HOA QUẢ CỦA NIỀM VUI

THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM CỦA ĐỨC PHANXICÔ

 

Những gì được trình bày dưới đây là kết quả những suy tư xoay quanh EVANGELII GAUDIUM, tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô. Mặc dù hết sức chủ quan nhưng nói lên được thao thức của người viết muốn đồng hành với Giáo hội qua giáo huấn của các vị chủ chăn. Đồng thời, qua đó, muốn khai thác “mặt chìm” của bản văn để thấy được tâm huyết và linh đạo của vị Giáo Hoàng được cả thế giới đang mến mộ, hầu giúp bản thân sống tinh thần truyền giáo với tất cả niềm vui với tư cách là một đan sĩ.

NIỀM VUI GẶP GỠ

Không phải cuộc gặp gỡ nào cũng đem lại niềm vui thực sự. Thực tế cho thấy, có những cuộc gặp gỡ một lần mà gây thương tổn một đời; cũng có những cuộc gặp gỡ của những con người sống hưởng thụ, họ có thể sở hữu trên thân xác người khác như một món hàng được bày bán và lựa chọn… Những cuộc gặp gỡ đại loại như thế cũng có thể mang lại niềm vui nhưng niềm vui của sự trả thù hay niềm vui của sự chiếm hữu.

Vậy, đâu là niềm vui mà ĐTC muốn mời gọi chúng ta sống?

Một thuật ngữ được ngài nhắc đến trong các buổi nói chuyện là nền văn hóa gặp gỡ. Tại sao gọi là văn hóa? Văn hóa được hiểu là một cách sống được con người chọn lựa cách ý thức để sống và thể hiện trong đời sống cụ thể của một xã hội nào đó. Hiểu như thế, văn hóa gặp gỡ sẽ được hiểu là nét đẹp của những tương quan mà qua đó cả hai bên đều được thay đổi và biến đổi theo chiều hướng tích cực và nói như các nhà tâm lý là một cuộc gặp gỡ lành mạnh khả dĩ giúp họ lớn lên.

Mở đầu Tông huấn, ĐTC viết: “Niềm vui của tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh” (số 1). Như thế, ĐTC muốn đặt cuộc gặp gỡ cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu là trung tâm của mọi đời sống kitô hữu. Cuộc gặp gỡ mà nhờ đó niềm vui được sinh ra và đời sống được tái sinh đích thực. ĐTC nhắc lại một lần nữa: “Tôi mời gọi mọi kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hòan cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô… không có một lý do nào mà một người có thể nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho mình” (số 3).

Nếu như văn hóa gặp gỡ còn quan trọng và thiết yếu khi góp phần xây dựng con người như thế thì cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu lại còn hệ trọng biết mấy! Nó trở thành chóp đỉnh và điểm qui chiếu cho mọi cuộc gặp gỡ. Đúng thế, là chóp đỉnh khi cuộc gặp gỡ với Chúa là ưu tiên hàng đầu chi phối mọi hoạt động đời sống người kitô hữu. Nói cách khác, trước hết và trên hết, con người phải gặp gỡ Người như việc hệ trọng nhất trên đời. Ngoài ra, cuộc gặp gỡ này được coi là chóp đỉnh vì Chúa chính là đỉnh cao của bậc thang giá trị chi phối chọn lựa của con người. điểm qui chiếu khi Chúa ở giữa các mối tương quan ấy. Người phải là Đấng làm chứng và chúc lành cho cuộc gặp gỡ của họ. Như thế, chính khi con người đã gặp gỡ Chúa tự đáy lòng mình thì con người mới khả dĩ chân nhận những giá trị đích thực để từ đó mở ra các tương quan lành mạnh giúp lớn lên về mọi phương diện.

Một lưu ý khác hết sức thú vị khi ngài gọi người sống cuộc gặp gỡ này là thực hiện một cuộc mạo hiểm, như đã viết: “Chúa không làm cho những ai dám thực hiện cuộc mạo hiểm này phải thất vọng, và khi một người nào bước một bước nhỏ về phía Chúa Giêsu, người ấy nhận ra mình được Người chờ đợi với vòng tay rộng mở” (số 3). Chắc hẳn, mạo hiểm ở đây, không thể hiểu là một sự liều lĩnh lao mình và phó mình cho những gì không tưởng và vô vọng. Trái lại, nó là một sự ý thức cao độ khi quyết định ra khỏi sự an tòan bản thân mà dấn thân vào một thực tại lớn hơn mình. Cụ thể là vòng tay rộng mở của Chúa Giêsu. Nếu như tin là bước nhảy vọt trong hành trình đến với Chúa thì mạo hiểm phải là bước chuẩn bị và là "đức tính" không thể thiếu trong hành trình đức tin.

Tất nhiên, các tín hữu là những người đang lữ hành đức tin, ĐTC ý thức điều đó, khi nhìn nhận những yếu đuối và tội lỗi nơi con người đã là rào ngăn cản cuộc gặp gỡ thân tình với Đấng Tình Yêu. Ngài xác tín rằng: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ, chính chúng ta là những kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Ngài” (số 3). ĐTC rất nhạy cảm khi đề cao lòng thương xót Chúa trong một xã hội hiện nay. Nói theo nhận định của Đức Pio XII thì "con người mất dần cảm thức về tội lỗi".

Thật vậy, con người thời đại đi tìm các chuyên gia tư vấn tâm lý để cởi mở tâm hồn mà quên rằng trước hết phải gặp gỡ Chúa để được chúc lành và chữa lành vì Người là Lương Y Thần Linh đã dùng chính máu mình mà chuộc tội chúng ta. Chắc hẳn, các chuyên gia tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành nhân cách, nghĩa là họ giúp ta nhận ra đâu là chính, cái gì là phụ… để từ đó điều chỉnh hành vi bản thân nhưng Chúa mới là Chủ của tâm hồn và tác động đến ý chí khiến ta hành động một cách lành mạnh và đầy đức tin. Quả thật như lời đã chép: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người” (Pl 2,13).

Như thế, niềm vui này phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đấng là hiện thân của lòng thương xót, niềm vui của tội nhân được hưởng trọn ơn tha thứ, niềm vui của người con hoang đàng. Chính trong cảm nghiệm này mà ĐTC mời gọi mọi người truyền giáo: “Bởi vì khi một người đã nhận được tình yêu này, là điều đem lại cho họ ý nghĩa cuộc đời, thì làm sao người ấy có thể ngồi yên được mà không truyền thông nó cho người khác?” (số 8). Thật vậy, nếu chúng ta hỏi người con hoang đàng: Đâu là niềm vui của anh sau khi được tha thứ? Chắc hẳn, anh sẽ cao rao về tình thương và lòng thương xót của Cha.

Điều này hết sức quan trọng vì nó là động lực của việc truyền giáo. Bởi đó, ĐTC quảng diễn tiếp: “Điều tốt lành luôn có khuynh hướng lan truyền. Mỗi kinh nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện là tự nó tìm cách lan rộng, và mọi người trải qua một cuộc giải phóng sâu xa trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu của người khác. Khi người ta truyền thông nó, sự thiện bén rễ và phát triển” (số 9). Qua đó, ĐTC muốn khẩn thiết mời gọi mọi người truyền giáo với một tình yêu mới và nói như thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi…” (2 Cr 5,14)

(còn tiếp)

An Mai Đỗ. O.Cist.

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư