QUYỀN BÍNH, VÂNG PHỤC VÀ SỨ MẠNG

(TTCG Cập nhật: 05/11/2010 11:36:18)

Lời người dịch

Đây là một chương trong quyển “Refounding Religious Life…”. Tác giả viết về đời sống thánh hiến. Nhưng rất nhiều hàm ý liên quan đến quyền bính và vâng phục không chỉ thuộc riêng cảnh vực của các tu sĩ. Điều tương tự cũng có thể nói về Huấn thị “Quyền bính và Vâng phục” mà Thánh Bộ các Dòng tu và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ mới ban hành cách đây 2 năm. Hy vọng rằng những tư tưởng ở đây có thể hữu ích cho chúng ta trong việc đào sâu ý nghĩa vâng phục Kitô giáo.

***

Có một câu nói được nhiều người nhắc đến: “Vào cái thời mà bề trên nắm quyền điều khiển, thì tôi là một thuộc cấp; nay đến thời thuộc cấp nắm quyền điều khiển, thì tôi bị đặt làm bề trên”. Chúng ta không biết ai đã nói câu này đầu tiên, song vấn đề ai nói không quan trọng. Điều quan trọng là người nói ám chỉ gì khi nói như vậy.

Mặc dù câu nói trên không phải là một phát biểu thần học chặt chẽ, đó vẫn là cách khéo léo để xác nhận rằng quyền bính và sự vâng phục đã thay đổi rất nhiều trong các cộng đòan tu trì. Trong đà thay đổi này, một số tu sĩ đã bị xúi quẩy: ngày trước họ vâng phục, còn bây giờ họ thi hành quyền bính. Đó là tiếng than của người đã chế tác ra câu nói trên, và lời phàn nàn ý nhị ấy làm nảy lên một số vấn nạn: Phải chăng có thể giảm trừ sự vâng phục đến chỉ còn là chuyện riêng giữa bề trên và thuộc cấp? Có nên tìm hiểu xem cơn khủng hoảng hiện nay của đời tu có phải là cơn khủng hoảng quyền bính hay đó là cơn khủng hoảng vâng phục? Những thái độ gay gắt của bề trên và thuộc cấp có đem lại ích lợi gì cho cộng đoàn hay cho sứ mạng không? Phải chăng chúng ta không nên đẩy các vấn đề tới những bình diện cao hơn, tức các gốc rễ thần học của nó? 

1. THỜI CỦA LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

J.M. Lozano có một toát lược rất súc tích về những ý niệm khác nhau liên quan đến vâng phục trong lịch sử đời tu. Nhìn lướt qua những ý niệm này, chúng ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề vâng phục trong mấy thập niên trở lại đây.

Các ẩn sĩ đầu tiên chia sẻ với mọi Kitô hữu bổn phận vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Nhưng dường như họ không có cái mà về sau gọi là “lời khấn vâng phục” trong đời tu. Như vậy, ta có thể nói rằng đời tu đã bắt đầu mà không hề có việc khấn vâng phục. Các tu sĩ đầu tiên là những ẩn sĩ sống cô độc. Từ ‘monk’ có nghĩa là một mình. Kẻ sống một mình thì chẳng cần vâng phục bất cứ ai khác. Trong thể chế tu trì sơ khai chúng ta gặp thấy việc từ bỏ mọi sự kể cả tài sản và gia đình, nhưng không có tư liệu nào nói về việc từ bỏ sự tự do cá nhân.

Hình thức đầu tiên của vâng phục rõ ràng có tính linh đạo. Một tập sinh tùng phục một cha hay mẹ linh hướng - để được giúp sống một mình, hầu trở thành một tu sĩ thực sự. Ở đây vâng phục có nghĩa là ngoan ngoãn lắng nghe và cho phép mình được hướng dẫn bởi một người hướng dẫn tinh thần. Tuy nhiên, nhiều vị thầy thậm chí từ chối đưa ra các mệnh lệnh, bởi vì sự tùng phục của tập sinh đối với lời dạy bảo của thầy chỉ có tính giai đọan mà thôi. Khi tập sinh đã sẵn sàng để trở thành một tu sĩ, thì cả sự chỉ bảo lẫn sự tùng phục đều chấm dứt. Khi tập sinh kết thúc giai đoạn tập thì “sự vâng phục” cũng kết thúc.

Trong một môi trường đậm ảnh hưởng tư tưởng nhị nguyên Hy Lạp, một hình thức thứ hai của vâng phục đã sớm hiện lên: vâng phục xét như sự từ bỏ ý muốn của riêng mình. Nó được liên hệ với sự tiết dục. Vâng phục là sự khổ chế của linh hồn, cũng như tiết dục là sự khổ chế của thân xác. Ta không ngạc nhiên khi Gioan Tẩy Giả, con người khổ hạnh, được coi là vị sáng lập thể chế tu trì sơ khai. Ý niệm thứ hai này về vâng phục nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực của khổ hạnh, tức khía cạnh từ bỏ. Còn khía cạnh tích cực của khổ hạnh thì không dễ nhận ra, vì thời bấy giờ sự từ bỏ được nhấn mạnh hơn là tinh thần môn đệ. “Qui Luật Của Thầy” nại đến loại vâng phục này để bảo đảm cho kỷ luật tu trì.

Trong một giai đoạn thứ ba, vâng phục được hiểu trong liên hệ với đức ái. Các tu sĩ của Thánh Pachomius - là những người sống trong cộng đoàn - vẫn liên hệ vâng phục với kỷ luật và trật tự của đời sống cộng đòan. Nhưng họ đã có những ám chỉ về tương quan giữa vâng phục và đức ái. Khía cạnh này được khai triển cách riêng bởi Thánh Basil, Thánh Augustinô, Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô. Trong các tổ chức của các vị này, những nhóm nhỏ được quy tụ để cùng nhau sống đời sống Tin Mừng. Họ bắt đầu nói về tình anh em và tình chị em. Họ nhấn mạnh “sự vâng phục lẫn nhau giữa những người bình đẳng”, một sự vâng phục được liên kết mật thiết với liên đới và bác ái. Trong bối cảnh này quyền bính được trình bày như sự phục vụ. Các dòng hành khất liên hệ sự vâng phục với sứ mạng tông đồ của mình. Trong một môi trường của những nhà giảng thuyết lưu động, trong đó có nhiều người thuộc các nhóm lạc giáo, thì “vâng phục” trở thành dấu chứng của các nhà giảng thuyết Công giáo.

Trong truyền thống Bênêđictin, vâng phục được trình bày như thái độ đức tin - ob-auditio fidei - hay như thái độ lắng nghe Lời Chúa. Ý niệm này, vốn đã tồn tại trong thể chế tu trì sơ khai, được đặc biệt khai triển trong Quy Luật của Thánh Bênêđictô. Vị tu viện trưởng đóng một vai trò thiết yếu trong ý niệm vâng phục theo nghĩa này. Ngài là trung gian thông chuyển thánh ý Thiên Chúa cho các tu sĩ. Bổn phận của ngài là dạy bảo, quyết định, cai quản, và cung cấp sự hướng dẫn tâm linh. Vâng phục đối với tu viện trưởng được xem như là vâng phục chính thánh ý Thiên Chúa. Cassian giải thích sự vâng phục dưới dạng đức tin và thái độ khiêm tốn. Sự lắng nghe, thái độ khiêm tốn và đức tin là những yếu tố thiết yếu của tinh thần môn đệ.

Cuối cùng, vâng phục được nối kết với sứ mạng tông đồ. Kể từ thời các dòng hành khất, mối quan hệ gần gũi giữa vâng phục và sứ mạng đã được phát triển. Ý niệm mới này về vâng phục được đặc biệt nhấn mạnh bởi Thánh Inhã và Dòng Tên do ngài sáng lập. Vị bề trên (không còn được gọi là prior hay anh cả giữa các anh em) trước hết có trách nhiệm điều phối, thúc đẩy và hướng dẫn sứ mạng tông đồ. Chính trong bối cảnh này đã xuất hiện lời khấn “thứ tư” về việc vâng phục Đức Giáo Hoàng - trong đó bao hàm việc cam kết đảm nhận công tác thừa sai bất cứ nơi nào Giáo Hội cần, theo như Đức Giáo Hoàng quyết định. Ở đây rốt cuộc ta gặp thấy một mối quan hệ chặt chẽ giữa sự vâng phục tu trì và phẩm trật Giáo Hội.

Toát lược trên đây có thể cho thấy rằng xuyên qua dòng lịch sử, các khía cạnh của sự vâng phục tu trì thật rất phong phú. Sẽ thật lý tưởng nếu hòa hợp được các khía cạnh ấy với nhau, nhưng lịch sử cho thấy rằng việc cố gắng điều hợp như vậy không dễ tí nào.

Khía cạnh kỷ luật của vâng phục thịnh hành nơi mẫu đời tu truyền thống. Kỷ luật vốn là một khía cạnh nổi bật của đa số các cộng đòan tu trì trong những năm trước Công đồng Vatican II. Những động lực có tính linh đạo và thần bí không hoàn toàn vắng mặt, nhưng chiều kích kỷ luật và pháp lý được nại đến rõ nhất để củng cố sự vâng phục. Cuộc cải cách sau Công Đồng đã giảm nhẹ những khía cạnh kỷ luật và pháp lý - và cố gắng nhấn mạnh chiều kích thần học.

Mẫu thức truyền thống cũng nhấn mạnh chiều kích cá nhân của vâng phục. Cá nhân vị bề trên được gán cho thế giá cao cả do chính tình trạng pháp lý của vị ấy trong tư cách là bề trên. Tất cả chúng ta đều đã từng nghe những câu chuyện trong đó sự sùng bái cá nhân này đã dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền bính. Sự vâng phục được qui về mối quan hệ riêng giữa bề trên và thuộc cấp. Trong bối cảnh này những sự trung thành có tính cơ chế được gán cho tầm quan trọng đặc biệt. Đó thường là những tiêu chuẩn tối hậu để người ta thi hành quyền bính hay thực hành vâng phục.

Cuộc canh tân sau Công Đồng đã mở rộng những chân trời có tính cơ chế và tính cá nhân nói trên của vâng phục, qua đó trả vâng phục về chiều kích sứ mạng và cộng đòan của nó. Ghi nhận những trình thuật Thánh Kinh cổ điển nhất về ơn gọi, thần học đời tu đã định nghĩa lại vâng phục trong quan hệ với sứ mạng. Như vậy việc phục vụ cho Nước Trời đã trở thành một tiêu chuẩn quyết định trong việc biện phân thánh ý Thiên Chúa. Một số xung đột đã sớm nổi lên giữa những sự trung thành có tính cơ chế và những cam kết có tính sứ mạng. Những xung đột này không dễ có cách giải quyết, bởi vì chúng đòi hỏi phải từ bỏ những quyền lợi của hội dòng và phải mở ra với những chân trời ngôn sứ mới. Vấn đề vâng phục trở thành đầy kịch tính khi cơ chế và đặc sủng đụng chạm nhau.

Mẫu thức truyền thống của đời tu đặt nền tảng của sự hiệp nhất cộng đoàn và hội dòng trên một số qui tắc tác động hỗ tương có tính kỷ luật, được áp đặt cách tự nhiên và được chấp nhận cách mặc nhiên. Việc huấn luyện theo mẫu thức vâng phục này là một trong những tiêu chí căn bản của các chương trình huấn luyện. Vào thời đó, cả yêu cầu đối thoại lẫn các vấn đề nhân quyền đều chưa đi vào trong đời tu. Việc thi hành quyền bính và việc thực hành vâng phục được giữ trong một môi trường trật tự, hoà bình và hoà điệu. Sẽ là không công bằng nếu phủ nhận phần thiện chí chứa đựng trong việc thi hành quyền bính hay những công trạng có được nhờ thực hành vâng phục. Tuy nhiên, cũng sẽ là không trung thực nếu che giấu những sai lầm xảy ra do những lạm dụng quyền bính về phía bề trên và những cung cách thiếu trưởng thành về phía thuộc cấp.

Mẫu thức vâng phục này có tính phụ quyền, được đặc trưng bởi một cơ cấu hình kim tự tháp và đàn ông thống trị đàn bà. Trong lịch sử đời tu có những trường hợp đầy ấn tượng trong đó phụ nữ nắm quyền bính về cơ chế - song đó chỉ là những biệt lệ. Thậm chí chính các dòng nữ đã đưa mẫu thức vâng phục này vào trong các cộng đòan của mình. Xã hội dân sự đã quyết tâm vượt qua nền văn hoá phụ quyền này một cách mạnh mẽ hơn chính Giáo Hội.

Đàng khác, mẫu thức tự do của đời tu nhấn mạnh hai yếu tố trong việc thi hành quyền bính và vâng phục. Thứ nhất, nó đánh giá cao các quyền của con người. Vâng phục không thể là một cách để phủ nhận hay thủ tiêu nhân vị. Kinh nghiệm Kitô giáo và đời tu phải trở thành những nẻo đường giúp người ta tự thể hiện mình và phát triển. Các tu sĩ nam và nữ không phải là những đối tượng thuần tuý để được sử dụng cho ích lợi của cơ chế hay cho những ý muốn thất thường của các bề trên. Mọi thuộc cấp đều là một thuộc cấp có lý trí, có khả năng đối thoại và đưa ra quyết định của riêng mình. Lương tâm là một tiêu chuẩn không thể bác bỏ được cho hành động cá nhân. Sự vâng phục tu trì cũng không chuẩn chước cho người ta khỏi hành động theo lương tâm. Nguyên tắc cổ điển rằng “vâng lời thì không sai lầm” có những hạn chế nghiêm trọng của nó nếu lương tâm người ta bị tổn thương. Cũng là vô lý việc đổ toàn bộ trách nhiệm phải quyết định lên người chỉ huy. Việc chúng ta vâng phục tối mặt - khi biết rằng mình đang sai lầm - sẽ không miễn tội cho chúng ta. Các quyền của con người phải được xét đến khi chúng ta tìm kiếm sự thật và cố gắng làm điều tốt đẹp.

Thứ hai, mẫu thức tự do mở ra việc đối thoại và biện phân trong cộng đoàn. Nền văn hoá dân chủ có những âm vọng của nó trong đời tu. Chống lại “sự vâng phục tối mặt” theo truyền thống, giờ đây chúng ta cổ vũ “sự vâng phục đến từ đối thoại”. Đây là một bước quan trọng hướng tới một quyền bính có tính Tin Mừng nhiều hơn và một loại vâng phục trưởng thành hơn. “Sự vâng phục đến từ đối thoại” khởi đi từ giả định thần học rằng Chúa Thánh Thần hiện diện, lên tiếng và hành động trong mọi người, bề trên cũng như thuộc cấp. Cộng đòan là nơi để biện phân, để kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa. Bề trên và thuộc cấp cùng dấn thân cho công việc này như nhau. Họ phải lắng nghe Lời Chúa trong cộng đòan, trong cầu nguyện chung và trong đối thoại đặt nền trên đức tin. Đây là những bước quan trọng hướng tới chiều kích thần học của sự vâng phục.

Tuy nhiên, mẫu thức tự do của đời tu có nhiều hạn chế và đã làm bật lên nhiều vấn đề. Đã có những trường hợp xảy ra ‘sự cố’ mà cả bề trên và thuộc cấp đều phải chịu trách nhiệm.

Sự giải thích sai lạc về các quyền của cá nhân đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa cá nhân đầy sức tàn phá. Giá trị của vâng phục bị phá sản, đời sống cộng đòan và sứ mạng bị xói mòn. Nhiều khi tình trạng đẩy xa tới mức việc sống chung trở thành khó khăn, và cộng đòan bị giảm trừ đến chỉ còn là một chỗ sống chung hòa bình. Người ta quá nại đến sự tôn trọng nhân quyền tới mức không ai có thể can thiệp vào đời sống hay những dự án riêng của người khác - nhiều khi những dự án này chẳng có mấy chất Tin Mừng. Chủ nghĩa cá nhân đã làm cho nhiều kế hoạch được xây dựng rất kỹ càng của cộng đoàn phải sụp đổ. Nó cũng đề ra nhiều kế họach tông đồ mà giá trị rất đang khả nghi. Bằng cách nào chúng ta có thể điều hợp những đòi hỏi của sứ mạng với sự phát huy những tài năng và những dự án cá nhân?

Việc viện dẫn các quyền của cá nhân và việc nại đến nhu cầu đối thoại nhiều lúc đã làm cho việc thi hành quyền bính bị tê liệt. Các triệu chứng trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Số người sẵn sàng nhận các chức vụ và trách nhiệm trong cộng đòan và trong hội dòng đã có chiều hướng sút giảm. Một phần vì những chức vụ ấy làm cản trở các kế họach riêng của họ, phần khác vì họ sợ cái gánh nặng của việc thi hành các chức vụ được giao ấy. Nếu quả thật ngày nay “thuộc cấp ra lệnh và bề trên vâng phục”, thì nỗi ái ngại trước chức vụ quả là điều dễ hiểu xét về phương diện con người.

Trong cái toàn cảnh này, điều khá thường xảy ra là bề trên bị ức chế trong việc thi hành quyền bính và do đó trở thành xuề xoà dễ dãi. Trong nhiều trường hợp, chính ước muốn làm hài lòng người ta hoặc nỗi lo sợ đụng chạm người ta là nguyên nhân của sự ức chế này. Nếu ai muốn làm gì thì làm, thì cộng đòan tu trì và sứ mạng của nó chắc chắn sẽ đổ vỡ. Ngay cả những bề trên sẵn sàng hành động cũng dành phần lớn thời gian để thuyết phục những người khác nhận trách nhiệm hay để dính vào vô số chuyện linh tinh. Thế là bề trên chẳng còn thời gian cho vai trò lãnh đạo hay để quan tâm đến những khía cạnh nền tảng hơn của đời sống và sứ mạng. Rốt cuộc, cả bề trên và thuộc cấp đều trở thành nạn nhân của những ức chế và những quyền cá nhân của mình. Các vấn đề và các xung khắc được phủ lấp đi, nhưng không được giải quyết. Nghĩa là, chúng trở thành mỗi lúc mỗi nghiêm trọng hơn, cho đến khi không ai còn có thể chịu nổi.

Giải quyết tình hình nói trên thật không dễ. Trở về với mẫu thức kỷ luật cũ xem ra không phải là chuyện khả thi và thích hợp. Vẫn có những người lãng mạn ước mơ khôi phục lại quá khứ như một cách để vãn hồi “trật tự” cho đời tu. Họ quên rằng sự vâng phục có tính thần học thì đòi hỏi hơn nhiều so với sự vâng phục duy chỉ có tính kỷ luật. Họ đòi hỏi các bề trên phải bám chặt lấy luật và truyền thống để giải quyết các vấn đề vâng phục một lần thay cho tất cả. Họ tin tưởng vào thẩm quyền pháp lý hơn là thẩm quyền cá nhân. Một số thậm chí mơ về giai đoạn trong đó có những nhà tù để giam giữ những kẻ bướng bỉnh. Nhưng tất cả những điều này đã thuộc về quá khứ. Một số bề trên có tinh thần thực tiễn thú nhận rằng sau khi vất vả thử mọi cách để thuyết phục, họ không còn có thể làm gì nữa bởi vì họ không thể cậy dựa vào những sự phạt vạ hay những qui định chế tài. Quả đáng buồn nếu phải cổ võ một dự án đầy tính đặc sủng bằng cách phạt người ta hay ép buộc người ta. Có những nhóm tiếp tục mở rộng khả năng chọn lựa đặc sủng hội dòng, để cho không ai có thể ở ngoài sự vâng phục. Họ muốn có những vị bề trên nhẫn nhục, có khả năng điều hợp mọi sự mà không đụng chạm đến họ, không đụng chạm đến các quyền lợi hay các dự án riêng của họ. Nhưng những chọn lựa như thế chẳng đem lại được gì ngoại trừ việc gây ra thêm những vấn đề về căn tính.

Điều mà trong quá khứ đã được đặt nền trên một kỷ luật cứng ngắt thì ngày nay phải được xây dựng lại trên một khoa thần bí có tính Tin Mừng thực sự. Chỉ như thế mới có thể vượt qua những hạn chế của mẫu thức tự do trong việc thi hành quyền bính và trong việc thực hành vâng phục. Đời tu ngày nay có cần một sự chỉnh đốn dựa trên Tin Mừng bằng cách hòa hợp các giá trị của Nước Thiên Chúa và sự công chính của nó với các quyền riêng của người ta không? Phải chăng chiều kích thần học của vâng phục có đã chuyển từ suy tư lý thuyết thuần túy sang kinh nghiệm thực tiễn?

2. VÂNG PHỤC, THÁNH HIẾN VÀ LỄ TOÀN THIÊU TRONG HAI TRUYỀN THỐNG

Mối quan hệ giữa vâng phục với hai truyền thống Do Thái - Kitô giáo không bộc lộ rõ rệt trong lời khấn vâng phục như trong các lời khấn khác. Tuy nhiên, hai phạm trù của thần học cổ điển về vâng phục liên hệ lời khấn này với lĩnh vực thứ ba (hay tư tế) của hai truyền thống nói trên: lĩnh vực phượng tự. Hai phạm trù đó là: “thánh hiến” và “lễ toàn thiêu”.

“Thánh hiến” là ý niệm trung tâm trong thần học đời tu. Thật vậy, sau Công đồng Vatican II, thành ngữ “đời sống thánh hiến” đã được sử dụng rộng rãi. Ý niệm này bao hàm toàn bộ đời tu, nhưng theo truyền thống thì nó được nối kết cách riêng với lời khấn vâng phục. Việc tuyên khấn công khai lời khấn này bao hàm một sự thánh hiến toàn thể đời sống của mình để phụng sự Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao một số hình thức khấn dòng chỉ nêu rõ lời khấn vâng phục mà thôi. Bất cứ ai tuyên khấn vâng phục thì đều trở thành người được thánh hiến.

“Lễ toàn thiêu” là phạm trù thứ hai liên kết vâng phục với phượng tự. Vâng phục là một sự thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho công việc của Ngài, hay một sự trao phó hoàn toàn sự sống, vì thế truyền thống đã xem vâng phục như là “lễ toàn thiêu”, tức hy lễ tột đỉnh trong đó những người tế lễ không giữ lại chút gì cho mình, song thiêu huỷ hoàn toàn con vật bị sát tế.

Gốc rễ của vấn đề này nằm ở sự khác biệt của ý niệm về điều gì là thiêng thánh trong cả hai truyền thống.

Truyền thống tư tế giải thích một điều là thiêng thánh hay phàm tục theo nhãn giới phượng tự. Cái thiêng thánh được tập trung bên trong vành đai của phượng tự. Phượng tự có tầm quan trọng đến nỗi truyền thống tư tế kể những thành tích hào hùng của lịch sử Israel trong các câu chuyện phượng tự. Câu chuyện về sự sụp đổ của thành Giêricô là một kiểu thức như thế (x. Giosuê 6,1-6). Phượng tự là nguồn của sự thánh thiện và thánh thiêng trong những biến cố này.

Bất cứ gì thuộc về phượng tự đều thánh thiện: cung thánh, hòm bia là nơi Đức Chúa hiện diện (x. Xuất Hành 40); những đồ vật dành cho phượng tự (x. Xuất Hành 35-39); ngày sabat và các lễ dành cho phượng tự (x. Lêvi 23-25); những người được thánh hiến cho phượng tự, cách riêng các tư tế (x. Lêvi 21,1-24; 24,1-9). Bất cứ gì ở ngòai lãnh vực phượng tự đều là phàm tục. Chẳng hạn những người bị loại khỏi phượng tự vì ô uế do tự nhiên hay do mắc phải.

Sự giải thích này đã ảnh hưởng đến thần học và thực hành về vâng phục nói riêng và đời tu nói chung. Trước hết, nó diễn dịch sự thánh hiến tu trì trong những giới hạn khách quan. Những người được thánh hiến xuyên qua lời khấn tu trì hoàn toàn được coi là những người thánh thiêng. Vì thế, đối tượng của lời khấn tu trì là fuga mundi (thoát khỏi thế giới) hơn là sứ mạng. Ở đây, cách trình bày nào đó coi lời khấn tu trì như “chết đi đối với thế gian” tìm thấy ý nghĩa của nó, một ý nghĩa chắc chắn gây ra những hàm hồ về thần học. Thứ hai, những hoạt động thờ phượng đã được đặt ở trung tâm của đời tu. Ở đây chúng ta thấy mối nguy của việc giảm trừ việc phụng sự Thiên Chúa đến chỉ còn là những hành động phượng tự. Thứ ba, lối diễn dịch này giải thích tầm quan trọng của lý tưởng tinh sạch trong nền luân lý và linh đạo của đời tu.

Truyền thống ngôn sứ giải thích một điều là thiêng thánh hay phàm tục từ nhãn giới của giao ước và cộng đoàn. Truyền thống ngôn sứ Do Thái - Kitô giáo không bao giờ coi nhẹ phượng tự, nhưng nó chất vấn những diễn dịch và những thực hành có tính biểu tượng của phượng tự. Truyền thống ngôn sứ thiết lập các ranh giới giữa cái thiêng thánh và cái phàm tục dựa trên những đòi hỏi của giao ước. Chủ thể chính yếu là con người. Những con người nào và những cộng đoàn nào trung thành với giao ước và vâng phục các huấn lệnh, đó là những người thánh và những cộng đoàn thánh. Trái lại, những con người và những cộng đoàn nào không trung thành với giao ước hay rời bỏ các huấn lệnh thì trở thành phàm tục. Sự thánh thiện đích thực không hệ tại ở việc cử hành giao ước theo nghi lễ, nhưng hệ tại ở việc biến giao ước thành hiện thực trong lịch sử xuyên qua việc vâng phục Thiên Chúa. Sự sống và phúc lành được tìm thấy trong niềm trung thành vâng phục.

Đối với truyền thống ngôn sứ, cái thánh thiêng và cái phàm tục có liên hệ với nhau. Thiên Chúa là thánh. Sự thánh thiện của Ngài biểu lộ nơi việc Ngài tự trao ban chính mình cho dân Ngài vì ơn cứu độ và sự giải phóng của họ. Bởi đó lịch sử Israel trở thành một lịch sử thánh nhờ việc Thiên Chúa tự ý can thiệp. Xuyên qua vâng phục, dân được tháp nhập vào lịch sử thánh và ở lại trong đó. Sự trung thành của họ được diễn tả qua việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và chu toàn các huấn lệnh. Sự trung thành này thiết lập các mối liên hệ của công lý, trung thực, liên đới và thái độ hiến thân cho nhau trong cộng đoàn.

Truyền thống ngôn sứ giải thích cái thánh thiêng hay phàm tục theo nhãn giới ân sủng. Những gì nối kết với ân sủng đều thiêng thánh: Thiên Chúa, lịch sử cứu độ, một cộng đoàn trung thành, những mối tương quan mở ra giữa cộng đoàn và Giavê và giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau. Còn những gì ở bên ngoài cảnh vực của ân sủng thì đều là phàm tục: một cộng đoàn loại bỏ các huấn lệnh và quên lãng công lý, phá vỡ sự công chính và gạt bỏ kẻ yếu, quên lãng Đức Giavê trong lịch sử - ngay cả khi vẫn còn nhớ Ngài trong những thực hành nghi lễ. Đối tượng của phượng tự nghi thức chính là cử hành ân sủng và thúc đẩy những thực hành thích hợp. Nhưng phượng tự đích thực là phượng tự bằng đời sống, tức việc sống ân sủng trong lịch sử của cộng đoàn.

Đức Giêsu nghiêng về truyền thống ân sủng có tính ngôn sứ. Người tẩy chay việc quy tập tính thánh thiêng chỉ nơi những hy lễ theo nghi thức. Người thay thế những hy lễ ấy bằng chính việc tự hiến sự sống của Người. Như vậy những hy lễ theo nghi thức không còn có giá trị nữa, ngay cả hy lễ tột đỉnh là lễ toàn thiêu. Hy lễ duy nhất làm hài lòng Thiên Chúa là lòng thương xót (x. Hôsê 6,6; Mt 12,6-7). Hoạt động thánh thiêng đích thực là việc dâng hiến chính sự sống mình, cho đến chết, trong niềm trung thành vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Sự thánh thiêng được gặp thấy cách đặc biệt nơi đời sống và lịch sử của Đức Giêsu và các môn đệ Người. Những hành động phụng sự Thiên Chúa và anh chị em đều được coi là thánh thiêng. Đức Giêsu báo trước hy lễ đổ máu của chính Người bằng một bữa ăn chia tay trong đó bánh và rượu trở thành những biểu tượng của hiệp thông và hòa giải. Hy lễ chiên vượt qua nay được thay thế bởi việc Đức Giêsu tự hiến mạng sống Người. Điều được gợi lên trong nghi thức ở đây không phải là bạo lực, nhưng là vâng phục và yêu thương.

Đức Giêsu xem mọi người là thiêng thánh. Mọi người đều thiêng thánh bất kể họ tinh sạch hay ô uế theo cái nhìn của truyền thống tư tế. Đối với Người, mọi người, nam cũng như nữ, đều là con cái của Thiên Chúa. Hệ thống ân sủng hoà giải những người bị chia rẽ bởi hệ thống tinh sạch.

Đời sống và cái chết của Đức Giêsu là một kiểu thức cho sự diễn dịch mới mẻ của Người về cái gì là thiêng thánh và cái gì được liên hội vào phượng tự. Thư Do Thái là một suy tư thần học về tính mới mẻ này. Bằng cách tự nguyện trao hiến mạng sống mình trong niềm vâng phục thánh ý Cha, Đức Giêsu mở ra một nền phượng tự mới Kitô giáo, một lễ toàn thiêu mới, một giao ước mới. Đức Giêsu cùng một lúc là tư tế, là lễ vật, và là bàn thờ. Cái chết của Người là hy lễ được dâng một lần thay cho tất cả. Người là kiểu mẫu đích thực của sự vâng phục làm hài lòng Thiên Chúa. Đây là sự vâng phục đích thực và là phượng tự đích thực của các môn đệ Đức Giêsu, của tất cả các cộng đoàn Kitô hữu, dù có hay không có lời khấn tu trì.

Nhận thức có tính ngôn sứ này soi chiếu một ánh sáng mới trên lời khấn vâng phục.

Trước hết, đây không phải là một sự thánh hiến duy chỉ có tính nghi thức. Sự thiêng thánh ở đây không phải là kết quả tự động của một nghi thức khấn dòng, nhưng đây là một sự thánh hiến chính đời sống, một sự tận hiến để phụng sự Thiên Chúa. Sự thánh thiêng của đời tu nằm ở trong chính đời sống của người môn đệ, chứ không chỉ ở trong các hoạt động thờ phượng. Nghi thức khấn dòng có một giá trị quan trọng. Thánh Tôma giải thích giá trị này bằng cách khẳng định rằng vì chúng ta không thể dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả sự sống của chúng ta ngay lập tức, chúng ta tự ràng buộc chính mình để hiến dâng sự sống ấy một cách trọn vẹn xuyên qua một lời khấn dòng. Vì thế, sự thánh hiến diễn ra xuyên qua việc trung thành chu toàn dự phóng đời sống mà chúng ta đã tuyên khấn vào một lúc nhất định.

Thứ hai, sự thánh hiến tu trì là một sự thánh hiến cho sứ mạng, bất kể đặc sủng của hội dòng là gì. Sự thánh hiến này bao trùm toàn bộ cuộc sống. Việc phụng sự Thiên Chúa không bị giới hạn chỉ trong các hành vi phượng tự; nó cũng liên can đến các hành vi phục vụ khác hướng về tha nhân, được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, vâng phục không thể được hiểu như cái gì ở bên lề sứ mạng hay bên lề việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Sự thánh hiến tu trì không phải duy chỉ là một cuộc tránh thoát thế gian, nhưng một cách chuyên biệt đó là việc tách mình ra cho sứ mạng.

Thứ ba, sự vâng phục tu trì, được diễn dịch từ quan điểm ân sủng, được liên kết với đời sống cộng đoàn. Lời khấn vâng phục là một lời khấn theo Đức Giêsu trong một loại cộng đoàn cụ thể và để xây dựng cộng đoàn. Sự vâng phục tu trì là một lễ toàn thiêu, một sự tự nguyện hiến dâng hoàn toàn sự sống mình vì Nước Thiên Chúa và vì sự công chính của Nước ấy. Sự tự hiến này bao hàm phượng tự Kitô giáo đích thực.

Chúng ta phải giải thích mối liên hệ cốt yếu giữa sự thánh hiến trong Phép Rửa và sự thánh hiến tu trì dựa trên những giả định này. Công đồng Vatican II định nghĩa sự thánh hiến tu trì là “một sự thánh hiến đặc biệt cắm rễ sâu xa trong sự thánh hiến của Phép Rửa và làm cho sự thánh hiến của Phép Rửa nên phong phú hơn”. Cả hai sự thánh hiến đều bao hàm một định hướng hiện sinh hướng về Thiên Chúa. “Dù khi anh em ăn hay uống, hay làm bất cứ gì khác, anh em hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 31). Định hướng hiện sinh này là cốt lõi của đời Kitô hữu và đời tu.

Theo một nghĩa chuyên biệt hơn, sự thánh hiến tu trì bao hàm sự toàn hiến để phục vụ Thiên Chúa trong một lối sống được đặc trưng bởi việc triệt để bước theo Đức Kitô trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lời khấn tu trì là một sự cam kết công khai trong Giáo Hội rằng đương sự sẽ sống tinh thần môn đệ triệt để. Tu sĩ không thánh thiêng hơn bất cứ Kitô hữu nào khác. Nhưng qua lời khấn của mình, tu sĩ cam kết sống sự thánh hiến Phép Rửa của mình một cách triệt để. Đời sống thánh hiến là một biểu tượng hay bí tích mà toàn thể Giáo Hội được mời gọi hướng tới do chính Phép Rửa. Ta hiểu tầm quan trọng của việc Giáo Hội đón nhận lời khấn. Hành vi tuyên khấn là một cách nêu bật những hệ quả của sự thánh hiến Phép Rửa. Vì thế, người ta gọi đó là “Phép Rửa thứ hai,” nhưng chính xác hơn, chúng ta nên nói về một Phép Rửa triệt để và các đòi hỏi của nó.

3. TIẾNG GỌI SỐNG TINH THẦN MÔN ĐỆ, VÂNG PHỤC VÀ TỪ BỎ

Khi tìm kiếm các bản văn Tin Mừng để thiết lập các nền tảng của đời tu, chúng ta thường chọn bản văn nói về những người yêm hoạn vì Nước Trời (x. Mt 19,21), hay bản văn về người thanh niên giàu có (x. Mt 19,21), hay những trình thuật về tiếng gọi và sứ mạng (x. Mt 4,18-22; 10,37-40). Những bản văn này phác hoạ sự từ bỏ của cải vật chất và gia đình - tức sự khó nghèo và khiết tịnh. Vấn đề vâng phục vẫn còn mờ khuất. Tuy nhiên, từ bỏ là điều thiết yếu của việc đi theo Đức Giêsu. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá và theo Ta. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ giữ được sự sống ấy” (Mc 8,34-35). Đời tu không chỉ cắm rễ trong những bản văn này, nhưng trong toàn bộ Tin Mừng. Tuy nhiên, các bản văn được chọn ấy vẫn có ý nghĩa đặc biệt.

Vâng phục, xét như sự tùy thuộc vào thánh ý Thiên Chúa, không phải là độc quyền của đời tu. Đó là điều thiết yếu của mọi đời Kitô hữu. Làm môn đệ của Đức Giêsu, dù trong bậc sống nào, cũng bao hàm vâng phục. Thật không thể làm một Kitô hữu mà không bước đi trên con đường vâng phục. Nhưng loại vâng phục nào? Chúng ta phải vâng phục ai? Đâu là những đặc tính của sự vâng phục Kitô giáo trong đời tu?

“Nên vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục loài người!” (Cv 5,29). Câu trả lời của Phêrô trước vị Thượng Tế cũng được áp dụng cho vâng phục tu trì. Để tránh xì căng đan, chúng ta hãy phát biểu nguyên tắc này một cách khác, như sau: “Chúng ta nên vâng phục quyền bính con người trong chừng mực quyền bính đó chuyển đạt và am hợp với thánh ý Thiên Chúa”. Chỉ sự chuyển đạt này mới có thể biện minh cho quyền bính và sự vâng phục trong Giáo Hội và trong đời tu. Về phương diện xã hội học, có thể có những cách khác để biện minh cho sự vâng phục. Bất cứ nhóm người nào cũng thiết yếu cần một quyền bính nào đó. Từ quan điểm Kitô giáo, chúng ta hiểu tại sao một số người nên điều khiển hay một số khác nên tùng phục trên căn bản quyền bính chuyển đạt thánh ý Thiên Chúa.

Chỉ cần đọc qua Thánh Kinh người ta sẽ có ngay kết luận này: Sự vâng phục Thiên Chúa là một sợi chỉ xuyên suốt linh đạo Do Thái - Kitô giáo. Những trang đầu tiên của Thánh Kinh trình bày sự sa ngã nguyên thủy như một tình trạng bất tuân phục (x. St 3). Tình trạng này không qui chiếu đến duy chỉ sự thiếu kỷ luật trong đối chiếu với một qui tắc riêng nào đó, nhưng được xem như tình trạng chống lại chính kế hoạch của Thiên Chúa. Sự sa ngã ấy có một chiều kích thần học. Con người đã tuyên bố tự khẳng định mình trước mặt Thiên Chúa. Kết quả của sự bất tuân phục có tính “thần học” này - hay sự gãy đổ mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa này - đó là tất cả những mối quan hệ khác, con người với thiên nhiên, con người với chính mình, con người với nhau, đều bị phá hại. Sự bất tuân phục của một người đã đưa tội vào thế gian (x. Rm 5,19).

Kể từ biến cố sa ngã ấy, một lịch sử cứu độ và giải phóng bắt đầu, để cho nhân loại có thể được thiết lập lại trong vâng phục. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, vâng phục nghĩa là “lắng nghe” Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. “Ngài mở tai tôi để tôi có thể nghe; và tôi đã không chống lại, không quay đi” (Is 50,4-5). Sự bất tuân phục hệ tại ở thái độ “không lắng nghe”: “Nhưng dân Ta đã không nghe tiếng Ta, và Israel đã không vâng phục Ta; … Giá chi dân Ta chịu nghe Ta, và Itraen chịu bước đi trong đường lối của Ta” (Tv 81,12.14). Có nhiều cách để lắng nghe Lời Chúa, vì Thiên Chúa nói xuyên qua những người khác, xuyên qua những hoàn cảnh lịch sử, xuyên qua thiên nhiên… Vâng phục, hiểu như việc lắng nghe, bao gồm nhiều mối tương quan giúp cho con người được lớn lên. Nói cho cùng, vâng phục có nghĩa là bước đi bằng đức tin, trong niềm trung thành, trong đường lối Thiên Chúa, theo những quy tắc của Thiên Chúa là từ bi và thương xót. Như vậy, thật dễ nhận ra rằng vâng phục là việc của cả người giáo dân lẫn người sống đời tu trì, của cả các bề trên lẫn các thuộc cấp.

Lịch sử Do Thái - Kitô giáo trình bày những mẫu gương độc đáo về vâng phục. Abraham, cha của những kẻ tin, được công chính hóa nhờ đức tin. Sự vâng phục của ông là mối bảo đảm cho sự chúc lành: “Và mọi dân nước sẽ nhờ miêu duệ ngươi mà được chúc phúc - bởi vì ngươi đã tuân phục lệnh truyền của Ta” (St 22,18). Dân Israel đáp lại việc đọc sách Giao Ước với một cam kết vâng phục: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ ghi nhớ và thực hiện” (Xh 24,7; x. Gs 24,24). Samuel xem việc vâng phục Lời của Giavê là điều cao trọng hơn việc dâng các hy lễ: “Phải chăng Đức Chúa vui thích các lễ toàn thiêu và hy lễ hơn việc vâng phục huấn lệnh của Ngài? Vâng lời trọng hơn hy lễ và sự tùng phục thì tốt hơn mỡ cừu” (1 Sm 15,22). Đức Giêsu là mẫu gương vâng phục thánh ý Cha cho đến chết (x. Pl 2,8; Dt 5,7; 12,2). “Cũng như do sự bất tuân phục của một người mà tất cả trở thành tội nhân, thì do sự tuân phục của một người mà tất cả trở nên công chính” (Rm 5,19).

Nếu trong trường hợp của Đức Giêsu chúng ta nói về sự vâng phục thánh ý Cha, thì Tân Ước nói về việc các Kitô hữu vâng phục đức tin (x. Dt 6,7; Rm 1,5; 16,26), vâng phục Lời Chúa (x. 2 Tx 3,14), vâng phục Tin Mừng (x. Rm 6,17; 10,10; 2 Tx 1,8; 2 Cr 10,15; 1 Pr 1,22). Vâng phục trở thành đồng nghĩa với đức tin: Tin vào công cuộc cứu độ và giải phóng của Đức Giêsu. Đây là chiều kích thần học của sự vâng phục Kitô giáo và vâng phục tu trì.

Từ bỏ là một trong những điều kiện thiết yếu để làm môn đệ Đức Giêsu. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Ta” (Mt 16,24). Đây là một sự từ bỏ triệt để, được gắn kết với thập giá cho đến chết. Ta thấy thật là có ý nghĩa việc các Tin Mừng nhất lãm đặt những lời này của Đức Giêsu sau trình thuật loan báo lần thứ nhất về cuộc khổ nạn (x. Mt 16,24-28; Mc 8,34-37; Lc 9,23-27).

Sự vâng phục của các môn đệ là một con đường đi đến thập giá và đi đến cái chết cứu độ. Từ bỏ không phải là đối tượng cuối cùng của vâng phục. Chiều kích này của sự vâng phục theo Tin Mừng được diễn tả rất hay trong cái nghịch lý ở phần tiếp bản văn trích dẫn trên: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm được nó. Được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình thì được ích gì? Người ta có thể lấy gì để chuộc lại chính mình?” (Mt 16,25-26). Việc từ bỏ không có ý nghĩa gì nếu nó không được liên hệ với sự sống. Đằng sau những nghịch lý này là hai bình diện đánh dấu cuộc hoán cải Kitô giáo: từ vương quốc của tội lỗi tới Vương Quốc của Thiên Chúa. Một đời sống đóng lại nơi chính mình là một con đường dẫn tới sự chết, nhưng nếu người ta chết cho tội lỗi mình thì đó là con đường dẫn tới sự sống của Nước Thiên Chúa.

Sự từ bỏ, trong ánh sáng của ơn gọi, rõ ràng quy chiếu đến việc từ chối nói chung của người môn đệ đối với của cải, nghề nghiệp, gia đình (x. Mt 4,22). Đời sống thế tục đầy những của cải, những thú vui và những sự an toàn mà chúng ta nhọc nhằn tìm kiếm - và những thứ ấy giữ chúng ta lại trong chân trời thế tục. Có rất nhiều những sự ràng buộc làm cho chúng ta xa Nước Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao thật không hoàn toàn chính xác nếu xem lời khấn vâng phục như một lời khấn phức hợp, bao gồm cả hai lời khấn kia và cả những điều kiện khác để theo Đức Giêsu. Song cũng không phải là vô nghĩa việc quy kết công thức khấn dòng vào lời khấn vâng phục.

Sự vâng phục của các môn đệ Đức Giêsu là một thái độ lắng nghe đầy ý thức và tâm tình đối với Lời Thiên Chúa. Nhưng chỉ lắng nghe Lời Chúa thôi thì không đủ; phải thực hành Lời Chúa nữa. “Không phải những kẻ lải nhải ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ sẽ được vào Nước Trời, nhưng chỉ những kẻ thi hành thánh ý Cha trên trời” (Mt 7,21). Ở đây có mối nguy rất lớn của việc tự kỷ ám thị, cách riêng khi kinh nghiệm Kitô giáo bị biến thành một cái gì thuộc riêng tư cá nhân, như thực tế xảy ra trong nhiều cảnh vực đời tu. Trong bối cảnh này, sự vâng phục Thiên Chúa cần phải được chuyển thông trong lịch sử: trong tiếng kêu của dân chúng, trong cộng đoàn Giáo Hội, trong sự đồng hành của những người được ban cho đặc sủng biện phân…

4. ĐỨC GIÊSU: VÂNG PHỤC CHO ĐẾN CHẾT

Các nhà chú giải khẳng định rằng từ “vâng phục” theo ý nghĩa thiên về kỷ luật chỉ được sử dụng có một lần trong các sách Tin Mừng. “Con trẻ Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, về Nazareth, và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Bản văn này không qui chiếu cách chuyên biệt đến sự vâng phục tu trì, nhưng quy chiếu đến một lối sống thông thường được kỳ vọng nơi bất cứ đứa con nào sống trong sự bao bọc của cha mẹ. Tuy nhiên, ngay lập tức sau đó chúng ta tìm thấy một ánh sáng thần học giải thích đời sống ẩn dật ở Nazareth. “Về phần Đức Giêsu, càng lớn càng thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người đời” (Lc 2,52).

Cuộc đời của Đức Giêsu, cũng giống như bất cứ công dân bình thường nào, bao hàm sự vâng phục quyền bính xã hội. Người không phản kháng việc tùng phục các nhà cầm quyền và luật pháp, dù là tôn giáo hay dân sự, miễn là điều này không đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. Trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu thường tỏ ra chấp nhận chu toàn các bổn phận của một người Do Thái dưới sự cai trị của Rôma. Hơn nữa, Người đến để hoàn thành lề luật. “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật và các ngôn sứ. Ta không đến để bãi bỏ, nhưng để hoàn thành lề luật” (Mt 5,17). Cũng nên nhớ rằng các luật lệ tôn giáo và dân sự có mối nối kết chặt chẽ trong xã hội Do Thái.

Tuy nhiên, khi một quyền bính hay luật lệ con người đi ngược lại những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cảm thấy hoàn toàn tự do để bất tuân phục. Sự vâng phục của Đức Giêsu không bị giảm trừ đến chỉ còn là thi hành những mệnh lệnh của những ai đó, nhưng sự vâng phục ấy nhắm đến sự tự do ở mức độ viên mãn. Người phá vỡ những luật lệ về ngày sa bát và về ăn chay. Những thảo luận về các luật liên quan đến sự ô uế cho ta chìa khoá để hiểu thái độ của Đức Giêsu trong vấn đề này. Trong cuộc tranh luận đó, Đức Giêsu đã tố giác những kẻ nại đến những luật về sự tinh sạch với một luận cứ mạnh mẽ: “Các ngươi bỏ qua các huấn lệnh của Thiên Chúa và bám vào truyền thống con người… Đó là cách mà các ngươi xem thường Lời Thiên Chúa để bênh vực truyền thống của người phàm” (Mc 7,8-13).

Bản văn này giúp hiểu vấn đề. Thẩm quyền của con người, các truyền thống và luật lệ không luôn luôn diễn tả luật của Thiên Chúa. Điều được nói ở đây cũng đúng đối với đời tu. Đức Giêsu muốn làm rõ mối ưu tiên tuyệt đối dành cho thánh ý Thiên Chúa. Lời khẩn nguyện thứ ba của Kinh Lạy Cha xin chính điều này: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10). Và trọn cuộc đời Đức Giêsu được thúc đẩy bởi mục đích này: chu toàn thánh ý Cha.

Sự từ bỏ của Đức Giêsu ăn khớp với việc Người vâng phục thánh ý Cha. Sự vâng phục của Người là một thái độ tùng phục và sắp sẵn hoàn toàn để thi hành thánh ý của Cha (x. Lc 2,49). Các môn đệ thuyết phục Người ăn, Người nói: “Ta có lương thực mà anh em không biết… Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Ngài” (Ga 4,32-33). Diễn từ về bánh hằng sống cũng cho thấy rõ điều tương tự: “Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 6,38).

Sự vâng phục của Đức Giêsu được nối kết chặt chẽ với sứ mạng được Chúa Cha trao phó cho Người. Sứ mạng đó không phải là chuyện xuất phát từ bản thân Người. Phaolô và các tác giả nhất lãm đã trình bày Đức Giêsu như Đấng được sai đến bởi Cha, nhưng Gioan đặc biệt khẳng quyết sự kiện rằng Đức Giêsu đến từ Chúa Cha (3,12.13.17.31; 5,24.36-38; 6,38.46; 7,29; 8,42; 9,7; 11,42; 17,8.21-25). Người nói Lời của Cha (3,34; 7,16; 8,26-28; 12,49-50; 14,24; 17,8.14); và làm những công việc của Cha (9,4; 10,32.37; 14,10).

Sứ mạng của Đức Giêsu hệ tại ở việc loan báo và hiện thực hóa Nước Thiên Chúa. Điểm nhắm cuối cùng của sứ mạng này là ơn cứu độ cho nhân loại. “Vâng, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một, để những ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời. Thiên Chúa đã không sai Con của Ngài đến để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Sự vâng phục của Đức Giêsu không duy chỉ là một nhân đức có tính khổ hạnh hay luân lý. Sự vâng phục ấy có một chiều kích thần học sâu xa, có liên hệ mật thiết với chương trình cứu độ của Chúa Cha. Trong sự vâng phục của Đức Giêsu, ơn cứu độ nhân loại có dính líu chặt chẽ - cũng như sự bất tuân phục của Ađam đã dính líu một cách tai hại đến ơn cứu độ nhân loại (x. Rm 5,19).

Đối với Đức Giêsu, việc hoàn thành sứ mạng này là một tiến trình kiên định dứt khoát. Từ đầu cho đến cuối sứ vụ công khai của Người, Người sống trong tình trạng không yên ổn trong khi tìm kiếm thánh ý Cha, Người kinh nghiệm sự đề kháng theo luận lý và theo tự nhiên đối với cái chết trong nhân tính của Người. Quả thật cuộc đời của Người bắt đầu và kết thúc với những thử thách đủ loại.

Đời sống công khai của Đức Giêsu bắt đầu với những cám dỗ trong sa mạc (x. Mt 4,1-11). Các tác giả nhất lãm đặt những cám dỗ này sau biến cố Người chịu phép rửa, biến cố này là khung cảnh trong đó sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu được cho thấy. Đức Giêsu trải qua ba cám dỗ để chỉ ra cho Itraen thấy con đường về đất hứa, và cho thấy sứ mạng của Người. Đức Giêsu chống lại các cám dỗ bằng cách viện dẫn Lời Thiên Chúa. Đức Giêsu được trình bày như Môsê mới lãnh đạo cuộc Xuất Hành mới (x. Dt 3,1-6). Thư Do Thái lặp đi lặp lại ý tưởng này: dù Đức Giêsu hoàn toàn không vướng tội luỵ, Người cần phải chịu cám dỗ về sự vâng phục Thiên Chúa và để chu toàn sứ mạng của Người. Như vậy, Người trở thành mẫu gương và người dẫn dắt chúng ta: “Thật thích đáng việc Thiên Chúa, Đấng mà mọi sự tồn tại cho Ngài và nhờ Ngài, khi đưa dẫn nhiều con cái đến vinh quang, làm cho vị lãnh đạo của họ trong công cuộc cứu độ được thập toàn xuyên qua đau khổ (x. Dt 2,10; 2,17-18; 4,5.7-9).

Đời sống công khai của Đức Giêsu kết thúc với khoảnh khắc bi tráng nhất trong Vườn Cây Dầu (x. Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,40-46). Khi giờ cuối cùng để hoàn thành sứ mạng của Người đã điểm, Đức Giêsu trải qua tất cả bi kịch của việc đề kháng tự nhiên trước cái chết. Nhiều khía cạnh của các trình thuật Tin Mừng chứng nghiệm cho cái cảm xúc rất nhân loại của cơn hấp hối này. Luca cho biết Đức Giêsu đổ “mồ hôi máu” (Lc 22,44). Ba tác giả nhất lãm trình bày Đức Giêsu quỳ xuống hay phủ phục xuống cầu nguyện tha thiết. Matthêu và Máccô trình bày Người đầy xao xuyến và sợ hãi. Người chia sẻ nỗi niềm này với các môn đệ thân tín nhất. “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em hãy ở lại đây và thức với Thầy” (Mt 26,38). Chính trong hoàn cảnh này Người đã thốt lên lời cầu nguyện sau đây: “Cha ơi, nếu được, xin cất chén này khỏi con” (Mt 26,39). Tất cả những điều này cho thấy cái giá của đau khổ và từ bỏ mà con người phải trả để có thể trung thành trong vâng phục. Cuối cùng, sự sẵn sàng đón nhận và chu toàn thánh ý Cha thắng thế. “Nhưng, xin theo ý Cha, đừng theo ý con” (Mt 26,39). Luca hỗ trợ cho sự sẵn sàng cuối cùng này của Đức Giêsu bằng sự hiện diện của một thiên thần an ủi Người (x. Lc 22,43).

Nếu chúng ta lấy ra khỏi Đức Giêsu lịch sử kinh nghiệm sâu sắc này về sự bất quyết liên quan đến thánh ý Chúa Cha và về sự đề kháng đối với đau khổ và cái chết, chúng ta sẽ tiêu hủy sự thật về nhập thể và chúng ta sẽ biến Đức Giêsu thành một trò cười. Và đó chính là sai lầm thường xảy ra trong linh đạo Kitô giáo. Lấy đi mất chiều kích sâu xa này của Đức Giêsu đồng nghĩa với việc biến tinh thần môn đệ thành một cái gì bất khả. Ai có thể đi theo hay bắt chước một Thiên Chúa Đấng không đảm nhận cũng không chia sẻ thân phận con người của chúng ta?

Trong bối cảnh này, Kitô học của Thư Do Thái tìm thấy ý nghĩa của nó. Trước hết, thư này khẳng định rằng Chúa Con đã học cho biết cách vâng phục xuyên qua đau khổ và thử thách. “Vì chúng ta không có một vị thượng tế không thể đồng cảm với những yếu hèn của chúng ta, nhưng là một vị thượng tế bị thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không bao giờ phạm tội” (Dt 4,15). “Khi còn sống trong xác phàm, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người được nhận lời vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

Tác giả Thư Do Thái đặt Đức Giêsu làm mẫu gương của đức tin, của lòng trung thành và vâng phục, và đưa ra những lời lẽ khích lệ những ai bị thử thách: “Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu” (Dt 12,1-4).

Sự vâng phục của Đức Giêsu lên đến tột đỉnh trong việc tự nguyện trao hiến mạng sống mình vì ơn cứu độ của nhiều người: “Không ai có thể lấy mạng sống của Ta, chính Ta trao hiến mạng sống” (Ga 10,18). Cái chết của Đức Giêsu đạt đến tột đỉnh của vâng phục và trung thành. Đó là sự hoàn tất sứ mạng của Người. Bài thánh ca đầy chất Kitô học của Thư Philipphê là một giải thích rất hay về chiều kích thần học của sự vâng phục của Đức Giêsu: “Anh chị em hãy mang lấy tâm tư của Đức Kitô: Người vốn dĩ là phận Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết giành cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!” (Pl 2,5-8). Chúa Cha đáp lại bằng việc siêu tôn Đức Giêsu, và qua đó xác nhận giá trị cứu độ của sự vâng phục cho đến chết. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).

Rất nên ghi nhận bối cảnh trong đó Phaolô trình bày bài thánh ca Kitô học này. Phaolô đặt bài thánh ca này trong một diễn từ về các đòi hỏi của đời sống cộng đoàn. Vị thánh tông đồ trình bày các cảm nghĩ, thái độ và hành động của Đức Giêsu như mẫu mực để xây dựng cộng đoàn Kitô hữu. Cộng đoàn và sứ mạng là hai nguyên tắc chủ chốt để giải thích lại sự vâng phục trong đời tu.

5. VÂNG PHỤC, CỘNG ĐOÀN VÀ SỨ MẠNG

Sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, lòng trung thành đối với tiếng gọi của Chúa, và việc phụng sự cho Nước Thiên Chúa làm nên bối cảnh thần học cho sự vâng phục tu trì. Ở đây chúng ta tìm thấy chiều kích thần bí của nó. Vâng phục, xét như một nhân đức Tin Mừng, có nghĩa là hoàn toàn triệt để hiến mình cho Thiên Chúa Đấng giải phóng và nâng chúng ta lên.

Tuy nhiên, những yếu tố ấy là chung cho mọi sự vâng phục của Kitô hữu. Vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trung thành với ơn gọi của mình và tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội là những đòi hỏi chung cho mọi Kitô hữu, dù thuộc bậc sống nào. Mọi người đều được mời gọi nên thánh. Mọi người đều phải trung thành với ơn gọi mà mình đón nhận. Không phải chỉ các linh mục và tu sĩ mới được gọi. Hơn nữa, việc đáp lại tiếng gọi có liên hệ mật thiết với đức tin và tình yêu giữa các cá nhân và Thiên Chúa. Cộng đoàn có thể giúp trong việc biện phân, nhưng trong các vấn đề ơn gọi, hoàn toàn không có sự vâng phục hay tùng phục nào đối với quyền bính con người. Không ai có thể áp đặt một ơn gọi trên kẻ khác. Nhiều ơn gọi đã thất bại bởi vì người ta cố gắng vâng theo một “ơn gọi được áp đặt”.

Điều đặc trưng cho sự vâng phục tu trì là bối cảnh cộng đoàn trong đó chúng ta có thể biện phân và chu toàn thánh ý Thiên Chúa, và vai trò trung gian của quy luật, sứ mạng, các dự phóng của cộng đoàn, các cấp thẩm quyền… trong công cuộc tìm kiếm và chu toàn thánh ý Thiên Chúa của chúng ta. Nhưng luôn luôn có mối nguy rằng sự trung gian ấy có thể không trong suốt, hay thậm chí nó có thể gây cản trở thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục đối với một thẩm quyền con người không phải là điều hợp pháp sao? Hơn nữa, quyền bính trong đời tu là một trường hợp đặc biệt, không quá có tính phẩm trật, mặc dù có sự nâng đỡ của Giáo Hội xuyên qua sự phê chuẩn và xác nhận được trao cho mỗi đặc sủng hội dòng và chương trình sống của dòng đó. Ở đây nổi lên những câu hỏi rất phổ biến về tính hợp pháp và về ý nghĩa của sự vâng phục tu trì.

Từ bỏ sự tự do của riêng mình dường như là một cái gì không bình thường, không tự nhiên. Khuynh huớng tự nhiên của chúng ta là yêu mình và hành sử một cách có trách nhiệm sự tự do của mình và khả năng định đoạt cuộc sống của mình theo thánh ý Thiên Chúa. Sự tự do trưởng thành không phải là một chọn lựa giữa tốt và xấu, nhưng là kiên thủ trong con đường hướng tới toàn thiện. Sự tự trọng, hiểu là tự do, thì không hề là tội cũng không phải là bất trung. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên khi sự tự trọng trở thành một giá trị tuyệt đối, được đặt trên cả những giá trị của Nước Thiên Chúa, hay khi ý muốn riêng của chúng ta được đặt ưu tiên hơn thánh ý Thiên Chúa.

Tin Mừng tuyên bố rõ ràng sự cần thiết của việc từ bỏ để trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Ở đây chúng ta gặp thấy một cách tiếp cận nhân học sâu sắc truy ngược về câu chuyện sa ngã thuở ban đầu. Việc thể hiện chính mình là một lý tưởng và một bổn phận, nhưng qui ngã vẫn là một xu hướng sâu xa của con người. Vì thế, cần thiết phải đưa một ý nghĩa về sự tự trị cá nhân vào đời sống mới. Hẳn là chuyện bình thường việc thí nghiệm cái gánh nặng của xác thịt, cái khuynh hướng đóng kín nơi chính mình và nơi những mối quan tâm riêng của mình. Điều này làm nên thế giới riêng của chúng ta. Tuy nhiên, những khuynh hướng ấy làm mờ mắt chúng ta và kìm giữ chúng ta. Chúng che khuất thánh ý Thiên Chúa và những đường nẻo của Thiên Chúa. Rất thường, khuynh hướng qui ngã nằm trong vô thức hoặc nó được khoác cho vô số những sự biện minh, một số thậm chí mang tính đạo đức. Khuynh hướng qui ngã lớn nhất và nguy hiểm nhất là khi nó mang lốt thần bí và tâm tình tín ngưỡng.

Chúng ta không luôn luôn có đủ sự sáng sủa của Tin Mừng để khám phá ra thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta thiếu đối mắt trong sáng của thần khí. Vì thế chúng ta cần có sự giúp đỡ và sự biện phân của cộng đoàn và sự hướng dẫn của các vị thầy linh đạo. Vâng phục, hiểu như thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, làm việc xuyên qua cộng đoàn và các vị linh hướng. Sự biện phân của cộng đoàn làm việc bằng nhiều cách khác nhau trong các hội dòng, tuỳ thuộc vào các đặc sủng và đặc tính tổ chức khác nhau.

Quyền bính trong đời tu phải có tính Tin Mừng. Nó phải được thi hành để phục vụ cho cộng đoàn và cho sứ mạng. Nhưng tất cả không phải chỉ thế. Nó cũng có nghĩa rằng một vị bề trên phải là một linh hoạt viên cho đời sống Tin Mừng và là một vị thầy linh đạo. Điều này đòi hỏi sự sâu sắc về tính đặc sủng, thiên hướng Tin Mừng và thẩm quyền luân lý. Duy chỉ thẩm quyền pháp lý mà thôi thì không đủ để bảo đảm thành công trong việc thi hành quyền bính trong đời tu.

Động lực cuối cùng của việc vâng phục bề trên thực sự không nằm ở cơ cấu Tin Mừng của sự vâng phục nhưng nằm ở vai trò mà vị bề trên được gọi để đảm nhận trong đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, chúng ta không được đi thái quá tới mức xem thường tầm quan trọng của thẩm quyền luân lý. Chức năng thứ nhất của vị bề trên là làm linh hoạt đời sống Tin Mừng của cả các thuộc cấp lẫn cộng đoàn; trở thành lương tâm Tin Mừng, hay sự nhắc nhở về những đòi hỏi của Tin Mừng; đặt các cá nhân và cộng đoàn trước những đòi hỏi này. Chức năng này sẽ vận hành cách dễ dàng hơn khi vị bề trên là một chứng nhân của lòng trung thành đối với Tin Mừng. Hơn nữa, chức năng này trở thành ngày càng quan trọng hơn trong mọi cộng đoàn, bởi vì càng ngày càng có nhiều thành viên hơn bị buộc phải đưa ra những quyết định cá nhân về những cam kết tông đồ hay những công việc liên quan tới những cơ chế khác. Đây là những đòi hỏi mà cộng đoàn và bề trên không thể xem xét cách thoả đáng được. Trong những trường hợp như thế, người linh hoạt viên Tin Mừng có bổn phận đối đầu với các thuộc cấp, sao cho khi đưa ra quyết định thì các thuộc cấp không quên những cam kết theo Tin Mừng và những đòi hỏi của ơn gọi của mình.

Chức năng của các thuộc cấp đưa ra quyết định trong những trường hợp đặc biệt không hề xoá bỏ trách nhiệm dứt khoát và mang tính tổ chức của bề trên. Sự ức chế trong việc thi hành quyền bính là một vấn đề thời sự của đời tu hôm nay. Các kinh nghiệm thời sau Công Đồng về việc phớt lơ quyền bính trong các cộng đoàn tu trì đã không thành công lắm. Việc thi hành quyền bính hay quyền lãnh đạo là một yếu tố thiết yếu trong bất cứ nhóm người nào. Tình trạng hoàn toàn vắng bóng quyền bính có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ đầy tai hại. Phải có ai đó đưa ra sáng kiến, điều phối và giải quyết những tình huống còn bỏ ngõ. Ở đâu không có quyền bính mang tính cơ chế, một vị lãnh đạo tự nhiên sẽ nổi lên hay những nhóm gây sức ép sẽ đảm nhận chức năng tương tự, dựa trên những giả định khác, đôi khi có tính ngôn sứ và đôi khi có tính ảo tưởng. Ở đây chúng ta thấy vấn đề lớn của một vị lãnh đạo tự nhiên thi hành một vai trò lãnh đạo song song, đôi khi mạnh hơn và độc tài hơn thẩm quyền cơ chế.

Việc thi hành quyền bính hoàn toàn khác với những mệnh lệnh tuỳ tiện. Những mệnh lệnh tùy tiện là sự lạm dụng quyền bính không hơn không kém, thiếu cả nghĩa lý lẫn tính hợp pháp. Những hành động thuộc loại độc tài không hề thiếu trong lịch sử Giáo Hội và lịch sử các hội dòng. Sự lạm dụng trong việc thi hành quyền bính đã gây ra những tổn thương và do đó làm nổi lên sự đề kháng đối với quyền bính mà chúng ta thấy hôm nay. Quyền bính trong đời tu chỉ được thi hành cách hợp pháp khi chuyển thông thánh ý Thiên Chúa. Để thực thi sứ mạng này, quyền bính nên có tính bổ trợ hơn là theo kiểu ‘từ trên lệnh xuống’ hay theo kiểu độc đoán.

Vâng phục tu trì không phải là một sự chối bỏ tự do, nhưng là một sự nâng đỡ để lớn lên trong tự do của Thánh Thần. Việc thi hành quyền bính trong đời tu phải có mục đích chủ yếu là giúp người liên hệ tự do thể hiện mình khi đi theo Đức Giêsu. Một quyền bính mâu thuẫn một cách hệ thống với tự nhiên, với tính cách riêng và với sự tự thể hiện của cá nhân thì chỉ đưa tới sự mất quân bình trong tâm cảm hoặc tiêu hủy hoàn toàn các khả năng sáng tạo của người liên hệ. Sự trưởng thành nhân cách trong tinh thần môn đệ là tiêu chuẩn đo lường sự thành công của việc thi hành quyền bính và việc thực hành vâng phục. Vô số những kiểu cách trẻ con gắn liền với “sự vâng phục tối mặt” không phải là những bằng chứng tốt cho nhân đức này. Việc vâng phục không nên là nẻo đường cho sự thoái lui ấu trĩ, nhưng phải dẫn tới sự trưởng thành hoàn toàn của người ta.

Quyền bính và vâng phục đòi hỏi sự biện phân trong cộng đoàn. Cộng đoàn không phải là một toà án xét xử các vụ việc, nhưng là nơi chốn tự nhiên để nhận định thánh ý Thiên Chúa và khám phá những thúc đẩy của Thánh Thần, Đấng đưa dẫn mọi hoàn cảnh cụ thể tới chỗ trung thành nhiều hơn. Việc cùng cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa trong cộng đoàn là môi trường tốt nhất để biện phân đúng đắn. Khi không có môi trường này, sự biện phân sẽ biến thành một cuộc cãi vã ý thức hệ vốn có thể hợp pháp hoá những mối quan tâm sai lạc, hay bảo vệ những động lực đáng ngờ vốn không phù hợp với Tin Mừng.

Sự biện phân trong cộng đoàn không nên bị hiểu nhầm như một trò chơi dân chủ. “Đời tu không phải đơn thuần là một nghị trường dân chủ”. Tính đa số của dân chủ chỉ là yêu cầu tối thiểu. Từ quan điểm nhân văn thuần tuý, tốt nhất những quyết định của cộng đoàn nên có được sự đồng tình. Từ quan điểm đức tin, sự đồng tình của đa số có thể không luôn luôn bảo đảm đạt được thánh ý của Thiên Chúa. Nếu đời tu nhất thiết có tính ngôn sứ và đặc sủng, thì chúng ta không nên quên một thực tế thường xuyên trong lịch sử: vị ngôn sứ đơn độc bị đối đầu bởi những đa số dân chủ và bởi sự đồng tình của đa số. Luận lý của sự đồng tình đôi khi được kích động bởi duy chỉ những quan tâm cơ chế hay bởi ước muốn duy trì những tình trạng tiện lợi cho tập thể, mà những điều này vốn không mấy liên quan tới lý tưởng đời tu theo Tin Mừng.

G.A. Arbuckle đã phân tích sâu sắc về tầm quan trọng và về hình ảnh của các ngôn sứ hô hào sự canh tân nền tảng. Mối căng thẳng giữa các ngôn sứ này và những nhà quản lý duy chỉ có tính cơ chế là điều thường xảy ra hồi sau Công Đồng. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên phớt lơ các ngôn sứ trong những hoàn cảnh này, dù họ lên tiếng trong sa mạc hay chỉ trong thiểu số? Việc loại trừ bất cứ tiếng nói ngôn sứ nào nhân danh sự đồng thuận của cộng đoàn đều có thể rốt cuộc đánh mất chiều kích đặc sủng và ngôn sứ của đời tu. Những cuộc cải cách lớn đều bắt đầu với việc chống lại trào lưu của thời đại, và thường được khuyến giục bởi các ngôn sứ làm việc đơn thương độc mã, bị hiểu lầm, bị vu khống và bị bịt miệng một cách bất nhẫn. Thật đáng buồn cho những cộng đoàn không có tiếng nói ngôn sứ và ‘đối lập’, không có ai đi ngược lại với những tiêu chuẩn lè tè theo thói thường của đa số! Câu chuyện Đức Giêsu phải là một chủ đề thường hằng để chúng ta suy tư.

Nhóm đa số có khuynh hướng vận dụng và duy trì những quan điểm bảo thủ và sử dụng bộ máy tự vệ hay các biện pháp kiểm soát để bịt miệng các ngôn sứ hầu gìn giữ trật tự đã được thiết lập. Đây là một số phương pháp: đe doạ và chế giễu; nghi ngờ và tẩy chay một cách có hệ thống; khủng bố và tố cáo bất cứ ai chống lại cách nghĩ của đa số và làm xói mòn tính hiệp nhất của nhóm; tìm những con dê tế thần để trút các phiền toái; chồng chất các gánh nặng trách nhiệm quản lý lên vai con người ngôn sứ kia; ràng buộc những ý kiến và dự phóng vào vô số tiến trình nhiêu khê cho đến khi con người ngôn sứ ấy phải nản lòng.

Việc đặt mình một cách có hệ thống vào thế đối lập không đương nhiên bảo đảm rằng một người nào đó là ngôn sứ cải cách nền tảng. Ngôn sứ đích thực có những đặc điểm rõ ràng: kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa; những cảm thức sâu sắc về đức tin, đức cậy và đức mến; niềm tin mãnh liệt vào dự phóng cải cách; một cảm thức về cộng đoàn và về vai trò dẫn dắt; khả năng đối đầu với đau khổ, với những sự hiểu lầm và những sự loại trừ… Lịch sử các ngôn sứ Do Thái - Kitô giáo là một tấm gương tuyệt vời cho những ai muốn trở thành những ngôn sứ canh tân nền tảng và cho những cộng đoàn được mời gọi hân hoan đón nhận các ngôn sứ ấy.

Ngày nay vấn đề thời sự về quyền bính và về vâng phục đặt ra những thách đố khẩn cấp cho đời tu. Trước hết, có một nhu cầu khám phá chiều kích thần học của vâng phục. Chiều kích này đã suy giảm đáng kể trong mẫu thức tự do. Khi người ta đã loại bỏ trong thực tế khía cạnh kỷ luật vốn là điểm tựa của vâng phục theo mẫu thức truyền thống, và khi người ta bị đánh lừa bởi tính thần bí của vâng phục theo thần học, thật dễ hiểu tình trạng khủng hoảng của lời khấn này hôm nay. Cần phải làm sống động lại linh đạo vâng phục. Việc gặp gỡ Đức Giêsu, kinh nghiệm vượt qua, việc khám phá ra giá trị tuyệt đối của Nước Trời phải là những động lực của chúng ta. Bất cứ động lực nào khác đều dẫn cả quyền bính và vâng phục tới chỗ phá sản.

Hơn nữa, cần phải đương đầu với chủ nghĩa cá nhân ngày càng tràn lan. Trước khi lên án hay phán xét các nạn nhân của chủ nghĩa này, chúng ta phải hiểu các động lực của họ. Một số tự tách mình ra khỏi cộng đoàn để che giấu và thực hiện các dự án riêng của mình. Những người khác tìm kiếm ở nơi khác điều mà họ không gặp thấy trong cộng đoàn. Những người khác nữa là những ngôn sứ thất vọng do bị cộng đoàn bịt miệng. Cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa cá nhân trong đời tu thật là khẩn cấp.

Chủ nghĩa cá nhân đầy sức huỷ diệt làm cho mọi dự án của cộng đoàn trở thành bất khả thi. Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đó là người ta dễ dàng tránh né những đòi hỏi của các dự án của cộng đoàn. Kết quả là người ta có một cộng đoàn phân hoá với một sứ mạng bị teo lại, chưa nói đến tình trạng bực bội cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến mọi người. Một biểu hiện khác của chủ nghĩa cá nhân, đó là sự ức chế ngày càng tăng của các thành viên, tránh né việc đảm nhận các trách nhiệm cộng đoàn. Điều này quả không đáng ngạc nhiên, nếu ta nghĩ đến những khó khăn gắn liền với việc thi hành quyền bính ngày nay. Tuy nhiên, các hậu quả tiêu cực có tính ức chế có thể được cảm thấy trong cộng đoàn và nhất là trong sứ mạng của cộng đoàn. Sự ức chế này dẫn đến một hậu quả tiêu cực khác nữa: sự bóc lột đối với những người tiếp tục sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm trong cộng đoàn.

Cuối cùng, sứ mạng là một chiều kích thiết yếu khác của đời tu. Mục đích của vâng phục không duy chỉ ở sự hoàn thiện của người đi theo Chúa. Điểm qui chiếu cuối cùng của người ấy chính là sứ mạng. Trong một trường hợp cụ thể của vâng phục tu trì, sự sắp sẵn này được diễn tả bằng cách tháp nhập một dự án tông đồ vào đời sống cộng đoàn. Nếu đại cuộc Nước Trời không thúc đẩy sứ mạng trong các cộng đoàn tu trì, sứ mạng rốt cục sẽ trở thành “chuyện nhà nghề”. Đây chắc hẳn là vấn đề đang ảnh hưởng nhiều đến “công tác tông đồ” của các cộng đoàn tu trì hôm nay.

Mối tương quan với sứ mạng làm cho chân trời của quyền bính và của vâng phục tu trì được mở rộng. Chân trời mới đưa các cộng đoàn tu trì ra tới tầm cộng đoàn Giáo Hội và nhân loại. Việc biện phân thánh ý Thiên Chúa phải vượt quá những ranh giới của hội dòng. Một sự biện phân chỉ xét đến những mối quan tâm và sự trung thành có tính cơ chế sẽ đặt vâng phục và sứ mạng vào nguy cơ thất bại. Những đòi hỏi của sứ mạng - tiếng kêu của dân chúng và tính khẩn thiết của Tin Mừng - là những yếu tố thiết yếu trong việc biện phân thánh ý Thiên Chúa. Nguyên lý này phải gợi hứng cho các dự án của cộng đoàn và phải có mặt trong mọi công hội của hội dòng.

Sự từ bỏ không phải chỉ là một đòi hỏi cá nhân đặt ra cho những ai chọn trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Đó là một đòi hỏi đặt ra cả cho các cộng đoàn và các hội dòng nữa. Nó không hệ tại ở việc chối bỏ căn tính của mình hay những đòi hỏi của đặc sủng riêng mình. Trái lại, chỉ bằng cách chối bỏ chính mình mà các cộng đoàn và các hội dòng mới có thể hiện thực hoá đặc sủng của mình. Việc hiện thực hoá này chỉ có thể có được từ những đòi hỏi của sứ mạng. Trong trường hợp này, sự từ bỏ hệ tại ở việc bỏ những sự trung thành và những quan tâm của hội dòng vốn không còn phục vụ cho Nước Thiên Chúa nữa hay không còn nâng đỡ sứ mạng nữa. Đây là một khía cạnh thiết yếu của “cái chết đặc sủng” mà J.B. Metz xem như là một khía cạnh thiết yếu của linh đạo cho các dòng tu. Không có sự vâng phục Kitô giáo hay vâng phục tu trì nào mà không có yếu tố từ bỏ và cái chết. Bài thánh thi Kitô học của Thư Philipphê và Kitô học của Thư Do Thái nêu rõ điều này.

Vâng phục, khi được hiểu theo nghĩa này, có một giá trị chứng tá mạnh mẽ trong thế giới chúng ta hôm nay. Đó là một sự đề kháng có tính đối lập văn hoá chống lại tất cả những “quyền lực” của thế gian, chống lại việc sử dụng quyền lực một cách tuyệt đối như một cơ cấu thống trị trên con người. Đây là chiều kích chính trị của vâng phục trong đời tu. Ta nghĩ đến nhiều sự vâng phục ràng buộc những kẻ xem vâng phục không phải là một nhân đức, nhưng chỉ là một dấu hiệu đầu hàng, một dấu hiệu của sự non nớt và của tình trạng bị sỉ nhục.

Thiên Phong dịch

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu