Năm Thánh 2010 - Sám hối (Bài 2)

 

CẦU NGUYỆN

Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ"(Lc 22:46).

Ngày kia Cha John Vianney gặp một ông già nông dân vào nhà thờ viếng Chúa, khi đi làm. Cha tò mò quan sát: Ông già không đọc kinh gì cả, chỉ im lặng nhìn Chúa. Cha hỏi ông: Sao ông không đọc kinh và ông làm gì ở đó? Ông cụ trả lời: Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con, thế là đủ rồi.Tâm Sự Với Chúa

Trong sách Kinh Thánh có 365 lần nói về việc cầu nguyện. Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Chúa để ngợi khen, cảm tạ và đền tạ tội lỗi, sau cùng mới xin ơn nâng đỡ. Anh Jim ngoan đạo sáng nào cũng thế, khi đi ngang qua nhà thờ, anh ghé vào viếng Chúa với chỉ một câu này: Lạy Chúa, Jim đây. Có nhiều cách cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu nguyện bằng lời như đọc kinh riêng, kinh chung và ca hát hoặc cầu nguyện trong lòng, suy gẫm và thinh lặng lắng nghe. Cầu nguyện không phải chỉ xin xỏ điều này, điều kia mà chính là ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Chúa biết mọi nhu cầu của chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ trong hoàn cảnh nào, lúc nào và bất cứ ở đâu. Cầu nguyện là ý thức sự hiện diện của mình trước mặt Chúa.

Các Tông đồ đã xin Chúa Giêsu dậy cầu nguyện, Chúa Giêsu nói: "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (Mt 6:9). Truyện kể có một Đức Giám Mục trên đường đi kinh lý địa phận, ngài ghé thăm một gia đình bà lão. Người ta vẫn nói bà cụ là một mẫu gương tốt cho cả làng soi chung. Trong khi thăm viếng bà, Đức cha hỏi: Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất. Bà thưa: Thưa Đức cha, con không biết đọc sách. Đức cha nói rằng nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà. Bà nói: Thưa Đức cha, con chỉ biết đọc kinhTràng Hạt Mân Côi, Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, Sáng Danh thôi. Mỗi ngày con khởi sự đọc đến 10 lần, nhưng thường thì con không đọc xong được. Đức cha hỏi: Tại sao thế? Bà thưa: Tại vì khi con bắt đầu đọc Lạy Cha chúng con…Con bỗng không hiểu sao Chúa tốt lành đến mức cho một bà già yếu đuối như con gọi Ngài là Cha. Điều đó làm con phải khóc và con không thể tiếp tục đọc hết chuỗi hạt được. Đức cha nói: Này bà ạ, đây là một lời cầu nguyện có giá trị bằng tất cả các lời cầu nguyện của chúng tôi. Vậy bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện cùng Chúa trong tâm tình này.

Nơi Cầu Nguyện Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Chúa qua sự ý thức hiện diện và trái tim yêu thương trong khiêm tốn. Khi cầu nguyện, Chúa không muốn chúng ta khoe khoang để người khác nhìn thấy mà ca tụng chúng ta là người đạo đức. Chúa không chấp nhận thái độ và hình thức bề ngoài của chúng ta như thái độ cầu nguyện của các người Biệt Phái và Luật Sĩ thời xưa. Họ ca ngợi Thiên Chúa chỉ bằng môi miệng nhưng lòng họ thì xa Chúa. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ khi cầu nguyện: Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt 6:6).

Không phải chúng ta cứ đọc kinh to tiếng nghĩa là cầu nguyện sốt sáng. Chúng ta không thể cầu nguyện như con vẹt hoặc đọc cho xong bấy nhiêu Kinh là chu toàn bổn phận. Nếu chúng ta nói truyện với người yêu mà cứ lập đi lập lại một vài điệp khúc, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chán. Các Kinh do các Thánh hoặc những vị đạo đức soạn ra nhằm giúp chúng ta dựa vào đó để dễ dàng cầu nguyện. Kinh hạt dọn sẵn có lợi là giúp chúng ta khi cùng nhau cầu nguyện chung. Nhưng khi cầu nguyện riêng, chúng ta cần có những tâm tình riêng tư để thân thưa với Chúa. Truyện kể một hôm em Anna dé Guigne hỏi mẹ: Thưa mẹ, mẹ có thể cho phép con cầu nguyện mà không dùng sách khi dự lễ không? Mẹ hỏi: Vậy con để làm gì? Em nói: Bởi vì con đã thuộc hết các Kinh và con thường chia trí khi đọc. Còn khi con nói truyện với Chúa Giêsu, con không lo ra tí nào cả mẹ ạ. Thì cũng giống như khi chúng ta nói truyện với người nào và mình biết rõ điều mình nói. Mẹ hỏi: Thế con sẽ nói gì với Chúa Giêsu nào? Con sẽ nói rằng: Con yêu mến Chúa. Rồi con nói với Chúa về mẹ và về những người khác để xin Chúa biến tất cả nên trọn lành. Và con nói với Ngài về các tội lỗi của con nữa. Rồi em đỏ mặt một chút và nói thêm: Con muốn nói với Chúa là con muốn gặp Chúa.

Niềm tin Tưởng

Cần có lòng tin khi chúng ta cầu nguyện. Thiên Chúa không phải là tượng đá không hồn, mà là một Thiên Chúa yêu thương và luôn lắng nghe những lời con cái tha thiết cầu xin. Truyện kể là trong một vùng đại hạn hán, mùa màng bị thiệt hại nặng nề và bị khô cháy. Một đêm nọ, người mẹ gợi ý cho cô con gái nhỏ rằng chúng ta hãy cầu nguyện cho mưa. Cô bé đang trong giường và cô đã bắt đầu cầu nguyện. Mẹ cô bé thấy cô ngập ngừng và hình như cô chưa muốn cầu nguyện cho mưa xuống. Cô bé đã giải thích lý do tại sao với mẹ cô. Cô bé nói rằng trước khi vào nhà, cô đã để hai con búp bê trên ghế ngoài sân sau. Nếu mẹ đồng ý đi ra ngoài và mang hai con búp bê vào nhà, con sẽ cầu nguyện cho trời mưa.

Lời cầu nguyện đơn sơ với lòng trông cậy và tin tưởng mãnh liệt. Chúng ta đọc Thánh Vịnh của vua Đavít diễn tả sự cầu nguyện rất chân thành: Lạy Chúa Trời, xin nghe tiếng kêu van, và lưu ý đến lời con thỉnh nguyện (Tv. 61:2). Như thế, làm sao Chúa không nhận lời cầu nguyện của chúng ta chứ. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện luôn, đừng chán nản. Cũng như các tông đồ xưa đã họp nhau kiên tâm cầu nguyện đón chờ Chúa Thánh Thần ngự xuống. Nếu không có ơn Chúa phù trợ, chúng ta không thể cầu nguyện hay làm gì được. Thánh Phaolô viết rằng không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần. Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa sẽ lắng nghe từ trái tim của chúng ta hơn là từ môi miệng. Chúa sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Chúa sẽ ban ơn cho ta khi chúng ta đặt trọn niềm tin nơi Chúa.

Gương Cầu Nguyện

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi công việc mà Chúa Cha đã trao phó, Chúa Giêsu xin được vinh hiển nơi Cha. Ba mươi ba năm dưới thế trần, Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới giao kết giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết về Cha của Ngài. Một người Cha yêu thương và nhân hậu. Chúa Cha yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một của mình để hiến thân đền tội cho nhân loại. Trong mọi lúc Chúa Giêsu đã cầu nguyện tha thiết với Cha của Ngài. Ngài làm tất cả vì Cha và theo ý Cha. Nay mọi sự đã hoàn tất, Ngài phó dâng linh hồn trong tay Cha. Lời cầu nguyện thiết tha của Chúa Giêsu dậy chúng ta cùng cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện chính là giây liên kết, là sức sống nối liền đưa dẫn chúng ta kết hợp với Chúa. Chúa Giêsu đã cầu nguyện và dậy chúng ta cầu nguyện luôn. Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông."(Lc 11:1).

Sự cầu nguyện không có giới hạn đối tượng. Chúng ta có thể cầu nguyện cho chính chúng ta, cho người thân và cho cả kẻ thù. Truyện kể Irmgard Wood là một cô gái trẻ sống ở nước Đức trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, cô đã kể câu truyện sau đây: Vào một buổi sáng, mẹ và chị cô ta đã nhìn thấy một chiếc máy bay của Hoa Kỳ bị bắn cháy và rớt xuống. Mẹ của Irmgard cầu nguyện tha thiết cho người phi công ngay cả biết ông ta là kẻ thù. Mấy năm sau, gia đình cô di cư sang Hoa Kỳ, mẹ cô ta tìm được việc trong bệnh viện ở California . Một ngày nọ có một bệnh nhân biết bà là người Đức và hỏi bà rằng bà đã sống ở vùng nào ở Đức. Khi bà trả lời ở Stuttgart, ông đã kể cho cô biết làm sao mà ông đã trốn được khỏi Stuttgard trong thời chiến khi máy bay của ông bị bắn rớt xuống. Tôi đã ra khỏi máy bay kịp thời và chính tôi cũng không biết tại sao tôi có thể làm được vì tôi không còn nhớ gì cả. Tới ngày hôm nay, tôi vẫn đoán chắc có ai đó đã cầu nguyện cho tôi.Cầu Nguyện Với Niềm Tin

Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng cầu nguyện phát sinh niềm tin. Niềm tin phát sinh tình yêu và tình yêu dẫn đến việc phục vụ tha nhân và người nghèo khổ. Cầu nguyện chính là linh hồn của người Công Giáo. Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta giữ đạo trở thành máy móc và hình thức. Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Chúa để thờ lạy, cảm tạ, đền tội và xin ơn phù trợ. Nhiều người đã cắt bớt việc cầu nguyện bằng việc cầu xin. Họ nghĩ rằng, cầu nguyện chỉ là cầu xin, Chúa ban cho càng nhiều càng tốt. Cầu nguyện còn giúp chúng ta củng cố lòng tin. Và nếu có lòng tin, thì chúng ta có thể chuyển dời được núi non như Chúa Giêsu đã dậy. Chúa nói với các môn đệ: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em (Lc 17:6)

Truyện kể cách đây đã lâu nhưng là truyện có thật. Thuở còn nhỏ Gérald Majella ở với Đức Giám Mục Lace-Dogma. Ngày kia, Đức Giám Mục đi vắng, giao chìa khóa nhà cho cậu và bảo cậu múc nước đổ vào bồn. Chẳng may lúc kín nước dưới giếng sâu, cậu làm rớt chìa khóa xuống giếng sâu. Sợ hãi quá, cậu lúng túng chưa biết tìm cách nào lấy lại chìa khóa. Bỗng cậu nhớ tới Chúa Hài Đồng, cậu vội chạy vào máng cỏ trong nhà thờ qùi cầu nguyện, rồi ẵm Chúa Hài Đồng ra giếng, trước sự kinh ngạc của mọi người. Cậu cột Chúa vào dây và thả Chúa xuống giếng vừa nói: Lạy Chúa, chỉ có Chúa giúp con lấy lại chìa khóa. Rồi từ từ cậu kéo lên. Lạ thay, chất kim loại óng ánh hiện lên mặt nước: Chìa khóa ở trong tay Chúa Hài Đồng.

Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện Chúa Giêsu cầu nguyện luôn, trong mọi nơi và mọi lúc. Thánh Marcô ghi nhận: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1:35). Chúa cầu nguyện là Chúa gắn bó với Cha của Ngài. Chúa Giêsu hoàn toàn thực hiện theo ý Cha. Ngài tìm nguồn sinh lực và an ủi nơi Cha. Trong vườn Cây Dầu, chính Chúa Giêsu đã tha thiết kêu khấn với Cha: Xin Cha cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, Ngài đã sống trọn vẹn kiếp người, có những yếu nhọc về thân xác, những lo âu trong tâm hồn và những khao khát tình yêu dâng hiến. Ngài đến để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Tác giả Thánh Vịnh 69 đã nhắc nhở chúng ta hãy luôn cậy trông vào Chúa: Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ (TV 69:14).

Noi gương Chúa Giêsu cầu nguyện, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi xóm đạo chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện. Sự cầu nguyện sẽ giúp chúng ta sống liên kết với Chúa. Truyện kể một cha xứ lần lượt đi thăm các gia đình để hiểu biết sinh hoạt và cuộc sống của giáo dân. Vào mỗi nhà, cha thường hỏi: Các con có đọc kinh trong gia đình không? Nhiều gia đình đã trả lời: Thưa cha: chúng con không có thời giờ. Cha nói: Nếu biết một đứa con sẽ ốm do các con không cầu nguyện, lúc đó các con có đọc kinh trong gia đình không? Họ thưa: Có lẽ có chứ. Giả sử các con biết rằng khi các con bỏ đọc kinh thì có một đứa con bị tai nạn, các con có đọc kinh trong gia đình không? Thưa: Chắc chắn chúng con sẽ đọc. Nếu như mỗi ngày chúng con bỏ đọc kinh chung thì sẽ phải nộp phạt 5 đô, các con có bỏ đọc kinh không? Thưa cha, cha muốn hỏi vậy để làm gì? Chúng con nói: Vấn đề không có thời giờ, các con có thể tìm ra thời giờ. Vấn đề nghĩ rằng: Cầu nguyện không quan trọng, thì nó quan trọng bằng việc trả tiền phạt hay bằng sức khỏe của những đứa con. Phúc lành của Chúa ban qua lời cầu nguyện còn quan trọng hơn bất cứ cái gì khác mà chúng con có thể nghĩ ra.Cầu Nguyện Luôn

Chúa Giêsu đã nêu gương cầu nguyện. Sau một ngày làm việc vất vả, Chúa thường lên núi một mình để cầu nguyện. Nơi thanh vắng, tâm hồn lắng đọng và Chúa đã kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Thánh Matthew đã cẩn thận theo sát từng bước đi của Chúa, ngài viết: Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. (Mt 14:23). Lên núi một mình, nơi đây Chúa mới cảm thấy thanh thoát và chìm đắm trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chúa hiện diện nơi thân xác con người nhưng tâm hồn siêu thoát kết hợp với Cha Trên Trời. Ngài ngây ngất say đắm trong tình yêu diệu vời bên Cha. Chúa Giêsu chính là Lời của Chúa Cha và Lời có quyền năng thay đổi, chữa lành và ban phát sự sống. Lời của Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa quyền năng tạo dựng và biến đổi. Chúa Giêsu đã hứa với con cái loài người: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt. 7:7). Lời của Chúa là Lời của sự thật.Truyện kể rằng một hôm, vị linh mục tuyên úy bệnh viện được mời đến thăm một bệnh nhân trong phòng 101 là người cùng xứ. Vị tuyên úy đến phòng 101 và nhận ra rằng nhân viên đã loan báo lầm người. Bệnh nhân là người hoàn toàn xa lạ với vị tuyên úy. Và vị tuyên úy đã giải thích sự lẫn lộn và rồi chuẩn bị quay gót bỏ đi, thì bệnh nhân đã lên tiếng xin ngài ở lại. Qua nhiều năm do dự, ông muốn thưa truyện với linh mục nhưng ông đã không thể tiếp xúc với bất cứ vị linh mục nào. Ông tâm sự: Thưa cha, con đã cầu nguyện rất nhiều để có can đảm thưa truyện với một vị linh mục. Con đã thực sự cầu nguyện khi cha vừa bước vào phòng của con. Con không tin rằng cha đến đây vì tình cờ hay ngẫu nhiên. Con tin chắc rằng Chúa đã đáp lời con cầu xin. Và bệnh nhân đã hối lỗi và xưng thú tất cả những lỗi lầm trong quá khứ, cha con ngồi cả giờ đồng hồ. Khi vị linh mục đã rời phòng, ông đã hân hoan dâng lời ngợi khen và cảm tạ hồng ân của Chúa đã tuôn đổ trên ông giữa lúc tuyệt vọng của cơn bệnh hoạn.

Quyết Tâm

Lời cầu nguyện như hương trầm bay lên nhan thánh Chúa. Chúa sáng tạo muôn loài, muôn vật trong vũ trụ và trên địa cầu. Tất cả các loài thọ tạo đều tôn vinh danh Chúa qua sự hiện hữu của mình. Trong đêm thanh vắng ngoài cánh đồng hoang, chúng ta im lặng lắng nghe những bài hợp ca tuyệt vời của tất cả các loại côn trùng và loài bò sát. Chúng đang vang lên lời ca ngợi Đấng đã tạo thành chúng. Hoặc buổi sáng sớm khi bình minh ló dạng, muôn chim chóc và thú rừng dâng lời cảm tạ Đấng Sáng Tạo bằng những khúc nhạc thánh thót chơi vơi. Chúng ta là loài thụ tạo có ưu quyền, chúng ta cũng phải hòa chung niềm vui với vũ trụ để ngợi khen và tán tạ danh Chúa

Trong Năm Thánh 2010, mọi tâm hồn đang hướng về quê hương Việt Nam nơi đã được gieo mầm sống đức tin. Xin cho hạt giống nẩy mầm và sinh hoa kết trái dồi dào. Chúng ta hãy cầu nguyện để có nhiều người nhận biết danh thánh Chúa để được kết hợp trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu sẽ triển nở qua sự hy sinh, thông cảm và tha thứ. Qua đó chúng ta sẽ trở về nguồn tình yêu đích thực là Chúa chúng ta. Thánh Gioan ngây ngất trong sự cầu nguyện, ngài viết: Từ tay thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của dân thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa (Kh. 8:4).

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu