Năm Thánh 2010: Hoà giải và tha thứ (5)

 

(Vietcatholic.net 17 Mar 2010 14:04)

“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”(Mt. 6:14-15)

Người chồng nói với vợ: Tại sao em cứ tiếp tục khơi lại những điều lầm lỗi mà anh đã làm. Anh nghĩ rằng em đã tha thứ cho anh và đã quên rồi. Cô vợ trả lời: Em đã tha thứ và đã quên rồi nhưng em muốn tin chắc rằng anh đừng quên là em đã tha thứ cho anh và em đã quên. Mỗi khi chúng ta cầu nguyện xin ơn tha thứ: Lạy Chúa, xin đừng nhớ đến tội con đã phạm và Chúa đáp: Tội nào chứ! Con phải nhắc nhớ lại vì Cha đã quên từ lâu.

1. Sự Tha Thứ

Trong Năm Thánh 2010, chúng ta có nghĩ rằng chúng ta cần được ơn tha thứ và tha thứ cho người khác không? Hằng ngày chúng ta cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha: Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ mắc nợ chúng con. Lời kinh lập đi lập lại nhiều lần trong ngày và trong đời, nhưng lời kinh đó có được áp dụng vào cuộc sống đạo không? Nói tha thì dễ lắm nhưng tha thật lại khó qúa. Chúng ta có thể nói rằng tôi có thể tha thứ cho bạn nhưng tôi không thể quên đâu. Cứ mỗi khi có dịp nhắc lại hay nhớ lại truyện cũ thì lòng tôi cứ xôi xục lên và máu dâng nghẹn cổ. Tha thứ sao khó quá vậy?

Tháng vừa qua, tôi có dịp đi dự buổi tĩnh tâm ngắn tại Nhà Tĩnh Tâm của Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái. Qua sự hướng dẫn của Sơ Nancy Kellar. S.C., Sơ nói về ơn chữa lành qua việc tha thứ và hàn gắn những vết thương lòng cho nhau. Sơ Kellar đã kể một kinh nghiệm cuộc đời của chính mình. Sơ đã trở nên bất bình và thù ghét người cha ruột của mình một cách cay đắng. Ông bố của Sơ đã rơi vào cơn nghiện ngập và hành hạ bà mẹ và Sơ lúc con trẻ. Sơ mang trong mình một nỗi hận và nghĩ rằng sẽ không bao giờ có thể tha thứ được. Vào một ngày, chính ông bố tự nhiên đã đến ngồi bên và xin Sơ tha thứ những lỗi lầm mà ông đã gây ra cho gia đình. Thoạt đầu, Sơ không thể tin vào tai của mình. Tuy đã cầu nguyện nhưng lòng lại cứ xôi xục lên và nghĩ rằng không thể, không thể tha được. Sau cùng Sơ đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Thánh Thần thêm sức mạnh để có thể tha thứ cho người bố ruột của mình. Thật vậy, qua ơn Chúa tác động, Sơ đã tha cho bố và mở cửa lòng tha cho chính mình. Cha con đã sống những ngày bình an và vui vẻ. Thánh Matthew là nhân chứng của sự trở về và được tha thứ, Ngài viết trong Tin mừng: Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt. 6:15).

1. Tôn Trọng Nhau

Muốn người khác tôn trọng mình, trước hết mình hãy tôn trọng mình trước. Chúa Giêsu chấp nhận và yêu thương con người ngay cả những người tội lỗi như người đàn bà ngoại tình, người thu thuế tên Lêvi và cả những người thô lỗ như Phêrô. Chúa chọn các môn đệ từ những người nghèo nàn thất học và đôi khi còn cộc cằn. Chúa không chê bỏ những người cần đến sự trợ giúp của Chúa. Chúa đã ân cần giơ tay chữa lành những người cùi hủi, kẻ mù lòa, người câm điếc và kẻ bất toại. Chúa đến kêu gọi những người tội lỗi, để Chúa ban ơn tha thứ. Thử hỏi ai là người không có tội? Chúng ta đều là tội nhân mà, chúng ta cần được ơn tha thứ. Sự tha thứ và được tha thứ sẽ giúp cho chúng ta tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn. Tâm hồn của chúng ta sẽ cảm thấy thảnh thơi và không còn bị ràng buộc bởi giây xích quỉ vô hình. Chúng ta biết rằng sự thù hận và ghen ghét tự nó sẽ giết chết đời của chúng ta cả về thân xác lẫn linh hồn. Sự thù ghét chính là con vi trùng có nọc độc gặm nhấm trong mọi cách hành xử của chúng ta và làm cho chúng ta mất tự chủ và tự do.

Truyện kể trong một xưởng thợ có nhiều công nhân. Mấy cô bạn gái cùng làm việc chê bai Đạo Chúa. Họ cho rằng Đạo làm mê muội trí khôn, bức hiếp lẽ phải và làm sai lạc trí phán đoán của người ta. Nghe họ bàn tán nói truyện, một nam công nhân bèn cất tiếng chen vào: Phải, vì đạo Chúa tôi đã mất tất cả. Mọi người sững sờ nhìn và người thợ nói tiếp: Tôi thích ruợu, đạo Chúa làm tôi bỏ rượu. Trước đây tôi chỉ mặc quần áo rách, đội cái mũ bẩn thỉu, đạo đã làm tôi mất tất cả những thứ đó. Đạo còn làm cho tôi mất cả tâm địa xấu xa nữa. Xưa kia địa ngục cai trị gia đình tôi, vì nếp sống gia đình đã thành ra như chốn ngục hình. Thì nay, khi tôi trở nên tín hữu của Chúa, tôi mất tất cả những thứ tồi bại ấy. Anh còn lớn tiếng nói rằng: Hỡi các anh chị, bây giờ các anh chị đã biết đức tin vào Chúa đã làm cho tôi mất những gì. Hãy làm như tôi, tôi xin cam đoan chắc chắn các anh chị sẽ không phải hối hận đâu.

2. Hòa Giải

Sự hòa giải rất cần thiết trong cuộc sống con người. Chúng ta là con người xã hội, sống là sống chung và sống cùng với người khác. Cuộc sống chung đụng, dĩ nhiên là có những khó khăn và những chướng ngại. Người ta nói: Trăm người trăm ý. Làm sao chúng ta có thể hòa giải và cảm thông với nhau được? Mỗi con người là cả một thế giới nhiệm mầu. Sự kết cấu của sự sống thân xác con người đã là một mầu nhiệm. Cao trọng hơn nữa, Thiên Chúa còn ban cho con người ý chí, tự do, trí khôn và linh hồn. Một khả năng vượt thời gian và không gian. Tâm hồn con người thẳm sâu và không thể đo lường. Người ta vẫn thường nói: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người sâu thẳm ai đo cho cùng.” Mỗi người có mỗi tính và mỗi suy nghĩ khác nhau, làm sao chúng ta có thể cảm thông, chia sẻ và giải hòa. Mỗi người hãy tự hạ mình xuống, chúng ta sẽ nhìn thấy mọi sự rõ ràng hơn. Chúng ta quan sát như dòng nước luôn luôn chảy xuống, khi chảy xuống nó đã rửa sạch tất cả.

Truyện kể rằng có hai nhóm tranh kiện nhau. Họ đã tranh chấp cả mấy năm rồi, ai cũng cho mình là phải. Họ gặp nhau lần cuối và đôi bên trình bày sự thể. Khi đó một cụ già đứng dậy nói: Này các bác, luôn luôn lão cố gắng giải hòa đôi bên mà chẳng đi tới đâu cả. Bây giờ chúng ta đi đến quyết định. Cha ông chúng ta vẫn có thói quen tốt lành là trước khi làm một việc gì cũng đọc kinh. Giờ đây xin các bác cùng lão đọc Kinh Lạy Cha. Rồi cụ xướng kinh, tới lời nguyện thứ năm, ông lão chậm rãi đọc: Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con và với giọng cao và tha thiết hơn: Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Rồi ông ngưng một lát. Xúc động khi nghe lời nguyện này, có mấy người kêu lên: Đúng, cụ có lý đấy. Chúng ta phải tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Và những người khác đáp lại: Phải, đúng thế! Chúng tôi muốn xí xóa hết và quên đi tất cả. Hai nhóm bắt tay nhau làm hòa và mọi người cùng đọc Kinh Lạy Cha.

3. Xóa Tội

Qúa khứ mãi là qúa khứ. Chúng ta không thể chỉ an vui với cái đã qua nhưng biết hướng nhìn về tương lai. Nhìn tới và sống trong hy vọng. Trong bài giảng của Đức Cố Hồng Y Thuận cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều, ngài nói Chúa hay quên, quên tội của chúng ta.Chúa không có nhiều trí nhớ vì Chúa dễ quên tội lỗi của người ta, ngài nói đùa thôi. Kể câu chuyện một Dì phước thánh thiện thường được thị kiến Chúa. Đức Giám Mục muốn thử Dì, ngài hỏi Dì: Nếu Dì gặp Chúa, xin Dì hỏi Ngài: 'Tội nào nặng nhất cha đã phạm”. Rồi có dịp Dì gặp Chúa khi cầu nguyện, Dì đã hỏi Chúa và Chúa nói rằng: Chúa đã quên rồi.

Vì lòng thương, Chúa đã khỏa lấp tất cả hận thù bằng tình yêu tha thứ. Trên thập giá, Chúa đã tha thứ cho tất cả các tội nhân. Người trộm bị đóng đinh kế bên Chúa, cả đời ông sống trong tội lỗi, thế mà chỉ một lời xin tha, Chúa đã quên hết qúa khứ và tha thứ cho ông. Chúa cũng đã hứa cho ông vào nước thiên đàng ngay hôm nay. Bà Madalena cũng thế, bà sống cuộc đời trụy lạc, vậy mà trong chốc lát, Chúa đã quên và tha thứ tất cả lỗi lầm. Chúng ta có thể bỏ qua và tha thứ cho nhau hay không? Nhiều khi chúng ta nói rằng tôi tha nhưng tôi không quên. Còn Chúa vì Chúa quá nhân hậu và hay tha thứ: Satan mới phàn nàn với Chúa: Ngài không công bằng. Và Satan nói tiếp: Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài đã đón nhận họ về. Thật ra, có người phạm tội và năm lần bảy lượt trở lại và Ngài vẫn tha thứ. Còn tôi chỉ phạm lỗi có một lần mà Ngài kết tội tôi đời đời. Chúa nói: Đã bao giờ ngươi đã ăn năn xin tha thứ chưa?

4. Đối Thọai

Đối thoại chính là chiếc cầu nối giữa hai bên bờ. Chúng ta nối với Chúa qua lời cầu nguyện của chúng ta. Thiên Chúa luôn quan phòng và chăm sóc các loài thọ tạo mà Ngài đã dựng nên. Ngài cho ánh mặt trời chiếu sáng, cho khí thở, cho nước uống, cho một nguồn phú túc trên, dưới và trong lòng đất để con người được hưởng dùng. Truyện kể có một tín đồ cùng người bạn dạo chơi trong vườn hoa, giữa lúc hoa hướng dương nở đẹp. Người bạn hỏi tín đồ rằng: Anh thường nói với tôi về Chúa, vậy Ngài với anh có quan hệ thế nào? Tín đồ dừng bước và chỉ vào một đóa hồng tươi mà rằng: Mặt trời có quan hệ với hoa kia thế nào, thì Chúa Giêsu cũng có quan hệ với linh hồn tôi như thế. Chúa Kitô chính là sự sống của tôi.

Kinh nguyện là cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Không ai trong chúng ta là hòn đảo, chúng ta sống là sống với người khác. Tạo thành một nhóm, một cộng đoàn hay một xã hội, chúng ta cần có sự đối thoại để lắng nghe và cảm thông cho nhau. Một câu chào hỏi, một câu cám ơn cũng là những chiếc cầu nối. Làm sao chúng ta có thể làm hòa được với nhau? Nếu mỗi người tự khép kín trong một thế giới riêng biệt. Ngôn ngữ là ân huệ Chúa ban cho loài người. Qua ngôn ngữ, loài người càng sống sát gần với nhau hơn và giúp xã hội phát triển mau lẹ hơn. Với xã hội văn minh tân tiến, con người đã vượt qua bức tường ngôn ngữ để đến với nhau. Con người đã cố gắng bằng mọi cách để có thể đối thoại và chia sẻ những phát minh của loài người. Càng hiểu được nhiều ngôn ngữ, chúng ta càng mở rộng tầm tri thức và liên hệ rộng rãi hơn. Khi còn sống ở trong chủng viện, mỗi sáng khi thức dậy, các chú chủng sinh khi gặp nhau họ thường hỏi nhau: How are you? Dù biết rằng người bạn vẫn khỏe và sinh họat bình thường. Lúc đầu tôi nghĩ có thể câu hỏi là thừa thãi, nhưng tôi nghiệm ra rằng, tất cả những câu chào hỏi đó đều là những chiếc cầu nối lại với nhau tạo sự thông cảm. Chúng ta thấy tại sao khi giận nhau, mặt mày ủ rũ và không thèm nhìn nhau và cũng không thèm nói với nhau một lời nào. Chỉ vì chiếc cầu thông cảm đã bị gẫy và không còn cảm thông được nữa. Cách tốt nhất để giao hòa đó là đối thoại. Mỗi người hãy nhìn ra những điểm yếu của mình và chấp nhận sự thiếu xót của chính mình.

5. Miễn Thứ

Miễn thứ hay quên đi qúa khứ lỗi lầm của nhau là một bước tiến đi lên con đường trọn lành. Vì đường lên thiên đàng đã là thiên đàng. Ngày xưa trong thời Cựu Ước, dân Do Thái cứ 50 năm sẽ mừng Năm Thánh. Ngay từ khởi đầu, khi dân Do Thái đã ổn định cuộc sống nơi vùng Đất Hứa. Thiên Chúa đã truyền lệnh cho con dân cử hành Năm thánh. Sách Lêvi đã ghi rõ: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là Năm Thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: Mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. (Levi 25:10-12)

Chính trên nền tảng này, chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc cử hành Năm Thánh trong Giáo Hội. Năm Thánh là Năm thuộc về Chúa là Đấng Thánh. Giáo Hội Việt Nam dành thời gian đặc biệt để sống thánh. Như thế, chúng ta sống Năm Thánh là sống trọn về Chúa và để Chúa thực sự Chúa làm chủ cuộc đời ta. Chúng ta có thể bỏ qua những lầm lỗi trong quá khứ của nhau. Nếu chúng ta dừng lại nơi những bắt bẻ nhỏ nhen, kết án nhau, chúng ta sẽ bị kẹt và không tiến lên được. Thí dụ một hình ảnh: Làm sao người ta bắt được khỉ ở Ấn Độ. Người ta lấy một thùng giấy lớn và cắt một lỗ nhỏ vừa cánh tay đút vào. Mang thùng đặt ngoài gốc cây và bỏ ít đậu lạc rang thơm phức vào trong. Các chú khỉ đi ngang qua, ngửi mùi thơm, tò mò đến gần và thọc tay vào lấy. Thường thì khỉ sẽ lấy tham, bốc đầy nắm tay và vì thế tay bị kẹt và không rút ra được. Thế là chủ tới bắt một cách dễ dàng. Nếu muốn chạy thoát, chỉ việc letting go, buông tay bỏ lại……

6. Niềm Hy Vọng

Hy vọng chính là lẽ sống của cuộc đời. Mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! (Tv. 31:25). Hy vọng cuộc đời ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Hy vọng sau cơn mưa, trời lại sáng. Người ta nói: Bĩ cực, thái lai. Hy vọng là ánh sáng chiếu vào đêm tối. Hy vọng là niềm an ủi cho những kẻ sầu muộn. Niềm hy vọng sẽ dẫn dắt chúng ta đi qua cuộc lữ hành trần thế này. Cùng đích của chúng ta là ngày vui hưởng hạnh phúc bên Cha Nhân Lành. Cuộc đời là một cuộc lữ hành trong muôn ngàn gian nan và trắc trở. Ít có ai được hưởng một cuộc sống hoàn toàn theo ý mình. Nhưng ai cũng muốn sống hạnh phúc, vui vẻ và bình an. Tại sao có những người lại mất đi niềm hy vọng để rồi rơi vào thất vọng và có khi cả tuyệt vọng. Một trong những kẻ thù của thất vọng đó là sự chán nản, buông xuôi và bỏ cuộc. Chúng ta biết rằng không có khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Có nghĩa là chúng ta vẫn còn có hy vọng dù niềm hy vọng mong manh, đó chính là lý do sống còn. Vào trong Nhà Thương, nơi phòng cấp cứu, chúng ta quan sát các bác sĩ đã tận lực thế nào với những trường hợp khẩn cấp, họ nuôi niềm hy vọng cho tới hơi thở cuối cùng. Hãy đặt niềm hy vọng nơi Chúa, chúng ta sẽ mừng rỡ hân hoan. Thánh Luca trong Tông Đồ Công Vụ đã viết: Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng (TĐCV. 2:26).

Chúng ta đang trong cuộc lữ hành về nhà Cha của chúng ta trên trời, niềm hy vọng càng sâu đậm và có ý nghĩa. Cha đang chờ đợi để ban phần thưởng và ôm ấp chúng ta vào lòng. Tại sao hôm nay tôi còn mải mê thế sự và quay lưng lại với lời mời gọi yêu thương. Lời yêu thương từ cha me, từ anh chị em, từ người chồng hay người vợ đang tha thiết khẩn khoản chúng ta trở về. Chúng ta còn chờ đợi chi nữa. Niềm hy vọng của chúng ta là mái nhà hạnh phúc kia mà. Niềm hy vọng của chúng ta là ngồi xum họp nơi mâm cơm bên vợ, bên chồng và bên con cái trong tiếng cười, tiếng hát kia mà. Chúng ta hãy cùng giải hòa và tha thứ cho nhau đi. Nhìn Chúa kìa, trên thập giá đang cúi gục đầu đưa mắt nhìn chúng ta. Ngài đang giang rộng cánh tay ôm ấp chúng ta vào lòng để tha thứ. Chúng ta hãy đến với Chúa như tên trộm kia: Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến con.

Quyết Tâm

Lạy Chúa, chúng con đang trong tâm tình của Mùa Chay. Chúng con vẫn còn đang chần chờ và lần lữa chưa muốn trở về. Hình như tội lỗi đang kéo ghì chúng con lại. Chúng con muốn hưởng thú vui thêm một chút nữa. Chúng con nghĩ rằng chúng con còn nhiều thời gian mà. Chúng con vẫn còn giậm chân tại chỗ và chưa muốn trở về với vợ, với chồng và với con cái. Chúng con còn đang lang thang giữa biển người như còn đang đi tìm một món gì đó. Xin Chúa hãy đốt ngọn lửa hy vọng trong tâm hồn chúng con, để ngọn lửa bén cháy và dẫn đưa chúng con trở về để nhận ơn tha thứ và bình an. Kìa lò than đã bén cháy, các cục than đang bén lửa và cháy rực, sức nóng đã tỏa lan nhưng hình như than đang tàn dần và ngọn lửa nhỏ lại, sức nóng yếu đi, lò đang cần thêm nhiều than để lửa cứ tiếp tục cháy mãi. Lạy Chúa, niềm hy vọng của chúng con đã trở lại, xin cho chúng con trở thành những cục than tiếp sức cho lửa tình yêu cứ luôn sưởi ấm và cháy sáng.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu