TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI

 

Sống trong một xã hội tiến bộ, ai cũng cảm thấy thoải mái.  Nhưng cuộc sống đó không phải tự nhiên mà có.  Trái lại, đó là một thành quả phi thường của những trách nhiệm liên đới.  Đúng hơn, phải nói qua bao đời, xã hội được xây trên nền tảng trách nhiệm liên đới giữa những cá nhân khác nhau.  Bởi vậy, muốn xây dựng lại cộng đoàn, trước tiên phải nghĩ ngay tới tinh thần trách nhiệm liên đới.  Nhìn vào đó, chúng ta có thể thấy ngay trình độ cộng đoàn.  Cũng từ đó, ta tìm được điểm khởi hành cho mọi hoạch định cho cộng đoàn trong tương lai.

 

TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI LÀ GÌ ?

 

Để đạt một mục đích chung, người ta không thể sinh hoạt riêng rẽ.  Nhưng để có thể sinh hoạt chung, con người phải phấn đấu với chính mình.  Nghĩa là, từ trong ý thức, con người luôn phải nỗ lực nghĩ tới người khác.  Tha nhân trở thành một yếu tố thiết yếu và xứng đáng góp phần hoàn thành trách nhiệm với chúng ta.  Nhưng muốn được thế, chúng ta cần có một điểm chung để quy tụ muôn người.  Bởi vậy, liên đới mô tả  một khẳng định chắc chắn và kiên trì gắn liền với công ích; nghĩa là cho ích lợi của tất cả và từng người, vì tất cả chúng ta đều thực sự chịu trách nhiệm đối với tất cả mọi người.” (Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis, số 38)

Làm sao có thể đạt tới tình trạng kiên định với công ích như thế ?  Dĩ nhiên, mỗi người có quan điểm khác nhau về công ích. Thế nhưng, thực tế vẫn là thực tế.  Cần phải có sự đồng thuận về công ích.  Không thể đứng trước những đau khổ của dân nghèo đói và bị đàn áp mà nói công ích chỉ nhắm tới quyền lực của một đảng phái hay quyền lợi của đế quốc.  Công ích phải là một thực tại khách quan, phù hợp với mọi người trong mọi hoàn cảnh.  Trong thông điệp Mater et Magistra, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ngầm định nghĩa công ích là tổng hợp tất cả các điều kiện sống về phương diện xã hội.  Nhờ đó, con người có khả năng sẵn sàng và hoàn toàn thể hiện sự toàn hảo của mình (x. số 65).  Như vậy, công ích nhằm phục vụ con người.  “Con người vừa là nền tảng, nguyên nhân và cứu cánh của mọi cơ chế xã hội.” (số 219)  Bất cứ cộng đoàn hay cơ chế xã hội nào khai thác con người như một phương tiện và chà đạp con người đều không nhằm công ích.  Trên trần gian, mọi sự phải là phương tiện phục vụ con người.

Nếu không ý thức được địa vị tối cao của mình trong vũ trụ, con người dễ đánh mất chính mình.  Nhưng để có thể thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, con người không thể không sống liên đới với nhau.  Thái độ bất cần đến người khác sẽ làm cho xã hội không thể tồn tại và phát triển được.  Chính vì liên đới với nhau, con người mới phát triển như ngày nay.  Hoàn cảnh xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều.   Nhờ “những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, hiệu năng sản xuất lớn hơn và tiêu chuẩn sống cao hơn,” (số 59) con người càng cần liên đới trách nhiệm mới có thể gìn giữ và phát huy những giá trị cần thiết cho cuộc sống xã hội. 

Muốn duy trì xã hội trong trật tự và hòa bình, con người phải ý thức và thực hành liên đới trách nhiệm mới “đạt tới thiện ích công bình xã hội.” ( số 20)  Nhiều người tưởng chỉ có mình mới có thể làm ích cho cộng đoàn.  Nhất là khi ở vai trò lãnh đạo, họ tự biến mình thành nhân vật bất khả thay thế.  Họ dễ trở thành những anh hùng cô đơn.  Nhiều thuộc cấp chẳng quan tâm tới ích chung vì tưởng trách nhiệm thuộc cấp trên.  Họ quay cuồng với những bận tâm riêng.  Đó là nguyên nhân làm tổn thương sức sống xã hội và giáo hội.

Con đường cứu thoát dân tộc và xã hội Việt Nam chính là cổ động và thực thi tinh thần trách nhiệm liên đới, một “tình liên đới đích thực” (ĐGH Benedict XVI : Zenit 29/08/05).  Điều kiện sống giới hạn ảnh hưởng mạnh tới lòng người.  Mạnh ai nấy lo.  Sống chết mặc bay.  Tình liên đới không còn đất sống.

Ngay trong công việc cá nhân thường ngày cũng có thể tìm thấy chiều kích  liên đới.  Thật vậy, “nhờ công việc làm ăn, con người tự cam kết làm việc không chỉ cho riêng mình, nhưng cho tha nhân và với tha nhân nữa.  Mỗi người cộng tác với người khác và mưu ích cho họ.  Người ta làm việc để nuôi sống gia đình, cung cấp phương tiện để thỏa mãn các nhu cầu cộng đồng, quốc gia, và cuối cùng cho toàn thể nhân loại.  Hơn nữa, con người cộng tác với đồng nghiệp cũng như với những nhà buôn và khách hàng để ngày càng phát triển sợi giây liên đới.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Centesimus annus, số 43, xc Laborem exercens, số 8)  Liên đới có mặt trong mọi lãnh vực, nhất là trong cộng đoàn đức tin.  Không liên đới, không thể thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa và không thể chu toàn bổn phận Kitô hữu giữa dòng đời hôm nay. 

Giữa trần gian tăm tối, làm sao có thể thấy rõ được sợi giây liên đới đó ?  Có tự nhận mình tăm tối, chúng ta mới thấy cần đến ánh sáng là Đức Kitô.  Người chính là sợi giây nối kết chúng ta.   Không có Người, chúng ta không thể đạt tới  công ích lớn lao nhất là sự hiệp thông giữa con người.” (New Catholic Encyclopedia, 2nd Ed. tr. 302)  Ngược lại, không có sự hiệp thông đó, cộng đoàn sẽ phải hứng chịu sự thiệt hại khôn lường.  Hậu quả khôn lường đã được phơi bày qua thống kê về Giáo hội Việt Nam hiện tại.  Suốt 45 năm qua, dân số Công Giáo Việt Nam không tăng triển.  Tỷ lệ Công giáo năm 1960  là 7,17%, năm 2004 là 7,04% (theo Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : VietCatholic 21/09/2005). 

Khác với Giáo hội Đại hàn, Giáo hội Việt Nam hầu như chỉ đón nhận thêm những thành viên mới qua con đường hôn nhân mà thôi, chứ không qua những nỗ lực làm chứng trong việc tranh đấu cho công bình xã hội như Giáo hội Đại Hàn.  Mặc dù làm việc bác ái rất nhiều, nhưng Giáo hội Việt Nam vẫn không tạo nổi chứng từ lôi kéo mọi người.  Lý do vì sống giữa một xã hội đầy dẫy bất công, Giáo hội Việt Nam vẫn làm ngơ hay ngại ngùng dấn thân cho công lý.  Công lý có tiếng nói mạnh hơn bác ái cả về bản chất lẫn chiều kích.  Công lý đụng chạm tới mọi người.  Trong khi đó, bác ái tùy thuộc nhiều vào khả năng vật chất.  Chính vì ngại dấn thân, thiếu hiểu biết và thiếu tổ chức, chúng ta mới thấy đầy dẫy những bất công.  Bất công cao thành núi che khuất dung nhan Đức Kitô trong Giáo hội.  Người ta có thể không đồng ý về quan điểm hay đường lối tranh đấu.  Nhưng trước những sự kiện bất công khách quan, Giáo hội cũng không có được một tiếng nói.   Đúng hơn, bất công đã được cơ chế hóa, áp đảo cả tiếng nói của Giáo hội.   Dân tộc chờ đợi một tiếng nói từ phía Giáo hội.  Nhưng Giáo hội vẫn làm ngơ !  Thất bại của Giáo hội bắt nguồn từ sự thất vọng của đồng bào về Giáo hội.

Đội ngũ truyền giáo hùng hậu gồm linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên (75.353 người trong tổng số 5.776.972 tín hữu) đã làm gì để lôi kéo mọi người theo Đức Kitô ?  “Trung bình mỗi người ưu tuyển đó chưa cuốn hút được 2 người theo đạo một năm.” (Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : VietCatholic 21/09/2005)  Sự kiện đó giải thích tại sao trong vòng nửa thế kỷ, Giáo hội Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ.  Có phải tại họ không được đào tạo tới nơi tới chốn hay không sống Tin Mừng đúng mức ?  Nhưng vấn đề thực sự là họ “có biết liên đới và cộng tác với nhau để hình thành nên một sức mạnh tổng hợp” (Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : VietCatholic 21/09/2005)  để đem tình thương và công lý đến cho mọi người hay không.

Chỉ trong vòng nửa thế kỷCàng phân tích càng thấy vấn đề liên đới trách nhiệm quá lớn.  Một chiều sâu  thăm thẳm tận trong nếp sống văn hóa, giáo dục và xã hội, chứ không thuần túy chỉ là vấn đề đạo đức.  Đạo đức không thể thay thế tất cả.  Cần thực tế hơn mới có thể giải  quyết vấn đề.

 

TINH THẦN CỘNG ĐOÀN VIỆT NAM

 

Tinh thần Công giáo Việt Nam có thể hiển lộ trong nếp sinh hoạt cộng đoàn.  Sinh hoạt với nhau hằng tuần, người Công giáo Việt nam có nhiều dịp gần gũi và chia sẻ với nhau.  Trong mối tương quan sống động đó, biết bao nhiêu công cuộc bác ái, đạo đức, xã hội v.v. đã hoàn thành giữa hằng ngàn bàn tay ân cần và trái tim bốc cháy.  Chính vì thế, chúng ta mới được các giám mục Hoa kỳ khen ngợi.

Thế nhưng, càng nhìn sâu vào những sinh hoạt truyền giáo, càng thấy chúng ta dừng chân tại chỗ, nếu chưa nói tuột dốc ?  Từ trong nước đến hải ngoại, các cộng đoàn Công Giáo Việt nam đều có nét tương tự.   Những nỗ lực hầu hết còn đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ và còn giới hạn trong câu kinh, nghi lễ.  Ngay trong bốn bức tường nhà thờ, chúng ta cũng chưa ổn định.  Cả trong nghi lễ, chúng ta vẫn còn lơ mơ.  Giáo dân đổ lỗi cho linh mục.  Linh mục quy trách cho giáo dân.  Thực tế, không ai có thể đứng ngoài nhìn vào cộng đoàn để quy trách cho người khác.

Về phía giáo dân, trách nhiệm đó không nhỏ.  Những người ý thức hơn đã gia nhập hội đoàn để góp phần xây dựng Giáo hội.  Nhưng ngay trong nội bộ hội đoàn cũng có những vấn đề.  Chẳng hạn, hội đoàn hiện diện và sinh hoạt theo thói quen, thiếu sự phối trí chặt chẽ, liên đới và chia sẻ trách nhiệm để hoàn thành sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội giữa trần gian.  Nhiều hội đoàn hội họp chỉ để nghe báo cáo và kinh kệ dài dòng.  Thiếu sáng kiến.  Kế hoạch hành động không theo sát những trăn trở của Giáo hội.  Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn giữa các hội đoàn và những tiêu cực nhiều mặt.  Điều này có thể kiểm chứng qua những kết quả truyền giáo.  Từ trong nước đến các hải ngoại, đa số tân tòng đều qua con đường hôn phối. Nếu các hội đoàn đoàn kết và được huấn luyện chu đáo hơn, chắc chắn đã làm chứng cho Chúa mãnh liệt hơn và sẽ thấy kết quả lời chứng đó qua con số tân tòng.  Dĩ nhiên, Phúc âm hóa không đo bằng kết quả số người nhập đạo.  Nhưng cũng không thể lấy ý tưởng mơ hồ biện minh cho sự yếu kém trong nỗ lực truyền giáo hôm nay.

Để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, không thể không đề cập việc đóng góp của giáo dân.  Nhiều người dị ứng đối với tiền bạc.  Thực tế, kinh nghiệm chua cay có lẽ làm cho họ tưởng  tiền” bao giờ cũng ghép chung với “tệ” và “bạc.”  Nhưng, tiền bạc thực sự cũng là mồ hôi, nước mắt.  Biết bao công trình tốt đẹp đã được xây nên nhờ tiền bạc.  Công cuộc truyền giáo và bác ái của Giáo hội sẽ ra sao, nếu không có sự đóng góp tiền bạc của giáo dân ? Thực tế, giáo dân Việt Nam đóng góp ra sao ?

Không ai có thể đếm được hết các nhà thờ đồ sộ ở Việt Nam và Hải ngoại.  Nếu không có tiền bạc đóng góp của giáo dân, làm sao những công trình đó mọc lên được ?  Đó là chưa kể đến những công cuộc bác ái lớn lao và kiên trì trong các viện mồ côi, phong cùi, bệnh viện v.v.

Thế nhưng, việc đóng góp bình thường trong các thánh lễ thì sao ?  Từ Việt Nam, qua Uùc, sang tới Hoa kỳ, người giáo dân Việt Nam gần giống nhau về mặt đóng góp tiền giỏ nhà thờ.  Sau khi quan sát và dò hỏi nhiều nơi, chúng tôi tạm đưa ra những số liệu tạm thời như sau.  Bên Việt Nam, một xứ đạo lớn, có bảy lễ cuối tuần, tổng kết trung bình tiền đóng góp trong nhà thờ chừng hai triệu Việt Nam, khoảng một trăm ba mươi (130) Mỹ kim.  Bên Uùc, tại Trung Tâm Công giáo Sydney, một địa điểm tập trung nhiều giáo dân Việt Nam nhất, khoảng mười hai ngàn người, số tiền đóng góp trong nhà thờ cuối tuần chừng bốn ngàn (4.000) Uùc kim.  Bình quân mỗi người bỏ vào giỏ chừng ba mươi (30) xu một tuần.  Bên Hoa kỳ, một xứ đạo chừng bốn ngàn giáo dân, mỗi tuần trung bình đóng góp khoảng năm ngàn (5.000) Mỹ kim. Nghĩa là, khá hơn giáo dân Việt Nam ở Uùc, vì mỗi người ở Mỹ bỏ vào giỏ nhà thờ chừng hơn một đô.  Nhưng so với số tiền họ kiếm được mỗi tuần, số đóng góp đó chiếm bao nhiêu phần trăm ?

Cùng một số lượng giáo dân, giáo xứ Mỹ sẽ thu nhập hằng tuần khác hẳn.  Nếu giáo xứ Mỹ có chừng năm ngàn giáo dân, trung bình số thu nhập phải trên hai chục ngàn (20.000) Mỹ kim.  Cứ nhìn vào giáo xứ Mỹ, chúng ta sẽ thấy họ có rất nhiều dịch vụ.  Dịch vụ nào cũng phải trả tiền.  Mỗi giáo xứ phải có vài thư ký.  Nếu không thu nhập được số tiền lớn như thế, làm sao họ có thể trang trải được ?  Trong khi đó, một giáo xứ Việt Nam thuê một thư ký chưa xong.  Sức đóng góp ít, làm sao dám mở rộng hoạt động ?  Một cộng đoàn Việt Nam ở bên Uùc có khoảng trên năm trăm (500) giáo dân.  Giám mục địa phận sẵn sàng tặng không một nhà thờ.  Nhưng cộng đoàn không dám nhận, vì sợ phải trả tiền bảo trì mỗi năm mất chừng vài chục ngàn.  Họ cam lòng thuê nhà thờ giáo xứ Uùc.  Thực tế, ăn nhờ ở đậu, làm sao thoải mái bằng làm chủ ?  Chính vì thế, khi cộng đoàn muốn thuê hội trường để sinh hoạt cho giới trẻ, giáo xứ Uùc đã từ chối thẳng thừng.  Sức đóng góp yếu quá, làm sao có thể vươn lên được ?  Tương lai giới trẻ đi về đâu ?

Có người nói, mặc dầu đóng góp hằng tuần không cao, nhưng mỗi lần kêu gọi xây nhà thờ hay giúp người nghèo, giáo dân Việt Nam không thua ai.  Có thật như thế không ?   Hãy nhìn vào thực tế giáo xứ Mỹ.  Tại một nhà thờ Mỹ tại Houston, sau khi cha xứ kêu gọi đóng góp tu bổ nhà thờ, xây hội trường và mua đất làm chỗ đậu xe, giáo dân đã đóng góp trên sáu triệu (6.000.000) Mỹ kim.  Số giáo dân ở đó chỉ khoảng hai ngàn (2.000) người.  Tại Bắc Cali và Los Angeles, nhà thờ chính tòa trị giá trên dưới trăm triệu Mỹ kim. Có người nói người Mỹ giàu nên đóng góp nhiều.  Không sai.  Nhưng giả sử thay vì số giáo dân Mỹ là giáo dân Việt Nam, cũng giàu có như họ, số đóng góp có cao như thế không ?  Có phải cứ giàu là đóng góp nhiều không ? 

          Chẳng cần phải giàu như người Mỹ, chúng ta vẫn có thể phát triển gấp mười lần bây giờ, nếu chúng ta lắng nghe lời Chúa và noi gương quảng đại của người Mỹ.  Trong Tin Mừng, Chúa không lưu ý tới số tiền dâng cúng, nhưng chỉ để ý đến tấm lòng hi sinh cao độ của bà góa.  Tuy thế, Chúa không hoàn toàn bỏ qua tỷ lệ tiền dâng cúng so với tiền bạc hiện có.  Quả vậy, Chúa nói về bà góa : “… còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống.” (Lc 21:4)  Nghĩa là, bà đã dâng cúng một trăm phần trăm gia tài của bà.  Chúa không đòi chúng ta phải hi sinh đến độ như thế.  Giáo hội Công giáo cũng không bao giờ bắt giáo dân phải mười phần trăm lợi tức hằng năm.  Nhưng chính lúc tự do như thế, người giáo dân mới có thể thấy rõ sự thật về mình như thế nào trong việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian.

Hơn nữa, có người đưa ra lý do : vì Việt Nam phải nuôi Việt Nam, nên không đóng góp được nhiều.  Ai cũng biết chúng ta còn phải gánh đỡ gánh nặng cho thân nhân còn kẹt tại quê nhà.  Nhưng thực sự đó có phải là lý do chúng ta không đóng góp hay đóng góp quá ít không ?  Cùng làm một nghề và số lương bằng nhau, nhưng mức chi tiêu của Mỹ bao giờ cũng trội hơn Việt Nam.  Người Hoa cũng chịu chi hơn người Việt.  Bằng chứng tại Houston có hai khu vực tập trung người Việt hay Việt gốc Hoa.  Miền Nam Houston phát triển hơn vì có nhiều người Hoa.  Miền Bắc Houston rất đông người Việt, nhưng các tiệm ăn thưa thớt và không ngon bằng, vì ta sống theo triết lý “cơm nhà quà vợ.”  Khách đến thăm Houston, muốn ăn ngon, phải xuống tận miền Nam, mới mãn nguyện. 

Một lý do khác cũng có thể soi sáng vấn đề.  Xuất thân từ một xứ truyền giáo người Việt nam không có thói quen đóng góp cao, vì Tòa Thánh đã trang trải những phí tổn cho tòa giám mục và chủng viện.  Thực ra, ngay cả các linh mục chưa chắc biết rõ như vậy.  Hơn nữa, phần lớn những đóng góp của giáo dân dành cho việc xây dựng và phát triển giáo xứ, nghĩa là cho chính giáo dân. 

Đã đến lúc phải tìm nguyên nhân sâu xa của việc đóng góp trong chiều kích tinh thần trách nhiệm liên đới, mới có thể thấu hiểu vấn đề.  Nhưng ngay cả khi đã tìm thấy được nguyên nhân rồi, chúng ta cũng không hi vọng có thể giải quyết vấn đề một sớm một chiều.  Vấn đề nằm sâu trong lãnh vực đức tin và văn hóa.  Cần phải đợi một thời gian rất dài … phải mất nhiều thế hệ …

ĐỨC TIN VÀ THỰC TẾ

 

Đức tin có một chiều kích rất thực tiễn.  Càng tin bao nhiêu, càng hi sinh bấy nhiêu.  Chỉ có đức tin mới là động lực mạnh nhất khiến chúng ta có thể “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn” (Mt 22:37)  lẽ giáo dân Việt Nam mới chỉ khai triển giới răn này dưới khía cạnh “hết lòng” mà thôi.  Nghĩa là, đạo vẫn còn vụ tình cảm.  Đạo hình thức là một kiểu diễn tả tình cảm.  Chúng ta chưa có cố gắng để yêu Chúa “hết linh hồn, và hết trí khôn.”  Cứ nhìn vào các cuộc tĩnh tâm và các lớp học giáo lý Kinh thánh và giáo lý sẽ thấy ngay.  Kiến thức về đạo không cao, làm sao yêu Thiên Chúa “hết linh hồn, và hết trí khôn” ?  Một hôm gọi điện thoại đến nhà một ông trùm để trả lời cho ông biết về vị trí câu Tân ước ông mới hỏi, vô tình tôi gặp con gái của ông.  Mặc dù là sinh viên ngành y sắp ra trường, cô cũng không có chút hiểu biết gì về Kinh thánh.  Bằng chứng, cô trả lời tôi : “Vấn đề Kinh thánh, con không chuyên, xin cha nói truyện với ba con.”  Trời đất !  Chỉ mới nghe về Kinh thánh, cô đã nghĩ ngay đó là lãnh vực chuyên môn dành cho những linh mục, tu sĩ, cùng lắm là ông trùm.  Chứ giáo dân tầm thường như cô chỉ chuyên về truyện đời mà thôi.  Phân biệt như thế làm sao yêu Chúa chưa hết trí khôn ?

Chính đức tin khiến chúng ta thấy ngay mối liên hệ giữa Thiên Chúa và người thân cận.  Nhờ đó, chúng ta có thể dấn thân phục vụ để thể hiện tình “yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22:39)  Đức tin còn đi xa hơn nữa khi thúc đẩy chúng ta “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con.” (Ga 15:12)  Đó là một sự đóng góp lớn lao và sâu xa nhất Chúa dành cho chúng ta.  Đến lượt mình, chúng ta có dám chết vì người anh em không ?  Chết là một hình thức phục vụ cao đẹp nhất.  Ngược lại, phục vụ cũng là một cách chết cho anh em.

Nhưng chúng ta đã phục vụ tới mức nào và như thế nào ?  Giáo hội Công giáo không bao giờ bắt buộc giáo dân đóng góp mười phần trăm lợi tức hằng năm như một số giáo hội.  Trong Sáu Điều Răn Hội thánh xưa cũng không hề đề cập tới những vấn đề đóng góp.  Ngay cả trong Sáu Điều Răn Hội thánh mới được viết lại, cũng chỉ kêu gọi giáo dân “góp phần hỗ trợ các mục tử,” nhưng không ấn định mức hỗ trợ bao nhiêu và như thế nào. 

Tuy nhiên, khi không ấn định như thế, Giáo hội tỏ ra tôn trọng tự do của giáo dân.  Chính trong tự do, người ta mới có thể thấy sự thành thực của lòng người và mức độ hi sinh tự đức tin.  Tất cả giá  trị lớn lao đều phát xuất từ đó.  Đóng góp tài chánh là một trong những hình thức hi sinh.  Tiền bạc là giá trị tạo lập từ mồ hôi, nước mắt, thời giờ sức lực, khả năng … của con người.  Đó là một giá trị nhân bản. 

Thế nhưng, vấn đề đóng góp tài chánh không phải là vấn đề riêng của Giáo hội Việt Nam.  Vấn đề có chiều kích toàn cầu.  Nếu không, tại sao Giáo hội phải soạn lại và viết thêm khoản trợ giúp cho các mục tử làm chi ?  Tuy thế, vấn đề cũng khác nhau trong mỗi giáo hội địa phương.  Chẳng hạn, nhìn vào giáo hội Hoa kỳ, ai cũng thấy có sự khác biệt giữa giáo xứ Mỹ và Việt Nam.  Nơi cộng đoàn Mỹ, các dịch vụ đều được trả lương, kể cả ca đoàn và người giúp lễ.  Con số người phục vụ có lương trong một giáo xứ Mỹ có khi lên tới năm mươi (50).  Ca đoàn cũng phải trả lương. Người đánh đàn nhà thờ lãnh khoảng hai trăm Mỹ kim mỗi lần phục vụ.  Đám cưới tại nhà thờ Mỹ bao giờ phải trả gấp ba bốn lần tại nhà thờ Việt Nam.

Nếu đóng góp “tà tà” theo kiểu Việt Nam, giáo xứ Mỹ lấy tiền đâu trả cho các người làm việc như thế ?   Đóng góp theo kiểu Việt Nam nhiều lúc không đủ để thuê một (1) thư ký làm toàn phần cho nhà xứ.   Đó là truyền thống đã có từ Việt Nam.    Việt Nam, có lẽ rất ít nhà xứ thuê thư ký lo việc sổ sách.  Mọi sự đều do cha xứ.  Giúp cha xứ chỉ là một vài ông trùm chạy ra chạy vô cuối ngày hay cuối tuần mà thôi.  Nếu cứ sống đạo theo kiểu hiện tại, Giáo hội Việt nam sẽ không nhìn thấy tương lai.

Vấn đề trở nên khẩn trương đối với Giáo hội Việt nam.  Tại sao ?  Vì Giáo hội không đủ khả năng tài chánh để thực hiện những kế hoạch truyền giáo lớn lao cho đồng bào và cho những dân tộc láng giềng.  Làm sao có thể thi hành mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, nếu dân Chúa không chia sẻ trách nhiệm liên đới trong nỗ lực truyền giáo hôm nay ?  Chính vì thiếu con mắt đức tin, nhiều người không nhận ra trách nhiệm liên đới, một yếu tố cực kỳ quan trọng và cần thiết cho sự sống còn và phát triển của Nước Chúa ở trần gian. 

 

          Vân Lực

          13-3-2006


Mục Lục