TUỔI TRƯỞNG THÀNH CỦA CON CÁI CHÚNG TA

Vũ Hồng

 

TỘI, SỰ THOÁI HÓA

 

Thánh kinh nói: "Tạo thành đã phải phục lụy hư luống _ dẫu không muốn _ nhưng vì Ðấng đã bắt nó phải lụy phục, với hy vọng là chính tạo thành cũng thoát khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tư do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa".

Qua lời Kinh thánh trên, gần đây có một cuốn sách cũng nói đến một luật mà thật sự chúng ta ít ai, hầu như không ai để ý đến, đó là Luật Thoái Hóa. Tác giả viết: "Luật Thoái hóa này ngược với luật Tiến hóa. Luật này nói rằng, nếu để yên, không có sự sắp đặt, thì mọi vật sẽ có khuynh hướng thoái hóa để trở về tình trạng hỗn loạn sơ khai. (Hành Trang Vào Ðời - Lê phương Thúy M.D.).

 

Thật sự là như vậy. Sự thoái hoá nơi con người nơi sự vật đó là hệ lụy do tội nơi mọi người. Hệ lụy đó là sự hư luống, sự đi xuống của thể xác cũng như tinh thần. Bởi vì, như Kinh thánh đã mặc khải, "Tất cả đều ở dưới quyền sự tội." (Rm 3: 9c)

Hư luống của con người là tâm trí hướng về sự xấu sự ác hơn là vươn lên sự thiện lòng nhân. Hư luống con người là sự mỏng dòn của con người trước thiên nhiên, trước bệnh hoạn, trước thời gian, trước sự chết.

 

Hệ lụy đó đã lây lan sang cả tạo thành. Ðất đai sông núi biển khơi trồi lên trụt xuống thay hình đổi dạng cho đến ngày trở thành hư vô. Cây cối hoa trái bỏ bê là tàn lụi, phải lao nhọc tưới bón mới có thu hoạch. Một cái xe không chạy, một căn nhà bỏ hoang, không ai chăm sóc, tự nó sẽ xuống cấp.  

 

Riêng con người, nếu cứ thả lỏng, không tự tu dưỡng bản thân, không được chăm lo dạy dỗ, theo đường lối tốt lành, không uốn nắn lời ăn tiếng nói cho khoan thai lễ phép, cứ buông theo bản năng, chắc chắn sẽ suy đốn, sa đà vào đam mê dục vọng.

 

Chính vì thế đã là con người cần phải có sự dạy dỗ để nên thân, để ngăn chặn sự thoái hoá. Châm ngôn có câu: "Ngọc bất trác, bất thành khí". Ngọc đá mà không mài dũa cũng chẳng nên hình thù gì, huống là người.

 

Vì thế bản thân tôi và mỗi người rất cần sự giáo dục. Ai dạy dỗ? Cha mẹ, các phụ huynh, nhà trường, giáo lý nhà thờ. Và trên hết tất cả, đó là Thiên Chúa dạy dỗ, qua tiếng lương tâm. Vì thế mới có câu: Tự tu tự dưỡng. Nghe tiếng lương tâm để mà tu tỉnh.

Nhưng nhiệm vụ rất lớn, và trực tiếp nhất, vẫn là bậc cha mẹ. Cha mẹ phải giáo dục con cái mình, bởi đó là những tâm hồn Chúa trao phó trong tay. Và phải nói thêm là còn một trách nhiệm không nhỏ nữa, đó là các cha nhà thờ, đã được Chúa tách riêng đưa lên địa vị coi sóc các linh hồn. Ðấng bậc này và bậc cha mẹ có trách nhiệm ngang nhau. Vì thế cả hai bên phải luôn cộng tác với nhau, tương kính nhau trong lòng Mến của Thần Khí, để đưa gia đình xứ đạo thoát khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa. Không nên và cũng không thể khơi khơi được, vì Lời Chúa đã nói rõ ràng, nói cho những tín hữu giáo dân biết là có sự trao phó này của Chúa cho các cha nhà thờ, bằng một mệnh lệnh rõ ràng: "Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em, hãy biết phục tùng, vì họ canh giữ linh hồn anh em, như những kẻ sẽ phải trả lẽ". (Hr 13:17)

 

NỖI BẾ TẮC

 

Này trong tà ác tôi sinh ra,

Mà đã là tội lỗi khi là thai bụng mẹ. (Tv 51: 7)

 

Tuy thế khả năng của chúng ta đối với luật Thoái Hóa rất hạn hẹp vì sự xấu sự hư từ trong lòng người đi ra, còn cộng thêm với sự xấu sự hư từ ngoài lôi kéo. Rồi chính người có nhiệm vụ giáo dục kẻ khác cũng bị trong vòng kiềm tỏa của nó, của sự thoái hóa, hư luống ấy.

 

Pascal, một văn hào Pháp, khi nghĩ về sự yếu đuối cùng cực của con người đã phải than thở: "Con người là một cây sậy - Lhomme est un roseau . . ."

 

Kinh thánh còn mặc khải rõ hơn: "Sự lành tôi muốn tôi không làm; còn sự dữ không muốn tôi lại thi hành." (Rm 7: 19). Chính vì thế, muốn việc giáo dục đạt tới mức tốt lành, đem con người đến hạnh phúc thật sự, thì người giáo dục cũng như người được giáo dục phải cần đến Chúa Giêsu biết bao! (Rm 7: 25).

 

DỤC TÍNH VÀ TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

 

Tuổi nào thì trẻ em biết mình là trai hay gái?

 

Theo những nhà nghiên cứu về tính dục, thì trẻ em độ ba đến bốn tuổi đã bắt đầu có một khái niệm rõ ràng, mình là con gái hay con trai. Con trẻ khoảng từ 13 tuổi trở lên đã có những ý tưởng về việc giao hợp, tuy không rõ nét lắm, nhưng thực sự chúng đã thấy được những thay đổi nơi bản thân. Ðến tuổi 17-18, sự ham muốn tình dục cao nhất.

 

Những trạng thái dục tính xảy ra nơi các em, nó là một sự tự nhiên, không gì là xấu cả. Em nào không có những trạng thái ấy là bất bình thường. Nếu tình trạng kéo dài phải cho em đi gặp bác sĩ chuyên khoa.

 

Ở thời gian thay đổi thể lý này nơi các em, thường được gọi là tuổi dậy thì. Dậy thì có nghĩa là các kích thích tố sinh dục trong con người được bài tiết sung mãn. Con trai đổi tiếng nói, thỉnh thoảng xuất tinh trong giấc ngủ. Con gái thấy đau ngực khi nhũ hoa bắt đầu nảy nở, sự xuất hiện kinh kỳ. Biến chuyển này có thể làm các em bối rối, hoặc mắc cỡ. Cho nên việc giáo dục cho các em trong giai đoạn này thật phức tạp và khó khăn đối với bậc cha mẹ.

 

Phức tạp và khó khăn, bởi vì thử hỏi, đã có ai là cha mẹ, đã từng dám bàn luận với con cái chúng ta về tình dục trong tuổi dậy thì của chúng. Và cả nơi chính chúng ta nữa, đã có ai trong chúng ta, đã có được sự học hỏi về tình dục từ cha mẹ của mình?

Và còn vì là người Á đông nữa, dù chúng ta có quan tâm đến mấy, thế nhưng là bậc cha mẹ vẫn thấy rất ngại nói về tình dục với con cái mình ở tuổi chúng đang lớn lên. Có một phụ nữ đứng tuổi ở Mỹ, khi thấy con gái mình học về "phái tính" ở trường, nghe giảng bằng lời, mà còn mô tả bằng hình ảnh nữa. Bà ấy tâm sự với bạn bè rằng: "Mỹ nó dạy nhiều thứ mà mình không dám nói với con gái mình. Ngày mình ở tuổi mới lớn, thấy ngực đau và sưng lên, mình hỏi má, má cười rồi nói: mọc mụn đó. Mình tưởng thật, cứ lén mua thuốc cao dán vô nơi hai bên ngực của mình."

 

Thế nhưng xã hội thì lại không e dè đối với lứa tuổi này. Nhan nhản lôi cuốn về tình dục, quảng cáo cho tình dục, trình bày thân xác loã lồ, nơi sách báo phim ảnh, nhất là trên mạng luới Internet.

 

Trong những năm dạy giáo lý các em ở lớp tuổi 17-18, chúng tôi được thấy tâm hồn các em thật tốt lành hết sức, nhưng thật mỏng manh trước sức cám dỗ của phái tính biết bao! Là thầy giáo nên đã được chia sẻ những nỗi vui của cha mẹ khi con cái ngoan giỏi nết na, đồng thời cũng được chia sẻ nỗi đau khôn tả của một số bậc phụ huynh, khi con trái con gái của các vị này vượt ra khỏi vòng tay của cha mẹ để lao vào những party điên dại, cuộc tình lãng mạn. Những em như thế, dưới mắt nhà đạo đức, cho là đứa con hư. Nhưng trong trách nhiệm của người giáo dục, (phải nói một cách nghiêm túc), các em đang rất cần một bàn tay nâng đỡ, một người bạn chia sẻ. Bởi vì tâm hồn các em qúa đơn giản.

 

Có em gái bỏ nhà (nhưng không bỏ lớp) đi theo mối tình bồng bột, làm cha mẹ lo lắng buồn khổ vô cùng. Cứ mỗi giờ tan học, cha và mẹ đứng đợi em dưới tàn cây sân nhà thờ, nhưng lại ra về không. Bởi vì em đã có thằng boy đưa em lên xe đi mất tiêu rồi. Có em trai nhập bọn hút sách, gỡ đồ xe hơi, vào lớp nghêng ngang, bài vở không bao giờ được điểm C. Các em nhìn đời, nhìn người, một cách qúa đơn giản, và tin người tin đời lại càng đơn giản hơn. Thường ở tuổi lớn lên này bản năng của các em mạnh hơn lý trí. Tin bạn, tin bồ, hơn tin bố mẹ. Các em, bị dục tính cuốn theo mãnh liệt, nhưng hiểu biết về dục tính qúa ít oi. Cho nên cái gì cũng mới, cái gì cũng hấp dẫn. Cha mẹ và các bậc phụ huynh lo lắng vô cùng. Còn các người đạo đức thì khinh thì ghét, thậm chí lên án cả cha mẹ. Phần cha mẹ như thể bị lao đao, thương vô cùng mà không biết chỉ dạy cách nào. Bởi vì những kinh nghiệm mình biết nơi quê nhà, thì ở bên Mỹ này nó đã trở thành lạc lõng. Cha mẹ có kinh nghiệm gì đâu về sinh hoạt của con cái ở những Party, ở những Rave Party, ở những Pinic, ở cách đi đứng nói năng ăn mặc, ở cách chào hỏi, ôm hug, và ở cả ngôn ngữ chúng nói với nhau nữa, nhiều khi chẳng hiểu nó nói gì. Không phải chúng muốn giấu diếm, nhưng bởi chúng không đủ tiếng Việt để nói.

 

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ÐỂ GIÚP CON CHÚNG TA?

 

Thưa: Nếu cái gì vượt qúa khả năng chúng ta phải cậy nhờ. Cậy nhờ ai? Cậy nhờ nhà trường, cậy nhờ giáo lý nhà thờ, cậy nhờ counselor.

 

Thế nhưng có một số bậc phụ huynh đã gõ đủ cửa, nhờ đủ chỗ, mà chẳng thu được kết qủa nhiều. Lắm khi còn gặp những lời lẽ đắng cay.

 

Như vậy, nơi phải cậy nhờ cuối cùng mà ít người có đạo nghĩ đến, đó là Ðức Kitô Giêsu. Bằng cách nào? Tín thác hết lòng, nghĩa là tin tuyệt đối, và cầu nguyện bằng tiếng than van cùng nước mắt.

 

Ðây không phải là việc mơ hồ không tưởng, mà một thực tế nhìn thấy, sờ thấy được. (Về việc này tôi xin là chứng nhân). Vì nhờ Chúa Giêsu nhiều gia đình đã đưa được con cái mình trở về. Ðức Kitô Giêsu thấy tất cả nỗi khó khăn bất lực của chúng ta. Ngài thương, nên xót xa thổn thức trong trái tim của Ngài. Ngài đã đi bước trước, và tha thiết kêu mời: "Hỡi những ai lao đao gánh nặng hãy đến với Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức", (Mt 11:28).

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà