MỤC TỬ NHÂN LÀNH: NGƯỜI LÀ AI?

Khổng Nhuận

Nói tới mục tử, người ta thường nghĩ ngay tới Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, mẫu mực rồi tới hàng giáo phẩm, hàng linh mục, tu sĩ là những vị  đóng vai trò lãnh đạo giáo dân. Trong bài này, chúng tôi xin chia sẻ về người mục tử trong hàng ngũ giáo dân.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu đặc điểm của vị mục tử nhân lành rồi từ đó xác định xem ai có thể đóng vai trò người mục tử theo đúng ý Chúa.

 

v   đặc điểm căn bản của vị Mục tử nhân lành

vị mục tử nhân lành có nhiều đặc điểm rất đáng quý. trong bài chia sẻ này chúng ta chỉ cần khai thác 2 đặc điểm căn bản: : Biết chiên Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha (Ga 10:14-15)  và giúp chiên được sống dồi  dào Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.(Ga 10:10)

đặc điểm thứ nhất của mục tử nhân lành là Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha Chúa Cha biết tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và biết rất rõ. Nhưng còn tôi thì sao? Tôi đã biết Chúa Cha chưa? vì cái biết này không do bởi kiến thức mà lại do cảm nhận 

tôi biết Chúa Cha có nhiều cấp độ: Đầu tiên là biết danh hiệu Chúa Cha. đây là danh hiệu chúng ta nghe từ bé, và chúng ta đã bặp bẹ làm dấu nhân danh Cha… mỗi ngày vài lần. Lớn lên, nhờ học giáo lý, chúng ta biết Chúa Cha là Đấng tạo thành trời đất với các đặc tính siêu phàm: quyền phép vô cùng, thông minh vô cùng, yêu thương vô cùng, công bằng vô cùng, thánh thiện vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi… Nói tới Chúa Cha, chúng ta dễ tưởng tượng ra một ông râu dài đạo mạo với vòng ánh sáng trên đầu. Biết về Chúa như thế này thì mới ở trình độ sơ cấp. Còn ở trình độ đại học chúng ta sẽ có dịp phân tích, mổ xẻ từng thuộc tính trên một cách rất bài bản, khoa học và cực kỳ chi tiết mong sự hiểu biết về Chúa rõ hơn. Nhưng cái biết này cũng chỉ là biết bằng lý trí, lý thuyết. Chỉ khi nào, cảm nhận được sự hiện diện thực sự trong tâm mình với một sự xác tín sâu xa không những bằng lý trí mà còn cả bằng tâm nữa thì lúc đó chúng ta mới đạt tới sự hiểu biết đích thực. Đây là yếu tố nền tảng của mọi nền tảng  tức là đã cảm nghiệm được hương vị ngọt ngào của việc kết hợp nên một với Chúa. Từ đó chúng ta mới mang cặp mắt Thần Khí để Biết chiên của mình .

Đặc điểm thứ hai  của mục tử nhân lành là giúp chiên được sống dồi dào. Đây cũng chính là mục tiêu thiết thực của một vị mục tử công chính. Một khi mình đã cảm nghiệm được cuộc sống dồi dào tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và bình an. Chúng ta vừa có kinh nghiệm cá nhân vừa có Thần Khí khôn ngoan của Thiên Chúa thì việc giúp chiên được sống dồi dào sẽ dễ trở thành hiện thực hơn. Tất nhiên là không thể đòi hỏi phải trọn hảo ngay từ khi đóng vai trò làm mục tử, nhưng cảm nhận tới đâu, chúng ta chia sẻ tới đó. Rồi với thời gian, người mục tử ngày càng trưởng thành hơn.

Đặc điểm phụ thêm

Ngoài ra, mục tử còn cần phải biết một chút tâm lý để tùy đối tượng mà dẫn dắt mỗi người khác nhau một chút, chứ không áp dụng ai cũng như ai.

Thêm vào đó, mục tử còn cần phải biết thêm một chút căn bản về tổ chức, quản trị để các thành viên không những tâm phục mà còn khẩu phục nữa. Lý tưởng quá phải không ạ? Quả thực là khá lý tưởng, nhưng vẫn có thể thực hiện được, vì có rất nhiều anh em có tài ở trong cộng đoàn. Nếu ta khiêm tốn tham vấn ý kiến anh em, nhờ họ góp ý, thậm chí nhờ họ giúp một tay trong lãnh vực sở trường của họ. Trường hợp ta là huynh trưởng cấp cao, nếu ta tận dụng những nhân tài bằng cách đề cử họ vào những vai trò mà họ dễ dàng phát huy tối đa khả năng của họ thì lúc đó rất nhiều người trong cộng đoàn sẽ được nâng đỡ về nhiều lãnh vực. Toàn thể các thành viên sẽ sống thật dồi dào không những về tâm linh mà còn về tâm lý, kinh tế, xã hội…nữa.

v   Mục tử nhân lành: Người là ai?

Vậy ai là mục tử đây? Xin thưa: Tất cả những ai sống theo gương mẫu Đức Kitô. Nói khác, bất cứ ai hội đủ 2 đặc điểm căn bản trên, hoặc nuôi ý chí quyết tâm đạt được trong thời gian ngắn nhất. Như thế bất cứ thành viên nào trong Giáo Hội đều có thể trở thành mục tử chứ không chỉ dành riêng cho linh mục, tu sĩ. Thí dụ:

Người bố trong gia đình: Trước hết tôi phải học biết về Chúa, tự nâng cao đời sống tâm linh của chính mình qua những trao đổi, chia sẻ với anh em. Thêm vào đó, tôi cũng phải đọc một ít sách về tâm lý trẻ em, người lớn. Với hành trang tối thiểu đó, tôi chăm sóc con cái và chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh cũng như cuộc sống trần gian cho con cái với mục đích giúp chúng trở nên người trưởng thành trong xã hội cũng như trong đời sống Kitô hữu đích thực.

Huynh trưởng trong một nhóm, Ngoài việc đóng vai trò ông bố trong gia đình, tôi còn phải đóng vai trò anh cả trong nhóm của tôi. Trong những buổi họp hàng tuần, tôi chia sẻ chân tình những gì tôi cảm nhận về Chúa, nhờ đó họ rút kinh nghiệm và có thể tự lớn lên trong Thần Khí. Ngoài ra tôi còn lên kế hoạch thăm viếng mỗi thành viên mỗi tháng một lần để hiểu rõ hoàn cảnh từng người. Từ đó tôi dễ thông cảm và tìm cách giúp họ sống dồi dào hơn cả phần tâm linh lẫn vật chất.

Huynh trưởng cấp cao của một cộng đoàn lên tới hàng nghìn người tất nhiên người ta đòi hỏi mình phải nhỉnh hơn một chút. Tôi phải nâng cấp trình độ tâm linh của tôi cao hơn nữa, sâu hơn nữa. Ngoài công việc của một nhóm trưởng, tôi thăm viếng, chăm sóc, chia sẻ, nâng đỡ những huynh trưởng thành viên của mình trở thành những mục tử sống mạnh mẽ trong Thần Khí và giỏi năng lực lãnh đạo theo tình thần phục vụ của người tôi tớ thực sự chứ không giả vờ.

Chúng ta thấy đó, nếu mỗi người giáo dân ý thức vai trò mục tử của mình theo mẫu mực của mục tử Giêsu nhân lành và nâng cao trình độ tay nghề của mình thì chắc chắn con cháu chúng ta, những thành viên trong cộng đoàn chúng ta sẽ được sống và sống dồi dào trong bình an hạnh phúc đích thực.

Như vậy chúng ta đang thực hiện vai trò mục tử theo đúng ý Chúa nhất. Vì dưới sự chăn dắt của chúng ta, các chiên (con cháu, thành viên) của chúng ta lớn lên trong Chúa ngày một vững mạnh hơn, để rồi chính họ cũng trở thành những mục tử sống động cho các thành viên mới. Có như thế Mục tử nhân lành Giêsu mới gật gù mỉm cười khi thấy đàn em mình quả thật là giống mình trong việc coi sóc đàn chiên Chúa Cha trao phó.

28-5-2005


Mục Lục Theo Ánh Mắt Tâm Linh