LỜI CHIA SẺ NHÂN BẢN TIN LHQ LÊN ÁN TÒA THÁNH

 

Anh H.

Mấy chục năm rồi không hề nhận được thư anh, bất chợt chiều nay được email của anh, chẳng phải để mừng Xuân nhưng là chia sẻ nỗi buồn sâu sắc trước bản tin trên báo về việc Liên Hiệp Quốc tố cáo Tòa Thánh bao che tội ấu dâm của một số giáo sĩ.

Lá thư bất ngờ làm sống dậy những ngày tiểu chủng viện của chúng ta. Xin cám ơn Chúa vẫn giữ nơi anh tâm tình yêu mến Hội Thánh như ngày nào, giữa lòng đời bươn chải vẫn thổn thức đồng cảm với Hội thánh. Anh khóc: “Bản tin này lan khắp nước không những có thể xóa sạch công lao rao giảng của K. và anh em linh mục suốt bao  năm qua mà còn tô đậm nơi nhiều lương dân và bạn trẻ một hình ảnh sai lạc về Hội Thánh và các linh mục”. Trước khi đọc những dòng ấy của anh, tôi cũng đã có cùng một cảm nghĩ như anh. Anh quá biết ngày nay các thế lực sự dữ đang toa rập với nhau để triệt hạ uy tín của Hội thánh Công giáo Rôma. Một cách nhịp nhàng, người ta giáng những đòn chí tử để đánh gục Hội thánh cho bằng được. Tôi còn nhớ năm 2010 cũng sau tết âm lịch, truyền thông đã tấn công Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tới tấp, buộc ngài phải chịu trách nhiệm về những chuyện lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội. Mở đầu Tuần Thánh năm ấy, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, lúc ấy là Giám mục chính tòa Mỹ Tho, đã viết bài “Lời trần tình với những người Công giáo” với những dòng tha thiết để bênh vực Đức Thánh Cha:

Chính vì Giáo Hội quyết chí canh tân, kẻ thù quan trọng hơn cả của Giáo Hội là “thần dữ” nhất quyết chống lại Giáo Hội và tìm cách phá Giáo Hội. Thần dữ áp dụng “chiến lược gậy ông đập lưng ông” để đánh phá Giáo Hội, làm cho Giáo Hội nản chí, không còn quyết tâm bảo vệ các giá trị truyền thống của mình nữa. Thần dữ lợi dụng những lỗi lầm của các giáo sĩ trong Giáo Hội về phương diện lạm dụng tình dục, có khi đã xảy ra cách đây 60 năm, để thúc đẩy các thế lực thù địch tấn công Giáo Hội, làm mất uy tín của Giáo Hội, đặc biệt của hàng Giáo phẩm, và ngay cả uy tín của Đức Thánh Cha.

Nếu công bằng mà phân tích tình hình đạo đức trên thế giới, nhiều người đều phải công nhận là thế giới chúng ta đang xuống dốc cách trầm trọng về nhiều phương diện, đặc biệt về phương diện luân lý tính dục. Bệnh “Aids” đang lan tràn khắp nơi trên thế giới chẳng phải là hậu quả rõ rệt của một sự sa đoạ trầm trọng về phương diện luân lý đó sao? Tình trạng nhiều gia đình tan rã vì nạn ly dị kéo theo nhiều hậu quả bi thảm cho hạnh phúc gia đình cũng không thể chối cãi được! Nạn phá thai và giết người bừa bãi khắp nơi đã tới mức không thể chấp nhận được nữa! Máu của những người vô tội đã kêu lên tới thấu trời! Hằng ngày các toà án trên thế giới phải giải quyết không biết bao nhiêu các vụ loạn luân trong gia đình. Những trường hợp lạm dụng tình dục nhan nhản khắp nơi trong các cơ quan và xí nghiệp, thậm chí trong cả các trường học.

Xét về việc lạm dụng tình dục, phải công nhận rằng so với ngoài xã hội, tỷ lệ phạm pháp trong Giáo Hội rất thấp. Ấy vậy mà các thế lực trần gian, thù địch với Giáo Hội, bao gồm nhiều báo chí và các phương tiện truyền thông, các tập đoàn luật sư… tập trung chĩa mũi dùi vào Giáo Hội. Họ muốn làm gì đây? Phải chăng họ muốn làm sụp đổ uy tín tinh thần của Giáo Hội, để Giáo Hội không còn dám lên tiếng nói về những điều mà họ không ưa thích. Dĩ nhiên việc trừng trị những tội ác thực sự đã xảy ra là điều phải lẽ, các nạn nhân của lạm dụng tình dục thật đáng thương và phải được đền bù xứng đáng. Nhưng không phải vì thế mà bôi nhọ cả một Tập thể, và gán ghép trách nhiệm một cách bừa bãi….

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đích thực là một con người hiền hòa, bình tĩnh, trái tim dào dạt yêu thương, đầu óc rộng mở lắng nghe, đối thoại, đón nhận với lòng kính trọng những lời nói thẳng, nói thật. Đức Thánh Cha là một “con người của chân lý”, luôn luôn phục vụ chân lý, luôn dùng những lời lẽ tế nhị để nói lên sự thật, đang bị “những thế lực dối trá” toa rập với nhau để tấn công và làm hại. Trong lịch sử Kitô giáo, từ lúc ban đầu những thế lực xấu đã toa rập với nhau mà chống lại “Tôi Tớ thánh của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa đã xức dầu” (Cv 4, 27). (Trích theo http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100402/4441).

Hồi đó, bản tin CNA ngày 24-3-2010 viết:

“Trên tờ Politics Daily, một nhà văn Công Giáo nổi tiếng, Bà Elizabeth Lev, tố cáo trước công luận rằng: tuy những lạm dụng là có thật, nhưng những hình thức chống giới tu sĩ ngày nay phản ảnh những vụ vu khống trước thời Cách mạng Pháp. Đã đành là có những sai trái và tai hại gây ra bởi một thiểu số nhỏ các linh mục, nhưng hành vi sai trái của họ đã được sử dụng để làm giảm danh tiếng của đại đa số các giáo sĩ, là những người đang sống một cuộc sống thánh thiện âm thầm trong giáo xứ của họ.

"Những lỗi phạm lẻ tẻ của một số giáo sĩ đã được phóng đại lên như thể sự đồi bại ấy là đặc thù của toàn thể các linh mục… Bà Lev tố cáo rằng những báo cáo về lạm dụng tình dục được trình bày như thể là tội phạm ấy chỉ giới hạn trong hàng giáo sĩ Công giáo. Họ đã thổi phồng lớn hơn cả những vụ thảm sát các Kitô hữu tại Ấn Độ và Iraq.

Theo bà Lev, ước tính có 39 triệu trẻ em ở Mỹ là nạn nhân bị lạm dụng tình dục, khoảng gần  60 phần trăm bị lạm dụng bởi một thành viên trong gia đình, năm phần trăm do giáo viên trường học, và ít hơn hai phần trăm đã bị lạm dụng bởi các linh mục Công giáo. Thế nhưng báo chí lại làm như thể là chỉ có các giáo sĩ Công giáo lạm dụng tình dục trẻ em".

Bà Lev cho rằng lý do đằng sau các vụ tấn công vào các linh mục Công giáo là nỗ lực để "tiêu diệt mức độ tin cậy của một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ trong cuộc tranh luận công khai”.

Xin xem toàn văn bản tin tại

http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=78352

Cách nay khoảng một tháng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lên tiếng than phiền giới truyền thông đã thiếu khách quan, không nhắc gì tới đông đảo những con người tuyệt vời đang cống hiến toàn tâm toàn ý cho sự thiện nhưng lại chỉ tập trung vào chuyện tiêu cực của một thiểu số.

Vấn đề nằm ở chỗ người ta không thèm đếm xỉa tới tiếng nói của sự thiện. Ngày 22-1 vừa qua, liền sau ngày bão tuyết phủ ngập Washington D.C., trời đang băng giá, hàng trăm ngàn người đã diễn hành trước tòa nhà Quốc hội Mỹ để kêu gọi bảo vệ sự sống thai nhi, nhưng truyền thông chính thức ở Mỹ không hề nhắc tới. Ngược lại, ngay hôm sau, chỉ mươi người biểu tình trước tòa đại sứ Nhật gần đó để phản đối việc sát hại các con cá heo vô tội lại vẫn được tương trình thật đầy đủ. Một sự chọn lọc tinh tế để phủ nhận điều này và thổi phồng điều khác.

Nơi sự kiện ngày 05-01-2014, lá bài đặc biệt thâm hiểm. Người ta tìm cách lợi dụng tiếng nói của một cơ quan quốc tế đáng tin cậy là LHQ để đánh lận con đen, khẳng định một lời kết án khiến con cái Hội thánh có thể bị chìm trong mặc cảm, không còn dám nói gì tới những lời kêu gọi của Mẹ mình! 

Trưa nay tôi dùng bữa tại nhà một giáo dân. Dù chưa đọc thư anh, tôi rất ít nói vì trong đầu cứ lởn vởn câu hỏi làm sao xóa được ảnh hưởng xấu của bản tin ấy. Việc trả lời giúp người ta hiểu thì không khó nhưng cái khó là chúng ta không có cơ hội nào để chạy đua trong cuộc chiến bằng truyền thông. Cả tôi và cả những anh chị em đơn sơ của chúng ta làm sao mà trả lời gãy gọn cho những anh chị em lương dân đã có sẵn những hình ảnh không tốt về Đạo Chúa? Các học sinh Công giáo bé nhỏ của chúng ta biết ăn nói thế nào khi bạn bè của các em chỉ vào bản tin sờ sờ trên báo?

Thế nhưng anh H. ơi, tôi đang rất nản lòng thì bỗng chốc, nghe có lời Chúa an ủi: “Chúa ngự tòa cao thấy thế bật cười”. Nguyên văn từ thánh vịnh thứ 2 như sau: 

1Sao chư dân lại ồn ào náo động ?

Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ?

 2Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,

vương hầu khanh tướng rập mưu đồ

chống lại ĐỨC CHÚA,

chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

3Chúng bảo nhau: “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy,

gông cùm họ, ta hãy quẳng đi !”

4Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười,

Người chế nhạo bọn chúng.” (Tv 2,1-4)

Vâng, xin anh hãy nhìn sự việc trong toàn cảnh cuộc chiến cuối cùng giữa Chúa Kitô và tên Đầu sỏ sự dữ. Chính Chúa đã báo trước để ta khỏi nản lòng: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,11-13). Và “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28).

Thêm nữa, xin anh lưu ý rằng đã đến lúc Chúa cho mọi anh chị em trong Hội thánh Ngài được diễm phúc chia sẻ cùng một số phận với Ngài. “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà” (Mt 10,24-25).

Khi hai tông đồ Phêrô và Gioan được thả ra khỏi tù, Kinh thánh viết gì, anh còn nhớ chứ? “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bản dịch Tin lành ghi là “hớn hở vì mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giêsu” và bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn ghi là “hân hoan… vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì Danh”, nhấn mạnh sự sỉ nhục. Vâng, chúng ta là ai để được coi là xứng đáng chịu nhục cách bất công như Chúa? Ông Phêrô biết thế cho nên khi người ta đã đóng đinh tay chân ông vào thập giá, ông đã năn nỉ họ đóng ngược đầu xuống đất vì ông không xứng đáng được giống như Thầy.

Quả là ý nghĩa khi sự việc xảy ra liền trước Mùa Chay, để một lần nữa chúng ta biết cố gắng thay đổi chính mình hầu an ủi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Có những chuyện nhỏ thôi nhưng rất công hiệu để đảo ngược cái nhìn của thiên hạ, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia để không làm gương xấu cho các bạn trẻ và những người yếu đuối. Cách duy nhất để phản biện lại sự bất công của dư luận là chân thành gặp gỡ mọi người để người ta được thuyết phục nhờ “trăm nghe không bằng một thấy”. Đức Thánh Cha Phanxicô đang hô hào một nền văn hóa gặp gỡ. Lời hô hào ấy trước hết được ngỏ với các tôi tớ Chúa trong Hội thánh để nhờ đó mà ta hóa giải được đủ thứ thành kiến lệch lạc về Hội thánh và người của Hội thánh. Chuyện này nào có gì khó, những ngày đầu năm, bất cứ gia đình nào cũng sẵn lòng đón tiếp chúng ta, thử hỏi mỗi chúng ta đã đến được với mấy gia đình lương dân? Để đón tiếp bà con lối xóm, chỉ cần bán hết bầy chó giữ nhà, chỉ cần đừng khóa cổng vào nhà xứ. Tiếc thay, nhiều người vẫn luôn đinh ninh rằng Đức Thánh Cha đang nói cho ai khác chứ không nói với bản thân họ.

Dù sao tôi cũng có một tin nho nhỏ để anh vui. Tôi đã có chút sáng kiến để đẩy mạnh chuyện gặp gỡ mà Đức Thánh Cha đang kêu gọi, là khuyến khích mỗi dòng họ trong các giáo xứ tổ chức thánh lễ cho bà con đồng tộc, mời cả người giáo và người lương cùng tham dự. Ngay ngày mai đây, mùng 8 Tết Giáp Ngọ 2014, khoảng mười giáo xứ tại giáo phận Qui Nhơn mình bắt đầu có thánh lễ như thế. Tôi tin rằng ít ra là bà con lương dân trên địa bàn giáo phận mình, nhờ những thánh lễ ấy, sẽ ngày càng có hình ảnh tốt về Chúa và những người của Chúa.

Xin cám ơn anh đã chia sẻ với tôi cả một tấm lòng cho Hội thánh. Xin anh cũng cầu nguyện cho tôi và cho tất cả anh em mình ngày xưa, nay là linh mục hay giáo dân, để mỗi người đều là một nguồn an ủi cho tất cả.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư