MẦU NHIỆM SỰ CHẾT

(Sống tâm tình Tuần Thánh)

 

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. (Ga 12, 23)

 

            Giờ tôn vinh là giờ Chúa Giêsu được treo lên : “Ngài đã  hy sinh chính bản thân  mình” (Ep 2, 14). Chúa Giêsu được tôn vinh là vì sự cần thiết tuyệt đối cho ơn cứu rỗi của con người. Sự tôn vinh Chúa Giêsu cũng chính là sự tôn vinh con người trong ơn cứu chuộc :Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi (Ga 12, 32). Để được tôn vinh, con người cũng phải thông phần vào sự chết với Chúa, nghĩa là dám hy sinh chính bản thân mình.

Sống và chết là qui luật tuần hoàn của muôn loài muôn vật. Chết là một cách để phát sinh sự sống mới, như CG đã nói :nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Sự chết như thế là điều kiện nhất thiết để triển nở, là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ phong phú và hoàn mỹ hơn.

Cũng theo qui luật trên, CG nói về sự sống con người : “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Chúng ta biết rằng Lời Chúa là chân lý và là sự thật. Ai tin và thực hiện như vậy sẽ được sống đời đời. Nhưng trước khi nói tới sự sống đời đời, chúng ta hãy nói đến sự sống đời này. Vấn đề được đặt ra là tại sao tôi phải chấp nhận chết đi để chờ mong một sự sống khác, nói là để sinh nhiều bông hạt ? Điều đó có ích gì khi chính tôi bị tan vỡ ? Chính vì thế mà tôi không muốn chết đi như hạt lúa vô tri. Chẳng thà tôi chấp nhận trơ trọi một mình, tôi chấp nhận cô đơn, để tránh được những phiền lụy đau thương và bất ổn. Vì thế, bằng mọi cách tôi phải giữ lại những gì tôi đang hiện có, sống với những gì tôi đang hiện là. Đó là cách chắc chắn yên ổn nhất cho đời sống tôi, và rồi bao nhiêu con người cũng đang sống như vậy, không có gì phải đặt lại vấn đề.

Nhưng tiếc thay đó cũng chỉ là cảm nghĩ của một cuộc sống còn dầy đặc những phòng thủ xung quanh mình chưa thể khai thông được, hoặc là một sự tránh né không muốn đi sâu hơn vào mầu nhiệm của sự sống trong sự chết. Chúng ta biết rằng, cuộc sống này và mọi sự trong đó chỉ là tạm bợ và sẽ qua đi tất cả để hướng đến đích điểm của nó. Tiến trình qua đi và hướng đến này được thực hiện bằng sự chết đi - sống lại liên tục (theo từng chu kỳ) trong chính sự sống của vạn vật và con người, trên phương diện vật chất cũng như tinh thần. Trong đó, định hướng thành toàn thì luôn luôn vĩnh cửu, nhưng phương cách biến chuyển để thành toàn thì luôn thay đổi. Vì thế, khi con người bám níu vào bất cứ điều gì thì cũng sẽ tan biến theo điều đó. Con người hữu sinh hữu diệt, hữu thân hữu khổ, bám níu vào đó để rối lao đầu vào cuộc sống hơn thua, bon chen, cào cấu, gom góp mọi thứ vào cho mình, kết cục chính mình cũng đi vào hư vong.

Hôm nay CG đưa ra một cách hiện sinh mới, mở ra cho ta thấy con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Ngài sắp thực hiện. Thật ra, ai cũng muốn mình có được một cuộc sống yên ổn và thuận lợi, an nhàn và êm ấm, chẳng ai muốn gặp phải những tan tác đau thương. Nhưng rồi qui luật nội tại của cuộc sống là một tiến trình phát sinh và triển nở không ngừng, không thể chiếm giữ hay chiếm hữu cho mình ở mãi trong một tư thế yên hàn nào đó. Thái độ buông bỏ, hy sinh, chết đi, chính là nhịp điệu của cuộc sống. Không đi vào nhịp điệu này thì cuộc sống mới thực sự tan tác. Đối với chúng ta thì sống là trở thành, trở thành là hủy diệt cái đã hình thành để sáng tạo cái sắp hình thành. Tất cả sự cao trọng của loài người là ở khả năng chịu hy sinh đau khổ để trở thành. Chúng ta khám phá ra chân lý đó nơi chính ĐGK.

 Chính vì không dám hy sinh, không dám buông bỏ và chết đi, nên người ta dễ rơi vào một đời sống cứng đọng và tăm tối. Tôi cũng đã từng sống như vậy với một thời tuổi trẻ sôi nổi, với cái nhìn phóng khoáng và hoàn toàn tự do; sống cho thỏa mãn mọi ước vọng của bản năng và khuynh hướng trong mình; cậy dựa vào tài năng và sức lực, tôi gom góp, chiếm đoạt tất cả cho mình. Hy sinh đối với tôi là nhượng bộ; quên mình đối với tôi chỉ là những hình thức che đậy một sự vong thân; bằng lòng với thân phận bé nhỏ của mình đối với tôi là một sự hèn kém ; sống mà không tranh đấu để chiếm hữu và ngự trị là một sự hèn nhát. Nhưng tiếc thay, lúc tôi có được tất cả những gì tôi muốn cũng là lúc tôi thấy mình đã đánh mất tất cả: mất tư cách, mất nhân phẩm, mất tâm hồn trong sáng và chân thật, mất lẽ sống làm người. Nghĩ lại, tôi thấy mình như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình, một bộ lông mà hằng ngày đầy những lem luốt và bụi bặm hôi tanh, một bộ lông bên ngoài mà tôi cứ tưởng là con người tôi, tôi làm đẹp bộ lông mà tôi cứ ngỡ là làm đẹp chính mình. Tôi cố gắng giữ được bộ lông vì cứ nghĩ rằng là giữ được chính mình.

Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương tôi mới cảm nhận sâu xa rằng. Chỉ có một cách giữ chặt được sự sống mình, làm đẹp cuộc sống mình, đó là trao hiến. Tôi thấy rằng mình chỉ bắt đầu được khi chấp nhận mất, bắt đầu nhận lãnh khi chấp nhận hy sinh. Tâm trạng và thái độ sẵn sàng chết đi cho chính mình là một lối sống tự do và hạnh phúc nhất, vì chẳng còn lo sợ gì cho bản thân mình. Đó cũng là một mô hình tối ưu cho sự hoàn thành chính mình trong ý nghĩa vẹn toàn nhất trong chương trình của TC. Như con ốc sên chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, tôi chỉ thực sự sung túc và triển nở mọi mặt khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình, ra khỏi những bận tâm, so đo, tính toán xây đắp cho mình, để dám sống cho tha nhân và TC. Niềm vui cao độ phát xuất từ một sự hiến thân và quên mình như vậy làm cho tôi biết coi thường những niềm vui thấp kém mà trước đây tôi cứ khư khư chiếm giữ. Không có niềm vui nào sâu thẳm cho bằng thấy mình được nên giống Chúa hơn trong hành vi tự hiến, “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Trong sự hiến thân quên mình tôi cảm nhận được hạnh phúc đích thực. Do đó không lạ gì Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tuyện bố : “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô” (Ph 3, 8).

Từ đó tôi mới hiểu sâu xa rằng, sống và chết là 2 hành vi trao đổi cho nhau trong từng giây phút và trong từng biến cố trong cuộc đời mình. Sống là chấp nhận chết để triển nở và phát sinh :

- mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo của mình.

- mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát của mình.

- mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo của mình.

- mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ của mình.

Còn cần biết bao nhiêu cái chết khác nữa trong cuộc đời chúng ta để làm thành sự sống mới của mình trong Đức Kitô. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh.

Tuy nhiên, hành vi chết dù trong thái độ tinh thần hay trong thân xác cũng đều là hành vi của đau thương, tổn hại, mất mát và làm tan biến chính mình, không dễ dàng chấp nhận chút nào dù biết rằng có một hiệu quả phi thường. Chính Đức Giêsu cũng phải bị nao núng và dao động trước cái chết .: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? (Ga.12,27). Chúa Giêsu  không ngần ngại thố lộ với các môn đệ nỗi xao xuyến và sợ hãi của mình trước cái chết nhục hình. Ngài không làm ra vẻ anh hùng trước một sự hy sinh cao cả, nhưng Ngài thật sự lo âu và bám níu vào lòng Cha yêu thương để tìm thấy sức mạnh với lời tha thiết xan xin : “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này"(Ga.12,27), và rồi Ngài đã can đảm đi vào cuộc cuộc tử nạn, biến cái chết của mình thành lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người : “Nhưng chính giờ này mà con đã đến”(Ga.12,27).

Điểm quan trọng là ở những giây phút đau thương hay đối mặt với cái chết, Đức Giêsu luôn tha thiết cầu nguyện với Cha và Người dạy chúng ta hãy học kinh nghiệm nơi Người : "Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Lc.22,40). Cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần hay giảm đau, cũng không hẳn ngăn chặn được nao núng sợ hãi, nhưng cầu nguyện là thái độ sống thực, sống tin yêu, phó thác. Khi cầu nguyện chúng ta không mong Chúa đổi ý, cứu ta thoát khỏi đau khổ hay sự chết, nhưng cầu nguyện chính là gặp gỡ Chúa với nỗi xao xuyến, giằng co của của con người mỏng giòn yếu đuối của mình, để từ đó ta an tâm bình thản đi vào hiến dâng và xác tìn rằng : “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa (1Cr 1, 12). Chết không phải là nhảy vào khoảng không vô tận, nhưng ta gieo mình vào cánh tay Thiên Chúa Tình yêu.

Nơi Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, đã thành hình một chân lý sự sống cho chúng ta : hy sinh và từ bỏ là điều kiện để nhận lãnh; đau thương và chia lìa là cách thức để tinh luyện;  tan biến hay mất đi là nhân tố của sự đổi mới; chết là nguyên nhân xúc tác để làm thành sự sống mới. Dưới cái nhìn này, chúng ta vượt thoát khỏi sự vô minh để sống dưới ánh sáng Chúa chiếu soi, không còn phải quá nặng nề về cuộc sống mình với mọi sự xảy ra trong đó, nhưng luôn an nhiên thanh thản trong mọi tình huống của đời thường, để sống trọn vẹn từng phút giây sống cho Chúa và mọi người. Với tâm tình như thế, chúng ta sẽ nhẹ nhàng đón nhận cái chết như một cuộc biến đổi cuối cùng để đi vào sự phục sinh vinh hiển cùng với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự chết và tội lỗi, đang đứng đợi chúng ta ở cuối con đường của cuộc sống này.

 

Lm. Thái Nguyên

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu