GIÁO DỤC CON CÁI (Tiếp Theo)

 

"Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải theo, cho đến tuổi già nó không lạc đường của nó." (Cn21:6)

Vũ Hồng

 

Gương Sáng, đừng Gương Xấu

 

Các bậc phụ huynh đều đồng ý, việc tập thói quen cho em bé có hai mặt: Lời dạy và Gương sáng. Lời dạy một đàng, Việc làm một nẻo là phản giáo dục. Ðừng nghĩ trẻ em còn nhỏ không biết gì. Một lần bất tín, vạn sự chẳng tin.

 

Trẻ em trong bào thai, dạy bằng cái Tâm của người mẹ. Trẻ nhỏ đã sinh ra, dạy bằng cái Tình của cha mẹ tương kính yêu thương nhau, rồi cùng nhau chăm sóc cho bé. Trẻ nhỏ từ hai tuổi trở lên cho đến tuổi vào đời, dạy bằng Gương sáng và Thói quen tốt của cha mẹ và anh chị trong gia đình.

 

Từ 6 tuổi đến tuổi vào đời

 

Nếu cha mẹ bỏ qua sáu năm đầu, buông thả theo ý con, không lưu ý giáo dục gì cả, đến năm bé sáu tuổi mới bắt đầu uốn nắn, thì thật là khó khăn. Bởi vì con chúng ta đã quen với nuông chiều, quen làm theo ý riêng của nó, vụng dở thì nhiều, khôn hay thì ít. Khi ấy muốn cho các em vâng lời ngay, sẽ không tránh được sự la mắng, đe dọa, thậm chí có thể đánh đập nữa.

 

Hơn nữa, ở tuổi này trở lên, con cái cũng bắt đầu bung dần ra khỏi vòng tay cha mẹ như: đi học, đi nhà thờ, đi chơi một mình quanh xóm. Ở những nơi đó, chúng sẽ gặp những em khác đủ lứa tuổi, tử tế cũng có, mà xấu cũng nhiều, chưa kể đến những hình ảnh em thấy trong sách, trong TV, phim video, trong games, đầy bạo lực, hận thù, tình tứ, mánh khoé, dối gạt. 

 

        Nhân ái và Nhẫn nại

 

Giáo dục con ở lứa tuổi này phải tinh tế, vì trí khôn trẻ em còn rất đơn giản, mà lại hay tò mò và thường bắt chước người lớn một cách vô thức vô tri. Cho nên nhiều khi những cử chỉ, việc làm của các em, theo cách nhìn của người lớn tuổi cho là có tội, nhưng đối với các em chẳng phải là tội đâu. Ðừng nên chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài của trẻ rồi la lối để làm chúng nhát sợ. Ðừng dễ nổi nóng, tuyệt đối không nên mắng con là: "Ðồ qủi! Ðồ ngu! Ðồ mất dạy!" Vì con là bởi gốc cha mà ra. Mà cha thì bởi gốc Ðức Kitô Giêsu.

 

Sự ngu khôn ở đời, dù lứa tuổi nào cũng khó có tiêu chuẩn để định giá cho đúng. Chúng ta đã từng nghe có vị lớn tuổi tự trách khi trót làm điều lầm lỡ: "Thật mình già đầu mà còn dại".

Riêng về con nít nếu ta đánh giá bằng cách, "ăn của người là khôn, bị người ăn là ngu", để răn đe sửa dạy chúng, thì đó là cách giáo dục rất nguy hiểm. Chính quan niệm này đã làm cho một số con em học cách sống khôn ranh mánh khoé trước tuổi. Những em như thế khi trưởng thành dù ở địa vị nào trong xã hội, hoặc trong giáo hội, cũng chỉ sống tìm lợi cho bản thân, khó mà có lòng vị tha nhân ái với người khác.

(Nếu xét theo tiêu chuẩn khôn dại người đời: Khôn ăn người dại người ăn thì, thử hỏi ai dại bằng Ðức Giêsu? Ngài là một vị Thiên Chúa mà không ở lại trời cao đồng hàng đồng trị với Thiên Chùa, mà đem thân xuống đất, mặc lấy xác phàm, bị dèm pha chế diễu, bị kẻ khinh người ghét, rồi cuối cùng là cái chết, không phải trên giường như chúng ta, mà chết trên thập giá, Ph 2:5-11. Chính cái điên dại của Ðức Giêsu, mà chúng ta và nhân loại mới có được tốt như ngày hôm nay. Cái điên dại đó là TìnhYêu.")

 

        Trí dục, Ðức dục

 

Ðạt được phương cách giáo dục tốt, cho trẻ em xứng đáng một nhân vị để vào đời. thì phải có hai mặt song song: Trí dục và Ðức dục. Và chính các bậc cha mẹ phụ huynh, thầy cô, linh mục trên tòa giảng, nữ tu dạy giáo lý, cũng phải trang bị cho bản thân mình về hai mặt Trí và Ðức trước đã. Bởi vì mình có thì mới cho được người khác. Ðừng bao giờ giáo dục theo cách phản giáo dục: Hãy làm cái gì tôi nói, đừng làm cái gì tôi làm. Hơn nữa việc hệ trọng này đã được chính Ðức Giêsu Kitô cảnh giác trong Thánh Kinh:

"Ðức Giêsu nói: Ký lục và kinh sư ngự trên tòa Môsê, vậy mọi điều họ nói với anh em, anh em hãy giữ lấy, nhưng anh em đừng làm theo việc làm của họ. Vì họ nói mà không làm. Họ chất những gánh nặng đặt trên vai người ta, nhưng chính họ lại không đụng một ngón tay để lay thử xem nặng haynhẹ" Xem Mt 23: 1-4

 

Tiểu chuẩn giáo dục của tín hữu.

 

Nhưng nếu xét cao hơn vì chúng ta là tín hữu, thì chúng ta đừng nên quên vấn đề quan yếu này, là phải giáo dục con em theo tiêu chuẩn của kẻ tin. Tiêu chuẩn ấy lấy từ mẫu gương Thập Giá Chúa Kitô, và dìm mình trong Thần Khí tình yêu của Ngài. Tiêu chuẩn ấy là không khoan nhượng với sự tội, sự xấu, nhưng thương yêu nhân ái, xót xa trước những lỡ dại, những sa ngã của con em và của người dưới. Nâng đỡ chúng trong khi vấp ngã. Hãy xem Chúa Kitô Giêsu. Ngài đã xử với chúng ta thế nào, khi chúng ta đãỉ phạm những tội khủng khiếp. Khi chúng ta đã làm những điều bất nhân quái ác với đồng loại, đôi khi với cả vợ, cả chồng, với cả con cái chúng ta, và còn với cả chính bản thân nữa.

 

Sửa dạy công minh

 

Ðối với con cái, hãy sửa dạy. Nhưng sửa dạy công minh, chớ không công thẳng. Công minh là có tình người và không về hùa với sự xấu. Còn công thẳng thì không có tình người, mà trái lại, để tỏ uy quyền và thỏa mãn tự ái, còn chà đạp nhân phẩm người phạm lỗi nữa. Công thẳng, không biết xót thương người lỗi phạm, mà chỉ giữ mặt mũi cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho dòng họ mình, cho xứ đạo mình. Nhưng lắm khi cái mặt mũi ấy nó cũng tèm lem từ lâu rồi.

 

Tại xứ đạo Việtnam ở Mỹ, có một con gái mang thai, lên cha xin cho được kết hôn với người nó thương. Cha lững lờ không giải quyết vì nể ông bố cô gái là em họ ông trùm. Ông bố nói với cha: Nó đi đâu thì đi, để nó ở đây, mặt mũi nào mà chúng con dám nhìn bà con trong xứ. Lễ cưới của cô gái: cha lạ, không 1ỉ bông hoa trên bàn thờ, không thấy mặt 1 người bên họ nhà gái.

 

Có một em gái (ở xứ đạo thuộc Ðànẵng Viêtnam) vì mang thai không chồng, bị cha xứ bắt qùi ở cuối nhà thờ ngày lễ Chúa nhật. Hình phạt sỉ nhục em như thế, mà ông cha xứ lại còn nói trên tòa giảng là để làm gương cho những em gái khác.

Có một em gái Việt, học lớp 11 Giáo lý, tính em phóng túng, nhảy nhót tưng bừng. Ngày tĩnh tâm chuẩn bị lãnh bitich Thêm sức, em cũng định xù luôn. May qúa em đã được xưng tội, và trong toà em khóc qúa sức, cha giải tội bảo em, con đi rửa mặt đi, rồi vô lại nhà thờ dự thánh lễ. Tại phòng rửa mặt ra, em gặp một nữ tu Việtnam, nữ tu này không phải thày dạy giáo lý em, cũng chẳng phải là gì của em, chỉ là một thư ký văn phòng, thấy em ăn mặc xốc xếch, áo trong ngắn hở rốn, ma sơ la mắng không nết na, và đuổi em ra khỏi nhà nguyện, còn đe sẽ gạch tên em khỏi danh sách thêm sức, em càng nức nở. Ma sơ nói phải dạy nó cho nó khỏi spoil. Có người nghe chuyện này nói: Nó vừa xưng tội xong, spoil cái nỗi gì? Không biết đứa hở rốn và kẻ kín rốn, trước mặt Chúa, ai sạch hơn ai?

 

Trên đây chỉ là số rất ít trong những câu chuyện có thật ở Việtnam cũng như ở Mỹ. Xin một số cha mẹ, một số các cha, và nữ tu có nhiệm vụ giáo dục con em, mỗi lần răn dạy lỗi lầm mà các đấng cho là nặng hoặc cho là mất đức khiết tịnh, hãy nhớ lại câu chuyện Người Ðàn Bà Ngoại Tình Bị Bắt Qủa Tang, trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Và hãy học cách Ðức Giêsu đối xử với người đàn bà ấy như thế nào.

 

Khi con cái sai lỗi

 

Khi con cái sai lỗi, ngay cả lỗi nặng, đừng phản ứng theo bản năng, mà phải giáo dục theo lý trí. Cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn xem xét vấn đề tường tận, rồi nhẹ nhàng yêu thương chỉ dẫn. Ðừng bao giờ dạy con trong cơn nóng giận, lúc cha hoặc mẹ nóng giận, tự mình còn không kiềm chế được bản thân, làm sao mà giáo dục con cái. Dạy con lúc ấy là chỉ trút cơn nóng giận lên con cho hả mà thôi. Hậu qủa có thể gây ân hận suốt đời. Có một câu nói rất chí lý: An angry man opens his mouth and shuts up his eyes. Người nóng giận thì mở to cái lỗ miệng, nhưng lại nhắm chặt đôi mắt.

 

Riêng trẻ em bị đàn áp trong cơn nóng giận của người cha hoặc mẹ, chúng sẽ sợ hãi lắm. Lần sau nếu có sai lỗi, chúng sẽ chối bay chối biến những điều lỗi phạm chúng làm, không phải vì chúng gian dối, mà chỉ do qúa sợ hãi mà thôi.

 

Tâm hồn trẻ em là cả một không gian đầy ngỡ ngàng trước mọi thứ chúng gặp hàng ngày. Có rất nhiều điều chúng đang muốn tìm hiểu, có rất nhiều câu hỏi tại sao cần được người lớn trả lời. Nếu sự sợ hãi khiến chúng thu mình lại, làm sao dám thỏ thẻ với mẹ cha. Lỡ ra lại bị ăn chửi ăn đòn. Nhưng sau lưng khuất mắt cha mẹ, chúng sẻ hỏi bạn bè, và lúc ấy bọn trẻ ngu khờ lại giáo dục cho bọn trẻ ngu khờ, thế nhưng chúng lại rất thảnh thơi sống cái thế giới dại dột ngu khờ của chúng. Khi về nhà, trẻ em lại phải sống bằng bộ mặt khác: ngoan ngoãn, yên lặng, dạ vâng.

 

Nếu tình trạng này cứ kéo dài, em bé càng lớn sự xa cách với cha mẹ càng lớn, khi chuyện động trời xảy ra, cha mẹ biết được thì mọi sự đã xong rồi.

Còn tiếp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà