TÍNH DỤC DƯỚI CÁI NHÌN KITÔ GIÁO

 

MỞ ĐẦU

Nói chuyện về tính dục là vấn đề “xưa như trái đất”.

Phải rồi, bởi vì ngay từ khởi thuỷ, Thiên Chúa đã thiết kế và tạo dựng tính dục để loài người sinh tồn. Sáng thế ký ghi lại: “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 27-28)

Chúa lại phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó… Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

Con người nói: Phen này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương thịt.” (St 2, 18…22-24).

“Con người đặt tên cho vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).

Như thế, vợ chồng là những con người có tương quan bản chất với nhau, cùng duy trì và phát triển nòi giống. Họ tuy hai nhưng là một xương thịt.

Trong Tân Ước, cũng theo phúc âm thánh Mátthêu, họ: “Không còn là hai, nhưng là một xương thịt” (Mt 19, 6).

Tuy không phải mới lạ gì, tính dục vẫn là vấn đề dai dẳng đeo bám ta mãi cho đến thế mạt, vì nói không ngoa, nó là nguồn năng lực sáng tạo vô biên, với tình yêu phong phú luôn đổi mới và là sự thăng hoa của trí tuệ.

Biết bao thiên sử thi diễm lệ, áng thơ văn tuyệt tác, nhạc tình du dương, những bộ phim sướt mướt bi luỵ, đều mang hơi hướm bản năng tính dục.

Nếu như tính dục là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lặp lại trong tông huấn Amoris Laetitia (số 261): “Tính dục là quà tặng kỳ diệu của Chúa cho các thụ tạo”, thì nó phải được trân trọng, tôn vinh, được công khai bày tỏ giá trị.

Nhưng dường như, đối với không ít người, tính dục vẫn là đề tài cấm kỵ, thậm chí dè bỉu, che dấu như một thứ gì bẩn thỉu xấu xa. Vì đâu ra nông nỗi …?


 

I. TÍNH DỤC VÀ KHOA HỌC

1.1. Tính dục là một bản năng tự nhiên.

Thân thể con người là một bộ máy sinh học hết sức phức tạp, được thiên nhiên cấu tạo, gồm những bộ phận chuyên biệt, để bảo tồn nòi giống, di truyền cho thế hệ sau. Tính dục là khuynh hướng tự nhiên và bẩm sinh, người bình thường không ai thoát khỏi.

Ngoài chức năng sinh sản, hành vi tính dục còn giúp vợ chồng bộc lộ tình cảm thân thiết gắn bó, yêu thương, thông cảm, tương trợ, cùng đảm nhận trách nhiệm chăm lo giáo dục con cái và giúp đỡ nhau, trong niềm vui thú và hạnh phúc gia đình. Tính dục đem lại niềm hoan lạc, sức mạnh tinh thần và thể lý, giúp con người cảm thấy hạnh phúc và lạc quan trong cuộc sống.

1.2. Xu hướng tính dục.

Bình thường, cũng như động vật có vú trong thiên nhiên, tạo hoá sinh ra hai giống riêng biệt rõ rệt là đực và cái, hay nam và nữ ở con người, để truyền sinh. Ta gọi là tính dục dị tính.

Từ trong bào thai, khoa học khám phá: giới tính hình thành nam hay nữ là do kết hợp nhiễm sắc thể X,Y, để tạo ra những bộ phận cơ thể thích hợp cho đứa trẻ: XX là nữ và XY sẽ thành bé trai. Trong quá trình phát triển bào thai, thì vai trò hóc môn rất quan trọng để định hình giới tính. Ngoài ra, nhân cách một người còn bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội.

Như thế, ngoài tuyệt đại đa số con người ta là dị tính như sự xếp đặt của tự nhiên, thì vẫn còn một số xu hướng tính dục do gen di truyền, hóc môn hoặc hoàn cảnh xã hội cá biệt, tạo nên các xu hướng tính dục khác nhau, mà ta gọi chung là LGBT.

-          L (Lesbian): Đồng tính nữ.

-          G (Gay): Đồng tính nam.

-          B ( Bisexual): Song tính.

-          T ( Transgender): chuyển giới.

1.3. Tính dục và phân tâm học.

Nhiều người cho rằng vô thức là khám phá lớn nhất của nhân loại thế kỷ 19.

Sigmund Freud (1856-1939) là cha đẻ ngành phân tâm học hiện đại. Ông là người đầu tiên chỉ rõ tầm quan trọng của vô thức trong sinh hoạt tâm lý.

Phân tâm học hiện đại chủ trương, sinh hoạt tâm thần của con người có thể chia làm 3 tầng: ý thức, tiềm thức và vô thức.

Trong đó, vô thức là rất quan trọng và chiếm phần lớn nhất, vì nó là nguồn lực chi phối mọi hoạt động tâm lý con người. Vô thức là tập hợp các bản năng di truyền, ký ức cá nhân và tập thể, mà ta không kiểm soát được. Nhưng lại chi phối phần lớn các hoạt động của ta.

Tiềm thức là tầng ở giữa: nó nửa là vô thức, nửa ý thức. Nó bao gồm những cái tiềm ẩn có thể ý thức được. Tiềm thức như là tấm lưới kiểm soát hành vi giữa bản năng mù quáng vô thức, quy chiếu với lý tưởng của tầng ý thức.

Ý thức chỉ là phần nổi, chiếm phần nhỏ đời sống tâm lý. Ý thức là tư duy, ý chí và tự do… quyết định hành vi con người. Lâu nay ta chỉ quan tâm đến phần này, mà không nghĩ nó bị chi phối rất nhiều bởi tầng sâu kín không biết tới là vô thức.

Theo phân tâm học hiện đại: sự xung đột giữa ý thức và vô thức tạo nên những ẩn ức, dồn nén có thể làm nhiễu loạn đời sống tâm lý, sinh ra những rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, điên loạn…

Giải pháp để quân bình tâm lý là giải toả ẩn ức dồn nén, đưa nó lên vùng ý thức.

Freud còn cho rằng tính dục thực ra bắt nguồn sâu xa hơn từ dục năng mà ông gọi là Libido. Libido không chỉ giới hạn ở những cơ phận sinh dục chuyên biệt mà còn mở ra ở những cơ năng khác, thúc dục con người thoả mãn những khoái lạc sinh lý.

Như thế: có nhiều hành vi được ý thức quyết định do sự thúc bách của vô thức, mà ta không biết đến và nhận ra được.

II. TÍNH DỤC TRONG KINH THÁNH:

1.1. Cựu Ước

·         Hiểu thánh kinh với quan điểm lịch sử:

Tưởng cũng nên nhắc lại: các văn bản thánh kinh là lời Chúa nói cho những người đương thời, qua ngôn ngữ và văn hoá văn minh của thời đại, nhằm hướng dẫn con người đi đường ngay nẻo chính.

Đọc thánh kinh phải nương theo não trạng của thời đại mà lãnh hội. Đành rằng chân lý thì bất biến, nhưng ngữ cảnh thì theo tiến triển của thời gian và hoàn cảnh mà phán đoán.

Vì thế mà theo tiến trình lịch sử: có Cựu Ước, có Tân Ước, có Giáo Hội được uỷ thác.

Chẳng hạn như ngày nay, hầu như ai cũng chấp nhận vai trò bình đẳng nam nữ, nhưng xã hội trước đây thì không như vậy.

Phụ nữ mới có quyền bầu cử ở nước Anh, nước Đức năm 1918, ở Hoa Kỳ năm 1920, Pháp 1944, Ý 1946, ở Ả Rập Saudi năm 2015, nhiều nơi khác phụ nữ vẫn chưa có quyền tham gia đi bầu, nói chi đến chuyện tham chính.

Nữ quyền cũng không phải tự nhiên mà có, mà phải có nhiều phong trào đấu tranh, làm thay đổi quan niệm xã hội. Định chế xã hội hoàn thiện dần theo lịch sử. Đó là điều đương nhiên.

Quan niệm tính dục cũng phát triển theo thời đại. Vì thế, ta nhận thấy rất rõ: tính dục rộng hoặc khắt khe, còn tuỳ hoàn cảnh xã hội hoặc thời đại nữa.

Cựu Ước viết cho dân Do Thái hàng trăm, hàng ngàn năm trước Chúa giáng sinh. Não trạng dân tộc thời đó, chắc chắn khác xa với thời Tân Ước và xã hội chúng ta 2000 năm sau Chúa giáng sinh.

Nói thế, không có nghĩa là bản chất sự tội thay đổi với thời gian. Mười điều răn Chúa truyền từ thời Môisê, cách ta hơn 3000 năm, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn tồn tại mãi.

·         Tính dục trong Cựu Ước:

Quan niệm về tính dục có vẻ rất thoáng ở các sách Cựu Ước. Nhiều khi ta cảm thấy rất “sốc”và khó hiểu, trơ trẽn và đầy hoang dã, ngay ở cả các nhân vật đáng ra rất được quý trọng như tổ phụ Abraham.

Thánh kinh kể rằng: Có một nạn đói xảy ra khiến ông Abraham phải lánh sang Ai Cập. Thấy vợ mình là Sa-ra xinh đẹp, sợ mình bị hãm hại, Abraham bàn với vợ:Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai Cập thấy bà, họ sẽ nói:Vợ hắn đấy!”, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi.” (St 12,11-13) Và quả thật, vua Ai Cập thấy Sa-ra xinh đẹp, ăn ở với bà Sa-ra và truyền ban cho ông Abraham nhiều gia súc và người làm. Đức Chúa trừng phạt vua Ai Cập và sau đó, nhà vua trả lại Sa-ra cho Abraham và đuổi ông đi.

Truyện của ông Lót còn kinh tởm hơn: sau khi Đức Chúa cho phá huỷ thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra vì tội lỗi tràn ngập của họ. Ông Lót lên núi ở trong hang cùng với hai cô con gái của mình. Hai cô bàn với nhau phục rượu cho cha mình say để ăn nằm với ông mong cho cha có người nối dòng:Cô chị sinh một con trai và đặt tên là Mô-áp; đó là ông tổ người Mô-áp ngày nay. Cô em cũng sinh một con trai và đặt tên là Ben Am-mi; đó là ông tổ người Am-mon ngày nay” (St 19, 37-38).

Đời sống tình dục của vua Đa-vít lại còn tệ hơn nhiều. Chiêm ngưỡng sắc đẹp của Bát Sê-va, vợ ông U-ri-gia, khi bà đang tắm. Đa-vít chiếm đoạt bà và âm mưu đưa U-ri-gia, chồng bà, ra ngoài chiến trận chỗ hiểm nguy, mượn tay địch giết chết ông, hòng chiếm đoạt người vợ của tôi trung của mình, và Đa-vít đã toại nguyện với âm mưu tồi bại đó.

“Vợ ông U-ri-gia nghe tin ông U-ri-gia, chồng mình đã chết, thì làm ma cho chồng. Khi tang lễ đã qua, vua Đa-vít sai người đi đón nàng về nhà mình. Nàng trở thành vợ vua và sinh cho vua một con trai.

Nhưng hành động của vua Đa-vít không đẹp lòng Đức Chúa (2 Sm 12, 26-27)

Đa-vít đã rất hối hận việc làm của mình. Bấy giờ vua Đa-vít nói với tiên tri Na-than:Tôi đắc tội với Đức Chúa”, “Ông Na-than nói với vua Đa-vít: Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết. Thế nhưng, vì trong việc này, ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết” (Sm 12, 13-14).

Đa thê, bạo hành, lạm dụng tình dục, ngoại tình, cưỡng hiếp, coi thường nhân phẩm phụ nữ, mại dâm, loạn luân, là điều không hiếm thấy ở các sách Cựu Ước.

Trong một xã hội bộ lạc bán khai, văn hoá thấp kém, du mục rày đây mai đó, đánh giết nhau để sinh tồn, chiếm đoạt đất đai của nhau, mạnh được yếu thua, tôn vinh sức mạnh đàn ông, tranh đấu với thiên nhiên hà khắc, đói khát…sẽ không có gì khó hiểu với đời sống tính dục hoang sơ như thế.

Diễm ca là một áng văn cổ tuyệt hảo của kho tàng văn học nhân loại, ra đời vào khoảng thế kỷ V, IV trước Chúa Giáng Sinh, đề cập thô thiển đến đam mê tính dục của đôi trai gái yêu nhau. Các nhà chú giải thánh kinh coi như sách được linh ứng, diễn tả tình yêu Đức Chúa với dân Ngài. Thời nay, nhiều gia đình vẫn không muốn con cái mình đọc, cấm trẻ vị thành niên.

Nhưng xuyên suốt một điều, lề luật thì ghi khắc rất rõ: cấm ngoại tình “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20,14). Bàn tay Đức Chúa luôn bênh vực người ngay thẳng công chính, luôn đứng về phía người lương thiện mà trừng phạt kẻ làm điều sai quấy, nhưng cũng luôn nhẫn nại, khoan dung nhân hậu với kẻ biết sám hối.

Luật lệ thời Cựu Ước được thi hành rất nghiêm khắc:Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19, 22). Điều này cũng dễ hiểu, vì nếu mềm yếu quá, thì không thể tồn tại và kháng cự được các kẻ thù hung ác, hễ thua là bị tận diệt.

Với tội ngoại tình thì:Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết” (Đnl 22, 22).

Hành vi sửa phạt gắt gao cho chúng ta thấy một xã hội mà nền cai trị còn dựa trên sự sợ hãi, trừng phạt để ổn định và duy trì trật tự.

Tân Ước thì khác. Con người không còn sống trong sự sợ hãi, nô lệ nữa mà là tự do, ân sủng và tình yêu…

1.2. Tân Ước:

Chúa Giêsu nói:Thầy đến không phải để phá bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5, 17), đã đến thời, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Tân Ước hoàn tất những gì mà Cựu Ước chưa làm xong. Chúa Giêsu nói khi hấp hối trên cây thánh giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30) là mang ý nghĩa như vậy cho một sứ mạng.

Mạc khải của Thượng Đế cho nhân loại đã trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Và cái chết trên thập giá là đỉnh điểm cho chương trình cứu độ, thể hiện tình yêu của Ngài với con người, thụ tạo Ngài đã dựng nên và rất “ưng ý”, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra quả là rất tốt đẹp”(St 1, 31).

Tính dục cũng vậy. Chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa chân thực của nó trong phúc âm Chúa dạy.

·         Tính dục và nhân phẩm.

Chúa Giêsu đã “bình thường hoá”, coi chuyện giao tế phái nam phái nữ là tương quan tự nhiên. Xã hội Do Thái cũng có phần giống như xã hội phong kiến Khổng Mạnh xưa kia của ta với quan niệm: “nam nữ thọ thọ bất thân”, trng nam khinh nữ.

Chúa Giêsu nghỉ mệt trên bờ giếng và đàm thoại với người đàn bà Sa-ma-ri-a, trong khi các môn đệ vào thành mua thức ăn.

Khi trở về:Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ” (Ga 4, 27).

Phân tầng xã hội nơi nào cũng có, đặc biệt ở dân Do Thái: tư tế, biệt phái ăn trên ngồi trốc, rồi hạng thấp kém bị liệt vào bọn tội lỗi như người thu thuế, và nhất là gái làng chơi thì bị khinh miệt ra mặt, không ai thèm giao du:Anh em không được đưa vào nhà Đức Chúa, tiền công của một con điếm hay tiền lương của một thằng điếm để làm lễ vật khấn hứa, vì cả hai đều ghê tởm đối với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.” (Đnl 23, 19)

Hay trong sách Châm ngôn:Kẻ giao du với bọn đàng điếm, khiến sản nghiệp tiêu tan” (Cn 29, 3).

Chúa Giêsu không nề hà chuyện ấy.

Và một bữa kia: “Đức Giêsu đến nhà người Pha-ri-siêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha ri siêu, liền đem một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng sau sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-siêu liền nghĩ bụng rằng:Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! (Lc 7, 36-39).

Chúa Giêsu đã giải phóng tư tưởng những người thông thái, thuộc giai tầng thượng lưu trong xã hội: các luật sĩ và biệt phái, để họ phải biết tôn trọng những người gọi là giai tầng thấp kém này:Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 30).

Hay chuyện người đàn bà ngoại tình:

“Các kinh sư và Pha-ri-siêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa rồi nói với Người:Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên mà bảo họ:Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên mà nói:Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp:Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói:Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8, 3-11)

Chúa hướng dẫn những người ở trong cái xã hội cũ nghiêm khắc, vị pháp luật, vô cảm trước thân phận yếu mỏng của con người, đến một xã hội nhân bản đầy tính nhân văn, cảm thông, vị tha:Ai trong các ngươi thấy mình không có tội, thì lấy đá mà ném trước đi”.

Và cũng để đặt vai trò con người làm trung tâm: “Ngày sa-bat làm ra là để cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bat”(Mc 2, 28)

Phải chăng Chúa Giêsu đã đưa nền pháp trị áp dụng cho những con người ấu trĩ, chưa trưởng thành đến nền nhân trị đầy tính người của xã hội hiểu biết, yêu thương khoan dung nhân hậu, đặc trưng của Giáo Hội Chúa KiTô.

·         Tính dục và tình yêu.

Từ quan niệm tính dục thiên về bản năng của thời Cựu Ước, như ta đã trình bày ở trên, thì với giáo huấn Tân Ước, tính dục được thăng hoa, mang màu sắc rất nhân bản và chỉ có ở xã hội con người mới có, tính dục chân chính luôn đi kèm với tình yêu thương, tôn trọng thân xác.

Thánh Phaolô nói: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh”, “Cũng thế, chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5, 25…33)

Thánh Phaolô phản đối chuyện tình dục thuần tuý chỉ để thoả mãn dục vọng thân xác, mà không phải do tình yêu vợ chồng:Anh em chẳng biết rằng: ăn ở với kỹ nữ là nên một thân thể với người ấy sao?” (1 Cor 6, 16), “Nào anh em chẳng biết rằng: thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki Tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1 Cor 6, 15)

Còn gì “thánh thiện và tinh tuyền” (ngôn từ của thánh Phaolô) như tình yêu giữa Hội Thánh và Chúa Kitô. Tình yêu giữa vợ chồng cũng như vậy.

Tính dục theo Tân Ước là như thế đó: từ bản năng vô thức đến tình yêu thương gắn bó và thăng hoa, thành sự thánh thiện tinh tuyền nơi hôn nhân.

Tính dục, không phải là để thoả mãn dục vọng xác thịt, coi thân xác như là món đồ vật, là phương tiện để vui thú nhục dục, nhưng tôn vinh nó như “đền thờ” phụng sự Thiên Chúa: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao” (1 Cor 6, 19). Và ngài tiếp tục: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa (1 Cor 6, 13).

Tuy vậy, thánh Phaolô không xem nhẹ khát vọng mãnh liệt của bản năng tính dục trong mỗi người, nên ngài khuyên:Để tránh hiểm hoạ, thì mỗi người hãy có vợ có chồng” (1 Cor 7, 2) và “ Vợ chồng đừng từ chối nhau…kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà sa tan lợi dụng để cám dỗ.” (1 Cor 7, 5).

·         Tính dục trách nhiệm và bình đẳng giới.

Tính dục không phải là chiếm hữu, trước hết là trách nhiệm:Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (1. Cor 7, 3).

Là nhân vị:Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.” (1 Cor 6, 18) Bởi vì:Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1 Cor 6, 20).

Và bình đẳng:Vợ không có quyền trên xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ(1 Cor 7, 4).

Sự tà ý gian dâm phát xuất từ nội tâm, từ tư tưởng, chứ không phải hình thức bên ngoài: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5, 27)

Như thế là đã rõ: Tính dục theo Tân Ước không phải là chiếm đoạt một chiều, không để thoả mãn dục vọng bản năng, nhưng thể hiện trong một hôn nhân chân chính, trên tinh thần tôn trọng thân xác của nhau, trong một tương quan nhân vị của tình yêu, tự nguyện và bình đẳng.

(Nói về bình đẳng giới, tôi có suy nghĩ như sau:

Nam nữ trời sinh có sự khác biệt, bổ sung cho nhau để tồn tại và phát triển. Con người đã tồn tại từ khai thiên lập địa và vẫn đang phát triển, hẳn phải có sự quân bình. Ta thấy có sự bất bình đẳng giới, nơi này nơi kia, là chỉ thấy cái biểu kiến bên ngoài. Những hiện tượng vũ phu, bạo hành, tưởng như phái nữ bị chèn ép, nhưng mấy ai biết “lạt mềm buộc chặt” và sức mạnh thắng thế của phái nam đã bị vô hiệu hoá. Thực tế chứng minh:

Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Nam thuộc dương, biểu hiện sức mạnh, cứng rắn, xốc vác, cương nghị, lý lẽ, đối ngoại… Nữ thì ngược lại, nhu mì, tình cảm, đối nội, thuộc âm.

Ở một xã hội cần đến sức lực để đối phó nghịch cảnh như đời sống du mục, làm nông nghiệp, chiến chinh, thì vai trò người nam được đề cao. Trong Cựu Ước, Tân Ước cho đến ngày nay, thực tế, nữ vẫn là phụ tá cho nam.

Thánh Phaolô vẫn không chấp nhận phụ nữ cất mạng che đầu, đàn bà cho ra đàn bà, giống như nhiều nhà thờ ngày nay ở Phương Đông: phụ nữ vẫn ngồi hàng ghế riêng.

Trong Giáo Hội ngày nay, vai trò chính trong mục vụ và phụng tự vẫn dành cho nam. Ở những nước phát triển, vai trò phụ nữ rất được đề cao và đã thành luật. Nhưng từ khi lập quốc, 45 vị tổng thống Hoa Kỳ chưa ai là nữ. Tuy thế, không ai phủ nhận nhân phẩm phụ nữ và trọng nam khinh nữ cả, ngược lại là khác.

Đến lúc nào đó, xã hội không cho vai trò sức mạnh là cần thiết hàng đầu mà là trí tuệ, sự tài khéo.

Phụ nữ được giải phóng việc nhà, việc sinh nở, ra ngoài làm việc nhiều hơn. Tôi nghĩ mọi sự sẽ khác, vấn đề chỉ là giới hạn của lịch sử, của thời đại, chứ không phải là bản chất bất bình đẳng nam nữ).

III. GIÁO HUẤN GIÁO HỘI

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã lập nên Giáo Hội của Ngài.

3.1. Giáo Hội thực quyền và thẩm quyền.

Vai trò của Giáo Hội là tiếp tục sứ mạng Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19)

Giáo Hội có thực quyền được Chúa Giêsu giao phó: “Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ giao cho anh chìa khoá nước trời…” (Mt 16, 18-19).

Một Giáo Hội có thẩm quyền thực sự:Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19).

Vận mệnh của con người phải do con người định đoạt, Thiên Chúa giúp sức, Ngài không làm thay. Ý chí và tự do của con người được Chúa tôn trọng, vì thế không lạ gì trong lịch sử, ta thấy nhiều sai sót xảy ra trong Giáo Hội do con người vận hành.

Giáo Hội không sáng tạo ra những chân lý mới mà chỉ: “Dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 20)

Chúng ta tin Chúa Giêsu luôn hiện diện với Giáo Hội như Ngài đã nói:Thầy không để cho anh em mồ côi” (Ga 14, 18), “Và đây, thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

Ngoài ra, Giáo Hội còn được tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần:Đấng bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26)

3.2. Giáo huấn của Giáo Hội về tính dục

Như đã nói ở trên, Giáo Hội có vai trò được chính Chúa giao phó là loan truyền tin mừng và “dạy họ những điều thầy đã truyền cho anh em” ( Mt 28, 20).

Không đề cập tới các bí tích Chúa lập, mà nhờ đó, Giáo Hội thông ban ơn sủng Chúa cho tín hữu. Giáo Hội còn có nhiệm vụ giữ gìn, giải thích, loan truyền các chân lý mạc khải của Chúa, đồng hành với người tín hữu qua dòng lịch sử con người.

Thời đại diễn tiến và biến đổi không ngừng, cho nên Giáo Hội cũng phải cập nhật, tự đổi mới, mới song hành hữu ích với thời đại.

Giáo Hội không tạo ra những chân lý mới, nhưng giải thích chân lý mạc khải của Chúa, cho phù hợp với những đặc thù của từng thời. Với tư cách tư vấn, đồng hành có thực quyền và thẩm quyền, như ta đã phân tích ở trên. Nói nôm na dễ hiểu: Giáo Hội chỉ ban hành những hướng dẫn thi hành luật Chúa vào đời sống cụ thể.

Để tóm tắt, lập trường của Giáo Hội trong vấn đề tính dục, có những điểm chính:

·         Hôn nhân một vợ một chồng.

·         Hôn phối chỉ hợp pháp ở hôn nhân dị tính.

·         Tính dục chỉ được coi là chính đáng trong hôn nhân.

Có một điều phải nhìn nhận: với quan niệm “triết học là nữ tì cho thần học”, cái hay là các vấn đề luân lý và tín lý, được trí tuệ phân tích, biện giải sâu sắc, tránh lầm lạc và mê tín. Nhưng mặt khác, nó bị ảnh hưởng lớn bởi khuynh hướng triết học thắng thế.

Ta thấy khá rõ ảnh hưởng của triết học của Platon trên tư tưởng thánh Augustinô (354-430), một vị thánh tiến sĩ lớn của Giáo Hội. Với nền triết học coi thân xác là ngục tù của tinh thần. Chỉ tinh thần là cái cao đẹp; cái gì thuộc thân xác đều là đê hèn, phải bị khống chế. Tình dục không được coi trọng, trái lại bị khinh chê.

Một vị thánh tiến sĩ khác, mà tư tưởng triết học của ngài, ảnh hưởng rất nhiều đến việc lý giải thần học là thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Thánh Tôma bị ảnh hưởng tư tưởng triết học Aristote, coi thân xác và linh hồn là một thể thống nhất. Theo đó tính dục là một chức năng của thể lý mà mục đích là duy trì nòi giống. Tính dục chỉ là để sinh sản.

Cả hai quan niệm triết học trên đã thống trị rất lâu dài trong nền thần học Kitô Giáo, nghiêm khắc và ảnh hưởng không ít thì nhiều đến nền luân lý xã hội.

Vì thế, đã nẩy sinh trong văn hoá phương tây những trào lưu phản kháng, mà ta gọi là “cách mạng tính dục”. Điển hình là phong trào Hippie vào thập niên 1960 – 1970 của thế kỷ trước: chủ trương tự do luyến ái, tính dục là tự nhiên, tự do biểu hiện, không lý do gì mà cấm đoán, dồn nén.

Xem nhẹ giá trị đạo đức, trách nhiệm, nét đẹp tinh thần của tự chế, trào lưu này đã đi quá xa, trở nên truỵ lạc, suy đồi. Tỉ lệ ly hôn, phá thai, tự tử xảy ra nghiêm trọng. Giá trị gia đình từ đó mà phai nhạt, băng hoại.

Cuộc cách mạng tính dục tưởng chừng giải phóng kềm toả lại đưa đến những bế tắc, trống rỗng. May nhờ sự xuất hiện và hoành hành của virus AIDS không thuốc chữa, vào những năm 1980, đã phần nào cảnh tỉnh, làm cho người ta ngộ ra những sai lầm và hãm bớt những tư tưởng cực đoan, của cuộc ”cách mạng”.

3.3. Giáo Hội của bác ái huynh đệ và yêu thương.

Những cộng đoàn tiên khởi là Giáo Hội của huynh đệ và yêu thương.

Sách Công Vụ Tông Đồ viết:Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu… họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ…và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 44-45), đúng như lời Chúa dặn: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, ở điểm này là, anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13, 33).

Chúng ta nói nhiều về yêu thương, mặt khác chúng ta lại đưa ra quá nhiều ràng buộc, xét đoán và quy kết phức tạp lên nhau. Điều đó hẳn không đúng.

Đành rằng đã là tổ chức thì phải có luật lệ. Nhưng trên hết, không phải như những tổ chức trần thế có cơ cấu chặt chẽ, phục vụ lợi ích của hệ thống mà hy sinh cá nhân hợp thành.

Thánh Phaolô: “Vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật (Rm 13, 8).

Giáo Hội Chúa Giêsu phục vụ chứ không cai trị, cứu giúp chứ không loại bỏ, giải phóng chứ không kết án. Chúa nói:Ngày sa-bat làm ra cho con người” (Mc 2, 28), phục vụ con người, giáo huấn nhân tâm bằng luật yêu thương và chỉ có luật yêu thương là tối hậu, như lời thánh Phaolô: “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài lòng thương mến với nhau” (Rm 13, 8).

Giáo Hội khổ đau vì tinh thần giáo sĩ trị. Thiết nghĩ, bao giờ mình vẫn chủ quan làm ra mọi luật lệ ràng buộc, rồi chính mình lại lập toà xét xử những vi phạm đó, thì không thể tiêu trừ tận gốc rễ của nó.

Ngày nay, con cái tìm về nhà là để cảm nhận cái bầu không khí yêu thương, khoan dung, đùm bọc, vị tha. Càng khắc nghiệt thì càng làm cho nó lánh xa.

Thiên Chúa không như vậy. Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, Ngài như người cha nhân hậu, không thèm nghe lời con kể tội, mà ôm chầm lấy nó. Hoạnh hoẹ, so đo, kết án, có chăng là thái độ của đứa anh của nó mà thôi…

3.4. Giáo Hội Tư Vấn Và Hoá Giải.

 Tính dục, như ta đã biết là một vấn đề rất phức tạp, ai cũng có, rất mãnh liệt và mang tính cá nhân riêng tư và thầm kín, không dễ tỏ bày. Nó ảnh hưởng nặng nề trên đời sống mỗi người, nhiều khi để lại những sang chấn tâm lý, gây nên những hậu quả nặng nề.

Trước hết, theo phân tâm học, nó cần người tư vấn đáng tin cậy và cơ chế giải toả để đem lại thế quân bình.

Đối với người Kitô Hữu, linh mục đại diện Chúa ở toà hoà giải, hoàn toàn có khả năng và thực quyền, đảm nhận vai trò ấy.

Hãy đến tâm sự những khúc mắc thầm kín và để mặc cho lòng Chúa xót thương xá giải và xoa dịu hết những nỗi thống khổ tâm hồn mình. “Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con…và tâm hồn các con sẽ được bình an” (Mt 11, 28-29)

Giáo Hội nắm giữ chân lý mặc khải để qui chiếu, để soi sáng điều ngay lẽ thật.

Nhưng như đã phân tích: hành vi tâm lý là vô cùng phức tạp. Tâm hồn của con người là khu vườn rào kín, riêng tư, không dễ để khám phá và nhất là theo như chúng ta biết, nó hoạt động phần lớn theo cơ chế vô thức mà chính chủ thể cũng rất mù mờ. Chính vì thế, có trường hợp, chính cá nhân phải giải quyết theo lương tâm trung thực của mình.

Nói về vai trò của lương tâm, Công Đồng Vaticanô II, hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, đoạn 16, có nói:

“Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia.

Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng bị xét xử theo luật ấy nữa.

Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ.”

Thực tế, tiếng nói lương tâm khách quan nhiều khi bị lệch lạc do nhận thức yếu kém hoặc bởi rất nhiều yếu tố chủ quan khác. Rất cần được tư vấn và điều chỉnh, không tự mình mà quyết.

PHẦN KẾT

Đã qua rồi cái tư tưởng khắc kỷ quá đáng: coi tính dục chẳng có gì tốt đẹp cả và phải che dấu đi, không nên nói tới. Tính dục trái lại, là quà tặng của Thượng Đế cho con người, là cái tốt đẹp đáng trân quý.

Cũng đã qua rồi cái tinh thần giáo sĩ trị, mà qua đó, người đại diện Chúa là những luật sĩ hà khắc, những quan toà lạnh lùng, chỉ biết luật là luật, bắt bẻ trói buộc phạm nhân. Trái lại, họ là những bạn đồng hành giỏi giang, mang khuôn mặt hiền hậu của Chúa Kitô, thông cảm với thân phận mỏng giòn, bất toàn của con người, luôn thi hành luật yêu thương, đem lòng thương xót Chúa cho hối nhân.

Bạn hãy đến với Giáo Hội Chúa, như mái nhà để trở về và sưởi ấm, khi “mồ côi rét mướt ngoài đường” (thơ Huy Cận), tìm lại cái bình an mà thế gian không có được “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.(Ga 14, 27).

Chúa đã nói với các môn đệ yêu quý:Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5) Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô, ai xa lìa Giáo Hội cũng sẽ như cành nho lìa cây, sẽ khô héo đi.

Tính dục đẹp đẽ đáng yêu, nhưng đồng thời cũng mãnh liệt như dòng nước lũ cuốn phăng đi tất cả. Kinh nghiệm cho biết, nếu không có đê điều ngăn giữ và uốn nắn hợp lý, nước lũ sẽ tràn bờ gây thiệt hại không kẻ xiết.

Cái tâm lý bầy đàn, nhất là ở xã hội ta: hãy xem chung quanh, ai cũng thế cả, không hề là lý do chính đáng để biện minh cho sự sai trái của mình. Các bạn hãy giữ cái căn tính Kitô Hữu tốt đẹp, để thoải mái với lương tâm trong sáng: không dằn vặt, không cắn rứt; mà bất cứ ai dù xấu hay tốt, có đạo hay bên lương, cũng được Thượng Đế ghi khắc trong lòng.

Chúng ta sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian:Anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian. (Ga 15, 19)

Đời ta có bị nổi trôi trong dòng lịch sử, bị chi phối bởi những qui luật xã hội, thời đại, nhưng ta có lời Chúa là lời hằng sống, là kim chỉ nam hướng dẫn. Chúng ta sẽ không bị khát nữa vì đã tìm được nguồn suối mát, như người đàn bà Samaria đã gặp Chúa Giêsu, bên bờ giếng Gia Cóp, và xin Ngài nước hằng sống.

Nếu chị biết ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với chị…” (Ga 4, 10) thì…

Đức khiết tịnh không phải là diệt dục, diệt ham muốn mà ngược lại là khác. Nó cũng không phải là “lãng mạn” để sóng vỗ tràn bờ: phóng túng, vô nguyên tắc như con ngựa chứng. Mà là tiết độ, là tự chế và phần phúc sẽ lớn lao cho ta là thấy mặt Đức Chúa Trời, như bài giảng trên núi: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8).

 

 

TIẾNG SA MẠC