NgƯỜi Công Giáo VIỆt Nam Theo Đo Nưc Ngoài, B ĐẤTc Quê Hương, B T Tiên Ông Bà?[1]

***

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

Giáo phận Phan Thiết

 

Người Công giáo Việt Nam thường bị hiểu lầm cách vô tình hay cố ý rằng: họ là những người vong bản, chạy theo ngoại bang, theo đạo nước ngoài, bỏ đất nước quê hương, tổ tiên ông bà... Những chỉ trích như vậy không đúng sự thật, không công bằng, ít hiểu biết và có ý đồ chính trị! Thật sự không phải vậy.

I. Niềm tin và Quê Hương Đất Nước.

Không riêng gì Đạo Công Giáo, hầu như những tôn giáo lớn ở Việt Nam như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo... đâu phải có nguồn gốc tại Việt Nam, mà đều từ những nước khác, cũng có khi được truyền bá trong những thời kỳ bị đô hộ. Từ xưa Việt Nam chỉ có việc Thờ cúng Tổ tiên và Thờ Trời[2].

Đạo Công Giáo đâu có chỗ nào dạy bán Nước, phản bội Dân tộc? Trong máu thịt người Việt Nam nào mà lại không có tình tự dân tộc, lòng yêu mến quê hương đất nước của mình?

Nhìn lại lịch sử một cách khác quan, ta thấy rằng: Thời điểm Tin Mừng của Chúa được đem đến Việt Nam trùng hợp với hoàn cảnh lịch sử thế giới phức tạp và không may cho đất nước. Đó là thời kỳ phát triển về nhiều phương diện, thực dân bành trướng, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Phương Tây là miền đất được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhưng không phải tất cả vua quan, các nhà chính trị, quân sự, kinh tế đều tốt cả. Tham vọng quyền lực, giàu sang thúc đẩy họ chinh phục những vùng đất kém phát triển làm thuộc địa, để mưu lợi cho đất nước của họ. Một số nhà truyền giáo tranh thủ cơ hội có sẵn phương tiện tàu bè, đi theo những đoàn quân viễn chinh ấy đến những vùng đất xa xôi, không phải để cộng tác vào việc xâm lược hay tham vọng đất đai, nhưng là để thực hiện mục đích tốt đẹp của Giáo Hội là đem Tin mừng Chúa cho các dân tộc khác, theo mệnh lệnh của Đức Giêsu[3]. Có thể trong số những nhà truyền giáo, có người vì hoàn cảnh tự vệ hoặc vì miễn cưỡng, vì tư lợi, đã cộng tác với quân xâm lược, hoặc dựa vào uy thế của họ, để lo việc của mình, nhưng không vì thế để có thể lên án tất cả những nhà truyền giáo là thực dân, những người theo đạo là bán nước và kết luận rằng Giáo Hội Công Giáo đồng lõa với những kẻ xâm lăng.

Các vị Tử Đạo Việt Nam[4], đều là những người biết phép tôn trọng vua quan[5] và hết lòng yêu mến quê hương, Linh mục Nguyễn Văn Tự đối đáp với quan toà: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”[6]. Tội của các vị chỉ là không thờ vua trên Thiên Chúa!

Cuốn Giáo Lý đầu tiên cho người Công giáo Việt Nam là “Phép giảng tám ngày” (1651), của Cha Đắc Lộ đã khẳng định các tín hữu theo đạo Thiên Chúa, đạo của mọi quốc gia chứ không phải đạo Phú Lãng Sa[7]. Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), hai linh mục Gia và Liêm đã trả lời vấn nạn “Đạo Hoa Lan[8] là đạo ngoại quốc” rằng: “Chớ thì đạo Phật chẳng từ Ấn Độ, đạo Nho từ nước Lỗ, đạo Lão chẳng từ đời nhà Châu ở Trung Hoa sao?[9]. Linh mục Vũ Bá Loan trinh bày với quan: “Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi”. Cũng vì vậy, khi quân đội pháp tiến vào Đà Nẵng năm 1858, giới Công giáo không hề chủ trương làm nội ứng. Ngược lại, đông đảo người Công Giáo tình nguyện đi bảo vệ non sông.[10] Còn nhiều chứng từ về điều nầy.

Còn nữa, những đóng góp của Giáo Hội Kitô toàn cầu vào nền văn minh nhân loại, cũng như những đóng góp của người Công giáo Việt Nam vào việc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước làm chứng điều đó. Vì thế không nên có những nhận định thiếu công bằng, thiếu khách quan, thiên kiến, chẳng những không giúp gì cho sự nghiệp của đất nước quê hương mà còn làm chia rẽ, suy yếu khối đoàn kết dân tộc.

Trong cuộc sống trần thế của mình, người công giáo nhận định rõ đâu là cùng đích đời mình và đâu là hạnh phúc đích thực phải đạt tới. Nhưng không vì thế mà sống xa rời thực thế, biếng nhác, tiêu cực đối với bổn phận xã hội. Trái lại, họ phải nỗ lực làm cho công trình của Thiên Chúa ngày càng tốt đẹp hơn hầu đạt tới tầm vóc viên mãn mai sau[11]. Những gì gieo hôm nay sẽ gặt mai sau. Đời này và đời sau không tách biệt mà liên hệ mật thiết với nhau. Vì thế, không có chỗ, không có hạnh phúc đời sau cho những người biếng nhác, bi quan trong hiện tại. Chúa Giêsu đã về trời sau khi đã thật sự sống kiếp con người. Cuộc sống ấy 33 năm làm việc, lao động và sống trong luật pháp xã hội và đạo giáo Do Thái.

II. Hiếu thảo với tổ tiên, ông bà là giới luật của Chúa

Đạo Hiếu là một trong ba mối giây lớn (tam cương) trong đạo làm người của Việt Nam. Yêu mến cha mẹ, kính nhớ ông bà tổ tiên, tình cảm giữa những người cùng huyết tộc, lòng tôn kính biết ơn đối với thầy cô, với những người coi sóc mình là những tình cảm cao quý, trở thành những giá trị ưu tiên trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam. Có một thời, một số người ngoài công giáo quan niệm rằng theo Đạo Công Giáo là bỏ ông bà cha mẹ. Đây là quan niệm rất sai lầm. Người công giáo cũng là người Việt Nam, tự bản chất vẫn hiếu kính cha mẹ. Còn hơn thế nữa, lòng hiếu thảo tự nhiên, nhờ Thiên Chúa chỉ dạy, được mang thêm ý nghĩa siêu nhiên, hiệp thông với Thiên Chúa[12]. Có điều khác biệt là người công giáo không thờ cha mẹ ông bà như thờ Chúa, thờ Trời.

Hội Thánh Công Giáo dạy tín hữu rất tỉ mỉ về lòng hiếu thảo:

*Con cái trong gia đình phải thảo hiếu với cha mẹ không những vì lẽ tự nhiên mà vì lòng tôn kính Thiên Chúa, Đấng sinh thành nên ông bà, cha mẹ. Thiên Chúa chúc lành cho những người con cháu có lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ[13].

*Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ được biểu lộ bằng thái độ tôn kính, biết ơn, vâng lời chính đáng và giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Khi ông bà cha mẹ qua đời nhớ nhang đèn, giỗ chạp và xin lễ cầu nguyện cho các ngài được siêu thoát. Việc lập bàn thờ, bày mâm quả, thắp nhang đèn trong những ngày kỵ giỗ không có gì trái ngược với giáo huấn của Giáo hội Công Giáo.

*Giới răn thứ bốn còn dạy phải kính trọng, biết ơn các phẩm chức trong Hội thánh, những người khai sáng trí tuệ (thầy cô) và những người giúp tạo điều kiện xã hội lành mạnh, trật tự, để cuộc sống được yên ổn, hạnh phúc.

Việc Thời phụng tổ tiên.

Người Việt Nam thường gọi là Đạo Ông Bà. Thực ra tôn kính tổ tiên không phải là một tôn giáo nên không thể gọi là Đạo. Là một Đạo hay Tôn Giáo, phải có giáo chủ, giáo điều và việc hành đạo phải qua trung gian các chức sắc tôn giáo. Tuy nhiên theo nghĩa dân gian, ta cũng có thể gọi như thế về việc Thờ Phụng Tổ Tiên.

Thờ phụng tổ tiên là sự bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà... đã khuất. Đây là một xác minh niềm tin tưởng của người Việt Nam về sự tồn tại của thế giới vô hình và sự liên lạc của thế giới hữu hình với thế giới vô hình. Chết chưa phải là hết[14]. Thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới với con cháu, theo dõi và giúp đỡ con cháu. Để làm cho vong hồn ông bà được hài lòng và để ông bà phù hộ, con cháu phải ăn ngay ở lành, và cầu nguyện cho ông bà được siêu thoát. Nếu ngược lại là bất hiếu. Giáo Hội Công Giáo dành những thời gian và nghi lễ riêng để tưởng nhớ đến các bậc tiền bối:

-Trong Thánh Lễ, phần Kinh Nguyện Thánh Thể nào cũng có phần dành cầu nguyện, nhớ đến ông bà cha mẹ đã khuất[15];

-Đối với những người qua đời: có lễ an táng, lễ giỗ[16];

-Niên lịch Phụng Vụ dành ngày 2/11 và suốt tháng 11DL thăm mộ, cầu nguyện cho những người đã qua đời[17];

-Ngày Mồng Hai Tết Nguyên Đán mỗi năm, Giáo Hội Việt Nam dành cầu lễ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất[18].

Còn việc lập bàn thờ, lễ bái chỉ là hình thức tỏ lòng tôn kính nhớ ơn các bậc tiền bối chứ không có nghĩa thờ ông bà như thờ Trời, coi ông bà như Thượng Đế. Người Công giáo thờ Chúa trên hết và kính nhớ ông bà tổ tiên theo Đạo Hiếu. Kể từ năm 1968, Giáo Hội Việt Nam cho phép lập bàn thờ gia tiên, còn việc hiếu kính tổ tiên, Giáo hội vốn khuyến khích và thực hiện từ lâu đời.

Ngày 14.6.1965 Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã ra Thông Cáo áp dụng Huấn Thị “Plane compertum est” về việc Tôn Kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam[19].

Ngày 14.11.1974 các Giám Mục Miền Nam Việt Nam họp tại Nha Trang đã ra Thông Cáo xác định cụ thể 6 điểm thực hiện trong việc thờ kính ông bà tổ tiên:

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch...

2. Việc đốt hương, nhang, đèn, nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ gia tiên, và giường thờ tổ tiên, là những cử chị thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã... và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn...

4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ,  giường tổ tiên”, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.

5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là “phúc thần” tại gia đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.

Trong chiều dài của Thời Gian, mỗi người chỉ sống, hiện hữu trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi và nhỏ bé. Chúng ta thừa hưởng lịch sử nhân loại về mọi phương diện. Vì thế, trong cuộc sống, phải biết nhìn trước nhìn sau, nhìn lên nhìn xuống. Đừng cho mình  có chân lý trọn vẹn để bài xích người khác. Chân lý phát xuất bất kể từ đâu thì đều là chân lý. Cần phải có thiện chí và khiêm tốn để đón nhận cái tốt nơi người khác mà học hỏi, và cũng biết nhận ra khiếm khuyết của mình để sửa chữa. Đó mới là người trưởng thành, là trượng phu và có chính đạo. Ngược lại, kiêu căng hoặc vì tư lợi, mà đả phá, bôi nhọ người khác, cố chấp... thì đó là cách sống của kẻ tiểu nhân, đáng chê trách!

(mùa đại dịch)

* Xin vui lòng chia sẻ cho người khác.



[1] X. Lm Anphong Nguyễn Công Vinh, Tìm Về Sự Thật, tr. 118-126, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, 2006 – Thiên Chúa Nguồn Sống và Hi Vọng, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, 2000.

[2] Thờ Trời: bàn Thiên trước nhà. Những việc thờ cúng nầy chỉ là Tín Ngưỡng.

[3] X. Mt 28,16-20; Lc 24,36-49; Ga 20,19-23; Cv 1,6-8.

[4] Tử đạo: Chết vì làm chứng cho Chúa, cho Niềm Tin.

[5] Quân Sư Phụ.

[6] X. HĐGM.VN, Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, NXB.Tôn Giáo, 2018.

[7] Phiên âm chỉ tên nước Pháp (France) lúc ấy.

[8] Phiên âm chữ Hoà Lan (nước HL).

[9]. Sdd. tr,15-16.

[10] Sdd. Tr. 16.

[11] X. Mt 12,13-17; Lc 20,20-26; Cv 25,8-25; 1Tm 2,1-3.

[12] Giới răn thứ bốn trong Mười Giới răn.

[13] X. Cn 6,20.23; Hc 3,1-16.

[14] Sinh ký tử quy.

[15] X.Sách lễ Roma, phần Kinh Nguyện Thánh Thể.

[16] Id.Sdd.

[17]Id. Sdd.

[18] Id.Sdd.

[19] Huấn thị ‘Plane compertum est” do Đức Thánh Cha Pio XII ban bố ngày 8.12.1939, bãi bỏ các điều cấm được ghi trong Tông huấn “Ex quo singulari”. Huấn Thị mới công nhận nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên, các anh hùng liệt sĩ không phải là những nghi lễ đích danh tôn giáo, mà chỉ là những cử chỉ biểu lộ lòng tôn kính chính đáng đối với những bậc anh hùng, cũng như lòng hiếu thảo với người quá cố. Vì thế người công giáo được phép tham dự.


Mục Lục Thoáng Suy Tư