SỐNG PHÚT HIỆN TẠI

Có những rào cản lớn khiến chúng ta không thể sống trọn vẹn phút hiện tại, đó là : níu kéo quá khứ, ngưỡng vọng tương lai và ảo tưởng hiện tại. Những viên đá này có thể khiến ta vấp ngã nhưng cũng khả dĩ trở thành bệ dưới chân ta. Điều này tùy thuộc vào thái độ của mỗi người khi đối diện với thực tại cuộc sống. Vì đối với những người tiêu cực, họ thường thấy khó khăn trong những cơ hội, còn những người tích cực, họ luôn khám phá ra những cơ hội trong mọi khó khăn để sống phút hiện tại với tất cả lòng tin cậy mến.

Níu kéo quá khứ

Chúng ta dễ nhận ra tình trạng này khi phân tích hình ảnh của một Madalena trong tương quan với Chúa Giêsu. Bà là người đã được Đức Giêsu trừ cho khỏi bảy quỷ, và sau đó, bà đã tự nguyện theo Người trên mọi nẻo đường truyền giáo. Điều này cho thấy bà đã đặt Chúa làm trung tâm đời sống bà ; nhưng rồi cái chết của Chúa Giêsu, đồng nghĩa với việc sụp đổ hoàn toàn lý tưởng đời bà. Bà ra mồ Chúa mà khóc như để níu kéo một quá khứ tốt đẹp về tương quan giữa bà và Chúa. Thay vì những hình ảnh ấy làm động lực thúc đẩy bà sống tốt hơn phút hiện tại, bà lại khóc cho một cuộc tình vắng bóng người yêu. Vết thương lòng này quá sâu xa đến nỗi bà đi tìm sự xoa dịu và an ủi trong chính nơi tạo nên nỗi bất hạnh cho mình. Hình ảnh về Đức Giêsu càng đẹp đẽ và êm đềm bao nhiêu thì khi mất đi, nó càng tạo nên nơi tâm hồn bà một sự trống vắng và bất hạnh bấy nhiêu. Bà khóc cho sự ra đi của « thần tượng » thì ít nhưng bà khóc cho chính sự trống rỗng và cô đơn của tâm hồn.

Có thể nói, không có kẻ nào bị tổn thương bằng kẻ sống trong mặc cảm vì cuộc đời vô nghĩa. Cũng không có vết thương nào hằn sâu trong ký ức bằng vết thương do mất đi lý tưởng của cuộc đời. Họ có thể tìm đến cái chết như giải pháp cuối cùng để tránh trực diện với thực tại mình đang sống. Cho dù họ đang sống nhưng tất cả những gì đi qua cuộc đời họ đều chịu tác động dưới lăng kính của kẻ bị tổn thương. Một người bị tổn thương chưa được chữa lành, họ sẽ phóng chiếu những lối nghĩ tiêu cực, bi quan yếm thế lên người khác. Họ vẫn sống phút hiện tại nhưng thực tại họ đang sống lại trở nên hỗn độn và trống rỗng như chính thực trạng nội tâm của họ vậy ! Mọi tương quan với thực tại đã trở nên nhỏ bé dưới góc nhìn quy ngã của họ. Tất cả diễn ra trong cái tiểu vũ trụ nhỏ hẹp đáng thương. Họ chỉ có thể được chữa lành thực sự qua lăng kính của Đấng  Phục Sinh. Như bà Madalena, họ cũng được Chúa Phục Sinh mời gọi sống sứ mạng Người trao trong phút hiện tại, là ra đi loan báo Tin Mừng. Và họ sống phút hiện tại với ý thức lớn lao rằng có Chúa cùng đồng hành với họ.

Chúng ta cần phân biệt thái độ níu kéo quá khứ với việc hồi tâm trong đời sống thiêng liêng. Nếu hiểu níu kéo quá khứ là tình trạng chôn mình trong ký ức đã qua thì hồi tâm là một bước lượng giá để sống tốt hơn trong phút hiện tại. Thật vậy, quá khứ chỉ có ý nghĩa khi nó giúp ta kinh nghiệm hơn, nhờ đó, sống tích cực hơn trong hiện tại. Hồi tâm ví như những thước phim trong quá khứ được quay chậm lại dưới ý thức của chủ thể để rồi đề ra những bước tiến trong tương lai và bắt tay thực hiện ngay trong chính phút hiện tại này. Bởi đó, một trong những cách giúp sống trọn vẹn phút hiện tại là chúng ta cần ghi lại lịch sử đời mình dưới ánh sáng của Đấng Phục sinh. Xét cho cùng, hồi tâm không phải là níu kéo quá khứ hay làm sống lại những cảm xúc đã qua nhưng là để nhắc nhở bản thân sống xứng đáng và trân trọng những gì mình đang có. Và cái có lớn nhất trong đời là được Đức Giêsu ở cùng. Có thể nói, sự hiện diện của Người là phần thưởng cho kẻ sống thanh liêm.

Nếu như níu kéo quá khứ làm cho con người giẫm chân tại chỗ trong hành trình tâm linh, ngưỡng vọng tương lai dễ khiến con người xa rời thực tế cuộc sống. Tương lai là một cái gì mơ hồ vượt khỏi tầm với của con người. Khi ai đó nhìn về tương lai trong những dự phóng của mình mà không hành động ngay từ bây giờ thì bị coi là người phi thực tế. Họ lên kế hoạch (một điều hữu ích) nhưng vì không tỉnh thức để nắm bắt cơ hội đến trong hiện tại, họ thất bại. Cũng có những người đi tìm vận mệnh đời mình trong bói toán, họ nghĩ rằng quyền sinh sát ở trong tay ta, nhưng kỳ thực họ càng hoang mang vì những dự đoán thiếu cơ sở hoặc sẽ háo hức đón chờ một tương lai tốt đẹp bằng thái độ « há miệng chờ sung thối rụng ». Chung cục, họ đánh mất chính mình trong một tương lai bất định.  

Có nhà phê bình tôn giáo nhìn nhận rằng một số Kitô hữu sống hướng về trời cao mà quên đi thực tại mình đang sống. Họ không thể chấp nhận về thái độ của những người dám sống chết vì lý tưởng tôn giáo. Nếu các tín hữu vì quá chăm chú hướng về quê hương trên trời mà bỏ quên bổn phận xây dựng quê hương trần thế là một điều đáng tiếc ; điều này cần được hoán cải mỗi ngày để sống tốt hơn trong hiện tại. Còn nếu những người này trong đức tin họ vốn lấy Chúa làm lẽ sống thì họ không đơn độc bước đi trên đường lữ thứ vì có Chúa luôn đồng hành với họ như Ngài đã dùng đám mây ban ngày và cột lửa ban đêm soi lối cho cha ông họ tìm về Đất Hứa.

Như thế, để sống trọn vẹn và ý nghĩa trong phút hiện tại, chúng ta cần sống tỉnh thức nhờ ánh sáng Phục Sinh chiếu rọi. Vì chúng ta không thể bước đi trong bóng tối của chính mình mà cần tiến bước trong ánh sáng của ngày cứu độ. Nói cách khác, chúng ta chỉ được ngưỡng vọng tương lai như hướng về Đức Giêsu là cùng đích để khả dĩ tiến bước mà không sợ lạc đường.

Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến còn hiện tại thì bấp bênh và thử thách còn đây dễ khiến chúng ta ảo tưởng mà phủ nhận hoặc khước từ thực tại đời sống của mình cách nào đó. Đôi khi có những người vì quá lý tưởng cuộc sống như chỉ trải nệm hồng mà đã bỏ cuộc khi chân phải chảy máu vì giẫm vào gai. Khi ấy, họ mới ngộ ra cuộc đời không như ta tưởng !

Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật lên ngôi, đó là lợi thế cho việc con người tiếp cận với các phương tiện thông tin, và con người ngày nay đang chìm đắm trong thế giới ảo khiến con người thêm ảo tưởng về bản thân và thực tại đời sống. Thế giới tưởng chừng như quá gần gũi trong tầm tay mọi người ; họ đến với nhau bằng một kết nối và không cần biết gì về nhau. Vì thế, cả hai bên được tự do tâm sự mà không sợ làm nhau tổn thương. Cũng có khi họ ảo tưởng cho mình là vị linh hướng vì giúp cho một ai đó được hoàn lương, hoặc là vị cứu tinh vì giúp một người xa lạ vượt qua khó khăn…họ đeo đủ thứ mặt nạ, thủ đủ mọi vai diễn ; trong khi đó, họ chỉ là những người vô công rồi nghề dùng phương tiện ảo để giết thời gian.

Tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn người khác nhìn nhận mình là nhân vật quan trọng và xử sự sao đáng cho mọi người tôn trọng, nhưng không vì thế, người ta bán sĩ diện để mua chút tiếng khen ngoài môi miệng. Họ tưởng rằng mình toàn năng có thể làm được mọi chuyện mà kỳ thực hứa ảo chứ không buồn động ngón tay vào. Họ quên lời Chúa cảnh báo : mù mà dẫn mù thì lăn cù xuống hố.

Đó là thứ ảo tưởng chính mình, từ đó, kéo theo cái nhìn méo mó về thực tại. Do sự thể không xảy ra như ý mình, họ khước từ và phủ nhận ý nghĩa sự việc và giá trị của người khác. Ngoài ra, để tránh né trực diện vấn đề, họ giải thích sai lệch và bóp méo thực tế sự việc. Một câu nói quan tâm chân thành, họ lại biện giải là soi mói cá nhân ; một hành vi bác ái tha nhân, họ cho đó là mua chuộc trá hình…Thực ra, họ đã phóng chiếu chính những bóng tối ẩn khuất của mình lên người khác. Điều này cho thấy họ bị tổn thương và mặc cảm trong tuổi thơ bất hạnh mà chưa được chữa lành.

Để có thể sống tích cực trong phút hiện tại, những người này phải được thanh luyện và chữa lành trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh. Trước tiên, họ phải tập đánh giá đúng đắn về những giới hạn và giá trị của bản thân. Kế đến, họ cần can đảm trực diện với những vấn đề trong cuộc sống và đánh giá mọi sự như nó là. Có thế, họ dễ dàng đạt được những bước tiến bộ trong hành trình tâm linh mà phần thưởng chung cuộc là chính Đức Giêsu.

Tác giả thư Do thái mời gọi mọi người : « …hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin » (Dt 12,1b-2). Thật vậy, cuộc đời lữ thứ này là một cuộc đua vượt qua chướng ngại vật là níu kéo quá khứ, ngưỡng vọng tương lai ảo tượng hiện tại để tăng tốc chạy đến đích là Đức Giêsu, phần thưởng của những người kiên trì đến cùng trong hành trình đức tin. Có thế, mỗi phút sống tròn đầy trong hiện tại sẽ kết thành một cuộc sống sung mãn trong Đức Giêsu.

Xin ghi nhận câu chuyện có thực do một linh mục miền Bắc chia sẻ để tăng phần khích lệ chúng ta trong cuộc sống làm chứng cho Chúa và lấy Người làm lẽ sống đời ta. Lúc đó, ngài còn là một chú bé giúp lễ. Vào một đêm lạnh buốt khắc nghiệt của miền Bắc, Cha Xứ được tin có người cần chịu phép xức dầu. Ngài đã quyết định đi ngay trong đêm ấy để đến bên giường bệnh nhân an ủi và ban các phép sau cùng. Có ngờ đâu, sau khi thi hành xong sứ vụ, ngài đã ra đi trước sự chứng kiến của chú bé giúp lễ và người nhà bệnh nhân. Sự ra đi của ngài đã để lại trong lòng mọi người niềm cảm phục sâu xa và nhớ thương vô hạn. Ngài đã sống hết mình trong phút hiện tại để phục vụ tha nhân. Ngọn nến ấy đã tiêu hao đến cùng, giờ đây hy vọng được thắp sáng mãi trong ánh nến Phục Sinh của Đức Giêsu.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư