CHAY THỜI KHỦNG HOẢNG KINH TẾ.

 

Trong đêm 28- 2 vừa qua, một mini show nhạc Trịnh của Hồng Nhung và Quang Dũng đã được tổ chức tại nhà hàng On The Six ở thành phố Hồ Chí Minh. Sẽ chẳng có gì đáng nói với một tổ chức nghệ thuật như thế thời khó khăn kinh tế hiện nay vì các ca sĩ có tiếng này đã biết theo thời để không làm những live show hoàng tráng như trước đây. Nhưng với giá vé 3 triệu đồng cho một thượng khách đã khiến nhiều người phải giật mình bởi vé đặc biệt này. Trong đêm nhạc ấy, người ta thấy có 100 thượng khách là các bậc đại gia, là những người có tiền trong xã hội đang quá sung sướng tiêu xài tiền triệu để chỉ thưởng thức một đêm nhạc không quá 3 tiếng đồng hồ. Ba triệu đồng có đáng là gì trong hàng triệu đồng bỏ ra vui chơi trong những vũ trường, chầu nhậu hạng sang ở nhà hàng, khách sạn của người nhiều tiền. Chuyện ấy cũng chỉ là chuyện “ thường ngày ở huyện” khi mức tiêu xài của những bậc thượng lưu vốn dĩ vẫn thường là như thế! Chẳng biết khi tai nghe nhạc Trịnh, mà tâm có sáng để ngộ ra triết lý sống ở đời cho phù hợp thực tế hôm nay không nữa!

Có lẽ, khi 100 thượng khách nọ đang say sưa thưởng thức đêm nhạc trong căn phòng ấm cúng, sang trọng, lại có hàng trăm, hàng trăm ngàn người khác bên phố chợ chỉ mơ có một trăm, hoặc hai ba trăm ngàn cho cơm áo, thuốc men… mà vẫn không có đủ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp đang đe doạ.

Khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới chẳng lẽ không ảnh hưởng đến những người lắm của nhiều tiền ấy! Những người ấy có quan tâm đến một làng sóng that nghiệp đang đe dọa ngay tại nước Mỹ,- một siêu cường quốc về kinh tế- đang chao đảo từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số người bị that nghiệp tại Mỹ do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã ở ngưỡng 600.000. Đã có những người tự tìm đến cái chết vì phá sản, vì nợ nần. Biết bao người giàu có trở nên trắng tay, nợ nần không thể trả nổi. Những hình ảnh biết nói của hàng trăm, và hàng trăm người đội mưa để đứng chờ tìm việc tại Trung Quốc; hoặc các bà nội trợ Nhật Bản đã phải tự đưa ra gói tiết kiệm trong chi tiêu nhằm cứu vãn kinh tế của gia đình. Tại Hàn Quốc, có những kỹ sư đã phải xếp hàng, nộp đơn để xin vào chân quét rác đường phố khi việc cắt giảm lao động tại công ty, nhà máy đang diễn ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã lan sang các nước nghèo như một qui luật tự nhiên xã hội. Theo Ông Dominique Strauss Kahn- Tổng Giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế cho biết, hiện nay có khoảng 22 nước nghèo ( trong đó có Việt Nam) can được viện trợ với số tiền lên đến 140 tỉ USD ( Tuổi trẻ- Thế giới- Thứ Năm 5/3/2009).

Vậy mà,

Đã có nhiều người vẫn ngỡ tưởng chuyện khủng hoảng, khó khăn kinh tế chỉ ở mãi phương trời xa xôi nào đó và chẳng liên quan đến họ, nên mới có chuyện tiêu xài một cách thoải mái, mà không nghĩ đến sự khốn khó của anh chị em mình.

Không chỉ là chuyện một giá vé đêm nhạc nọ, nhưng xung quanh ta đang có biết bao “ giá vé nghìn vàng” khác đang đi qua cuộc đời mình trong sự vô cảm với nỗi khổ của đồng loại. Một chai X.O của người này sẽ là khoản viện phí cho chồng, cho con của người kia đang mơ có được để chữa trị cho người thân của mình. 3 triệu đồng ấy có thể giúp cụ già không phải cúi rạp lưng bước đi mệt nhọc với xấp vé số trên đôi tay run ray già nua. 3 đồng triệu ấy là khoản tiền trong mơ đứa bé mong có để được đến trường mà vẫn không thể; 3 triệu đồng ấy là cả hai ba tháng trời của người phụ nữ cúi mặt xuống đống rác nhơ bẩn, bới móc từ đống rác kiếm những chai nhựa phế thải để đổi lấy đồng tiền bát gạo; 3 triệu ấy là tiền công gần 100 ngày của những người phụ nữ làm nghề phu vác đá ở mỏ đá Thạch Hải, huyện Thạch Hà ( Hà Tĩnh) ...

 Vậy mà sao ai đó chẳng nhớ cái oằn lưng, mồ hôi nhễ nhại, bát cơm chỉ có chút nước mắm của ai đó để nhìn lại chính mình, ngộ ra cái giàu nghèo chẳng có giới hạn rạch ròi, để nhìn lại hôm qua, hôm nay và ngày mai của mình và của bao người xung quanh. Hôm nay vung tiền như nước cho bản thân, mà quên đi nỗi cùng cực của đồng loại, sao có thể là người trong mối tương giao đồng loại? Sao có thể là anh em khi không trải nghiệm một ngày, một tháng không có tiền để đóng học cho con của anh chị em mình? …Và cái vô tâm còn tệ hại hơn nữa, khi người quyền thế dám cắt xén, đánh cắp luôn chén cháo cứu trợ của người đang đói…

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước vào Mùa Chay bằng sự chia sẻ, hiệp thông và giúp đỡ nhau. Cơn cám dỗ vật chất, sự tiêu xài thoả mãn nhu cầu mỗi ngày tinh vi và có cách biện hộ riêng của nó. Quyền chi tiêu thuộc về người có tiền, sở hữu nó. Nhưng mối liên hệ cộng đồng không cho phép người ta chỉ sống cho riêng mình, và chỉ thoả mãn chính mình. Nếu chỉ biết đến bản thân mình mà quên đi người anh em, đó có là chân lý, là cách để ai đó làm cho mình hoàn thiện trong cuộc sống này không?

Người Kitô hữu được mời gọi luôn biết sống và sẻ chia với người anh em trong mỗi giây phút đời họ. Không thể là hình ảnh Đức Kitô khi chỉ biết đến bản thân, chỉ biết thụ hưởng mà không biết cho đi. Người Kitô hữu không thể là ánh sáng, là muối cho trần gian nếu họ không nhận nhiều Lazaro nghèo khó xung quanh mình mỗi ngày. Sẽ không sống chứng nhân, không chay tịnh thật lòng nếu không có đôi mắt sáng để biết cân bằng những nhu cầu của mình và của tha nhân.

Vậy đó, một thời của khủng hoảng kinh tế và mùa Chay đang song hành trong đời người Kitô hữu. Sẽ ý nghĩa biết bao khi người Kitô hữu nhận ra dấu chỉ của thời đại trong ánh sáng của niềm tin, biết phân định để tìm cho mình một dấu ấn của chay thánh giữa nỗi đau, thất vọng của người anh em trong nhịp đời khốn khó này. Chọn một con đường, chọn một hình thức chay tịnh giữa thời khủng hoảng kinh tế là thao thức của những tâm hồn Kitô thực giữa xã hội hôm nay.

Xin hãy để một đồng sẻ chia thời khủng hoảng kinh tế có một sức mạnh yêu thương và chay thánh trong mỗi nhịp đời của chúng ta. Đừng để phí cơ hội, thời cuộc qua đi mà không làm cho tâm hồn mình lớn lên trong ân sủng của mùa Chay thánh này.

 

Sr. Têrêxa Ngọc Lễ o.p


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu