GIÁO DỤC THEO THÁNH GIOAN BOSCO

Linh mục Phêrô Trần Đình, Dalạt

 

Lần trước, tôi đã nói rằng : chủ yếu của giáo dục là loại trừ khuynh hướng vị kỷ, nghĩa là khuynh hướng luôn qui hướng về mình, và dạy cho con cái biết sống vị tha,nghĩa là sống hướng về kẻ khác. Nếu khi lớn lên, con cái mình chỉ biết mình mà không quan tâm đến kẻ khác, thì phải gọi là sự giáo dục của chúng ta đã thất bại.

 

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về một vài nguyên tắc giáo dục theo Thánh Gioan Bosco. Như anh chị em biết, giáo dục là vấn đề quan trọng, cha mẹ nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, giáo dục thì phải có những nguyên tắc hướng dẫn, chứ không phải là việc tuỳ tiện, gặp chăng hay chớ. Dĩ nhiên, trong vấn đề giáo dục, thánh nhân cũng đã nhiều lần thất bại. Dầu vậy, những nguyên tắc giáo dục của Người thật đáng trân trọng học hỏi. Nó gồm những điểm chính yếu sau đây: phòng ngừa và dựa trên ba chữ : ái, trí , đạo. Ta phân tích.

 

I. GIÁO DỤC PHÒNG NGỪA

 

1. Phương pháp  giáo dục này bắt nguồn từ chính kinh nghiệm bản thân của vị thánh này. Hồi còn nhỏ, ngài  đã làm  bể một cái ly uống nước. Khi mẹ về, ngài đã vòng tay xin lỗi mẹ và dĩ nhiên là được mẹ tha thứ. Khi lớn lên, Gioan Bosco hiểu rằng khi một cái ly đã bể rồi thì vô phương làm lại cho nó lành lặn như trước. Cho nên vấn đề là làm sao đừng làm cho cái ly bể. Đó là tiền thân của “phương pháp phòng ngừa” trong giáo dục của Thánh Gioan Bosco.

 

2. Trong giáo dục, vấn đề phòng ngừa rất quan trọng. Chúng ta cứ nghĩ đến vấn đề chủng ngừa cho trẻ sơ sinh những bệnh như uốn ván, đậu mùa, sởi… thì sẽ dễ hiểu. Y học ngày hôm nay người ta còn khuyên chích ngừa những bệnh như siêu vi Bï, sốt rét và bây giờ là bệnh HIV, bệnh Sars (viêm phổi cấp). Đối với súc vật như trâu bò, chó mèo người ta cũng chích ngừa định kỳ hằng năm những bệnh như bệnh dại ở chó, bệnh dịch ở gà, bệnh lở mồm long móng ở trâu bò …Để cho bệnh phát ra rồi thì hậu quả thật khó lường.

 

Đối với con vật, ngừa bệnh còn quan trọng như thế, huống chi là con người. Cha mẹ cần ngừa cho con nhiều điều như xem những sách vở, tranh ảnh xấu, chơi với bạn xấu…nhưng theo tôi điều cần ngừa hơn cả là khuynh hướng vị kỷ, nghĩa là luôn hướng về mình. Trẻ mà có khuynh hướng này, thì sau này khó lòng mà sống tốt  và không thể uốn lại được. Phải tập cho con sống vị tha như dạy con thương người nghèo, chia sẻ những gì mình có với kẻ khác.

 

3. Để áp dụng phương pháp phòng ngừa, theo Thánh Gioan Bosco, phải luôn đồng hành với con cái, hiện diện với chúng, ví dụ như  dành thời gian để gần gũi các cháu lúc vui lúc buồn, hỏi han về việc học hành, bạn bè của các cháu…Rất nhiều lúc chúng có những u uẩn trong lòng, cha mẹ cần biết nếu không nhiều khi có những sự cố sẽ xảy ra ngoài ý muốn chúng ta. Cho dầu bận bịu cách mấy đi nữa, chúng ta không được khoán trắng cho bất cứ ai. Lâu lâu, cùng đi chơi với các cháu như đi biển, đi cáp treo, đi picnic ngoài trời…là tốt.

 

Chính khi gần gũi chúng, mà ta sẽ thấy chúng để lộ cá tính, điều hay cũng như điều dở…để rồi chúng ta biết mà uốn nắn kịp thời. Bệnh nhẹ thì dễ chữa, để cho bệnh trầm trọng hay di căn rồi như bệnh ung thư thì khó mà chữa trị được.

 

II. ÁI – TRÍ - ĐẠO

Đây là phương pháp giáo dục chúng ta rất cần biết. Đây là lộ trình phải theo trong vấn đề giáo dục. Chúng ta thường thiếu sót trong giáo dục vì chỉ dừng lại nơi chữ ái (yêu thương) và trí (học hành) mà quên hẳn hoặc lơ là, hoặc cho là không quan trọng chữ “đạo”. Chính vì thế mà con cái sau này sẽ không có một cuộc sống quân bình. Tôi xin giải thích ba chữ nói trên.

 

1.   Giáo dục chữ “ái”.

Ái có nghĩa là yêu thương. Điều này thì cha mẹ nào cũng có. Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái mình hết lòng, đến độ hi sinh quên mình. Điều này thì chẳng ai dám nghi ngờ.

Tuy nhiên, thương thì cũng có nhiều cách thương và dường như không phải  cách yêu thương nào cũng hợp lý và có lợi cho con cái, như chúng ta vẫn thấy trong thực tế. Có những cách yêu thương làm cho con cái thăng tiến, nên người. Cũng không thiếu những cách yêu thương làm cho con cái không thăng tiến và không nên người.

 

a/ Cách yêu thương không có lợi cho con cái, đó là sự nuông chiều, nhất là khi cha mẹ là người có điều kiện. Trong gia đình, đứa nào được nuông thì đứa đó hư. Đây dường như là chuyện qui luật. Trong thời buổi hôm nay, cha mẹ thường ít con nên hay nuông chiều con, cho nên con dễ hư hơn thời trước. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của xã hội bên ngoài. Đứa con được nuông, không những dễ hư hỏng, nhưng còn khó nên người. Ra khỏi cánh cha mẹ là không còn biết phải sống như thế nào, bởi vì chúng đã quen “sống dựa hơi” vào cha mẹ. Nó sẽ không có ý chí phấn đấu ở đời. Chúng ta thấy những đứa con gọi là “con một”, “con út” thường dễ hư hơn, vì cha mẹ thường có khuynh hướng nuông chiều. Những thanh niên đua xe ngoài Hà Nội thường ứng vào những gia đình khá giả, nuông con. Trên TV, một người mẹ có đứa con chết vì đua xe, đã phát biểu như sau : “Tôi đã sai lầm vì nuông chiều cháu, bây giờ hối thì đã muộn. Tôi muốn khuyên các bậc làm cha mẹ đừng rơi vào trường hợp của tôi”.

 

b/ Có cách yêu thương làm cho con cái nên người. Nghĩa là vẫn yêu thương con cái, nhưng có những lúc phải dám nói “không” với chúng, chứ không phải  chúng muốn gì, đòi gì là răm rắp làm theo. “Không”, con làm điều này là không được, không tốt, bố mẹ không đồng ý. Dần dần con cái hiểu rằng chỉ những gì hợp lý, tốt, có lợiù thì cha mẹ mới chiều theo.

 

2. Giáo dục chữ “trí”

Dạy chữ “trí” ở đây không có nghĩa là dạy chữ, nhưng là dạy cho con cái biết sống theo lẽ phải; biết cái gì là đúng, cái gì là sai; cái gì nên làm và cái gì nên tránh.

 

Có một triết gia Hy Lạp, Ông Socrate, nói rằng : con người ta phạm tội là vì ngu dốt. Cho nên cần phải học để biết đúng và sai. Điều này lại càng chính xác, nhất là đối với trẻ em : chúng chưa có trí khôn, chưa phân biệt được hay và dở, đúng và sai, cho nên rất nhiều hành động chúng làm chỉ vì dại mà thôi.

 

Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, các cháu tuy đã đi học, thậm chí học đại học đi nữa, nhưng vì chưa từng trải như cha mẹ, còn thiếu kinh nghiệm sống, cho nên có nhiều việc làm nông nổi, thiếu thực tế. Vai trò cha mẹ vì thế vẫn còn cần thiết để góp ý, hướng dẫn thêm để các cháu có những  chọn lựa, quyết định sáng suốt.

 

3. Giáo dục chữ “đạo”

Đây là điều người ta thường quên sót nhất trong vấn đề giáo dục. Người ta thương con, lo lắng cho con mọi sự, nhưng không sốt sắng trong việc đưa con đến với đạo.

 

Đạo là gì ?

Thưa là con đường. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng xưng mình : “Ta là Đường” hay “Ta là Đạo”.

 

Giáo dục vì vậy là phải làm sao để dẫn con cái đến với đạo, đến với Chúa. Nếu không, sự giáo dục của chúng ta không còn phải là giáo dục kitô giáo nữa. Phải hướng con cái về với Chúa để được Chúa thánh hoá, nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng.

 

Về điều này thì cha mẹ phải làm gương sáng. Nếu cha mẹ không có lòng mến Chúa thì không bao giờ con cái có thể đến với Chúa được. Nhất là người mẹ. Cứ nhìn vào thực tế thì rõ : những bà mẹ nhân đức thì bao giờ cũng đốc thúc con sống đạo. Những bà mẹ nguội lạnh thì con khô khan. Cha mẹ là tất cả. Cha mẹ là chìa khoá của mọi thành đạt. Không có cái gì và chẳng có ai có thể thay thế vai trò của cha mẹ được. Vai trò của cha mẹ là vai trò có tính quyết định trên đứa con.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà