CHỨC TƯ TẾ DO PHÉP RỬA

Khổng Nhuận

 

Bài tin mừng Chúa nhật thứ Hai mùa chay vừa đi qua, nhưng ý nghĩa vẫn còn mãi mãi thâm sâu

Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem.22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái.23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật(Ga 4:21-23)

Thờ phượng trong Thần Khí và sự thật là một điều rất khó hiểu đối với đa số giáo dân vì Thần Khí và chân lý vừa vô hình vừa mang vẻ cao siêu huyền bí.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể tìm hiểu việc thờ phượng với thiên chức tư tế do Phép Rửa.

Qua bài “Giáo dân thời giáo hội sơ khai:những viên gạch xây dựng một nền thần học giáo dân”, Lm Phan Đình Cho đã bàn về chức tư tế do phép rửa do Phép Rửa khá lý thú và đưa ra những kết luận tích cực sau đây:

Mọi Kitô hữu được trở thành tư tế do phép rửa và vì thế họ (giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều bình đẳng với nhau do được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, là phẩm giá cao nhất của mọi Kitô hữu. Không có một chức tư tế nào khác trong giáo hội cao trọng hơn chức tư tế này.

 Theo lược đồ này thì Giáo hội gồm thành phần đại đa số Giáo dân và một phần thiểu số gồm linh mục, giám mục, giáo hoàng, mà mỗi thành phần đều mang một sứ vụ chuyên biệt - tuỳ hoàn cảnh, nhưng tất cả các sứ vụ đó đều nhắm vào lợi ích cho toàn giáo hội. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung..(1Cr 12:4-7)

Vậy giáo dân mang những sứ vụ nào? Có nhiều, nhưng trong khuôn khổ bài này chúng ta cùng nhau bàn về sứ vụ tư tế do phép rửa.

Tế tự hình thức: Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha,

                              không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem

Nếu chỉ hiểu theo nghĩa tế tự bên ngoài thì vô phương. Ngay cả những người trưởng thành cũng dễ lâm vào cảnh bị động vì chủ tế hầu như bao sân tới 80%. Giáo dân chỉ đáp vài câu, hát vài bài, nhiều nơi ở Viêtnam khoán trắng cho ca đoàn. Cuối cùng thì giáo dân cũng chỉ chủ yếu là xem lễ và nghe hát. Còn chức tư tế dường như cũng chỉ để lộng kiếng (liệng cống!)mà thôi! Hơn nữa, nếu chỉ hiểu theo nghĩa tế tự thì thời gian dành cho sứ vụ này quá ít - nhiếu lắm là 2 tiếng đồng hồ một tuần - khi tham dự lễ ngày Chúa nhật. Tính theo tỷ lệ 2/ 168 giờ

Tế tự tâm linh: Những người thờ phượng đích thực

                           sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật

Như vậy tư tế phải được hiểu theo nghĩa tâm linh.

  1. Nói tới tư tế chúng ta thường hiểu là dâng hiến,

"Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."(Cr 11:24)

Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta bằng cách hiến dâng chính mình trên đồi Can-vê, vậy chúng ta cũng cần phải nghe theo thánh Phaolô

Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.14 Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.(Rm 6:13-14)

Thế nào là hiến toàn thân cho Thiên Chúa? Trước kia chúng tôi đã từng nghe các cha dạy rằng: Sáng sớm dâng cả ngày cho Chúa thì cả ngày hôm đó coi như đã được thánh hoá. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng không phải như vậy. Sống với Chúa phút nào thì mới được phút ấy. Chính vì vậy chúng ta mới nhắc nhở nhau: trong mỗi ngày, nên dành nhiều giây phút Thức Tỉnh để ý thức chúng ta chỉ là khí cụ còn Chúa mới chính là người đang thực hiện và làm chủ công việc của mình qua bàn tay, môi miệng của mình..Càng nhiều lần càng tốt – đây cũng chính là hiến dâng thân mình - thực hiện vai trò tư tế của mình một cách sống động nhất, thánh thiện nhất, đẹp lòng Chúa nhất.

  1. Thêm vào đó, thực thi ý Chúa cũng là một cách thực hiện chức vụ tư tế một cách sâu xa và đích thực .

Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, (Dt 10:5-7)

Ý Chúa là một vấn đề gay go, tế nhị, và dễ bị người ta sử dụng để sai bảo, cai trị cấp thừa hành với chiêu bài: Ý huynh trưởng là ý Chúa. giữa những ý kiến khác nhau thì ý của huynh trưởng nào cao nhất trong đám sẽ mặc nhiên coi là ý Chúa. Tai hại hơn nữa, người ra thường dùng ý của huynh trưởng là ý Chúa để khủng bố tinh thần anh em với lý luận: Ở trên giao công tác mà không nhận thì làm việc cho Satan. Còn cấp dưới mà có ý kiến khác, hay dù có sáng kiến hữu ích nâng đỡ cộng đoàn nhưng không hợp ý huynh trưởng cấp cao thì lập tức bị chụp mũ là không vâng phục, làm rối loạn trật tự cộng đoàn, khiến anh em hoang mang không biết nghe ai!!

Thực ra, theo ánh mắt tâm linh, có một tiêu chuẩn khá rõ: khi làm bất cứ việc gì nếu chúng ta làm với ý thức giống như Đức Giêsu: Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.(Ga 14:10) thì chắc chắn những giây phút đó chúng ta đang thực thi ý Chúa. Tôi xin phép được nhắc lại chỉ những giây phút ý thức Chúa thực sự sống trong ta mới có giá trị, bởi vì có khi chỉ 3 phút sau, hàng chục tiếng nói thế gian, tiếng nói xác thịt chen vào hoặc chúng ta lại tiếp tục làm việc như cái máy thì đừng kể đó là ý Chúa nhé! Tế nhị hơn nữa là rất nhiều trường hợp rõ ràng khởi đấu là ý Chúa nhưng rồi ý tôi nhè nhẹ xen vào, nhưng vì được khoác một áo choàng thánh thiện, nên bên ngoài rõ ràng là chúng ta đang thực thi ý Chúa nhưng ẩn nấp tận đáy lòng - nơi âm u khó phát hiện nhất – cái tôi đang thúc đẩy và giật giây toàn bộ. Thí dụ như tôi muốn loại một tay hay có sáng kiến – tuy có phần tích cực, nhưng dễ làm tôi lu mờ trước những ý kiến độc đáo đó. Thế là tôi mượn bức bình phong “duy trì sự ổn định cộng đoàn” tìm cách loại hắn ta bắng cách thăng chức cho ngồi chơi xơi nước. Cuối cùng hắn nản quá, rời bỏ cộng đoàn. Với tư cách là một người canh cửa, tôi đã loại được một tên làm mất sự ổn định ù lỳ của cộng đoàn; Với tư cách một lính cứu hoả, tôi đã dập tắt những sáng kiến làm mất sự bình lặng của cộng đoàn. Nhưng bề ngoài tôi vẫn an tâm và tự hào là một người làm tròn trách nhiệm một huynh trưỏng cao cấp theo đúng ý Chúa. Hậu quả là hiện nay tôi một mình phải quán xuyết mọi chuyện trong cả cộng đoàn lên tới hàng ngàn thành viên, tôi phải loay hoay giải quyết hết sức lúng túng vấn đề nhiều người rời bỏ cộng đoàn, một vài nơi ra hàng loạt..Rõ ràng khởi đầu là tôi hiến dâng cả đời mình cho Chúa, để thực thi ý Chúa nhưng quá trình thực hiện thì ý của cái tôi xen vào lúc nào không hay.

  1. Thánh Phaolô còn đưa ra cách thực hiện tế tự khác - đó là Loan Báo Tin Mừng:

Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi16 làm người phục vụ Đức Giê-su Ki-tô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa. (Rm 15:16)

Như vậy chúng ta loan báo Tin Mừng cũng là một hình thức thực hiện nhiệm vụ tư tế của một người Kitô hữu.

Thời gian tế tự : Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây-

Và đây cũng là một khám phá thú vị với cụm từ  Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- ngay lúc này, dù đang ngồi trước máy computer, chúng ta vẫn có thể thực hiện được chức năng tư tế của mình khi chúng ta trầm mình xuống một vài giây để nghe sức sống của Thần Khí Thiên Chúa đang phát nguồn từ con tim tâm hồn, lan tỏa khắp châu thân và thấm vào tận những tế bào nhỏ bé nhất. Đây là thời gian tế tự ngọt ngào bằng những giây phút thực sự sống hiệp nhất với Chúa.

 

Tóm lại, chức vụ tư tế của giáo dân không chỉ là tế tự bên ngoài – đi lễ, đọc kinh, lần hạt, viếng Thánh Thể, mà còn hiến cả đời mình làm khí cụ cho Thiên Chúa hoạt động qua sinh hoạt đời thường của mình. Đây cũng là cách thực thi ý Chúa một cách tuyệt hảo. Kết quả tất nhiên là ta hưởng được niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần. Từ niềm vui đó, chúng ta náo nức muốn chia sẻ cho người khác Tin Mừng đang nở hoa trong lòng mình - đây cũng là cách tế tự sinh động nhất.

Nhân dịp mùa chay này, chúng ta cùng nhau nhìn lại Thiên Chức Tư Tế của người Kitô hữu để chúng ta có thể “ thi hành vuông tròn mau mắn..” như gương anh cả Giêsu đã thực hiện trong đời sống trên dương thế của Ngài.

 

 

 

 

 

 


Mục Lục Theo Ánh Mắt Tâm Linh