“HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM’

(CHỮ TÂM TRONG HÔN NHÂN – Bài II)

 

“Này trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi khi mới là thai bụng mẹ”  (Tv 51: 7)

Vũ Hồng

 

TÌNH YÊU VÀ CÔNG CUỘC TẠO THÀNH

Tất cả công việc của Thiên Chúa đều xuất phát từ tấm lòng Yêu Mến. Mở đầu Kinh thánh Cựu Ước, chúng ta đã thấy tấm lòng của Thiên Chúa. Tấm lòng yêu mến thể hiện qua công cuộc tạo dựng. Tấm lòng yêu mến trên sự sa ngã của con người. Và tấm lòng ấy vẫn đang bao phủ cả nhân loại qua Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô Giêsu.

TÌNH YÊU CỦA CHÚA TRONG TẠO THÀNH

Từ nguyên thủy, nghĩa là lúc thời gian cũng như không gian, chẳng có gì hết, mà Kinh thánh đã dùng nhửng từ ngữ như: “uông mang, trống không mông quạnh”; Rồi trong ý định của Thiên Chúa cái uông mang ấy đã bừng lên thành ánh sáng, thành trời cao đất rộng, thành mây thành gió, thành không gian rực rỡ với vô vàn tinh tú lấp lánh. Có ngày lộng lẫy nắng ấm của thái dương. Có đêm thảnh thơi êm nhẹ trong vùng sáng của trăng sao. Khắp mặt đất tràn lan tiếng reo vui của đồng cỏ bao la, của rừng xanh bát ngát, của núi cao đồi thấp. Nai hươu, beo cọp, voi ngựa, bò trâu, cừu dê, gà vịt, nhan nhản. Biển cả mênh mông.  Sông reo suối chảy. cá tôm bơi lội. Phong phú không thể lường. Sau khi Thiên Chúa đã làm xong cái nôi sung túc dư đầy ấy, Thiên Chúa mới đặt con người vào, cho nó sống vui tươi an nhàn tình yêu của Ngài. Mục đích tạo dựng là thế. Chỉ một chữ Yêu: Chúa yêu con người.

Tạo thành ra vũ trụ đã lạ lùng qúa trí nhưng tạo thành con người còn tuyệt diệu hơn nữa. Hãy suy niệm mới thấy được tấm lòng của Chúa thiết tha yêu chúng ta như thế nào!

Khi dựng nên con người Thiên Chúa không lấy mẫu mực ở bất cứ nơi tạo vật nào, vì còn có tạo vật nào đẹp bằng Thiên Chúa? Ngài lấy chính Ngài. Chúa nói: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta.”  (Kn 1: 26-27)

Tất cả loài vật cỏ cây rất tốt đẹp, nhưng chỉ phản ánh vinh quang Chúa, chớ không phải là hình ảnh của Ngài, con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa. Kinh thánh nói:

“Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh của mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa Ngài đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Ngài đã dựng nên chúng.” (Kn 1: 26-27).

THÂN XÁC LINH HỒN

Ôi còn gì đẹp bằng thân xác linh hồn con người? Đẹp đến độ, khi Con Thiên Chúa đến trần gian, Thiên Chúa Cha cũng chỉ mặc lấy thân xác ấy cho Chúa Con, ngoại trừ sự tội (Hr 4: 15b). Giờ phút cuối cùng trên thập giá, cũng thân xác ấy, Đức Giêsu giang tay giữa đất và trời, để phú thác Thần Khí, và nguyện cầu cho chúng ta. Cho nên thân xác linh hồn chúng ta qúy trọng vô cùng, khi nói về phụng thờ Thiên Chúa, thì Kinh thánh Tân Ước viết: “Thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần . . . Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em.” (1C 6: 19-20). Vì thế khi thân xác bị khinh miệt, bị dày vò, bị cắt xén, bị hành hạ, bị tra tấn, gông cùm, bị bỏ đói, kẻ gây ra những việc đó là một tội ác rất lớn.

Cuộc tạo dựng trời đất là để cho con người, nên khi con người được có mặt, thì Thiên Chúa đã trao ban tất cả cho chúng. Chúa nói: “Hãy bá chủ nó! Hãy cai trị trên cá biển và chim trời, và mọi loài sinh vật trên đất. ” (Kn 1: 28-30).

Thiên Chúa dựng nên vũ trụ trăng sao tinh tú trái đất bằng quyền năng của lời phán ra. Nhưng Thiên Chúa dựng nên loài người bằng cả tấm lòng tha thiết của Ngài. Ngài nắn nót hình hài chúng bằng tay, truyền sự sống của Ngài bằng hơi thở. Yêu đến độ cả Tâm, cả Trí, cả Sự sống của Chúa đặt vào thân xác linh hồn chúng ta. Khi làm nên người đàn bà, Chúa không lấy một cục đất khác, mà Chúa lấy chất liệu và sự sống Chúa đã trao ban cho “người”, đó là “sương sườn” và “lấp thịt vào”(Kn 2: 21). Cho nên đàn ông đàn bà đều xuất phát từ lòng yêu thương của Thiên Chúa, nam nữ đều là hình ảnh của Chúa, đều là con của Cha, giá trị như nhau. Vì thế Adam khi tỉnh dậy, nhìn thấy Eva liền nhận ngay ra sự tốt lành của Eva, giống như mình, đã cuống quít la lên: “Đây nàng xương tự xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi” (Kn 2: 23). Hạnh phúc hôn nhân bao gồm trong câu này. Nhưng sau khi sa ngã, sự nồng thắm hoàn hảo không còn trong hôn nhân nữa.

TINH YÊU CHÚA LÀ BAN, LÀ CHO

Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, và đặt tất cả tấm lòng của Chúa vào vận mệnh con người. Ngài đã dựng nên loài người bằng cái Tâm vô cùng yêu thương, và trao ban cho nó sự sống là chính Thần Khí của Ngài. Cho nên KT nói: “Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu”(Rm 8: 39b).

Trên trần gian này không ai hiểu nổi tấm lòng yêu mến của Thiên Chúa, ngoại trừ Đức Kitô Giêsu, Đấng tự Cha mà đến. Tất cả cho không, để trong tự do, chúng ta yêu mến Ngài. Vì vô tri bất mô,ü nên đi đạo, lắm khi tôi sợ mất lòng Chúa nhiều hơn tôi yêu mến Chúa.

SỰ ÁC ĐI VÀO THẾ GIAN

Sau khi nghe lời con Rắn, hạnh phúc con người mất tất cả. Không phải vì con Rắn xui giục Adam Eva bỏ nhau, mà là nó xúi hai người bỏ Chúa để đi vào liên lạc với nó. Con Rắn hứa cho Adam Eva được làm chúa trên vận mệnh của mình, không cần cậy nhờ Đấng tạo thành. Eva nghe theo, Adam cũng đồng ý nghe theo. Kinh thánh mô tả sự đồng ý này bằng một câu rất ngắn: “Và ông đã ăn.” (Kn 3: 6c). Ngay lúc đó: “Mắt cả hai đứa đã mở ra.” (Kn 3: 7). Sự ác bắt đầu đi vào thế gian.

Nguyên nhân sự sa ngã của con người là việc Ăn Trái Cấm.  “Bà Eva đã hái lấy trái cây ấy mà ăn, bà cũng trao cho chồng ở bên bà. Và ông đã ăn.” (Kn 3: 6). Kinh thánh dùng chữ “Ăn”, ý muốn nói, phạm tội là Ăn tội vào người, cũng giống như ăn đồ ăn. Tội sẽ thấm vào thịt máu của mình. Vì thế phạm tội không sơ sài ngoài da, mà nó thấm vào tận tâm trí và linh hồn. Khi một người ghét người khác, thì sự giận ghét từ trong tâm phát ra, rồi mới biến thành hành động bên ngoài: nói xấu, dèm pha, có thể còn xảy ra nhiều ác độc khác nữa, như khủng bố, bắt cóc, giết người v. v. (Mc 7: 21-23).

Khi Adam và Eva ăn trái cấm là họ đã từ bỏ tấm Lòng của Chúa, để chịu lấy cái tâm của con Rắn. Tức khắc cái tâm của hai người và cái Tâm của Chúa cách xa nhau. Và cùng lúc ấy cái Tâm Của Chính Hai Người cũng xa cách nhau nữa. Sự nghi nan, xao xuyến, bất an, lo sợ, lọt vào gia đình. Nàng hết còn là: “Xương tự xương tôi và thịt tự thịt tôi” nữa, trái lại trở thành một mụ đàn bà gây ra mọi thứ phiền phức, (Kn 3: 12). Đau khổ và sự chết như một cái lưới bủa xuống. Không ai trên trần gian có thể tự mình giải thoát.

THIÊN CHÚA ĐI BƯỚC TRƯỚC

Khi ăn trái cấm rồi, thì, như Kinh thánh nói: “Mắt cả hai đứa mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng. Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình.” (Kn 3: 7). Trần truồng có nghĩa là trắng tay, là mất hết phúc lộc, là nghèo nàn đến tận thâm căn cố đế.

Tuy vậy, lòng của Thiên Chúa vẫn mở ra. Ngài biết nỗi gian chuân vô vọng của con người, Ngài không nổi giận, không bỏ rơi, tấm lòng hiền phụ thương vẫn là thương, Ngài đi tìm, không trong lôi đình sấm sét mà trong êm ái dịu dàng, Kinh thánh mô tả sự dịu dàng ấy như sau: “Yavê Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm” và Ngài gọi Adam: “Ngươi ở đâu?”(Kn 3: 8-9). Có thương mới nhắc đến, nên chỉ ba tiếng: “Ngươi ở đâu?” là Ơn Cứu Độ đã bắt đầu.

Vìì Adam Eva phải trần truồng ra khỏi vườn địa đàng, “Thiên Chúa đã làm cho người và vợ nó áo chùng bằng da thú, mà mặc cho chúng.” (Kn 3: 21). Ra khỏi vườn địa đàng, (có nghĩa là) con người không còn khả năng tự mình sáp nhập vào tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng Thần Khí Thiên Chúa vẫn bao phủ lên hai người và con cháu, giống như gà mẹ ấp ủ gà con đợi ngày cứu chuộc.

SỰ ÁC TRUYỀN KIẾP

Tội do Adam, Eva lỗi phạm.  Chúng ta, các con cháu, chúng ta không phạm tội ấy, nhưng phải chịu hậu qủa. Rõ ràng nhất là Sự chết. Chết đã lan truyền cho cả loài người. (Rm 5:12). Giống như cây chanh cây khế, sinh trái chua.  Khi hạt của nó rơi xuống đất thì mọc lên cũng là những cây chanh cây khế khác, sinh trái chua. Không thể sinh trái nho ngon ngọt được.

Chân lý này, Đức Giêsu đã tỏ cho Nicôđêmô, một vị tôn sư của Do thái: “Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt. Sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí”(Yn 3: 6).

Xác thịt muốn sinh lại bởi Thần Khí, chỉ có nơi quyền năng Chúa Giêsu. Không ai có thể lập công mà tự cứu. Vì Cứu Độ là cuộc đổi đời, phải chết cái cũ để sinh lại, trở nên tạo thành mới. (2C 5: 17).

SỰ DỮ GIA TĂNG

Tội vào thế gian chỉ có tăng, không có giảm. Sự dữ cũng vậy, luôn tăng theo cấp số nhân. Đâu có con người, nơi đó có sự dữ. Đâu có sự dữ nơi đó lấp ló bóng Satan. Bởi vì cái lòng của con người kể từ Adam phạm tội, đã không còn chịu lấy cái lòng của Thiên Chúa, nên cái ý của con người từ Eva ăn trái cấm, đã khác xa cái Ý của Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu đến, nhờ Ngài chúng ta mới biết được mặc khải bi đát này, là: Con người “Chẳng ai tốt lành cả” (Mc 10: 18). Và để có được hạnh phúc, Đức Giêsu đã dạy chúng ta một lời câù nguyện rất quan trọng: Xin cho “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như ở trên trời.” Vì ngược Ý Cha, nên sự dữ gia tăng:  Sự dữ đầu tiên xảy ra ngay trong gia đình Adam. Ăn trái cấm rồi, Adam không biết lỗi, lại đổ tất cả lên Eva, rồi còn trách Chúa nữa.

Tiếp theo, người con lớn của Adam tên là Cain, anh đã vì ganh ghét mà giết Abel, người em ruột thịt của mình . . .                         Còn tiếp

Muc Luc