Tô Hiến Thành (1102-1179 ) làm quan dưới hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực  . Năm 1175 , vua Anh Tông băng hà, có di chiếu đặt hoàng tử Lý Long Trát mới có 1 tuổi lên ngôi , ủy thác cho Hiến Thành làm Phụ Chính đại thần phò vua mới .Thái hậu Chiêu Linh tính chuyện phế lập , lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, nên đã đem một mâm vàng tới đút lót cho vợ của ông là Lữ Thị để nhờ bà này thuyết phục chồng không theo di chiếu , lập con mình là Long Xưởng lên ngôi thay cho Long Trát (Long Xưởng là trưởng tử của Vua Anh Tông, bị truất phế vì tội dâm loàn). Tô Hiến Thành biết được, nói rằng :

-         Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé , nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở dưới suối vàng.

Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng:

-         Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh”. (ĐVSKTT, Bản Kỷ,Quyển 4, Kỷ Nhà Lý, t.16b)

 

Khi Tô Hiến Thành lâm bệnh, có quan Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh, còn quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận lo toan việc triều đình nên ít đến. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi  rằng:

-         Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông ?

Hiến Thành trả lời:

-         Trung Tá [19a] có thể thay được.

Thái hậu nói:

-         Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?

Hiến Thành trả lời:

-         Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?".

Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy.  (ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyển 4, K, t.19a) .

Sau lại lấy em mình là Đỗ An Di làm Phụ Chính, Triều Lý suy vong từ đấy.

 

Sử thần Ngô sĩ Liên đã viết lời ca ngợi Tô Hiến Thành như sau : Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”. (ĐVSKTT, Quyển4, t.19a)

 

Lời bàn :

Nói đến chữ « lợi » cần phân biệt rõ công lợi và tư lợi ; thật ra chữ « lợi » cũng không rời xa chữ « nghĩa »và cũng « không thể làm cho dân mất lòng thích lợi được, chỉ có thể khiến cho lòng thích lợi không thắng được lòng thích nghĩa mà thôi »(Tuân Tử) . Tô hiến Thành đã sống vì nghĩa, một lòng nghĩa quên cả tư lợi để tìm công lợi cho xã tắc, cho dân trăm họ. Vàng bạc không mua chuộc được ông, chức quyền cũng không được ông xử dụng tùy tiện vì lợi riêng cho mình, ông thật là người hiếu trung nhân nghĩa. tấm gương sáng ngời của người trọng đạo nghĩa hơn tư lợi ; Người khuyến khích chúng ta khi dùng lòng nghĩa thì không là một chữ «nghĩa » rỗng tuếch, vô dụng ; đây phải là một chữ « nghĩa »mưu cầu công lợi, đem lại lợi ích thực sự cho mọi người.

 

Ân Linh

 


Mục Lục Sống Đẹp