vua Trần thái Tông hay trung thành với một dòng họ - (Vì Trần Liễu là anh cả, trên cả Trần Cảnh (Thái Tông), xét về lý thì Quốc Tuấn thuộc ngành trưởng có thể đáng làm vua hơn ; Và dù ông làm vua, ngai vua cũng thuộc về họ Trần) - Quốc Tuấn còn tận trung với toàn dân, một lòng vì dân vì nước. Ngoài việc là một chủ soái tài năng trong cuộc chiến chống xâm lăng , Hưng Đạo Vương là một mẫu gương rạng ngời của người lãnh đạo đức độ anh minh : đặt việc công trên việc riêng, vì nghĩa lớn quên thù nhà .  

 

Ân Linh

 


Mục Lục Sống Đẹp