HY SINH

 

“NGÀI ĐÃ HY SINH CHÍNH BẢN THÂN MÌNH” (Ep 2, 14)

           

 

Ý nghĩa và mục đích của sự hy sinh

Cùng với Chúa Giêsu, cuộc đời mỗi người chúng ta là của lễ hy sinh hằng ngày dâng hiến lên Thiên Chúa. Không có hy sinh thì không có của lễ. Của lễ mà không có hy sinh thì sự dâng hiến chỉ là bôi bác bề ngoài, và Thiên Chúa chỉ còn là bình phong để che đậy sự gian trá của con người. Vì thế hy sinh là chứng tích hùng hồn nhất để nói lên giá trị của hiến lễ (Ga 15, 13). Hy sinh càng lớn lao thì giá trị của hiến lễ càng cao siêu.

Hy sinh khởi sự từ chỗ đón nhận những công việc rất nhỏ bé và hèn mọn trong âm thầm (Lc 19, 17; Lc 16, 10), những việc mà không ai muốn làm, nhưng có giá trị rất lớn lao đối với Thiên Chúa, vì nó bắt nguồn từ một tâm hồn thiện hảo và khiêm nhu chân thực. Cuộc đời cao đẹp của mỗi người chúng ta được kết dệt nên từ những hy sinh nhỏ bé và hèn mọn như thế. Không hy sinh nơi những việc nhỏ, ta sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn lao Đừng mơ tưởng đến những hy sinh lớn lao, đang khi chưa thể hy sinh trong những điều nhỏ bé[1].

Đời sống cộng đoàn có biết bao nhiêu điều đòi ta phải hy sinh trong đời sống hằng ngày. Chính Thánh Louis Gonzaga trong sáng như thiên thần cũng cảm thấy thấm thía những thánh giá do đời sống cộng đoàn đem lại, đó là những xích mích và những chạm không sao tránh khỏi, nhưng Ngài đã coi như đó là những dịp tốt để hy sinh đền tội cho chính mình.

“Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh”[2]. Chính hy sinh mới nói lên được một tình yêu chân thành và sâu thẳm đối Chúa và tha nhân. Tình yêu không hy sinh là tình yêu trá hình. Tình yêu không dựa vào lời nói hay những cử chỉ trìu mến, nhưng phải được chứng tỏ qua những hy sinh cụ thể để làm bằng chứng sống động, và trong sự hy sinh cao độ mới diễn tả được chiều kích sâu xa của tình yêu. Con đường tình yêu là con đường thập giá nở hoa. Đó là con đường trải hoa hồng, nhưng dưới những cánh hoa hồng là sự ẩn nấp của những gai nhọn đâm thâu gây nên thương tích. Hy sinh là chấp nhận những thương tích để làm nên những chứng tích của tình yêu.

 

Hy sinh hãm mình

Hy sinh gắn liền với hãm mình, nghĩa là biết kềm chế những ham muốn, dục vọng, và ngay cả những ước vọng thường tình để tôi luyện bản thân mình trở nên cao quí. Sự tiết độ trong hy sinh hãm mình chính là phương thức tẩy luyện tâm can khỏi những dơ bẩn và hôi hám của mùi tục lụy, và là điều kiện để làm triển nở đời sống tâm hồn dưới tác động của ơn thánh. Thiếu hy sinh hãm mình con người ta sẽ dần dần bị cứng đọng lại trong lề thói thường tình của mình và sẽ bị nô lệ hóa bởi chính nó. Khi không còn hãm mình thì người ta dễ tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư và lợi ích cá nhân. Trong khi đó tình yêu đích thực đòi người ta phải hy sinh tiết chế  thì mới đem lại những điều tốt đẹp cho mình và người khác. Thói quen hy sinh hãm mình sẽ giúp ta  phong phú hóa nghị lực, làm giàu tâm cảm và làm gia tăng sức mạnh của ý chí để vượt ra khỏi sự ràng buộc của chính mình, hầu phát huy tầm cao của cuộc sống là nhu cầu nội tâm đòi phải thể hiện mình như mình đáng phải là.

 

Hy sinh từ bỏ

Hy sinh chỉ có trong sự từ bỏ. Khi từ bỏ, ta mới biết được rằng mình thật sự hy sinh. Từ bỏ để được tự do vươn cao và trải rộng giữa bầu trời mênh mông của sự sống huyền nhiệm tươi đẹp vô ngần.

Từ bỏ trước tiên là rời khỏi tư thế định vị như một cái khuôn đúc làm thành lề thói và kiểu cách hạn hẹp của mình, vì nghĩ rằng đó là một lối sống yên thân nhất để thể hiện chính mình. Thật ra đó chỉ là ảo tưởng, bởi vì sống là sống theo một niềm tin, nên cứ phải chuyển biến và tiến bước không ngừng, cứ phải ra đi theo định hướng của Thiên ý như tổ phụ Abraham : hy sinh từ bỏ để ra đi vì niềm tin, bởi vì niềm tin mời gọi hy sinh từ bỏ.

Con người luôn có khuynh hướng muốn khư khư giữ lấy những gì mình đã có, và luôn muốn chất đầy thêm cho mình mọi thứ, càng nhiều càng tốt, để dựa dẫm vào đó mà sống cách an thân. Nhưng càng chất đầy thì càng nặng gánh, cuộc sống càng trở nên cồng kềnh, khó lòng mà mà xoay sở để tiến bước. Điều kiện trước tiên trong hành trình tâm linh là trút bỏ, rời bỏ, cởi bỏ tất cả những gì không nhất thiết tối cần để cho tâm hồn mình được thanh thoát nhẹ nhàng. Từ bỏ cái những phụ thuộc để có thể đón nhận những cái chính yếu; từ bỏ những cái nhỏ nhen để được những cái lớn lao; từ bỏ những cái cũ để đổi lấy những cái mới. Tuy nhiên, nếu thiếu sự khôn ngoan sáng suốt thì cũng khó mà phân định được cái gì là phụ thuộc, nhỏ nhen, cũ kỷ, vì thấy cái nhìn cũng cần và thiết thân với mình. Hơn nữa, người ta lại cảm thấy ưa chuộng và vui thích trước những cái phụ thuộc, nhỏ nhen và cũ kỷ đó, và có vẻ rất sợ khi bị mất nó. Đây là thái độ của một tâm hồn đã sơ cứng, hoặc chưa nếm cảm được niềm vui mới trong sự từ bỏ. Thật ra, với một tâm hồn đã quen chuộng sự hy sinh từ bỏ thì thường rất sáng tỏ, chỉ còn lại một điều đáng ngại là sự lôi kéo có vẻ chính đáng ở bên ngoài và sự tiếc nuối có vẻ hợp lý ở bên trong làm cho người ta dễ lưỡng lự, chần chừ : muốn được cái mới nhưng vẫn muốn ôm lấy cái cũ, đó chính là sự phức tạp hóa của tâm hồn con người.

            Không những chỉ có thế, mà con đường đi lên của đời sống thuộc linh có đôi khi mời gọi ta phải hy sinh từ bỏ ngay cả những điều chính yếu, lớn lao, và tươi đẹp của đời sống mình để có thể hoàn thành Thiên ý, vì Thiên ý là kế hoạch toàn bộ có tính cách vĩ mô trên đời sống nhân loại mà Chúa cần đến sự hy sinh cuối cùng của chúng ta. Đây không phải là ơn gọi đặc biệt dành cho một số người, nhưng là cho hết mọi người trong từng hoàn cảnh riêng biệt và nhất định (Mt 5, 48).

Muốn mục đích thì cũng phải muốn phương thế. Mục đích càng lớn lao, thì phương thế càng gắt gao. Đó là lẽ đương nhiên và là qui luật bình thường của cuộc sống. Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu và các vị thánh nhân để thấu rõ những điều này, cụ thể là cha Maximilien Kolbe. Đó cũng chính là định mệnh cao cả của mỗi người chúng ta trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, khi biết sẵn sàng hy sinh từ bỏ tất cả mọi sự dù ngay cả chính sự sống mình.

 

Lm. Thái Nguyên



[1] Cf. Phanxicô Nguyễn văn Thuận,  Đường Hy Vọng, 164

[2] Như trên


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu