NGƯỜI KITÔ HỮU

Theo ánh mắt tâm linh

Khổng Nhuận

Con người chúng ta gồm có 2 phần: thân xác và tâm hồn. Hay con người trần thế và con người tâm linh.

I.  Con người trần thế

Theo cái nhìn nhân loại, tôi là một con ngườithân xác, trí tuệ, con tim.

1.     Con người Thân xác

Con người mang xác phàm đã được sinh ra trong thời gian, theo tháng ngày lớn nhanh như thổi. Rồi từ từ yếu dần và chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ bị huỷ hoại trong lòng đất hoặc thành tro bụi trong lò thiêu.

2.     Con người trí tuệ

Biểu hiện đậm nét nhất nơi con người trí tuệ đó là quay quắt vì những tham vọng khôn nguôi.  Tham vọng đủ thứ: quyền lực, tiền bạc, của cải, tình dục, danh vọng, thành công… Trong những cơn lốc này, con người như chiếc lá vàng cuối mùa bị cuốn hút vào cơn gió xoáy gây nên biết bao nỗi đau khổ, tang thương. Cho tới một lúc nào đó, chiếc lá bay tung lên trời thoát khỏi cơn lốc và hưởng được giây phút hạnh phúc bồng bềnh đem lại những ánh chớp hoan lạc và xao động - Đây không phải là hạnh phúc thật. Bởi vì chúng ta lại dễ dàng bị cuốn theo một cơn lốc khác, có khi còn mãnh liệt hơn. Tệ hại nhất là những khổ đau, thất bại trong quá khứ có thể trở thành những vết thương lòng mưng mủ từ bên trong, như một căn bệnh ung thư không bao giờ lành, gây nhức nhối cho nạn nhân. Rồi chính nhức nhối đó lại trở thành mũi tên tẩm thuốc độc hành hạ người thân và những người chung quanh.

3.     Con người tình cảm:

Dù sống kiếp lưu đầy, ngục tù nhưng người ta vẫn xây biết bao nhiêu mộng cho cuộc đời mình. Đáng tiếc thay!! nhiều người tới giờ chết mà mộng ước vẫn còn dang dở. Ngay cả tình yêu, lẽ ra mang lại hạnh phúc, hoan lạc cho con người. Thế nhưng các bạn trẻ đã từng chuyền tai nhau: Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ, thà khổ còn hơn lỗ. Thế rồi lao đầu vào thế trận bát quái tình yêu. Quả thật họ cũng hưởng được những giây phút hạnh phúc ngọt ngào bên nhau, nhưng rồi nghi ngờ, ghen tuông, lo lắng sợ đánh mất người mình yêu khiến cho người đang yêu phải ngậm đắng nuốt cay. Đến khi cưới nhau rồi người ta lại cho rằng hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Ông bà thường nói: Bây giờ vợ chồng chúng tôi sống vì nghĩa - nghĩa vụ vợ, bổn phận chồng - tình yêu chỉ còn là tấm hình kỷ niệm bạc màu theo thời gian mà chẳng ai buồn xem lại.

Chỉ cần một chút phác thảo về đời người, chúng ta hẳn có thể đi tới kết luận. Theo cái nhìn nhân loại, đời quả là bể khổ, cuộc sống trên trần gian thật lắm vất vả, gian nan. Nguyên nhân chính yếu là vì con người nhắm mắt chạy theo thói đời. Thánh Gioan đã khuyên nhủ: Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha,16 vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắtthói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; 17thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. (1Ga 2:15-17). Vẫn biết là thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó; nhưng khổ một nỗi, khi chúng ta đang ở trong cơn lốc trần gian chúng ta lại thấy nó rất thực, thực đến nỗi chúng ta sống chết với nó, chiến đấu, tranh giành để đạt cho bằng được tham vọng mà chúng ta đã cưu mang trong lòng bấy lâu nay. Cuối cùng, đạt được rồi, chúng ta lại đâm ra chán nản trước những ràng buộc hệ lụy của thói đời từng vòng từng vòng quấn chặt. Lúc đó ta lại muốn thoát ra mà không được. Hoặc bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đành nhắm mắt đưa chân vào góc trời tương lai xám xịt tối đen đầy những bão tố và mưa giông.

Như những cánh lá cô đơn trên dòng thác cuộc đời, con người trần thế bị cuốn hút đi khắp nơi để rồi cuối cùng lao xuống vực sâu - kết thúc cuộc hành trình gian khổ điêu linh. Vĩnh biệt tất cả mà lòng còn rối bời hoang mang. Không hoang mang, lo âu sao được khi không biết thế giới mai sau nơi  mình cô đơn một bóng bước vào một cuộc hành trình vô tận sẽ như thế nào!!

May mắn thay! Không chỉ có con người thuần tuý thân xác với bao đau thương đắng cay trong cuộc đời và kết thúc bi thảm như thế, chúng ta còn mang hình ảnh con người tâm linh sống hoan lạc, bình an, hạnh phúc và ra đi trong niềm vui thanh thản.Thánh Phao-lô đã khám phá ra 2 gương mặt của con người trong tư tưởng sau: Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.(Cr 15:48-49)

II.  Con người tâm linh

Mang danh là Kitô hữu, chúng ta cũng đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô với ba khuôn mặt giống Đức Giêsu như đúc:

1.     Chúng ta là con yêu dấu của Cha

Ngày trước tôi cứ tưởng mình là vật mọn phàm hèn trước mặt Chúa cao sang thánh thiện, hóa ra hoàn toàn không phải vậy. Tôi cũng là con yêu dấu của Cha dựa vào sự xuất phát của tôi: Tôi được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1:13). Bề ngoài tôi là con ông Y bà X, nhưng cha mẹ tôi chỉ là dụng cụ để Ngài sinh ra tôi ra trên chốn hồng trần này. Vì thế người Cha đích thực của tôi chính là Chúa Cha. Cha mẹ tôi không hề hay biết giây phút tôi xuất hiện trong lòng mẹ, không biết tôi sẽ là trai hay gái, không biết tính tình, tương lai tôi sẽ ra sao. Nhưng Chúa, Ngài biết hết: Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân."(Gr 1:5). Không những Ngài biết giây phút xuất hiện của tôi mà Ngài còn thánh hoá tôi và trao cho tôi một sứ mạng rõ ràng: làm ngôn sứ của Ngài cho muôn dân. Thánh Gioan còn khẳng định: Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. (1Ga 3:1). Thánh Gioan đã xác quyết chúng ta thực sự là con Thiên Chúa; thế mà trước đây chúng tôi cứ tưởng là tôi tớ hạng bét ngay trong nhà Cha của mình. Thật là mọt sự hiểu lầm chết người!!!

2.     Chúng ta là đàn em của Anh cả Giêsu

Dù đã được trình bày trong bài Đức Giêsu Kitô, nhưng những câu Kinh Thánh đó ngọt ngào quá đến nỗi, chúng ta nên vui mừng nhắc lại để niềm vui chúng ta được trọn vẹn hơn: Chính Đức Giêsu đã xác nhận:"Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em (Ga 20:17). 

Một thời gian sau, Thánh Phao-lô đã khám phá vai trò trưởng tử của Anh Cả Giêsu và tất cả đều cùng phát xuất từ một Chúa Cha qua lời chia sẻ đầy chân tình: : Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là các em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho các em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Bởi thế, Người đã phải nên giống các em mình về mọi phương diện, (Dt 2:11,12,17) - Dịch giả An-sơn Vị đã dùng từ các em thay cho từ anh em cho hợp với tâm tình Việt nam và mạch văn: Trưởng tử - Anh Cả đối với các em.

Thêm vào đó, thực là hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết rằng từ muôn thủa, Chúa Cha đã yêu thương chúng ta và nhất là chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. (Rm 8:28-29). Thế là từ khám phá thú vị này, tương quan giữa chúng ta và Anh cả Giêsu đã mang màu sắc tình cảm gần gũi hơn, đầm ấm hơn. Chúng ta có thể tha hồ mà vui vẻ thổ lộ tâm tình. Đặc biệt là quyết tâm sống giống như Anh cả Giêsu trong tâm tưởng của người con yêu dấu với Chúa Cha yêu thương ngay trong lòng mình.

3.     Chúng ta sống kết hợp với Chúa trong Thánh Thần

Từ khi nhận ra mình là con yêu dấu của Chúa, là đàn em của anh cả Giêsu, chúng ta mới có thể mở mắt ra và nhìn theo ánh mắt tâm linh toàn bộ cuộc sống đời Kitô hữu của mình.

Trước hết, trở lại vấn đề căn bản của đời sống tâm linh: Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. (2Tm 1:7). Đây là nền tảng quan trọng trong đời sống tâm linh Kitô hữu. Thực vậy, giống như Anh cả Giêsu, chúng ta cũng được tràn đầy Thánh Thần. Chính Thánh Thần này là nguồn sức mạnh, tình thương và tự chủ. Thôi nhé, từ nay, giã từ tư tưởng bi quan: Tôi là vật phàm hèn. Tôi xấu xa tội lỗi. Tôi chẳng đáng Chúa thương. Tôi chẳng đáng Chúa ngự vào lòng (Ngài đã và đang sống trong ta ngay từ khi ta được hình thành trong lòng mẹ!!)

Khi chịu phép Rửa: Chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.(1Cr 12:13). Thế mà trước đây chúng tôi chẳng hề ý thức một chút nào về Thần Khí tràn đầy tâm hồn mình. Chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng phép Rửa giống như một nghi thức gia nhập đạo công giáo. Được ghi tên vào sổ Rửa tội, lập tức tôi trở thành người Kitô hữu - một người Kitô hữu hình thức. Chính vì thế dù chúng tôi tin rằng đã khỏi tội nguyên tổ, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy yếu đuối, lòng xiêu xiêu dễ hướng về điều xấu và sa ngã một cách dễ dàng trước bất cứ một cám dỗ nào.

Lớn lên chút nữa, khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, chúng ta được dịp xác tín rằng Thánh Thần là nguồn sức mạnh toàn năng. nhờ sống trong Ngài, con người nội tâm của chúng ta trở nên vững vàng hơn: Nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. (Ep 3:16). Thêm vào đó, thánh Phao-lô còn vui mừng chia sẻ: Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ,…19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực. (Ep 1:18-19). Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, chúng ta cũng được liên kết với nhau nên một trong Chúa: Anh em biết Thánh Thần, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.(Ga 14:17). Thật vậy, … chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.(Ep 2:18). Nếu chúng ta sống kết hợp với Cha trong Thần Khí của Ngài ngày này qua ngày khác thì chắc chắn tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được như anh cả Giêsu đã từng tuyên bồ: “Tôi và Cha tôi là MỘT

Tóm lại, con người tâm linh của chúng ta được sinh ra bởi chính Thiên Chúa, giống hình ảnh của Ngài, là đàn em của Anh cả Giêsu. Noi gương Trưởng tử Giêsu, chúng ta sống nhờ Thánh Thần - sức sống thần linh của Cha, sức mạnh toàn năng của Cha - để tất cả nên một như Chúa Cha và Anh cả Giêsu là một.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta trở thành thánh trong chớp mắt, làm người cõi trên, suốt ngày nghĩ chuyện trên trời; còn chuyện trần gian là đồ bỏ như rác rưởi, sao cũng được, bất cần. Hoàn toàn không phải vậy, người Kitô hữu phải bắt chước Anh cả Giêsu nhập thế, sống với đời, hoà mình với anh em, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho những người khác tùy theo khả năng, tùy theo môi trường của mình. Chính vì thế, con người Kitô hữu không những là một con người tâm linh sống động, mà còn là một con người trần thế với tất cả tình cảm nhân loại như những người khác: buồn, vui, giận, thương…Tuy nhiên người Kitô hữu biết làm chủ tình cảm, tư tưởng của mình nhờ sức mạnh Thần Khí Thiên Chúa ngay trong tâm mình.

Theo ánh mắt tâm linh, người Kitô hữu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa con người tâm linh và con người thân xác. Con người tâm linh càng lớn lên trong Thần Khí của Cha thì càng vững mạnh hơn khiến cho con người thân xác ngày càng bình an, vui tươi, yêu đời hơn. Dù phải sống giữa trăm chiều thử thách.

Ta có thẻ kết luận bằng những Lời Chúa tuyệt vời sau đây: Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. (Ep 4:15). Sống theo sự thật chính là sống theo Thần Khí, nhờ đó chúng ta sẽ sống đời Kitô hữu thật đồi dào, bình an, hạnh phúc: Như vậy, anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. (Ep 3:19)

 


Mục Lục Theo Ánh Mắt Tâm Linh