Tại Sao Tháng Mười Là Tháng Mân Côi, Và Kinh Mân Côi Mang Đến Cho Chúng Ta Điều Gì?

Kinh Mân Côi là một trong số những điều có tính Công giáo rõ ràng nhất. Không chỉ Đức Thánh Cha đương kim, nhưng kể cả hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất, đó là Đức Gio-an Phao-lô II và Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, cũng thường xuyên đắm chìm trong Lời Kinh nêu trên. Không những thế, các Ngài còn rất thích tặng Tràng Hạt Mân Côi cho các tín hữu. Nhiều người Công giáo vẫn cầu nguyện bằng Lời Kinh này hằng ngày, và điều đó đã diễn ra cả trăm năm nay rồi. Giáo hội Công Giáo dành trọn một tháng, tức tháng Mười, để cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và suy tư cách đặc biệt về lời Kinh này. Tại sao lại như thế, và việc cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi sẽ đem đến cho chúng ta điều gì, CNA (Hãng Tin Công Giáo) đã đặt vấn đề như thế với Đức Ông Florian Kolfhaus. Vị Linh mục và cũng là một Thần Học Gia này đã viết nhiều cuốn sách về Kinh Mân Côi, trong đó có cuốn: „Kinh Mân Côi – Thần Học Về Sự Quỳ Gối“ (Nhà xuất bản Augsburg, Đức Quốc). Sau đây là cuộc phỏng vấn của CNA với Đức Ông Kolfhaus:

CNAThưa Đức Ông Kolfhaus, tại sao và từ bao giờ, tháng Mười được gọi là Tháng Mân Côi?

Đức Ông Kolfhaus: Đức Thánh Cha Pi-ô V đã thiết lập Đại Lễ Đức Trinh Nữ Chiến Thắng để tưởng nhớ cuộc đại thắng ngoài mong đợi trên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepanto vào năm 1571. Trước đó, Ngài đã kêu gọi toàn thể Ki-tô giáo hãy hướng về Đức Maria, xin Mẹ ngăn chặn cuộc xâm lược của các lực lượng vũ trang Hồi giáo, mà dưới cái nhìn nhân loại, cuộc xâm lược này chắc chắn sẽ diễn ra. Ngay trong năm 1573, Đại Lễ nêu trên đã được đổi tên thành Đại Lễ Đức Mẹ Mân Côi rồi. Và từ năm 1913 tới nay, Đại Lễ này luôn luôn được cử hành vào ngày mồng 07 tháng 10. Và như thế, trong một cách thức hoàn toàn đặc biệt, tháng Mười chính là một lời hiệu triệu mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện bằng Tràng Chuỗi Mân Côi với một cách thức đầy tin tưởng, nhất là trong lúc Giáo hội và thế giới gặp phải những nỗi khốn cùng. Với Thông Điệp về Kinh Mân Côi của mình, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã đặc biệt khuyên các tín hữu hãy cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Và với việc thiết lập Năm Về Kinh Mân Côi, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã trao cho lời Kinh rất cổ xưa nhưng cũng vẫn luôn hiện đại này một động lực mới, vì Ngài xác tín rằng – như Chị Lucia, một trong ba thị nhân của Fatima, đã nói -, không có bất cứ vấn đề nào mà không thể giải quyết được bằng Kinh Mân Côi. Chuỗi Ngọc Mân Côi được ví như chiếc nỏ của Đa-vít. Ông đã dùng chiếc nỏ cùng với 5 viên đá để chiến thằng Goliat. Bằng Lời Kinh này, chúng ta cũng sẽ vượt qua được bất cứ thách đố nào, dù lớn hay nhỏ, trong thời đại chúng ta, bằng cách chiêm ngưỡng từng 5 đại mầu nhiệm một – mà năm đại mầu nhiệm ấy được ví như năm viên đá mà chúng ta đặt lên chiếc nỏ. Quý vị hãy cho phép tôi chỉ nêu ra một số vấn đề cụ thể thôi, chẳng hạn như cuộc bách hại các Ki-tô hữu tại Trung Đông, hay cuộc khủng hoảng gia đình tại Phương Tây. Với Lời Kinh Mân Côi thì bất cứ trẻ em, người già, bệnh nhân, hay những người nghĩ rằng, mình chẳng còn có thể làm được bất cứ điều gì nữa, cũng đều có thể xô ngã được những tên khổng lồ. Ngay trong tháng Mười này, bất cứ người nào đi nữa, thông qua lời cầu nguyện của mình, cũng đều được mời gọi hãy giúp đỡ thế giới cách tận tâm và hiệu quả hơn nữa.

CNAĐức Ông đã mô tả Lời Kinh này như là „Thần Học Về Sự Quỳ Gối“. Điều đó được hiểu như thế nào? Phải chăng nó có vẻ như không mấy dễ nghe đối với nhiều người?

Đức Ông Kolfhaus: Tôi đã tự hỏi đi hỏi lại rằng, tại sao Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Fatima lại yêu cầu mọi người cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi, mà không khuyên họ cầu nguyện theo những hình thức khác, chẳng hạn như đọc Kinh Nhật Tụng hay Lectio Divia, tức suy niệm Lời Chúa, mà những hình thức ấy lại là những hình thức cầu nguyện ưu việt và được bảo tồn? Xem ra Mẹ thích Chuỗi Mân Côi hơn, vì nó là một ngôi trường dậy cầu nguyện đối với tất cả mọi người, bất kỳ họ thuộc trình độ học vấn hay ở độ tuổi nào, và trường học đó sẽ dẫn người ta đi từ chỗ nói ra những Lời Kinh Thánh trên môi miệng tới chỗ chiêm ngưỡng trong lòng những chân lý vĩ đại của Đức Tin. Từ Lời Kinh Mân Côi, một „người mẹ già nhỏ bé“ nào đó vẫn có thể học được nhiều Thần Học hơn là từ những giáo sư hàn lâm mà có lẽ họ biết rất nhiều về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như về Bí Tích Thánh Thể, nhưng không quỳ gối xuống trước mầu nhiệm đó với sự ngỡ ngàng. Bằng bất cứ cách nào đi nữa, thì đó vẫn không hề là điều dễ chịu, nhưng trái lại, còn khó khăn là đàng khác, tuy nhiên, nó rất tuyệt vời và có tính giải phóng. Thánh Tê-rê-sa Avila đã từng nói, vấn đề không phụ thuộc vào chuyện biết nhiều, nhưng vào chuyện yêu thương nhiều. Những kiến thức học tập và những thành công trong nghề nghiệp của tôi không hề đáng kể trước mặt Thiên Chúa, nhưng chỉ có Tình Yêu và niềm tín thác của tôi mới đáng kể trước mặt Ngài. Cuốn sách „Chuỗi Mân Côi – Thần Học Về Sự Quỳ Gối“ muốn mời gọi mọi người hãy học hỏi và nghiên cứu về Tình Yêu. Trong thời đại ngày nay, đôi khi chúng ta có xu hướng „làm việc cho“ Đức Tin mà quên đi rằng, đó là một „mối quan tâm“. Thần Học thì quan trọng và rất cần thiết, nhưng nói chuyện với chính Thiên Chúa thì quan trọng hơn là nói về Ngài. Và người ta học được điều đó từ Chuỗi Mân Côi. Với Chuỗi Mân Côi, người ta để cho mình được dẫn dắt bởi bàn tay của Đức Maria hầu thấy được Chúa Giê-su. Ai tận hiến bản thân mình cho Mẹ Thiên Chúa và tín thác vào Mẹ, người ấy sẽ học biết Con của Mẹ nhanh hơn và tốt hơn những người chỉ học biết về Ngài qua sách vở.

CNATận hiến cho Mẹ Thiên Chúa có nghĩa là gì ạ?

Đức Ông Kolfhaus: Tận hiến cho Đức Maria, chẳng hạn như điều mà Đức Gio-an Phao-lô và qua phương châm rất nổi tiếng của Ngài „Totus Tuus" – Tất cả là của Mẹ -, có nghĩa là, tôi, như đã nói, nắm lấy tay Đức Mẹ và không đi theo con đường riêng của mình nữa, nhưng để cho Mẹ dẫn dắt tôi. Đó là một khả năng để hiện thực hóa lời mời gọi của Chúa Giê-su hãy trở nên như trẻ nhỏ, mà những trẻ nhỏ đó biết rằng, chúng không thể làm được bất cứ điều chi nhờ vào sức riêng mình, nhưng biết mình được yêu, biết mình được ước muốn, và vì thế, mong chờ từ cha mẹ với tất cả niềm tín thác. Tận hiến cho Đức Mẹ, như nhiều vị Thánh đã từng nói, chính là con đường nhanh nhất và chắc chắn nhất dẫn đến cùng Chúa Giê-su, vì tôi trao hiến bản thân và tất cả những gì tôi có cho Thân Mẫu của Ngài, người biết Ngài rõ nhất và yêu mến Ngài hơn bất cứ người môn đệ nào của Ngài. Ai thử kiếm tìm Chúa Giê-su qua Đức Mẹ, người ấy sẽ có ngay được kinh nghiệm rằng, Mẹ không phải là đường vòng, và tuyệt nhiên không phải là rào cản, nhưng có thể nói một cách thoải mái rằng, Mẹ là một „Highway to Heaven" – Sa Lộ Dẫn Tới Thiên Đàng.

CNAĐức Ông đã đi đến với đề tài này như thế nào? Đức Ông có lần Chuỗi Mân Côi mỗi ngày không ạ?

Đức Ông Kolfhaus: Điều mà tôi vừa nói, chính tôi đã kinh qua và vẫn luôn luôn tái nếm trải. Tất cả mọi điều vĩ đại và tuyệt vời trong đời tôi, tôi đều phải mang ơn Mẹ Maria, Đấng mà tôi đã tận hiến đời mình cho ngay từ hồi tôi còn trẻ. Đối với tôi, việc tôi được sinh ra vào một ngày thứ Bảy trong tháng Mười, và nhiều sự kiện quan trọng cũng như có tính quyết định khác trong đời tôi cũng đã diễn ra vào một Đại Lễ Kính Đức Mẹ, chẳng hạn như ngày tôi được thụ phong Linh Mục, thì hẳn nhiên, đó không đơn giản chỉ là một sự tình cờ. Và tất nhiên, tôi vẫn luôn cố gắng lần Chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Đôi khi tôi cũng chỉ đọc vài chục Kinh, chẳng hạn như khi tôi đi băng qua thành phố, khi đợi xe buýt hay khi phải đứng xếp hàng trong siêu thị. Nếu người ta cố gắng lấp đầy những thời gian trống như thế trong ngày bằng việc lần Chuỗi - mỗi người Công Giáo nên luôn luôn để trong túi quần mình một cỗ Tràng Hạt -, thì rồi việc cầu nguyện sẽ trở nên không quá khó khăn với người ấy; thậm chí cả với những người đang phải đuổi cho kịp một cái gì đó. Điều quan trọng đối với tôi là, chúng ta đừng có làm cho các Ki-tô hữu hài lòng với những thứ linh đạo rẻ mạt, nhưng hãy khuyến khích họ cầu nguyện – nhiều và lâu giờ bao nhiêu có thể - để khám phá ra vẻ đẹp và sức mạnh của Đức Tin. Một ý tưởng „đạo đức“ trong lúc thức dậy là điều tốt, nhưng nó sẽ chỉ tạo nên quá ít mối tương quan Đức Ái đích thực, nó chỉ giống như một lời chào xã giao trong bữa ăn sáng khi vẫn còn ngái ngủ. Giữa hai người yêu nhau cần có sự đối thoại cũng như sự hiện diện cách tĩnh lặng bên nhau, nhưng trong lúc đó, người ta không nhìn vào đồng hồ. Bên Thiên Chúa cũng như thế. Và người ta học được điều đó nhờ vào việc lần Chuỗi, mà thật may, nó không phải là một lời nguyện tắt, nhưng là một sự chỉ dẫn để ở bên Chúa Giê-su và bên Mẹ Maria suốt gần nửa tiếng đồng hồ. Qua cuốn sách của mình, tôi muốn giúp người ta tái khám phá ra Kinh Mân Côi, và chiêm ngưỡng cũng như học để cầu nguyện bằng lời Kinh này, nhưng không chỉ là „mấp máy trên môi“.

(theo CNA Deutsch - 02 October, 2015 / 8:19 AM)

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Trang Giáo Dục