Tha Thứ Cho Nhau

 

Chúa là Đấng từ bi nhân ái (Tv 145, 8), nhưng con người thì lại hay xét đoán và kết án. Thiên Chúa muốn khoan dung độ lượng, nhưng con người lại đòi phải xét xử công bằng. Nhưng thế nào là công bằng ? Làm sao có thể công bằng được khi chính nơi mỗi người vẫn đầy những yếu đuối lỗi lầm, đầy những mâu thuẫn, đối nghịch và bất phân minh ? Nếu TC công bằng xét xử thì ai có thể được cứu độ ? “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng ?” (Tv 130, 3). Vì thế, không lạ gì TC đã cư xử với ta bằng tình yêu thương tha thứ, nên Ngài cũng mời gọi chúng ta cũng hãy cư xử với anh em đồng loại bằng tình tha thứ yêu thương (Lc 17, 3b-4).

Trong cuộc sống tương quan với tha nhân, mỗi người chúng ta vừa là chủ nợ vừa là con nợ : nợ tình thương, nợ ân oán, nợ nghĩa nhân, nợ tiền bạc… Là chủ nợ, chúng ta được kêu gọi hãy tha thứ cho anh em mình như TC đã tha thứ cho chúng ta (Ep 4, 32), không phải chỉ 7 lần mà là 70 lần bảy (Mt 18, 21-22), một sự tha thứ vô giới hạn. Tha thứ cho người khác là một cách tha thứ cho chính mình. Không thể tha thứ cho chính mình nếu không biết tha thứ cho người khác. Chân lý về việc sáng tạo và cứu độ của TC cho chúng ta khẳng định rằng mọi người đều phát sinh cùng một nguồn sống, mang chung cùng một thân phận, hướng đến cùng một mục đích, nên không thể tách rời nhau trong mọi tương quan của đời sống tinh thần và vật chất. Từ đó phát xuất luật “tương lân nhân quả”, nghĩa là  mọi hành động đều nhất thiết  tạo nên cùng một hậu quả trên cả hai : chủ thể và đối tượng. Mọi hậu quả đều mang tính cách “qui tâm hổ tương”, là một sự qui hướng tương tác và tương ứng nội tâm : “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Tuy nhiên mức độ hậu quả hay hiệu quả ít nhiều còn tùy thuộc vào tâm thế của chủ thể và đối tượng. Dựa trên những nguyên lý này thì kết án người khác đồng thời cũng là kết án chính mình. Yêu thương tha thứ cho người khác là gặt hái bình an hạnh phúc cho chính mình. Thái độ bất khoan dung dù là trong trường hợp nào chăng nữa cũng là thái độ bất nhân và vô đạo, nói lên sự oán ghét và phản bội chính bản thân mình. Nó không phải chỉ là hậu quả đương nhiên của luật tương lân nhân quả mà còn là sự kết án của chính TC. Do đó, khi ra lệnh hành hình người đầy tớ thiếu lòng khoan dung, CG đã kết luận : “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người không hết lòng tha thứ cho anh em mình”(Mt 18, 35).

Khi lầm lỗi, tự trong thâm tâm, ai cũng mong mỏi được cảm thông và tha thứ. Tự bản thân mình cảm thấy càng được xứng đáng như vậy hơn khi có những lý do sâu xa mà người khác không thể nào hiểu được. Mỗi trường hợp đều có những lý do riêng biệt của nó ; có thể do sự khác thường của cấu trúc tâm sinh lý; có thể do quan niệm sống và ý thức hệ tạo nên; có thể do môi trường và hoàn cảnh bó buộc ; có thể do những căng thẳng và hổn loạn nội tâm; có thể do những đòi hỏi khó khăn và bức thiết của một tình trạng hoặc của một nền giáo dục luân lý hay đạo đức truyền thống không lành mạnh… Sự việc xảy ra thường không đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy. Sự phán đoán theo bề ngoài một cách vội vàng hấp tấp chỉ tạo thêm oan nghiệt cho đương sự do cái nhìn chủ quan và nông cạn. Sự hiểu biết hay phán đoán chân chính nào thì đầu tiên cũng là thái độ cảm thông, bao dung và tha thứ để có thể tiến tới sự đồng cảm như chính bản thân mình vậy . Đó mới thực sự là tâm tình mà Chúa muốn đặt vào lòng chúng chúng ta như chính sự hiện diện sống động và linh thiêng của Ngài ở nơi mỗi người (Lc 6, 37). Không biết khoan dung tha thứ và cảm thông với mọi người, trong mọi trường hợp, đồng nghĩa với việc không hiểu biết gì về cuộc sống làm người với nhau. Và như vậy mọi sự hiểu biết khác đều vô nghĩa, vì nó chẳng liên hệ hay giúp ích gì cho cuộc sống thăng tiến con người. Sự hiểu biết tách rời với tình thương là sự hiểu biết hủy diệt. Văn minh không tình thương là văn minh của sự chết. Do đó sự thiếu khoan dung không chỉ là sự phủ nhận sự chân chính của tâm hồn mình và của người khác mà còn là sự phủ nhận chính Thiên Chúa và tấm lòng nhân từ vô biên của Ngài. Sự phủ nhận này chính là ngõ cụt và là sự bế tắc của mọi tương quan, đồng thời cũng là tự khai tử chính mình và là bản án chung thân cuối cùng của mọi diễn biến tâm linh. Phải chăng đó là điều mà Jean Paul Sartre nói lên : “Tha nhân là hoả ngục”, vì không thể tha thứ được hoặc vì không thể được tha thứ ?

Tha thứ đã khó khăn nhưng mở miệng xin tha thứ còn khó khăn biết mấy. Ít ai dám nhận mình lầm lỗi, nên cũng ít ai thành thật xin tha. Ađam -  Eva chỉ đổ lỗi cho nhau mà không hề cùng nhau nhận lỗi. Phải chăng mầm móng kêu căng đã nhập vào con người từ thuở nào ? Cơ chế phòng thủ của tự ái và danh dự phải chăng đã làm chết nghẹt chân tâm dịu hiền và chân thật của con người ? Chính vì vậy mà nhiều khi người ta muốn được tha thứ nhưng lại không muốn chân thành và khiêm tốn mở lòng đón nhận. Ai cũng muốn bao phủ quanh mình bằng những bề thế và lý lẽ để làm dày đặc thêm cái “TÔI” giả tạo của mình. Tuy nhiên, tha thứ là phẩm tính của TC và cũng là phẩm chất của con người, nên vẫn phải tha thứ dù người khác không xin thứ tha. Tha thứ và xin thứ tha như một dòng lưu chuyển làm triển nở và khơi rộng đời sống tinh thần đến vô tận. Tha thứ không phải chỉ vì mình hay vì người khác, mà còn vì bản chất đời sống chúng ta là máng chuyển thông nguồn ơn tha thứ là chính Thiên Chúa trên đời sống nhân loại.

Lạy Chúa, con lãnh nhận ơn tha thứ hằng ngày nhưng rồi mấy khi con biết thứ tha?  Cứ sống như chủ nợ mà quên rằng mình là con nợ. Nỗi ray rứt và đau đớn của con là khi không thể tha thứ cho anh em mình vì những xúc phạm quá nặng nề của họ đối với con. Nhưng con lại quên rằng mình cũng đã bao lần xúc phạm đến anh em như vậy, và có thể còn hơn thế nữa. Điều này làn cho con trở nên lố bịch và vô lý.  Trái lại, con cũng cảm thấy rằng mỗi khi tha thứ được cho người khác thì tâm hồn con nhẹ nhàng và thanh thản an vui. Như vậy thiên đàng hay hoả ngục là ở chính tâm hồn con, tuỳ vào tâm thế của con. Bởi vậy, mỗi khi con tha thứ là những cánh hoa yêu thương nở rộ trong tâm hồn, như cơn gió mùa xuân dịu dàng và êm mát đưa con vào khung trời mới của cung lòng Thiên Chúa từ bi và nhận hậu : là nguồn an vui bất diệt mà con đang kết dệt bằng sự yêu thương tha thứ qua mỗi ngày đời con.

Lm Thái Nguyên.

18-9-2005

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu