YÊU NƯỚC THEO ĐẠO LÝ MUÔN THỦA

 

Khi biển Đông sôi động do Trung Quốc có những hành động “bá quyền”, có thể nói rằng, chưa bao giờ rộ lên sự bàn luận về tinh thần yêu nước như hiện nay, kể từ ngày thống nhất đất nước. Thế nào là yêu nước và yêu nước phải như thế nào? Đó là những câu hỏi luôn được đề cập đến không những ở những cơ quan truyền thông, các trang mạng cá nhân và mạng xã hội (Facebook), mà còn được “khẩu đàm” trong mọi thành phần quần chúng, thậm chí cả phụ nữ cũng hứng thú tham gia.

Có lẽ đây là một giai đoạn lịch sử phức tạp đang chuyển biến mà khó ai có thể dự đoán được cái hệ kết của một kịch bản. Chuyện này nên để dành cho những nhà nghiên cứu chiến lược chính trị và quân sự thẩm định, đưa ra nhận xét. Còn trong phạm vi bài này, đứng dưới góc độ của một người dân bình thường, chúng ta thử xem xét, là công dân của một đất nước, mỗi người cần ý thức và thể hiện như thế nào mới là yêu nước thực sự.

NHỮNG LỆC LẠC VÀ LỐI SỐNG TIÊU CỰC VỀ YÊU NƯỚC

Có người nghĩ rằng đất nước dù có thăng trầm như thế nào cũng chẳng có gì liên quan và chẳng phải là công việc của tôi, mà là của những người lãnh đạo, nên tôi cứ việc “bình chân như vại”, cứ ung dung sống theo sở thích, đừng ai đụng đến nồi cơm manh áo của tôi là được. Cũng có người bàng quan cho rằng, hơi đâu “lo bò trắng răng”, có yêu nước cũng chẳng làm được gì, thôi thì muốn đến đâu thì đến, hay dở, xấu tốt, còn hay mất đều là số phận - ta lo cho ta là đủ. Không thiếu người cho tinh thần yêu nước là việc của chính trị, phải hành động chính trị, nên tránh xa những việc này bao nhiêu có thể, mới được yên thân, mới là khôn ngoan. Người theo đạo lại có thể còn nhầm lẫn, cho rằng, tôi lo giữ đạo, còn việc đời để đời lo, tôi chỉ biết việc thiêng liêng thôi chứ quan tâm đến việc xã hội, việc hưng thịnh của đất nước làm gì cho rối rắm, lỗi đạo, còn hại vào thân. Thậm chí có người quá khích, hung hăng hô hào đấu đá, kích động đủ điều, buông ra những lời hằn học, thù hận, giật dây, và thích thú khi thấy xã hội lâm vào cảnh xáo trộn. Họ cho như vậy mới là yêu nước.

Và còn có những ý niệm và lối sống tiêu cực khác về tinh thần yêu nước, như thiếu trách nhiệm trong công việc, bè phái, tham quyền cố vị, tranh giành, vinh thân phì gia, bớt xén, hối lộ và những tệ nạn khác. Tất cả đều nghịch với tinh thần yêu nước, mang lại nhiều sự hỗn loạn cho xã hội.

Ở đây không phải để tìm ra một định nghĩa về yêu nước, nhưng để nhìn nhận lại cái bản chất của tinh thần yêu nước, là nó mang tính thiêng liêng, nhưng rất cụ thể. Đây không phải là một chủ nghĩa yêu nước, mà là một thứ tình cảm cao đẹp đã được phú bẩm nơi con người như một tiếng nói trong lương tâm. Nó được nuôi dưỡng và dẫn dắt hết sức tự nhiên, như ai cũng yêu gia đình, yêu quê hương, yêu giống nòi, yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống của mình, nơi đó đã hun đúc hình thành một nhân cách, thể hiện qua tình cảm, nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người. Bởi vậy nó trở thành một nghĩa vụ vô vị lợi, bất kể là ai, chứ không phải vì quyền lợi hay do sự áp đặt nào cả như có người nhầm tưởng. Nếu lấy quyền lợi làm nền tảng cho tinh thần yêu nước thì sẽ sinh ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp nhau, rồi so sánh và đo lường hơn kém, được thua, dựa trên quyền lợi. Bởi vậy người xưa nói hoàn toàn hữu lý: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Đạo lý thiêng liêng này do thói xấu của con người làm cho nó lệch lạc hoặc bị biến chất, nguyên nhân chính vẫn là thiếu giáo dục, từ bản thân đến gia đình và xã hội. Trách nhiệm này thuộc về ai ? Có lẽ mỗi người cần phải “vắt tay lên trán” mà suy xét, từ nông dân, công nhân viên chức, đến những người tham gia hoạt động xã hội khác, đặc biệt là những vị có trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia.

Tinh thần yêu nước rất thiêng liêng, nằm trên những cảm tính của con người, vượt khỏi những cảm xúc nhất thời mau qua. Chính vì vậy mới cần dựa vào những đạo lý nền tảng bất biến để nhận ra cái bản chất thực sự của nó, để tích cực vun trồng cho cái tinh thần này nơi mỗi người, đồng thời loại trừ những trở ngại, những lệch lạc, những sai lầm, những lối sống nghịch với tinh thần yêu nước.  

YÊU NƯỚC THEO TINH THẦN NHÀ ĐẠO

Tinh thần yêu nước là một đạo lý tự nhiên nên đạo học và các tôn giáo không nhất thiết phải trực tiếp định nghĩa hay đưa ra một giáo điều nào để giáo dục như một hệ luân lý.

* Nho giáo

Khổng giáo không còn hình thức phổ biến hiện nay, nhưng trong tinh thần đạo lý, nó vẫn chan chảy một cách vô hình trong dòng máu người Việt Nam qua ngôn ngữ, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục tập quán và những chuẩn mực đạo đức văn hóa xã hội.

Khổng Tử nói về chính trị thì phải Chính Danh, "Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành."(không xứng đáng, mua chuộc, bè phái…), chủ trương lấy Đức mà trị dân, coi dân như con đẻ, từ vua quan đến người dân phải lấy việc tu thân làm gốc: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản”.  Còn muốn tham gia giúp đời thì phải biết trau dồi mà đi từng bước một, từ nhỏ tới lớn, từ trong ra ngoài (Sách Đại Học): “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (nhìn thấu sự vật, biết tới nơi chốn, ý cho thành, tâm ngay chính, sửa mình cho tốt, chỉnh đốn gia đạo, trị yên nước, làm cho nước được an bình) . Cũng như Mạnh Tử nói: “ Gốc của thiên hạ là nước; gốc của nước là nhà; gốc của nhà là cá nhân” (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân – nên phải tu thân).

 Bởi vậy nếu những người có trách nhiệm trước xã hội, trước lịch sử mà thấm nhuần tinh thần này, coi việc phục vụ đất nước là một trách nhiệm thiêng liêng chứ không phải vì quyền lợi, thì hẳn là xã hội sẽ ổn định, trật tự và phát triển, họ sẽ trở thành con người khiêm nhu, rất được tín nhiệm và là người yêu nước lý tưởng.

* Phật giáo

Phật gia không đề cập đến yêu nước, nhưng còn hơn thế nữa, đưa mục tiêu “diệt khổ” làm chủ đạo, tu tập để loại khỏi mọi Tham-Sân-Si là nguyên nhân của mọi đau khổ, lấy chúng sinh làm đối tượng để hoằng pháp, cứu nhân độ thế, mang sự bình an và hạnh phúc đến cho mọi người.

Những tổ chức từ thiện, những thiện nguyện viên đã có nhiều thành tựu đáng kể, tạo nên những hình ảnh đẹp trong xã hội, hướng đến những những người nghèo khắp nơi. Còn gì đẹp hơn những thiện nguyện viên thăm hỏi người bệnh, xe cơm, cháo từ thiện trong bệnh viện, ngoài đường phố. Hình ảnh nào bằng những tấm gương của những thiện nguyện viên đến với những người khốn khó tại vùng xa xôi khắp nơi… Tinh thần yêu nước, yêu đồng bào là thế.  Còn như trong lịch sử, từ  thế kỷ X đến  thế kỷ XIV, đạo Phật phát  triển mạnh mẽ, trở  thành quốc giáo. Trong dân gian đến quá nửa là sư sãi, các vua Lý đều là những người sùng đạo Phật, chính vì thế đạo Phật ngày càng ăn sâu, bén rễ vào mọi mặt của đời sống xã hội, phạm vi ảnh hưởng của nó ngày càng sâu rộng, trong đó có chính trị. Do ảnh hưởng của đạo Phật, luật pháp triều Lý chứa đựng những nhân tố rất tiến bộ, trong đó nổi bật là tinh thần nhân ái, khoan dung đối với nhân dân, bảo vệ, chăm lo tới cuộc sống của dân. “Yêu dân như con” là đạo trị nước của triều Lý. Việc “kinh bang tế thế” mà lấy Đạo (chứa đựng nhân bản) làm nền thì còn gì bằng.

* Công giáo

         Còn Thiên Chúa Giáo thì theo con đường của Đức Giêsu đã dạy, lấy yêu thương làm nền tảng, không có một lằn ranh nào để phân biệt đẳng cấp, thành phần trong xã hội, mà hướng tới mọi đối tượng để đưa tình yêu đến với mọi người, đặc biệt là người cùng khổ, mang lại sự an lành và hạnh phúc đến cho con người. Khi Đức Giêsu còn sống, Ngài tôn trọng cả quyền luật pháp của Rôma: "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa" (Mt. 22, 21). Cũng như Đức Giêsu nói với Philatô: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn." (Ga 18, 11). Đó còn là sự vâng phục của thánh Giuse khi vâng lệnh hoàng đế César Auguste: về Bêlem để tiến hành kiểm tra dân số.

Còn trong luân lý Kitô giáo dạy mọi tín hữu phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với tha nhân và xã hội. Thể hiện bằng lối sống hoàn thiện bản thân, chu toàn trách nhiệm gia đình, tôn trọng sự sống, bổn phận vun đắp Giáo hội trần gian, gìn giữ và xây dựng xã hội con người, tuân thủ luật công bằng, tôn trọng và tuân phục mọi quyền bính chính đáng, hợp pháp của trần thế. Người giữ đạo Công Giáo chân chính rất nghiêm túc thi hành luật công bằng, họ tin rằng, nếu lỗi luật, sẽ phải đền trả cả đời này và đời sau. Do đó, nếu được phép nắm vai trò lãnh đạo, họ sẽ chu toàn trách nhiệm thật nghiêm minh. Ngay người giáo dân bình thường, họ cũng ý thức rất rõ về vấn đề này đối với gia đình và xã hội. Nên chẳng lạ gì nếu làm một cuộc điều tra xã hội, sẽ thấy rằng vấn đề tệ đoan xã hội, phá thai, gia đình đổ vỡ, ly dị, người Công Giáo chiếm tỉ lệ thấp nhất, nhưng mặt bằng về giáo dục lại cao nhất.

Theo tinh thần đó, Đại hội HĐGMVN lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2001 – 2004), ra Thư Chung, nêu lên tinh thần trách nhiệm của giáo hội đối với sự phát triển của đất nước: "Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, “hầu cho mọi người đựơc sống và sống dồi dào” (M, 8). Còn gì hay hơn nữa. Từ đó, người Công giáo đã đóng góp rất nhiều cho đất nước trên mọi lãnh vực, trong những công việc từ thiện, xóa đói giảm nghèo, làm sạch nguồn nước, lớp học và nhà tình thương, quỹ tương trợ thiên tai, mở mang giáo dục, bệnh viện, truyền thông… Tình yêu Chúa và yêu nước này đã đã được hiện thực hóa bằng những hình ảnh cụ thể qua đời sống và việc làm thật rõ nét.

YÊU NƯỚC THEO TINH THẦN NHÂN BẢN

Ai cũng biết đạo lý ở đời cần phải có: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH. Đây là đạo lý tổng quát, có từ ngàn xưa, được nhắc đến trong nhiều học thuyết về luân lý xưa nay, được đề cập trong những sách về nhân bản ngày nay, chứ không phải của một cá nhân nào. Đạo lý này là những đức tính nhân bản, cần thiết cho bất cứ ai, đặc biệt cho những người tham gia hoạt động xã hội, nhờ nó mà họ chu toàn được trách nhiệm theo chức năng của mình.

 Đức tính CẦN là cần mẫn hoặc chuyên cần, là người siêng năng, ham làm việc và làm kỹ lưỡng đến nơi đến chốn. Nếu không có đức tính tính CẦN thì người làm việc sẽ tùy tiện, bê bối trong mọi công việc, bớt xén thời giờ và việc làm. Người đó thích ở không, ngại nhận việc, sợ khó nhọc, sợ trách nhiệm. Họ ơ hờ, trễ nải, lừng khừng, không tha thiết công việc. Nếu làm thì làm cẩu thả, lấy có lấy rồi, bỏ dở công việc. Ngược lại, người siêng năng thì ham thích làm việc, không ngại mệt nhọc để chu toàn công việc đã được giao phó. Họ vui vẻ, mau mắn thi hành nhiệm vụ, thiết tha với công tác. Khi thi hành thì làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng, làm việc đến nơi đến chốn. Người lãnh đạo mà có đức CẦN thì sẽ thi hành được như câu nói: phục vụ công ích, phục vụ nhân dân.

Đức tính KIỆM là việc hạn chế đúng mức, chi tiêu đúng mức, không hoang phí, không xa hoa trong việc sử dụng tiền của, sức khỏe và thời giờ. Người có đức tính KIỆM thì không làm ít hưởng nhiều, tiêu xài quá độ, trái quy định. Họ biết dùng đồng tiền cách phải lẽ, không bủn xỉn nhưng biết lo toan nhu cầu cần thiết. Biết giữ gìn của chung về nhà cửa, đồ dùng, tiết kiệm vật liệu, tiết kiệm điện nước cho cơ quan, công sở, như nhà trường, lớp học, sách vở thư viện… Họ biết giữ gìn sức khỏe cho mình và người khác. Họ biết tiết kiệm thời giờ bằng cách làm việc đúng giờ, “giờ nào việc ấy, việc nào giờ ấy”, không lãng phí thời giờ bằng cách câu giờ, ham mê trò giải trí quên nhiệm vụ …. Họ luôn đúng hẹn, biết giữ chữ ‘Tín’, nghĩa là khi hẹn ước với ai về thời gian và công việc nào, thì có nghĩa vụ thi hành cho đúng hẹn. Họ không lãng phí sức lao động vì kém óc tổ chức, sắp xếp vụng về…

Đức tính LIÊM là sự thanh liêm, nghĩa là trong sạch, ngay thẳng, không tham lam, nói về cả tinh thần lẫn thể chất. Người thanh liêm là ngưòi trong sạch, liêm khiết, không hối lộ của dân, không ăn gian của công, trái lại, “tâm bất cầu lợi”, luôn tôn trọng và gìn giữ của công và của người khác.Thanh liêm là một đức tính rất cần thiết cho những người có trách nhiệm cầm đầu trong xã hội. Thanh liêm là một đức tính cao quí, nó là vàng ròng để rèn luyện tâm hồn cho những vị thủ lãnh chân chính. Không thanh liêm thì chỉ có hối lộ, lo lót, chạy chọt, đút nhét hoặc nhận tiền của một cách kín đáo giữa kẻ có quyền và người cậy nhờ, cầu mong được che chở hoặc ban ân huệ bất chính..., cũng như người có quyền thì ăn chận, ăn cắp của công. Người thanh liêm còn còn phải trong sạch về tinh thần, nghĩa là sống mẫu mực, không vướng mắc những thói hư tật xấu từ bản thân hoặc thói xấu của xã hội, như chạy đua theo những thói ăn chơi, những phong trào phù phiếm thời thượng…, nhờ đó khi làm việc sẽ được người khác tín nhiệm, tin tưởng.

CHÍNH là chính trực, là công bằng, tuân phục. Chính trực là không tư vị, không để cảm tính lấn áp, không hứa hẹn điều gì mà mình không làm được, biết thành thật nhận lỗi lầm của mình và không tìm tìm cách đổ lỗi cho người khác. Người chính trực là người không tự dối lòng mình, không dối gạt người khác. Nói chung, chính trực là sự nghiêm túc, không thiên vị, tín trung, thành thật. Đức chính trực là đức tính cần thiết của người lãnh đạo để quản trị và chỉ đạo mới được nghiêm minh. Người không chính trực thì luôn giả hình (nói một đàng làm một nẻo), dối trá, lừa đảo, mưu mô, xảo quyệt, gian dối, nịnh bợ, hống hách... Loại này rất nguy hại cho xã hội, nếu để họ giữ chức vụ quan trong. Chính trực thì luôn giữ luật công bằng giao hoán đối với từng phần tử của xã hội, trả cho người khác những gì kẻ ấy có quyền đòi hỏi; công bằng pháp lý đối với chính cộng đồng xã hội, khiến mọi cá nhân hoạt động theo những đòi hỏi của lợi ích chung; công bằng phân phối của xã hội đối với mỗi phần tử của cộng đồng, thúc đẩy xã hội phân chia nhiệm vụ cũng như quyền lợi giữa những phần tử của cộng đồng một cách chính đáng. Người không chính trực thì luôn có tư tưởng bất chính, tham ô, lãng phí, lạm dụng của công, luôn bớt xén, thu giữ của người trái phép. Người chính trực còn phải luôn biết tôn trọng những giá trị truyền thống xã hội, tuân thủ luật pháp, lề luật xã hội cũng như những quy định chính đáng của các tổ chức tôn giáo và xã hội.

KẾT

 Một học thuyết hay thể chế chính trị mà không nhắm đến mưu cầu hạnh phúc cho con người thì kể như nó không có giá trị gì cả. Đó là lý thuyết cơ bản nhất cho mọi nguyên tắc tổ chức và hoạt động xã hội con người. Điều này để dành cho những nhà nghiên cứu về các học thuyết bình luận. Ở đây chỉ đúc kết về mặt thực tiễn, là yếu tố con người, trong tinh thần yêu nước, để giúp ích, góp phần vào việc xây dựng, ổn định, bảo vệ và phát triển đất nước, trong trách nhiệm của mỗi công dân.

Người thích giữ những truyền thống trong văn hóa xã hội, qua phong tục tâp quán của cha ông để lại, động nhà động thổ đều cúng vái, đủ thứ thần trong nhà, nhưng khi ra lãnh trách nhiệm với xã hội chỉ biết đến quyền lợi bản thân, bon chen để “vinh thân phì gia”, lo lót chiếm địa vị không xứng đáng, luôn củng cố và loại trừ kẻ khác, sợ người khác hơn mình, bất cần nhân tài, thất tình (hỉ nộ, ái, ố, ai, cụ, dục) thì có đủ. Người này chắc hẳn chẳng phải là người yêu nước.

         Một phật tử thường ăn chay tại các cửa hàng nổi tiếng, nhưng chỉ biết đến bản thân mình, Sân-Hận nổi lên như sóng triều, “lục tặc” dẫn dắt trong đời sống, ham hưởng thụ. Khi làm việc xã hội thì vơ vét, kèn cựa không nhường nhịn ai, coi thường kẻ kém thế…Người này làm sao có tinh thần đạo và yêu nước được.

         Một tín hữu công giáo lo giữ đạo theo luật, nói rằng yêu Chúa hết mình, nhưng đời sống đầy tham lam ích kỷ, đố kỵ ghét ghen, khép lòng lại với tha nhân, nuôi hận thù, thiếu trách nhiệm trong bổn phận… Khi tham gia công việc xã hội thì sua nịnh, đua đòi, bè phái… Người này chẳng ai tin được họ yêu Chúa cũng như yêu nước thực sự.

         Người chẳng tin hoặc chẳng theo tôn giáo nào cả, nhưng đạo Nhân Bản họ bất cần, làm việc thì chỉ nhắm đến chức danh, quyền lợi, sống vương giả, tài sản kếch sù nhờ của cải bất chính, tổ chức những cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng để chiêu đãi, mánh khóe thủ đoạn trong chức vụ và công việc, đạo đức giả với mọi người, nịnh trên nạt dưới, không biết đến người nghèo khổ, thất nghiệp…. Người này nói họ yêu nước thì ai tin được.

Một câu nói rất thiết thực mà ai cũng nhận ra, đó là: “ Bạn có thể lường gạt mọi người trong một thời gian và lường gạt vài người luôn mãi, song bạn không thể gạt luôn mãi hết mọi người” (A.Lincoln). Điều này quá hiển nhiên giữa thực tế hiện nay, trước xã hội, đối với mọi người.  Mạnh tử đã đề ra một nguyên tắc cho những người tham gia hoạt động xã hội, chính trị : “Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; Uy vũ bất năng khuất”.

Phải chăng tinh thần yêu nước hôm nay đang bị biến chất ? Chỉ còn hiện tượng yêu nước cưỡng bức, yêu nước ảo ?

Phải chăng danh lợi phù phiếm đã bịt tai bịt mắt trước đạo lý và tiếng nói thiêng liêng xuất phát từ lương tâm con người ?

Hàn Cư Sĩ

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư