DẤN THÂN PHỤC VỤ

TRONG SỰ KHIÊM NHƯỜNG

 

 

Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta không phải là trình bày một giáo thuyết, mà trình bày về một con người, con người đó là  Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Người ta chỉ gặp gỡ được Đức Kitô trước tiên qua chính môn đệ của Người, mà điều nổi bật là việc dấn thân phục vụ trong sự khiêm nhường. Đó cũng là đức tính đặc biệt của các nhà hiền triết và các vị thánh nhân. Càng đặc biệt hơn nữa khi đó là nhân cách sống để phục vụ của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).

Chúa Giêsu cũng đã cho các môn đệ thấy: Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ(Lc 22, 27). Người đã từng cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ, và qua họ, Người kêu gọi chúng ta cũng hãy khiêm nhường và phục vụ nhau như vậy.

1. Ý nghĩa khiêm nhường

Theo Tự Điển Công Giáo phổ thông, khiêm nhường là không vượt quá chính mình. Đây là nhân đức giúp yêu thương mình đúng đắn, đánh giá đúng vị thế của mình trước mặt Chúa và tha nhân.

Khiêm nhường theo nghĩa tôn giáo là nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.

Khiêm nhường trong luân lý là nhìn nhận mình bình đẳng với người khác, không tự ti, không tự hạ quá đáng nhưng biết nhận ra những ân huệ Chúa ban mà cảm tạ Chúa.

Trong Anh ngữ, chữ khiêm nhường là “humility”. Humility do chữ La tinh “Humus” có nghĩa là đất, tro bụi mà từ đó con người đã được tạo dựng theo như sách Sáng Thế đã mô tả (St 2,7). Do đó, khiêm nhường là trước tiên nhận biết sự thấp hèn của mình, và biết hạ mình xuống để sống sự chân thật đó. Điều này nhắc nhở chúng ta lời kêu gọi của Giáo Hội trong ngày Thứ Tư Lễ Tro về sự thật của thân phận con người: “Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về cùng tro bụi”.

Người khiêm nhường là người biết nhún nhường, không khoe khoang, tự mãn. Căn bản của khiêm nhường là biết mình như thế nào thì sống như thế đó, không bị lệ thuộc hoặc bị tác động bởi sự đánh giá của người khác. Điều quan trọng của người sống khiêm nhường là sống thanh thản và thành thật đúng với cái mình “là”.

Người khiêm nhường là người luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận, hợp tác, học hỏi và thay đổi.

Người khiêm nhường không tự tôn cũng chẳng tự ti, mà là thành quả của lòng tự trọng, phát xuất từ ý thức mình chỉ là một phần của tổng thể.

Người khiêm nhường không tự coi mình là gì cả, nên không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm, cũng không cảm thấy có gì đáng phải lên mặt vênh vang khi được khen ngợi.

Người khiêm nhường luôn luôn cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, và được Thiên Chúa yêu thương.

Người khiêm nhường nhờ thành thật với mình nên biết cái ưu điểm lẫn khuyến điểm của mình, nhưng cũng nhận ra mình luôn yếu đuối, cần có sự trợ giúp của ơn thánh Chúa vì: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.

Nhờ thấy sự thật về con người mình, nên người khiêm nhường ung dung vượt thoát an toàn trong mọi trường hợp, như dòng nước mềm mại lách qua bờ đê, khe suối. Sở dĩ ta chưa thể sống khiêm nhường là vì ta chưa biết mình, chưa nhận ra con người thật của mình. Nếu nhìn thẳng vào, ta sẽ thấy mình rất yếu đuối, nhỏ nhoi, bất toàn và nhiều nết xấu. Một khi đã nhìn ra con người thật, chúng ta mới khiêm nhường và tìm cách đổi mới, để đời sống được quân bình và lớn lên về mọi phương diện.

2. Khiêm nhường và kiêu ngạo

Buông bỏ lớp vỏ ngoài, ai cũng như ai. Danh dự hay chức vị là để phục vụ. Sách Huấn Ca dậy rằng: “Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3, 18).

Hạ mình là cách thế tốt nhất để gặp gỡ và đến với tha nhân. Con đường khiêm hạ là con đường của Chúa đến với nhân loại. Không bao giờ chúng ta học hết được bài học về nhân đức khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng trở nên vĩ đại. Qua sự khiêm nhường, chúng ta có thể đến với mọi người và mọi nơi.

Khiêm nhường như dòng nước, luôn chảy xuống để thấm nhuần vào đất đai. Đức khiêm của nước là làm lợi cho tất cả thiên hạ mà không tranh công đoạt lợi, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, chỗ thừa thì chảy ra, trên đời làm mưa, dưới đất thành sông lạch: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”. Cũng vậy, con người khiêm nhường đem lại an vui và tốt lành cho mọi người.

Trái ngược với khiêm nhường là kiêu ngạo. Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1866: Kiêu ngạo là mối tội đầu phát sinh ra các tội khác: hà tiện, dâm ô, ghen ghét..., và ngày nay chúng ta vẫn mang trong mình mầm mống đó với ít nhất ba hình thái khác nhau:

- Tự ái: là khó chịu, bực tức khi người khác đánh giá thấp hoặc có vẻ coi thường mình. Lòng tự ái là nguồn gốc lớn của muôn sự đắng cay chua xót ở đời. Muốn cho tâm hồn được thanh thản thì không có gì kỵ bằng lòng tự ái. Trong các thị dục, thị dục về lòng tự ái là vô độ hơn cả. Trong các khổ não, cái khổ não do lòng tự ái gây ra là khó tránh và thường thống thiết hơn. Lòng tự ái đã là cái cừu địch cho sự bình thản bên trong, nó lại cũng là cái cừu địch cho sự yên ổn bên ngoài nữa. Không vượt qua tự ái được thì ta sẽ tự hủy hết mọi tự tin của mình. Tự ái khiến ta bị chận đứng bởi chính mình, và cũng dễ đụng chạm với mọi người, nên cũng không có khả năng phục vụ mọi người.

- Khoe khoang: đây là loại người thấy mình quang trọng, và muốn cho ai nấy đều nhận ra giá trị của mình, nên thích quảng cáo những gì mình có, thích phô trương những gì mình được. Khoe khoang là “căn bệnh” của nhiều người trẻ hôm nay. Cách riêng, khoe khoang là một tật xấu trong tính cách của người Việt. Trong xã hội hiện tại, giá trị thật và giá trị giả đang bị đảo lộn, thậm chí rất ảo. Nhiều nhầm lẫn tai hại đã xảy ra khi đánh giá người khác qua bên ngoài. Căn bệnh thành tích, coi trọng phù phiếm, hư danh được đẩy lên cao, làm hỗn loạn đời sống cộng đồng. Người khoe khoang không có khả năng phục vụ, vì tính vị kỷ quá nặng.

- Ghen tị: là cảm giác tức tối với những người khác vì những gì họ có như tài sản, sự thịnh vượng, lợi thế v.v. Ghen tị không chỉ nói đến cảm giác muốn được bằng người khác mà còn muốn chiếm đoạt những gì người khác có. Ghen tị là một loại cảm xúc có thể dày vò ta với những giận dữ, thù ghét. Nó làm cho ta không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Đã ghen tị thì không thể phục vụ tha nhân, vì người ghen tị lúc nào cũng bất mãn với chính mình và tìm cách loại trừ người khác.

Tất cả những hình thái trên đều tàng ẩn ít nhiều trong đời sống mỗi người chúng ta và luôn gây lủng củng trong đời sống gia đình, xã hội, giáo hội, cộng đoàn... Hậu quả đáng sợ của nó là ai cũng thích được phục vụ, mà ít mấy ai ham thích phục vụ, và phục vụ cách khiêm nhường lại càng khó hơn.

3. Khiêm nhường là nhân đức làm thay đổi cuộc đời

Cổ nhân từng nói: "Kẻ nào giàu có nhân đức mà thiếu đức Khiêm nhường thì cũng giống như người cầm nắm cát đứng trước gió". Khiêm nhường đích thực bao giờ cũng bao hàm sự cẩn trọng và khôn ngoan để hành xử công việc, và nhất là giúp ta biết cách tránh khỏi những cạm bẫy của cuộc đời.

Chân lý của đức khiêm nhường là đơn giản. Khi đã trở nên một người đơn giản, thì bất kỳ lúc nào làm việc gì chúng ta cũng chẳng cần đòi hỏi sự đền đáp như thế này hay thế kia. Vì bấy giờ chúng ta hoạt động là để "cho" chứ không phải để "nhận", để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Đức Khiêm tốn giúp chúng ta thành người đại lượng: một tâm hồn đại lượng sẽ không sở cầu danh dự và cũng không muốn trốn chạy sự sỉ nhục, không mừng vui quá độ trước vinh quang và cũng không khiếp sợ trước bão tố phủ phàng. Một tâm hồn đại lượng luôn bình tâm đón nhận tất cả mọi sự do cuộc đời đưa đến cho mình bằng thái độ ôn hòa của nhân đức Khiêm tốn.

 Khiêm tốn là nhân đức làm cho người môn đệ trở nên giống Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh, Đấng đã nói: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Người khiêm tốn là người ý thức thân phận nghèo nàn của mình, đồng thời nhìn nhận mọi sự lành họ có là do bởi Thiên Chúa ban cho. Thực vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Bởi ý thức mọi ân sủng đều bắt nguồn từ Chúa, nên người có lòng khiêm tốn không trông vào sức mình, mà cậy vào sức Chúa và luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra ơn huệ Chúa ban trong mọi hoàn cảnh. Nhất là khi những điều xảy đến, theo lẽ thường, là những điều chúng ta không mong đợi, thậm chí còn chán ghét khi phải như gặp bệnh tật, thất bại, bị đối xử bất công, nghèo đói . . .

Tuy nhiên, đối với người khiêm tốn, họ luôn vững tin rằng Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành, Quyền Năng, và Giàu Lòng Thương Xót; Thiên Chúa ấy sẽ chỉ muốn và chọn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài. Với tâm tình đó, người khiêm tốn biết chờ đợi và đón nhận tất cả từ nơi Thiên Chúa, đồng thời tìm cách thể hiện lòng tri ân cảm mến bằng việc dấn thân phục vụ tha nhân với lòng khiêm nhường.

4. Đức Giêsu: Thầy dạy khiêm nhường để phục vụ

Tự hạ không phải là phủ nhận giá trị của mình, nhưng để nhận ra bản chất đích thật của mình và mọi người, và sâu xa hơn là để phục vụ” (Mc 10, 45 ). Vì muốn phục vụ thì phải cúi xuống, phải hầu hạ, phải coi người khác trọng hơn mình. Thánh Phaolô cho thấy lòng khiêm nhượng của Chúa Giêsu sâu thẳm đến mức không giữ cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng lại hạ mình vâng phục Chúa Cha mọi đàng (Pl 2,6-8).

Bài học “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa Giêsu quả là một bài học khó nuốt, nhưng đem lại sự bình an sâu thẳm cho tâm hồn và hòa bình cho nhân loại: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an, vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Cuộc đời chúng ta quả thật nhiều lúc quá nhọc nhằn và nặng nề. Tuy nhiên, mức độ nặng nề không hẳn do thực tế gây nên, nhưng còn do tâm thái và lối sống của mỗi người:

-  Nặng nề vì chưa khiêm nhường để ký thác đường đời cho Chúa, lại ảo tưởng với trí tuệ, khả năng, và sự khôn khéo của mình để giải quyết mọi vấn đề.

-  Nặng nề vì chưa khiêm tốn để chấp nhận sự thật về mình, lại nông nổi lao mình vào chỗ tranh chấp hơn thua để chuốc lấy bất bình và dày vò cho tâm hồn mình.

-  Nặng nề vì chưa khiêm hạ để chấp nhận sự hiện diện của tha nhân, cho dù họ nghèo hèn, thấp kém, mất tư cách, mất phẩm hạnh…

-  Nặng nề vì chưa khiêm nhu để sống âm thầm theo ơn gọi của mình, mà còn ham thích chức vụ, quyền hành, địa vị…

Phải đến với Chúa để tâm hồn mình lắng xuống và nhận ra thực hư trong tính cách sống của mình, ta mới thực sự có tự do để sống an vui và phục vụ hữu ích cho mọi người.

Ai cũng ghét những kẻ kiêu căng, không ai ham thích sự phục vụ của họ, và chẳng ai muốn nghe họ, vì cách sống của họ không phải là chứng tá. Trái lại, người khiêm tốn đều được mọi người đón nhận và yêu mến, vì người ta cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa nơi người đó.

4. Giáo huấn từ Lời Chúa

a. Ngồi vào chỗ cuối (Lc 14,7-11)

Nhân cơ hội quan sát những thực khách đi dự tiệc háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi ta hãy có thái độ khiêm tốn : “khi được mời dự tiệc cưới, đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có một người nào trọng hơn anh cũng được mời.... trái lại anh hãy ngồi vào chỗ cuối”. Xét theo bề ngoài thì đây chỉ là vấn đề lịch sự, tuy nhiên việc chọn chỗ cuối phải được thực hiện cách đơn sơ và tự nhiên chứ không phải với hậu ý được mời lên chỗ cao hơn, nếu thế cũng chỉ là che lấp sự ham hố được trọng vọng.

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó, kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, Chúa Giêsu làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, chỉ những ai khiêm nhường mới có khả lãnh nhận, còn những ai tự cho là cao trọng thì không thể, vì Chúa “chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường”.

Lấy câu chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa, để thấy giá trị đích thực của mọi người là con cái Thiên Chúa. Đừng bị thói háo danh và tự mãn khuynh đảo mình. Ngay cả những thực hành đạo đức như ăn chay, bố thí, cầu nguyện... đều có thể trở thành bình phong để người ta thực hiện ý đồ của mình. Rất tiếc trường hợp Chúa nêu lên lại rơi vào những bậc vị vọng, chức sắc, trong hàng ngũ những người lãnh đạo tôn giáo.

Ngày nay cũng thế thôi, nhưng tinh tế hơn. Có “đấng bậc” nào lại không thích đón tiếp mộc cách long trọng, linh đình. Tôn vinh Chúa nhiều khi cũng là một cách thức để tôn vinh mình qua các tổ chức lễ lạc đủ kiểu. Cả những tranh chấp ngấm ngầm trong Giáo Hội cũng thường xoay quanh “chiếc ghế” của chức vụ và quyền hành chứ chẳng phải để phục vụ. Chẳng ai có thể vào Nước Trời mà không trở nên khiêm tốn, bé nhỏ (x. Mt 18, 3), vì không phải nhờ chính giá trị riêng của mình mà chúng ta được xét xử, nhưng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn mọi người.

b. Chỉ là đầy tớ vô dụng (Lc 17,7-10)

Trong xã hội, chẳng ông chủ nào muốn làm đầy tớ cho người quản lý của mình, chỉ có Đức Giêsu khi phục vụ loài người, Ngài đã trở nên người tôi tớ để diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Cũng vậy, khi tình yêu đã dâng cao tuyệt đỉnh, người ta thường thích trở nên người đầy tớ để phục vụ người mình yêu. Tình yêu khiến người ta trở nên đáng yêu hơn, và muốn phục vụ nhiều hơn.

Khi dạy chúng ta hãy nhận mình là người đầy tớ vô dụng, Chúa Giêsu gợi ý cho chúng ta về mối tương quan giữa Thiên Chúa và những kẻ phụng sự Ngài. Từ “vô dụng” ở đây không phải là không làm được gì, mà có làm được gì đi nữa cũng là do ơn Chúa ban. Tự nhận mình vô dụng còn muốn nói đến một thái độ khiêm nhường khi phục vụ: vô công, vô kỷ, vô cầu, vô danh, vô vị lợi...

Chúng ta không bao giờ có thể nói mình đã làm quá nhiều cho Chúa hay cho tha nhân. Khi chúng ta đã làm hết mình, đó cũng là bổn phận chúng ta phải làm thôi. Thế nhưng nhiều khi chúng ta tự coi mình là người ban phát hơn là người nhận lãnh để phục vụ. Thử nghĩ lại xem, “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Khi phục vụ, chúng ta chỉ trao lại những gì mà mình đã lãnh nhận. Chẳng có gì để vênh vang tự phụ.

Có được thành công hay thành quả gì đi nữa thì cũng hãy nhớ rằng: “Kẻ trồng chẳng là gì cả, kẻ tưới cũng chẳng là gì, nhưng Thiên Chúa, Đấng cho mọc lên mới là tất cả “ (1Cr 3, 7 ). Ta có thể vất vả gieo trong nước mắt, nhọc công giữ gìn, nhưng việc nảy mầm và sinh hoa trái tùy thuộc nơi Chúa. Được là công cụ để Chúa dùng trong chương trình cứu độ, đã là vinh hạnh lắm rồi, đâu cần gì khác.

Nhìn thấy một người khiêm nhường phục vụ, ta cảm thấy như bóng dáng Đức Giêsu đang ở giữa cuộc đời, một hình ảnh thật dễ thương, dễ cảm kích, thật gần gũi và thân tình, đem lại hơi ấm và nồng thắm biết bao cho cuộc sống con người hôm nay.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu! Chúa chọn con đường khiêm hạ,
là con đường của Chúa đến với nhân loại,
cũng là con đường của con đến với tha nhân.

Khi khiêm hạ, Chúa mất đi vị thế siêu phàm,
để làm người mang số kiếp như con.
Khi khiêm hạ, con chẳng mất gì cả,
vẫn là vị thế của phàm nhân.

Tính khiêm hạ là sự vĩ đại của một mình Chúa,
nhưng Chúa đã khai đường mở lối cho con,
để con biết sống đời mình như Chúa.

Xin cho con biết hạ mình xuống thật gần,
để nâng dậy người lầm than khốn khổ,
đang hoang mang, đói rách, nghèo hèn,
là nạn nhân của bất công và bạo lực.

Xin cho con biết hạ mình xuống thật sát,
để cứu giúp bao cuộc đời tăm tối,
đang cô đơn, thất vọng, buồn sầu,
giữa một thế giới thiếu tình thương.

Xin cho con biết hạ mình xuống thật sâu,
để phục vụ với tất cả tấm chân tình,
hầu xóa đi mọi ngăn cách phân ly
giữa một thế giới còn thi phi đen bạc. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 


Tu Đức