HÔN NHÂN HUYỀN NHIỆM

Bài 31

 

“NƯỚC LŨ KHÔNG THỂ DẬP TẮT TÌNH YÊU. SÓNG DỮ KHÔNG THỂ NHẬN CHÌM TÌNH YÊU”. (Dc 8: 7)

Vũ Hồng

 


Nhắc lại: Bản Chất và Mục đích

Của Hôn nhân

 

Hôn nhân là trung tâm của đời sống nhân loại. Nhưng người ta thường đặt những thứ khác (tiền bạc), việc khác (công danh), làm trung tâm hơn là hôn nhân.

 Chúng ta là con người cụ thể, không phải là cái bóng cái hình vô tri. Nhưng trong hiện hữu, chúng ta lại là con người bất toàn; vì bị dưới quyền của sự tội (Rm 3: 9b). Nên hôn nhân của con người về mặt tích cực có thể ôm ấp, vuốt ve, trìu mến nhau được; nhưng về mặt tiêu cực thì sự hành hạ đánh đập, sự phân hóa ly tan cũng đầy rẫy trong hôn nhân.

Nhưng hôn nhân lại là một huyền nhiệm; vì thân xác và tâm hồn người nam người nữ là huyền nhiệm, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, sự sống hai người là hơi thở của Thiên Chúa, thân mình của hai người là đền thờ của Chúa Thánh Thần. (Kn 2: 7 & 1C 3: 16).

Tuy rằng sự tội sự ác có đó, nhưng sự tốt sự thánh vẫn bao trùm lấy mọi người, gìn giữ mọi người. Nếu không, nhân loại và hôn nhân của nhân loại làm sao tồn tại được trên trái đất này.

Sự tốt sự thánh ấy là Tình Yêu Thiên Chúa. Tuy có bị sự ác sự xấu liên tiếp tấn công, nhưng tình yêu vẫn còn, vẫn có, trong trái tim từng người. Vì thế trong hôn nhân khi hai người bằng trái tim nồng ấm, nói với nhau lời lẽ ôn tồn, đó là phát xuất từ tình yêu ấy, do lòng thương của Thiên Chúa (Gal 5: 22); Nhưng khi với nhau, nét mặt cau có, lời nói cộc cằn, gắt gỏng, chửi bới, đó lại là hoa trái sự ác của Satan, (Gal 5: 19-21).

Trước mặt Thiên Chúa, thì giá trị hai người nam nữ trong hôn nhân ngang bằng với nhau, sinh mạng của họ, và số mạng của họ qúi giá vô cùng, bởi vì họ đều xuất phát từ sự vô cùng của Thiên Chúa. (xem Yr 1:5 & Ep 1: 4 ). Bởi vì, nhờ thanh tẩy mà hai người được nhập vào một Thân Mình độc nhất của Đức Kitô Giêsu (1C 12:13). Không ai là nô lệ cho ai, nên Kinhthánh nói:

“Anh em đừng gây phiền muộn cho Chúa Thánh Thần . . . Mọi kiểu cay chua, gắt gỏng, nóng giận, la lối, chửi rủa, nhất nhất phải đánh bạt khỏi nơi anh em, với mọi thứ thâm độc.” (Ep 4: 30-31).

Cho nên hạnh phúc của hai người nam nữ trong hôn nhân là sống và trao ban tình yêu trong tự do, người này không thể là công cụ tình dục cho người kia, hoặc người nữ chỉ là công cụ để sinh con nối dõi tông đường cho bên chồng. Chính vì mục đích lấy vợ để sinh con, nên mới có hủ tục tảo hôn, hoặc năm thê bảy thiếp, coi người đàn bà như một bộ máy sinh sản.  

BẢN CHẤT HÔN NHÂN: Quan trọng nhất trong hôn nhân là tình yêu, vì tình yêu là Bản Chất của hôn nhân. (Bài 2). Hôn nhân nào không vì yêu mà vì lý do gì khác là hôn nhân mất Bản chất. Khi một vật thể gì mất bản chất thì trở thành vô dụng. (Xem Mt 5: 13). Hiện nay hội thánh Công giáo đã có những cởi gỡ cho những đôi hôn nhân không thành thật, không nối kết bằng tình yêu, hoặc không bằng sự tự nguyện. (GL)

MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN: Từ Bản Chất ấy mới dẫn đến cái Mục Đích là sinh con. (Bài 3). Có những đôi hôn nhân không thể sinh con, hoặc hiếm muộn, nhưng vẫn sống hạnh phúc vì tình yêu. Có lắm đôi vợ chồng con cái đầy đàn mà sớm tối lục đục, con cái lôi thôi lếch thếch, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu học hành, thiếu dạy dỗ, gia đình không hề được nếm vị ngọt của tình yêu. (Xem tiểu dẫn vào Diệu Ca; lm Nguyễn thế Thuấn DCCT. Kinh thánh C.Ư. trg 1584).

Vì thế hạnh phúc hôn nhân không thể do tiền bạc, do địa vị, do tri thức, do sắc đẹp, do nhiều con nhiều cháu, hoặc do bất cứ một yếu tố nào khác bên ngoài, mà do một kho tàng ẩn dấu tự trong sâu thẳm con tim của từng mỗi người bước vào hôn nhân. Kho tàng đó, là Tình Yêu. Bởi vì chỉ có tình yêu mới là một quyền lực vô song, giải quyết được tất cả mọi nỗi khó khăn của hôn nhân, (xin nhắc lại mọi nỗi khó khăn).

Nhưng tiếc thay, tình yêu ấy đã bị tội nguyên tổ và tội của mỗi cá nhân làm thương tổn, cho nên tình yêu mà Thiên Chúa ban cho từ thuở ban đầu, đã không còn trọn vẹn được trong những trái tim đầy thương tích của từng con người trên thế gian.

Lý do sự thương tổn ấy là, khi Yêu ra đi thì Ghét tức khắc xâm nhập. Sự ghét ấy làm cho tâm hồn trở nên bệnh hoạn, lòng trí trở nên lo âu, xao xuyến.

 Sự ganh ghét luôn mang theo bất an. Bất an không chỉ vì mình qúa yêu mình mà lại bất khả, nhưng còn vì khả năng yếu đuối của mình trước ngoại cảnh, trước thiên nhiên, trước bệnh hoạn v.v. Rồi bất an lại còn vì những họa tai từ tha nhân mang lại. Tha nhân đó là những người mình tiếp súc hàng ngày trong xã hội, nơi cá nhân, nơi cộng đoàn, trong đạo cũng như ngoài đời; ở nơi buôn bán, nơi làm việc, nơi phụng tự, nơi giải trí; Mà hơn nữa, tha nhân đó còn có thể là những người thân trong gia đình: cha mẹ, anh chị em, bà con họ hàng, thậm chí còn là chính người hôn phối của mình nữa. (Mt 10: 36 & Lc 21: 16).

Như nói ở trên, tình yêu đích thực đã không còn trọn vẹn chứa đựng trong bất cứ con tim nào của nhân gian. Tình thế cùng khốn đến độ thánh tông đồ như thể tuyệt vọng, đã phải kêu lên: “Vô phúc thay con người tôi! Ai sẽ cứu tôi?” (Rm 7: 21).

Nhưng hạnh phúc thay, tình yêu ấy vẫn còn trọn vẹn sung mãn nơi một con người. Con người đó vừa là người, vừa là Chúa: Đức Kitô Giêsu. (Rm 7: 23).

MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Gia đình Nazareth.

Một gia đình nhân loại đầu tiên, không có cảnh chồng chúa vợ tôi. không có phu xướng phụ tùy; Thế nhưng gia đình đó trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, trong mọi khó khăn vất vả, đối diện với sự sống sự chết, lại có một trật tự lạ lùng, một sự gắn bó thiết tha, một sự thinh lặng hài hòa tương kính, một sự bằng an vô biên, và tràn ngập tình mến yêu khôn tả.  Hội thánh đã phải đăm đăm chiêm ngắm gia đình Nazareth, và lấy làm mẫu gương cho mọi gia đình nhân loại.

Mẫu gương: Không phải vì Giuse là một thợ mộc với tay nghề cao, ngày ngày chịu khó lao động để phục vụ gia đình. Không phải vì Giuse trước mặt xã hội có nhà lớn cửa rộng, chức tước cao sang, (Mt 13: 55). Hiện nay cũng có nhiều gia trưởng về phương diện này còn xuất sắc hơn Giuse.

Không phải Maria là một nội trợ giỏi, biết dệt vải đan thêu hoặc tháo vát bán buôn. Cũng không phải vì trẻ Giêsu đạt được những thành công theo ý muốn cha mẹ. (Lc 2: 49).

Nhưng bởi vì tất cả ba đấng ấy, trong gia đình Nazareth, chỉ có một lòng một ý. Không phải lòng ý của thánh Giuse, (Mt 1: 24 & 2: 14). Không phải lòng ý của Đức Maria, (Lc 1: 38). Không phải lòng ý của Đức Giêsu (Yn 6: 38), mà cả ba tấm lòng trong Thần Khí, đã BỎ NGỎ hoàn toàn cho Ý của Thiên Chúa Cha. Vì thế nguồn an vui hạnh phúc nơi gia đình này mênh mông như biển cả, ngày đêm chỉ có vui mừng tạ ơn, trong lòng yêu mến Chúa và yêu mến nhau. Và Chúa Thánh Thần đã có thể tự do hoạt động để đưa Đức Giêsu từ nhập thế nhập thể, cho đến cuộc tử nạn phục sinh trên thập giá. Từ thập giá ấy, tình yêu Thiên Chúa Cha nơi Trái Tim vâng phục của Chúa Con, như thác lũ tuôn chảy tràn ngập Chúa Thánh Thần, cứu vớt mọi khổ đau của chúng sinh, từ Adam đến tận thế. (Yn 7: 38)

BỎ NGỎ VÀ SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Bỏ Ngỏ là yêu mến và cậy nhờ. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết cậy nhờ hoàn toàn vào Chúa. Không phải chung chung: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà là cậy nhờ hoàn toàn vào Đấng Thiên Chúa đang luôn ở sát bên ta: Đức Kitô Giêsu.

Đức Kitô Giêsu, trong trái tim của Ngài, chỉ có tình yêu Cha, nên trái tim đó đã chứa đựng hoàn toàn và hết mức tình yêu của Thiên Chúa Cha cho Ngài và cho nhân loại. Tình yêu lớn lao đầy uy lực đến độ dù trong đau khổ khủng khiếp nơi thân phận làm người, dù trong cay đắng vì bị phản bội, dù trong tan nát vì bị lãnh đạm khinh chê, vẫn nồng cháy vẫn bao dung, vẫn khao khát lòng yêu mến Cha và yêu thương tất cả chúng ta. (Yn 15: 13tt).

Tình yêu ấy mạnh đến độ tiêu diệt cả sự chết và đem lại sự Phục sinh cho Ngài và cho tất cả những ai yêu mến Ngài và để cho Ngài yêu mến.

Tình yêu ấy của Giêsu, trong đau khổ cô đơn, mồ hôi toát ra có máu nhỏ xuống đất, cũng cứ mãnh liệt hướng về Cha: “Cha ôi! Nếu Cha muốn xin cất chén này đi khỏi con! Nhưng đừng theo ý con, mà là ý của Cha được thành sự!” (Lc 22: 42 tt).

Tình yêu ấy trong hổ nhục, trần truồng, bị treo thân giữa trời đất, trong cô đơn tủi hổ bị liệt vào hàng cùng kẻ ác nhân, trong đau tủi bị mọi người qua lại mắng nhiếc (Mc 15: 28-29). Tuyệt vọng đến độ phải kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của tôi, vì sao Người lại bỏ tôi!” (Mc 15: 34); mà vẫn một lòng cậy trông, vẫn hướng về Cha, vẫn bám lấy Cha.

Tình yêu đích thật là như thế, không một thứ đau khổ u uất nào kể cả sự chết, có thể làm phôi phai nhạt nhoà, không một cơn tối tăm tuyệt vọng nào có thể dập tắt được. Tình yêu mạnh hơn sự chết ấy mới chữa lành những vết thương trong hôn nhân, mới cứu sống được hôn nhân, bởi vì tình yêu đích thật từ Thiên Chúa chứa đựng trong Trái Tim Chúa Kitô Giêsu.

Tình yêu này mới là Bản Chất của hôn nhân và rất cần có trong trái tim người chồng người vợ û Tình yêu đích thật chỉ có nơi trái tim duy nhất, Trái tim Chúa Kitô Giêsu. Hôn nhân muốn bền vững trước mọi sóng gió, phải mở ngỏ cho lòng Yêu Mến của Chúa Giêsu chiếm hữu tâm hồn hai người ngay từ thuở ban đầu khi họ chuẩn bị hôn nhân. Và cứ ở lại trong tình yêu ấy cho đến hết đời. (Yn 15: 9).


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà