HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

 

Bài 27

 

LÒNG MẾN TRONG GIA ĐÌNH, IV (tiếp theo)

Vũ Hồng

 

BỔN PHẬN & QUYỀN LỢI

 

          Bất cứ lãnh vực sinh hoạt nào của con người, ngoài xã hội cũng như trong giáo hội, khi cộng tác với nhau từ hai người trở lên, muốn được bền lâu, thì phải có hai điều kiện căn bản này: 1- Bổn phận. 2- Quyền lợi. Nhưng ‘bổn phận quyền lợi’ ấy phải cân bằng trong hai yếu tốì: Hợp lý và Hợp tình.

 

Trong hôn nhân cũng vậy, cuộc sống của hai vợ chồng cũng có bổn phận với nhau và quyền lợi được hưởng trên nhau. (Giáo luật 1057-2 & 1C 7: 4). Nhưng khác hẳn với mọi sinh hoạt trong xã hội và tôn giáo, là hai chữ  “Tình-Lý” không hề riêng biệt, mà lại hoà hợp nhau trong một chữ “Tình” mà thôi. Khi hai vợ chồng đã nói “Lý” với nhau thì sự phân hóa bắt đầu, vì có tranh luận phải trái, có kẻ thắng người thua, và lúc đó hơi lạnh đã thấm vào ấm áp tâm hồn của nhau rồi. 

 

Yêu nhau trăm sự chẳng nề,

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

 

Tình yêu không lý luận (1C 13: 4-7). Khi đã lý luận, thì sợi tóc cũng chẻ làm tư. Và cuối cùng lý của kẻ mạnh bao giờ cũng là lý phải. “La raison du plus fort est toujours la meilleure.” (La Fontaine).

 

Cái việc mạnh lấn áp yếu này đã có căn gốc từ khi hai ông bà Tổ Phụ bỏ quên đi nguồn yêu thương vô cùng của Thiên Chúa, mà chỉ tôn sùng tình yêu của nhau. Ăn trái cấm xong hai người mới nhận ra sự nghèo nàn hạn hẹp của mình. Kinh thánh nói: “Và mắt cả hai đứa mở ra. Chúng biết là chúng trần truồng” (Kn 2: 7).

 

Ảo tưởng người này coi người kia như thần tượng, đem đến hậu qủa là sự ích kỷ, sự chia rẽ, sự bất an. Người nam ăn trái cấm xong đã hèn nhát đổ thừa cho vợ, lại còn dám xấc xược với Thiên Chúa: “Người đàn bà mà Chúa đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi nên tôi đã ăn.” (Kn 2: 12). Và sự lấn áp ấy cứ diễn tiến như thế đời nọ sang đời kia. Sách Khởi Nguyên nói: “Với chồng ngươi, ngươi hăm hở đon đả. Nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi.” (Kn 3: 16).

 

Nhưng Thiên Chúa, tình yêu của Ngài thật vuông tròn, không lý luận, không bắt bẻ. Ngài đã đơn phương hàn gắn lại một cách hoàn hảo vết thương nơi trái tim loài người, cách riêng nơi tình yêu vợ chồng: “Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban một thần khí mới. Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt mình các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng thịt.” (Ez 36: 26).

 

Tấm lòng ấy là tấm lòng của Chúa Kitô Giêsu, người Con một yêu dấu của Cha. Trái Tim Đức Kitô Giêsu đã được Cha mở ra giữa trời đất bằng mũi giáo nhọn đâm thâu. Từ trái tim ấy tình yêu bằng Máu chảy ra, chữa lành mọi vết thương của nhân loại, những vết thương do tội lụy gây ra (Rm 1:29-31).

 

Biến cố này không phải là một truyền thuyết mơ hồ, mà là biến cố có thật, biến cố của Ơn Cứu Độ. Kinh thánh nói rất mạnh: “Người trông thấy đã làm chứng_ và chứng của người là chứng xác thực, và người biết là đã nói thật_ để cả anh em nữa cũng tin. (Yn 19: 34-35).

 

      CHÚA KITÔ, BITICH & GIA ĐÌNH TÍN HỮU

 

Hôn nhân công giáo là một bítích, mà bitich thì liên quan đến Thiên Chúa.  Nói rõ hơn là tất cả bảy bítich đều liên quan mật thiết với Chúa Kitô Giêsu. Có thể nói, Chúa Kitô Giêsu, chính Ngài là bítích cho Hội thánh và cho nhân loại. Bởi vì Máu và Nước từ Trái Tim Ngài chảy ra phát sinh ra Hội thánh và Bitich. Cho nên điều quan trọng là tâm hồn người chịu bitích phải tự nguyện mở ra, để được thấm vào nguồn suối tình yêu của Đấng Phục sinh, và phải có lòng ước muốn được ở lại trong tình yêu của Ngài.  Đức Giêsu nói: “Anh em hãy hãy lưu lại trong tình yêu của Ta”. (Yn 15: 9b). Như thế mới có sự huyền nhiệm xảy ra nơi người chịu Bítich.

 

Từ khi chuẩn bị hôn nhân, tâm hồn hai người nam nữ đã phải ở lại trong Chúa Giêsu. Cả khi làm bítích cho nhau, và những tháng năm nối dài sau lễ cưới cũng vậy, thì mới có được tình yêu đích thật cho nhau.

 

Suy niệm và xác tín như thế, tôi mới cảm nghiệm ra, cái hạnh phúc tuyệt vời, là tôi đã được Chúa yêu tôi, (Ep 3: 8-9).

 

Câu châm ngôn Việtnam:

“Yêu nhau trăm sự chẳng nề,

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

 

Đem áp dụng tình Chúa yêu tôi là đúng vô cùng. Bản thân tôi là gì? Hình hài tôi chỉ là bụi đất, yếu đuối hèn hạ như cỏ dại đồng hoang, (Tv 103: 14-15). Nhìn lên sự vô cùng thánh thiện của Thiên Chúa, tôi cúi đầu tự biết, không phải một trăm chỗ lệch, mà ngàn ngàn lần chênh lệch. Nhưng vì yêu tôi, mà Đức Giêsu đã đến để kê tôi lên, trổi vượt hơn các thiên thần trên trời. (1C 6: 3). Ngài phải xuống nơi vực sâu đầy tội lỗi, mặc lấy xác phàm như tôi, để chết thập giá thay cho tội của tôi. Nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, tôi đã được kê lên rất cao, cao tuyệt đỉnh là cao. Cao đến độ, mà trong Kinh thánh đã dùng từ ngữ Giải Aïn Tuyên Công; nghĩa là, tôi được tha bổng mọi tội lỗi và mọi hình phạt đã là ơn huệ qúa lớn rồi, thế nhưng Thiên Chúa không dừng lại ở đó, mà còn tuyên công tôi, nâng thân phận tôi lên thành con của Chúa Cha trong Chúa Con (Yn 20: 17-18). Được là anh em là bạn hữu với Chúa Kitô Giêsu nữa. (Yn 15: 14 & Hr 2: 11). Ôi! ơn qúa lớn.

 

Thử hỏi, đối với tình yêu vợ chồng của nhân gian, dù có yêu nhau thắm thiết thế nào, làm sao có khả năng tha tội cho nhau, chữa lành những vết thương trong lòng của nhau? Nếu không có Chúa Kitô Giêsu, bản thân mỗi người cũng đã lệch qúa trời, làm sao mà ai còn có thể kê nổi chỗ lệch cho ai không. Đôi khi, không kê được cho bằng, lại còn làm cho nó lệch thêm.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, con phải cảm tạ Chúa biết bao! Và con xác tín rằng: Trong tình yêu gia đình, không có Chúa ngự trị, không thể hoàn hảo, không thể tương kính, không thể êm đềm xuôi chảy ngày nọ sang ngày kia cho đến hết đời được.  Ca dao nhân gian đã có câu:      “Trời còn khi nắng khi mưa.

Người ta cũng có sớm trưa thất thường.”

 

Cho nên mọi gia đình rất cần có Chúa Kitô. Khi có Ngài, hãy xin Ngài làm chủ tâm hồn người chồng, tâm hồn người vợ, Ngài sẽ làm cho cả hai Nên Một với nhau. Không có Ngài cho dù có ăn một mâm, nằm một giường, hai vẫn cứ là hai. Ngay cả khi hai người có đối xử với nhau lịch sự tròn trịa như hai hòn bi, cũng không thể keo dính nên một, càng tròn càng dễ lăn xa, nếu gặp chỗ dốc, nó còn lăn xa nhanh hơn nữa.

 

Nhưng khi có Chúa Kitô làm Chúa làm Chủ tâm hồn hai người, thì phép lạ ‘Nên Một’ sẽ hàng ngày xảy ra tức khắc. Phép lạ của tình yêu, phép lạ hai tâm hồn là một trong Thánh Thể. Nhờ Thánh Thể Chúa Kitô họ biết được nỗi ấm lạnh của nhau, để an ủi cảm thông. Không còn lời nặng tiếng nhẹ, mà biết tha thứ cho nhau. Chúa Giêsu sẽ làm mới tình yêu họ như thuở ban đầu, và còn hơn thủa ban đầu nữa. Họ không còn sống ích kỷ cho riêng mình, mà trong Chúa, họ sống cho nhau, vui hưởng bình an trong tình yêu của Chúa và của nhau. Thời gian tuổi tác những khó khăn bên ngoài, những khó khăn nội tâm giữa hai người, sẽ được tình yêu Chúa Giêsu san bằng mà còn canh tân đổi mới cho đến hết đời. Đây là một phép lạ, tiền bạc, danh lợi thế gian không thể cho được. Vinh hoa thế gian chỉ cho gia đình sự lo âu, sự bất hòa.  Đức Giêsu nói: “Ta ban bình an cho anh em. Không phải thế gian ban cho thế nào, Ta cũng ban cho như vậy đâu.” (Yn 14: 27)

 

Thánh Phaolô khi suy niệm tình yêu này vui mừng qúa mà kêu lên “Ôi! Siêu vời vượt qúa mọi trí hiểu”, (Ep 3: 19) và Phaolô đã phải gọi tình yêu hôn nhân có Chúa Kitô là một “Mầu nhiệm”, bởi vì nó được nằm trong tình của Chúa Giêsu yêu mến hội thánh. (Ep 5:32). “Chồng hãy yêu mến vợ, cũng như Đức Kitô yêu mến Hội thánh, và đã phó nộp mình đi. . .” (Ep 5: 25).

 

          QUYỀN TRÊN THÂN XÁC

 

“Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng. Cũng vậy chồng không có quyền trên thân xác mình nhưng là vợ.” (1C 7:4).  Giáo luật 1055-2 và 1057-2 xác định hôn nhân là một khế ước, qua khế ước này hai người có quyền trên thân xác nhau.

Một tâm sự riêng trong lớp hôn nhân, được hỏi về câu: “Chồng có quyền trên thân xác vợ, vợ có quyền trên thân xác chồng. Như vậy khi người vợ không bằng lòng, người chồng có được dùng quyền đó không?”

 

THƯA: Trong cách sống nhân bản tự nhiên ở đời, giữa vợ chồng, vẫn còn phải có sự tương kính, tôn trọng tự do tâm hồn và thân xác nhau. Huống hồ về Giáo luật, tiêu chuẩn còn phải cao hơn thế nữa, tiêu chuẩn đó là lòng mến, là chính Chúa Kitô.

 

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với 11 môn đồ rằng: “Mọi Quyền Năng trên trời dưới đất được ban cho Ta; Vậy anh em hãy đi . . . “ (Mt 28: 16tt).

Vậy Chúa Giêsu đã dùng quyền thế nào đối với chúng ta? Chúa Giêsu đã dùng quyền của tình yêu, như Ngài nói trong Tin mừng theo thánh Yoan: “ Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu. Anh em là bạn hữu của Ta.” (15: 13).

Và khi trao quyền cho Simon Phêrô, Chúa Giêsu chỉ hỏi ông có một câu, và hỏi ba lần: “Simon con của Yoan, anh có mến Thầy không?” (Yn 21: 15tt).

 

Linh mục Rey-Mermet nói: “Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài chỉ có Quyền Hành là để yêu mến.” (TIN trg 334). Rõ nét nhất là khi làm bítích hôn nhân, hai người đã cầm tay nhau và hứa: “Anh (em) sẽ Yêu Em (anh) và Tôn Trọng Em (anh) suốt đời.”

 

Và phải xác định: Yêu và Tôn trọng là cái quyền trên thân xác nhau. Thật sự là như vậy.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà