Đức tin tạo nên sức mạnh tinh thần

Nguyễn Chính Kết

     1. Thái độ của dân Do Thái đối với dân ngoại

          Trong bài Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu chữa đứa con gái bị quỷ ám của một phụ nữ người Cana (x. Mt 15,21-28), Đức Giêsu có một vài câu nói khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận đối với người thời đại. Muốn hiểu được, ta cần nắm vững bối cảnh của bài Tin Mừng này. Miền Tia và Siđôn – nơi Đức Giêsu và các môn đệ Ngài đến trong bối cảnh bài Tin Mừng này – cũng như miền Cana, là những miền đất của dân ngoại nằm trong lãnh thổ Do Thái. Tương tự như Chợ Lớn là vùng dân cư người Hoa, Phan Rang là vùng của người Chàm tại Việt Nam. Người Do Thái, đặc biệt người Pharisêu, coi dân ngoại bang hay ngoại giáo là những người tội lỗi, bị ô uế về mặt tâm linh, nên họ khinh bỉ ra mặt. Thái độ này tương tự như của người Bàlamôn ở Ấn Độ đối với tiện dân Paria: ngay cả bóng do mặt trời của những người này ngả trên người họ cũng khiến họ phải về nhà tẩy uế. Người phụ nữ đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng là người Cana, là người ngoại bang và cũng là ngoại giáo. Vì thế, khi đến với Đức Giêsu là người Do Thái, bà đã mường tượng trước thái độ kém thân thiện có thể có của Đức Giêsu đối với bà. Do đó sau khi yêu cầu Ngài chữa bệnh cho con gái bà, bà không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu im lặng không đáp, và các môn đệ Ngài tỏ thái độ không muốn bà làm phiền Ngài.

          Thái độ của Đức Giêsu, nếu không hiểu, ta có thể kết luận rằng Ngài thiếu tình người vì Ngài đã tỏ ra không sẵn sàng giúp bà chỉ vì bà là dân ngoại: «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi», thậm chí còn ví dân ngoại như bà là chó nữa: «Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con». Thật ra, Ngài muốn thử thách niềm tin của bà vào Ngài, bằng cách thử làm cho bà nản lòng xem thái độ bà thế nào. Vì điều kiện để Ngài có thể chữa lành con gái của bà theo như ý bà xin là bà phải có đức tin mạnh mẽ. Nếu bà không có đức tin, Ngài không thể giúp bà được gì cả. Thật vậy, khi Ngài về quê hương của mình là Nadarét, Tin Mừng cho biết: «Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin» (Mt 13,58). Vì thế, việc thử thách đức tin của bà là chuyện cần thiết. Và Ngài đã thử bà bằng cách tỏ ra coi thường bà giống như những người Do Thái khác vẫn đối xử với bà. Nhưng bà đã vượt qua thử thách ấy, bà đã thắng được lòng tự ái dân tộc của bà và không nản lòng. Điều ấy chứng tỏ bà tin vào quyền năng và tình thương của Ngài. Vì thế, Ngài đã cho bà được toại nguyện. Ngài nói: «Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy». Và con gái bà đã được khỏi ngay lúc ấy.

     2. Điều quan trọng là phải có đức tin

          Để một phép lạ hay lời cầu xin được thành tựu, cần hai yếu tố: quyền năng Thiên Chúaniềm tin của con người. Yếu tố đầu không còn là vấn đề, vì Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cứu giúp con người vì tình thương vô biên của Ngài. Vì thế, yếu tố quyết định thành tựu hay không nằm ở phía con người: con người có đủ niềm tin hay không. Thật vậy, mỗi lần Ngài chữa bệnh thành công cho một người nào, Ngài không nói «Ta đã cứu chữa con» cho dù nói như vậy rất đúng, mà nói «Lòng tin của con đã cứu chữa con» (Mt 9,22; Lc 17,19). Thiếu đức tin về phía con người, dù Ngài có muốn cứu giúp, Ngài cũng không làm được, như trường hợp Ngài về Nadarét, Ngài đã không biểu lộ quyền năng của Ngài được vì dân chúng thiếu đức tin, cho dù dân ở đây đều là người cùng tôn giáo với Ngài (x. Mt 13,58). Khi con người có đức tin, cho dù là người ngoại giáo, Ngài vẫn thực hiện được những phép lạ. Đây là một điều đáng cho ta suy nghĩ về khả năng nhận được ơn cứu độ: người theo tôn giáo chân chính mà thiếu đức tin và tình yêu có thể không được ưu tiên nhận ơn cứu độ cho bằng người ngoại giáo nhưng có đức tin và tình yêu, biết sống theo tinh thần của Đức Giêsu.

          Khi có đức tin mạnh mẽ, thì điều ta mong muốn sẽ thành tựu: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20). Gương của Phêrô khi ông đi trên mặt nước (x. Mt 14,28-31) cho ta thấy: sở dĩ ông làm được chuyện ấy vì ông tin vững chắc rằng ông sẽ làm được với sự trợ giúp của Chúa. Nhưng đang đi trên mặt nước ngon lành, bỗng thấy gió thổi, ông liền nghi ngờ, thế là ông bị chìm xuống ngay lập tức trước mặt Đức Giêsu. Điều ấy cho thấy rõ ràng ông đi được trên nước là vì ông tin vững mạnh, và ông bị chìm xuống là vì lúc ấy ông thiếu đức tin. Như vậy có thể nói: không phải ông đi trên nước mà đi trên đức tin của mình. Đức tin của ta chính là mặt đất để ta bước đi trong đời sống tâm linh của mình.

     3. Tại sao những ước nguyện của ta lại không thành tựu?

          Sở dĩ ta ước nguyện, quyết tâm mà không thành tựu, chính vì ta thiếu niềm tin, tin không đủ mạnh. Vì đức tin của ta nhiều khi chỉ là thứ đức tin được chấp nhận một cách lý thuyết hay chỉ được tuyên xưng mạnh mẽ ngoài miệng thôi. Đó là thứ đức tin bằng lời nói chứ không phải đức tin bằng hành động. Nếu có đức tin thật sự và vững vàng, ta sẽ có một sức mạnh tinh thần rất đáng kể, và đời sống của ta chắc chắn sẽ thay đổi theo chiều hướng lạc quan. Về tinh thần, người mạnh mẽ và người yếu đuối khác nhau ở chỗ: người mạnh mẽ là người dám tự tin vào mình, tin mình có sức mạnh và khả năng thực hiện nhiều việc, còn người yếu đuối không dám tự tin vào mình. Sự tự tin vào bản thân mình của người Kitô hữu được xây dựng trên niềm tin vững chắc vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

          Người có đức tin mạnh mẽ không chỉ tin bằng lời nói, mà tin bằng hành động thực tế. Họ tin rằng Thiên Chúa yêu thương họ vì bản chất Ngài là tình yêu (x.1Ga 4,8.16), Ngài không thể không yêu thương, không thể lãnh đạm với những nhu cầu khẩn thiết của họ. Và tình yêu của Ngài là thứ tình yêu đầy quyền năng, không sự gì là không làm được (x. Lc 1,37). Vì thế, khi họ kết hiệp với Ngài bằng đức tin và tình yêu, thì tình yêu của họ cũng sẽ trở thành một thứ tình yêu quyền năng, có khả năng làm được mọi việc. Họ sẽ có kinh nghiệm y như Phaolô: «Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Tuy nhiên, để có được kinh nghiệm về sức mạnh như Phaolô, điều kiện tiên quyết là họ phải từ bỏ chính mình, coi nhẹ «cái tôi» của mình, đồng thời ý thức sự hư vô và bất năng của mình đã. Ý thức sự bất năng của mình là nhận thức rằng nếu không nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa, họ sẽ không làm được gì cả: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5). Vì thế, không bao giờ họ hãnh diện hay lên mặt với ai khi mà tất cả những gì họ làm được đều nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa. Nhờ đó, lời cầu nguyện của họ trước Thiên Chúa rất đắt giá vì tâm hồn họ tràn đầy tình yêu, không mang tính vị kỷ, và cũng tràn đầy tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Ngài. Họ sẽ được Thiên Chúa đối xử với họ như đã đối xử với Abraham: «Ta sẽ chúc phúc những ai chúc phúc ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc» (St 12,3).

          Đương nhiên, không phải những người tin vững vàng vào Thiên Chúa thì sẽ không gặp khó khăn, thử thách, nghịch cảnh hay đau thương. Những thứ này luôn luôn là những dụng cụ Thiên Chúa dùng để thánh hóa những người Ngài yêu thương, kể cả Đức Giêsu, Con của Ngài. Họ càng vững mạnh trong đức tin thì họ càng được Thiên Chúa thử thách, để khi vượt thắng những thử thách ấy, đức tin của họ vào Ngài sẽ vững mạnh hơn, và họ được Ngài chúc phúc hơn. Bí quyết để họ vượt qua thử thách chính là đặt niềm tin vào Thiên Chúa nhiều hơn nữa. Nếu họ không vượt qua được thử thách vì chưa mạnh tin đủ thì đức tin của họ sẽ bị suy giảm. Mỗi lần được thử thách là một dịp để họ chiến thắng nếu họ dám tin vào Chúa, để sau đó đức tin họ vững mạnh hơn. Nhưng thử thách cũng sẽ là dịp để họ thất bại nếu họ không đặt đủ niềm tin vào Ngài, và đức tin của họ sẽ ngày càng bị suy yếu, sự tự tin nơi bản thân và sức mạnh tinh thần của họ cũng sẽ giảm đi. Vì thế, điều quan trọng là ta phải củng cố đức tin của mình mỗi ngày, và kiên trì với đức tin khi bị thử thách.

***

          Người phụ nữ Canaan trong bài Tin Mừng này là người ngoại giáo, nhưng bà tin tưởng vững chắc vào tình yêu quyền năng của Đức Giêsu, nên bà đã đạt được ý nguyện của bà. Trong khi đó, những người cùng quê hương, cùng tôn giáo với Ngài ở Nadarét lại không đạt được điều ấy. Như vậy, người Kitô hữu cần ý thức sự quan trọng của đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa, với Đức Giêsu và với tha nhân trong đời sống tâm linh của mình. Đừng nên quá cậy vào tôn giáo chân chính của mình mà quên đi điều cần thiết hơn rất nhiều là đức tin và tình yêu của ta. Thiếu nó, đời sống tâm linh của ta sẽ bị hụt hẫng, không phát triển được, và không có giá trị trước mặt Thiên Chúa.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục