Sự thật nào đang diễn ra tại “lò lửa” Trung Đông?

Tình hình Trung Đông mấy năm gần đây vốn đã nóng với cuộc xung đột dai dẳng giữa hai dân tộc IsraelPalestine này lại càng nóng hơn với những hệ quả của những cuộc nổi dậy tại một số nước trong khu vực mà người ta gọi là “Mùa xuân Ảrập”. “Mùa xuân” này đã góp phần làm nở rộ nhiều “mùa xuân” khác, nhưng thay vì đem lại sức sống, an bình và hạnh phúc, chúng lại mang đến sự chết chóc, đau khổ và bất hạnh. Cuộc vùng lên đòi dân chủ của dân chúng tại một số nước rốt cuộc đã bị các nhóm lợi ích và những cường quốc bên ngoài lợi dụng và biến thành phương tiện phục vụ cho những lợi ích chính trị và kinh tế của họ.

Diễn biến của cuộc chính biến gần đây tại Ai Cập và cuộc nội chiến thảm khốc tại Syria hiện nay đang dần làm hé lộ những mưu toan chính trị của các nước và phe phái có liên quan cũng như cho thấy một sự thật bi đát về số phận của những nhóm Kitô hữu thiểu số trong khu vực vốn được mệnh danh là cái nôi của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo.

Tại Ai Cập, nhóm Huynh đệ Hồi giáo đã nhân danh dân chủ và quyền lợi của nhân dân để lật đổ chính thể của Tổng thống Mubarack vốn đã cầm quyền 20 năm nay. Hàng triệu người Ai Cập đã đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, cũng hàng triệu người này lại đã xuống đường, bất chấp đổ máu, để đòi chính quyền của nhóm Huynh đệ Hồi giáo từ chức sau khi họ nhận thấy chính quyền này đang muốn xây dựng một thiết chế nhà nước Hồi giáo cực đoan dựa vào luật Hồi giáo Sharia kiểu giống như Iran và đang làm cho tình hình kinh tế và dân chủ trong nước đi xuống.

Thật trớ trêu! Chính đa số người Hồi giáo Ai Cập, nhất là giới trẻ lại chẳng mặn mà gì với kiểu nhà nước Hồi giáo mà tổng thống dân cử Morsi và nhóm Huynh đệ Hồi giáo chủ trương. Thế nhưng, càng trớ trêu hơn nữa khi các nhóm Kitô hữu thiểu số tại Ai Cập, vốn xưa nay chẳng có tí tiếng nói và quyền lợi nào lại trở thành “vật tế thần” cho nhóm Huynh đệ Hồi giáo và lực lượng ủng hộ nhóm này. Một mặt, nhóm Huynh đệ Hồi giáo và các lực lượng ủng hộ nhóm này ra sức tuyên truyền với thế giới theo kiểu họ đã bị quân đội Ai Cập và chính phủ lâm thời hiện nay bắt bớ, đàn áp và giết hại; mặt khác, họ lại trút hết cơn giận trên những người Kitô hữu thiểu số đáng thương, vốn đã chịu bao bách hại và thiệt thòi tại đất nước Hồi giáo này bao năm qua. Thực vậy, Đức Giám mục Youhannes Zakaria của Giáo phận Luxor thuộc Giáo hội Công giáo Copt cho biết: “Những người biểu tình ủng hộ ông Morsi sau khi bị đuổi khỏi trung tâm Thành phố Luxor, đã tiến về toà giám mục và hô to: ‘Giết hết các Kitô hữu.’ May mắn là cảnh sát đã đến kịp để cứu chúng tôi. Hiện nay cảnh sát và quân đội bảo vệ toà giám mục với hai xe bọc thép.” Ngài cũng buồn bã cho biết thêm: “Hơn 80 nhà thờ và nhiều trường học Kitô giáo đã bị đốt cháy. Tôi muốn nói rằng ở Ai Cập, Giáo hội Công giáo điều hành hơn 200 trường học - từ Alexandria đến Aswan - trong các trường học này, các học sinh Kitô hữu và người Hồi giáo ngồi cạnh nhau.”

Quả thực, với tình hình hiện nay, một hố sâu ngăn cách đã được tạo nên nơi tương quan tốt đẹp vốn được xây dựng hơn ngàn năm nay giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo. Đức Hồng y người Liban Bechara Boutros Rai, Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Maronite, đã mạnh mẽ tố các các bên có liên quan đến xung đột tại Syria: “Nỗ lực thúc đẩy chiến tranh của các nước phương Đông và phương Tây đang phá huỷ những gì mà chúng ta đã xây dựng 1.400 năm qua. Thật đáng buồn, các nước phương Tây vốn vẫn tự nhận mình là những quốc gia Kitô giáo, đã đánh mất đạo đức của mình. Họ chỉ kiếm lợi từ việc mua bán vũ khí và gây ra những xung đột mới. Thật đáng buồn và đáng xấu hổ khi các nước phương Tây hành xử như thế trong thế kỷ XXI này.”

Thực vậy, truyền thông phương Tây và đặc biệt chính quyền các nước phương Tây đều đồng loạt lên án “cuộc đảo chính” của quân đội Ai Cập cũng như việc chính quyền lâm thời và quân đội đã bắt giữ ông Morsi và đàn áp người biểu tình ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo trong khi lại hoàn toàn im tiếng về số phận bi đát của những nhóm Kitô hữu thiểu số. Phương Tây đã để lộ cách hành xử hai mặt của mình khi trước đây họ ủng hộ nhân dân Ai Cập lật đổ tổng thống Mubarak vốn bị họ xem là nhà độc tài nay lại hoàn toàn im lặng trước động thái xây dựng một chính thể độc tài “Hồi giáo trị” của nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Phải chăng chính những hợp đồng quân sự và kinh tế béo bở mà chính quyền Morsi hứa hẹn với phương Tây đã khiến những nước này hành xử theo kiểu “gió thổi chiều nào nghiêng chiều ấy” bất chấp nguyện vọng dân chủ của người dân Ai Cập, điều mà trước đây những nước này từng cổ súy và hô hào như Đức Hồng y Rai đã phê phán? Phải chăng “ý niệm nhân quyền” mà phương Tây hô hào cổ động và tìm mọi cách bảo vệ đã loại trừ những người Kitô hữu thiểu số?

Nhìn qua nước Syria láng giềng của Ai Cập, những diễn biến gần đây, đặc biệt là cuộc mặc cả liên quan đến giải pháp tấn công quân sự nhắm vào Syria vì nước này bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học giết chết hàng ngàn người vô tội, tiếp tục cho thấy bộ mặt thật của một số nước xưa nay vẫn vỗ ngực xưng danh là “đàn anh” của thế giới, “những người bảo vệ dân chủ và hoà bình quốc tế”. Thực vậy, dù lớn tiếng hô hào hòa bình nhưng Nga, Trung Quốc, Iran… vẫn công khai ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và âm thầm hỗ trợ vũ khí và tài chính cho chính phủ để chống lại phe nổi dậy. Trong khi đó, một số nước phương Tây và Ảrập, đứng đầu là Mỹ nghiễm nhiên ủng hộ phe đối lập cả về ngoại giao lẫn vũ khí dù nhiều báo cáo cho thấy trong hàng ngũ phe đối lập có cả các nhóm khủng bố khét tiếng như Al Queda. Những kẻ nhân danh hoà bình và dân chủ rốt cuộc lại là những tác nhân góp phần làm cho chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Những kẻ đã cực lực lên án hành động bạo lực của nhà nước Syria lại hoàn toàn im lặng một cách đáng sợ trước thảm cảnh bị bách hại của các Kitô hữu thiểu số.

Đức Thượng phụ Gregorios III, đứng đầu Giáo hội Công giáo Melkite Hy Lạp, cho biết các Kitô hữu bị nhắm vì họ được coi là các “phần tử yếu thế” và là nguồn mang lại tiền chuộc. Ngài nói: “Khá nhiều linh mục, giáo dân, thân nhân và bằng hũu của chúng tôi đã bị bắt cóc.” Thực vậy, hai giám mục thuộc Giáo hội Chính thống bị bắt cóc nay vẫn chưa có bất cứ thông tin gì. Vị Linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall’Oglio bị nhóm phiến quân bắt cóc nay cũng hoàn toàn bặt vô âm tín. Nhiều Kitô hữu khác trở thành nạn nhân của những cuộc xả súng, cướp bóc… Đức Thượng phụ cũng cho biết có khoảng 450.000 Kitô hữu đã rời Syria hay rời cư trong nước, trong đó có gia đình cha của ngài. Ngài cũng chia sẻ về số phận của các Kitô hữu thuộc lãnh địa của các nhóm thánh chiến Hồi giáo: “Là Kitô hữu, họ phải nộp thuế từ đầu năm 2012, mỗi tháng 35.000 USD. Nhưng nay, dù vẫn phải trả món tiền hàng tháng ấy, ngày 16-10 vừa qua, nhà thờ cũ của Yabroud, tức Nhà thờ Constantinô và Helena, vẫn bị đặt bom. Trước đây nó là đền thờ thần Jupiter sau đó trở thành nhà thờ Kitô giáo đẹp đẽ và cổ xưa. Họ đặt bom bên trong nhà thờ… một trái ngay ở toà giải tội.”

Tại sao các Kitô hữu thiểu số tại Syria lại trở thành đối tượng bị săn đuổi? Tại Syria, thiểu số Kitô hữu luôn giữ tính trung lập trong các cuộc xung đột ở thế giới Ảrập. Họ không về phe chính quyền cũng không về phe đối lập… Vì lý do này, họ bị từ chối bởi cả hai phía vốn đều muốn sự trung thành của họ. Như thế, tính trung lập không cứu được 2 vị giám mục và 3 linh mục bị bắt cóc cũng như không cứu được hành trăm Kitô hữu đã bị ám sát hay bắt cóc và không dừng lại được cuộc di cư khổng lồ của những người trẻ và toàn bộ gia đình.

Chẳng phải cộng đồng quốc tế không muốn làm gì nhưng cộng đồng quốc tế vốn “bị giới hạn” trong cơ chế Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 15 quốc gia hay với 5 quốc gia thường trực đã chẳng thể làm gì. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp cứ họp; các lá phiếu phủ quyết vẫn cứ được tung ra và nội chiến tại Syria vẫn diễn ra ngày càng ác liệt làm cho hơn 100.000 người thiệt mạng (kể từ năm 2011), hàng triệu người Syria đã phải rời bỏ đất nước để tị nạn ở những quốc gia láng giềng. Dường như vận mạng của nhân dân Syria chẳng còn do họ làm chủ nữa nhưng đã bị đặt cược trong những “ván bài quốc tế” giữa một bên là Nga và Trung Quốc và bên kia là Mỹ, Pháp và Anh. Trước thực trạng này, Đức Hồng y Rai cho rằng cách thức mà cộng đồng quốc tế xử lý cuộc khủng hoảng tại Syria thật đáng thất vọng. Vị Thượng phụ cũng tin rằng những hợp đồng vũ khí béo bở giải thích cho thái bộ im lặng của hầu hết các nước: “Những gì đang xảy ra tại Ai Cập, Syria và Iraq cho thấy rằng nhiều quốc gia cả phương Đông lẫn phương Tây đang hỗ trợ cho các nhóm cực đoan trong khi thực tế cho thấy đa số người Hồi giáo là ôn hoà. Thật là đáng buồn khi nhìn thấy các nước này đã ủng hộ vật chất, kinh tế và ngoại giao cho các nhóm như Al-Qaeda, Al-Nostra và những người Thánh chiến hay nhóm Huynh đệ Hồi giáo… Và tất cả đều nhân danh dân chủ!”

Cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ vào Syria mà cả thế giới nín thở lo ngại may mắn thay đã không xảy ra. Tuy nhiên, sau sự kiện này, các nước phương Tây lại sa đà vào một cuộc tranh cãi về việc giải giáp và xử lý kho vũ khí hoá học của chính quyền Syria trong khi chẳng đoái hoài gì đến nỗi thống khổ của người dân Syria. Có lẽ điều mà người dân Syria trông chờ bây giờ chưa phải là chuyện xử lý kho vũ khí kia, nhưng là việc chấm dứt xung đột giữa các phe phái, lập lại trật tự để tạo điều kiện cho họ được trở lại đời sống bình thường.

Tuy nhiên, giữa sự im lặng đáng sợ đó, một tiếng nói mạnh mẽ đã vang lên kêu gọi toàn thế giới cùng hiệp thông cầu nguyện cho Syria, đó là Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Kể từ khi nhận sứ vụ Thánh Phêrô, đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo Hội và toàn thế giới hiệp thông cầu nguyện cho hoà bình sau sự kiện chầu Thánh Thể toàn cầu. Không như các nguyên thủ quốc gia khác, vị Giáo hoàng này chẳng có quân đội, chẳng có những vũ khí huỷ diệt hay chẳng có hàng tỷ đô la viện trợ, nhưng lại có một điều mà chính ngài đã khẳng khái tuyên bố: “Cầu nguyện mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào.” Tiếng nói, lời cầu nguyện của Đức Phanxicô và những người thiện chí, yêu chuộng hoà bình khác cất lên vì Syria đã góp phần nâng đỡ tinh thần của người dân Syria và thức tỉnh lương tri nhân loại.

Đức Thượng phụ Youhanna X Yazigi, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở Antiokia, trong cuộc nói chuyện với Đài Phát thanh Vatican đã nói rằng: “[…] Tôi mang nơi trái tim mình tất cả nỗi đau của dân tộc chúng tôi ở Syria, Liban và Trung Đông. Chúng tôi chú ý đến thái độ của Đức Thánh Cha đối với dân tộc chúng tôi, Giáo hội chúng tôi tại Trung Đông, Syria và Liban, đặc biệt đối với việc thúc đẩy, tìm kiếm giải pháp thiết lập hòa bình ngang qua đối thoại chứ không phải chiến tranh […]” Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng hoan nghênh “tuyên bố của Đức Giáo hoàng kêu gọi hoà bình dựa trên đối thoại và đàm phán và lời mời gọi của Đức Giáo hoàng về một ngày cầu nguyện và ăn chay cho Syria”.

Trong tinh thần hiệp thông với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Quốc vương Jordan Abdullah II đã tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày 3 và 4/9/2013 để bàn về những vấn đề các Kitô hữu Ảrập đang phải đối mặt: chiến tranh, đánh bom, nạn bắt cóc, xúc phạm tôn giáo, di cư… Trong tài liệu chính thức của Hội nghị gồm hơn 70 thượng phụ, các đại diện thượng phụ, các giám mục, linh mục và các nhà lãnh đạo của tất cả các cộng đồng Kitô hữu trong khu vực, nhận định: “Trung Ðông là cái nôi của Kitô giáo, nhưng những xáo trộn gần đây đã đẩy các cộng đồng Kitô hữu phải đối mặt với những thách đố nghiêm trọng trong khu vực.” Do đó, Hội nghị nhằm mục đích liên kết các nhà lãnh đạo của tất cả các Giáo hội Kitô giáo ở Trung Ðông, để giúp cho “tiếng nói của họ được thế giới lắng nghe.”

“Lò lửa” Trung Đông hiện nay vẫn tiếp tục bùng cháy khiến cho người ta không khỏi đặt câu hỏi về lối hành xử nước đôi của các nước phương Tây và những bên có liên quan. Phải chăng những lợi ích về kinh tế và chính trị, những hợp đồng cung cấp vũ khí béo bở mới chính là những chất xúc tác làm cho lửa chiến tranh càng bùng lên dữ dội? Vùng đất giàu dầu mỏ này vẫn sẽ tiếp tục cháy nếu cộng đồng quốc tế không tìm được tiếng nói chung và các bên có liên quan không đặt tư lợi sang một bên. Đặc biệt, số phận của các Kitô hữu thiểu số vẫn tiếp tục bị đe doạ từng ngày và bị quên lãng trong làm sóng bạo lực bất khoan dung của những người Hồi giáo theo đường lối cực đoan. Liệu các Kitô hữu thiểu số có đáng bị diệt vong từng ngày bởi những hậu quả mà họ chẳng hề gây ra?

Thực trạng đáng buồn là thế, tuy nhiên niềm hy vọng vẫn tiếp tục được nhen nhóm khi những lời cầu nguyện trên khắp thế giới vẫn tiếp tục vang lên hiệp thông cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Vì thế, một tâm tình hiệp thông cầu nguyện cho những anh em Kitô hữu quả là cần thiết biết bao!

Chỉnh Trần, S.J.

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư