PHÁ THAI VÀ BẢN ÁN LƯƠNG TÂM

Có lẽ, nói đến vấn nạn phá thai chẳng khác nào “múc nước biển đổ vào hang còng”. Tất cả đều đã rõ ràng: sự lan tràn của nạn phá thai, và quan điểm của Giáo hội về vấn đề này cũng đã minh định. Tuy nhiên, qua một sự kiện mắt thấy tai nghe, người viết xin được nói lên những ý nghĩ, thao thức bản thân, cũng như nhắc lại các lập trường của Giáo hội về phá thai.

Với quan điểm: tình yêu là tính dục, nhiều ban trẻ đã sẵn sàng dâng cái “ngàn vàng” để chứng tỏ mình là “gái ngoan”, thể hiện đẳng cấp và khả năng thích ứng tốt cuộc sống. Họ đề cao hưởng thụ và sự tự do vượt rào, nên việc phá thai được coi như chuyện bình thường: đã yêu thì phải thế. Do đó, bạn trẻ nào chưa ăn “trái cấm” hay “cầm chuông đi bêu đất người”, thì bị xem là người thượng cổ hay bà già khó tính của thời đại.

Tuy nhiên, đàng sau bức màn của sĩ diện và hưởng thụ là sự dày vò lương tâm của những ai đã một lầm “đứt gánh giữa đường”.Nỗi ám ảnh của những người phá thai là luôn cho mình đã giết đứa con vô tội. Nó tựa như tảng đá đè nặng cõi lòng và biến tâm hồn thành bãi chiến trường tha ma vì luôn bị xâu xé và căng thẳng. Dao kéo đã giết chết đứa con vô tội, đồng thời cũng tạo nên một vết thương nơi tâm hồn người mẹ làm nhói đau ngày đêm. Có thể nói, qua hành vi phá thai, người mẹ đã tự đưa ra bản án “tử hình” cho lương tâm bằng chính nỗi nhớ thương và mặc cảm tội lỗi.

1  Sự Kiện

Trong chuyến xe Bus Hàm Tân- Đà lạt, khi trò chuyện với người bên cạnh, một người phụ nữ đã kể về câu chuyện đời mình như sau: cách đây 12 năm, lúc mối tình đầu dang dỡ, cô đã đành tâm phá bỏ cái thai đã 5 tháng của mình, vì sợ gia đình và bạn bè biết. Cô nghĩ rằng làm như vậy sẽ có tương lai. Vã lại, thời nay phá thai là chuyện bình thường, ngay cả bạn bè mình cũng có đôi người làm như thế.

Nhưng sau biến cố này, người phụ nữ chưa một ngày nào được an vui thực sự. Mỗi khi màn đêm buông xuống là lúc những giọt nước mắt lại trào dâng. Câu hỏi mà lương tâm thường đặt ra cho cô: Tại sao lại làm như thế? Đôi lúc như nghe tiếng đứa con về chất vấn mẹ: Tại sao mẹ lại giết con? Mặc dầu đã có chồng và sinh được hai người con, nhưng vẫn không vơi đi nỗi nhớ thương đứa con mà mình đành tâm dứt bỏ. Đàng khác, lúc chăn sóc hai đứa con, thì trong lòng lại ước muốn chăm sóc đứa con chưa một lần gặp mẹ. Chính quyết đinh thiếu sáng suốt ấy đã làm tâm hồn cô héo mòn từng ngày vì nỗi ân hận và thương tiếc.

2  Vấn Nạn Phá Thai Ở Việt Nam

Tại Hội nghị thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên và nhi đồng của Quốc hội do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 27/8/2014 cho biết: Mỗi năm Việt Nam có hơn 300.000 vị thành niên phá thai. Riêng tại bệnh viện Từ Dũ, hằng năm có khoảng 26. 655 trường hợp phá thai, trong đó tuổi vị thành niên chiếm 6, 05%. Bên cạnh đó, tại buổi Mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới diễn ra ngày 8/7/2914, một báo cào của Quỹ Dân số Thế giới chứng minh Việt Nam là một trong năm nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Dĩ nhiên, đây chỉ là mặt nỗi của tảng băng. Bên cạnh những bệnh viện và trung tâm phá thai được Nhà nước công nhận, còn có vô số những nơi thực hiện hành vi này cách lén lút và nhiều bạn trẻ tìm đến đó để giải quyết sự việc cách nhanh gọn. Họ không cần đến sự an toàn mà cần “bịt đầu mối” để khỏi mất thanh danh cùng bạn bè, hang xóm và người thân. Họ thích hưởng thụ nhưng không muốn lãnh nhận trách nhiệm hay chân thành đối diện với sự thật. Cuộc đời của họ bị các cơn sóng dễ dãi chôn vùi trong ích kỷ và gian dối. Họ chạy trốn cuộc sống thật để lui vào khung trời ảo tưởng bởi lối sống “mì ăn liền”.

Chắc hẳn với con số phá thai vừa nêu trên, mỗi người cần thành tâm nhìn lại lối sống, cách hành xử, quan niệm, xu hướng và phương pháp giáo dục: Đâu là nguyên nhân dẫn các bạn trẻ vào vực thẳm phá thai này? Có nên đỗ lỗi hết cho họ không hay những bậc cha mẹ và những người đảm nhận việc giáo dục cũng có phần trách nhiệm? Chúng ta coi chuyện này là bình thường, hay nó đã như con đập tan vỡ không có khả năng chống cự? Phá thai là một tội ác hay việc làm nhân đạo, một lối thoát cho các bạn trẻ? Đâu là cách thức giúp các bạn trẻ nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống?

Chắc hẳn, phá thai không phải là một lối thoát tối ưu cho các bạn trẻ. Trong thực tế, nó là một ngõ cụt, là vực thẳm chôn vùi các bạn trong u mê hờn oán. Các bạn trẻ mất hết phương hướng và ở trong vòng tròn khép kín của hối hận và hưởng thụ. Họ muốn tìm một lối thoát, nhưng chính những người dẫn lối đưa đường lại đẩy họ vào vòng lao lý của bất an và khổ đau.

Chúng ta cùng đưa ra một vài nguyên  nhân dẫn đến phá thai

* Thiếu Suy Nghĩ Chín Chắn

 Các bạn trẻ thường thích đua đòi, chạy theo thời cuộc nên thiếu cân nhắc lựa chọn và không quân bình trong cuộc sống. Họ thích sống với cái ảo của một tình yêu dâng hiến mà ít quan tâm hậu quả của nó sẽ ra sao.Như vậy, cuộc đời nhiều bạn trẻ đặt nền móng trên cảm tính, xung năng dục vọng và được bao bọc bởi sự đua đòi.Họ quyên rằng giá trị cuộc sống không khởi đi từ sự dễ dãi, nhưng bằng những nỗ lực bản thân và thậm chí cả những giọt nước mắt.Bởi vì, sự dễ dải làm cho chúng ta thoãi mái nhưng không làm cho chúng ta lớn lên.

* Chứng Tỏ Tình Yêu Cho Bạn Đời

Yêu mà không “trao gửi” tất cả là chưa yêu thật.Tình yêu phải được chứng minh cụ thể bằng hành động trao hiến bản thân.Tuy nhiên, đàng sau sự trao tặng là một nỗi sợ hãi dồn dập khi “có chuyện không may” xảy ra. Nhiều bạn không biết phải làm gì với bạn bè, gia đình khi biết mình “gái chưa chồng mà chữa”. Do đó, họ tìm đến phá thai như một sự lối thoát.

            *  Nền Giáo Dục Gia Đình

Có lẽ, chúng ta không nên đổ hết lỗi lên các bạn trẻ, nhưng cũng có một phần do đời sống và giáo dục gia đình. Với lối sống hưởng thụ và tranh đua đã làm cho nhiều gia đình đổ vỡ. Người ta lo kiếm tiền để ăn chơi mà không lo trồng “Đức” để đời cháu con. Vã lại, do công việc đòi buộc, nhiều cha mẹ giao khoán mọi sự cho Ô sin và nhà trường. Họ có thời gian cho công việc, bạn bè, du lịch, mà thiếu thời gian dành cho con cái. Bởi đó, các bạn trẻ này có tiền mà không có tình, nên nhiều bạn lấy tiền cha mẹ để “mua” những tình cảm hời hợt và chóng qua bên ngoài gia đình.

Có thể nói, không ai khi thực hiện phá thai mà tâm hồn cảm thấy bình an. Nếu mang thai là bước đường cùng, thì việc phá thai là một vực thẳm chôn vùi các bạn trẻ. Người ta có thể dấu sự việc với người khác, nhưng không thể che lấp được tiếng nói lương tâm. Hơn bất cứ ai, tiếng nói lương tâm là một quan tòa công minh, dám nói thật và tố cáo những hành vi hèn nhát của bản thân. Lương tâm không có chỗ cho sự dễ dãi và lừa dối. Các bạn trẻ có thể giết chết đứa con vô tội, song khó bóp nghẹt tiếng nói lương tâm. Đó là lý do khiến cho cuộc đời nhiều bạn trẻ đan dệt bởi những âu lo, mặc cảm tội lỗi và thiếu bình an nội tâm. Vậy đâu là cái nhìn của Giáo hội về vấn đề phá thai?

3  Quan Điểm Của Giáo hội Về Phá thai.

Trong Thông điệp Humanae, đức giáo hoànPhaolô VI khẳng định: “Không thể nào chấp nhận- vì việc đó bất hợp pháp- việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống, và nhất là việc cố ý phá thai dù với lý do y tế cũng vậy[1]. Các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II cũng đã mạnh mẽ nói lên quan điểm này: “Thiên Chúa là sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống này từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là một tội ác ghê tởm[2]. Không chỉ những người thực hiện phá thai mà ngay cả những ai cộng tác vào việc này cũng bị mang trọng tội. Chiếu theo Giáo luật sẽ bị vạ tuyệt thông: “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết[3], nghĩa là “tức khắc do chính sự kiện phạm tội[4].

Quyền được sống và được toàn vẹn thân thể mà mỗi thụ tạo nhân linh được hưởng từ lúc thụ thai đến khi chết là quyền bất khả nhượng phải được xã hội dân sự công nhận và tôn trọng. Những người này không tùy thuộc vào cá nhân, gia đình hay xã hội, nhưng nó gắn liền với bản tính và nguồn gốc con người[5]. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã nói: “Vì phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị trong sự toàn vẹn của nó[6]. Ý hướng này chúng ta cũng gặp thấy nôi Huấn thị Dignitas Personae: “Thực tại con người, trong suốt cuộc sống của nó, cả trước và sau khi sinh, không cho phép ta khẳng định một sự thay đổi bản tính, cũng không cho phép khẳng định một sự biến thiên dần về giá trị luân lý, vì nó có một phẩm chất nhân học và luân lý đầy đủ. Bởi thế, phôi thai người, có một phẩm giá riêng của nhân vị[7].

Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác định lại lập trường của Giáo hội: “Trong số những người yếu đuối ấy mà Hội thánh muốn yêu thương chăm sóc có những thai nhi… Người ta thường chế diễu những nỗ lực của Hội thánh nhằm bảo vệ mạng sống các thai nhi… nhưng việc bảo vệ sự sống chưa được sinh ra này gắn liền với việc bảo vệ tất cả các quyền của con người… Chính vì đây là một nhất quán nội tại của sứ điệp của chúng ta về gái trị của nhân vị, đừng mong Hội thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này[8]. Nơi diễn văn đọc trước các đại sứ quán cạnh Tòa thánh ngày 13/01/2014, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến văn hóa loại bỏ của xã hội thời nay: “Tiếc thay không chỉ có lương thực hay những của cải dư thừa mới bị loại bỏ, nhưng cả đến chính con người cũng thường bị loại bỏ như thể họ là những món đồ không cần thiết. Chẳng hạn, chỉ cần nghỉ đến những trẻ em không bao giờ được chào đời, những nạn nhân của phôi thai… một tội ác chống lại nhân loại; những điều ấy làm chúng ta kinh hoàng”. Đức Giáo Hoàng còn nhấn mạnh điều này trong buổi nói chuyện các nhà phụ khoa công giáo ngày 20/9/2013: “Một đứa trẻ không được sinh ra, nhưng bị kết án phá thai một cách bất công, đều mang khuôn mặt của Chúa, là Đấng đã cảm nghiệm bị thế gian từ khước ngay cả trước khi sinh ra cũng như khi mới sinh ra”.

Dĩ nhiên, Giáo hội không cố ý đặt giới hạn cho lòng thương xót, nhưng muốn nói rõ tính nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không thể sửa chữa được mà hành vi phá thai đã gây ra cho những người vô tội bị giết chết, cho cha mẹ và cả xã hội. Vã lại, chúng ta là những người quản lý, chứ không phải cầm quyền sinh tử trên người khác. Đi quá giới hạn này, chúng ta là những người thay thế Chúa, chứ không phải là người thay mặt Chúa. Đây là một hệ luận tai hại mà con người thời nay đã gây ra cho chính mình. Họ cứ tưởng con người là “chúa”, thay trời hành đạo nên có quyền định đoạt những gì mình muốn và có lợi. Họ nghĩ đến lợi tức kinh tế mà không quan tâm đến nỗi đau của những ai đã một lần phá thai. Họ quan niệm phá thai tự do là một lối thoát cho những ai gặp phải khốn cùng, song trong thực tế, nó là hàng rào thép gai đang vây hãm và làm nhói đau tâm hồn.

Giáo hội không đặt quyền sống con người dưới cái nhìn lợi tức kinh tế, nhưng nhìn trong chính bản tính của nó: được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 27). Hơn nữa, qua những quy luật có vẽ khắt khe và khô cứng của Giáo hội về phá thai lại là những bậc thang giá tri để xây dựng cuộc sống vững bền và ý nghĩa. Nó có khả năng giải gỡ con người khỏi nỗi bất an, mặc cảm tội lỗi hầu mang lại nét tươi vui và an hòa trong cuộc sống.

   Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT

 

 



[1]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông Điệp Humanae, ban hành ngày 25/7/1968, sớ 14.

[2] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, Học viện Piô X dịch năm 1972, số 51.

[3] Bộ Giáo luật 1983, số 1398

[4]Sđd , số 1314.

[5]X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, ban hành 1988, số 98- 99.

[6]Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2274.

[7]Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Dignitas Personae, ban hành ngày 8/9/2008, số 5.

[8]Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông Điệp Evangelii Gaudium, ban hành ngày 24/11/ 2013, số 213.


Trang Gia Đình