GIA ĐÌNH: KHU ĐẤT TỐT CHO ƠN GỌI

 

 

        Thật là một điều ngạc nhiên!

Sau gần 20 năm lãng quên, đây là lần đầu tiên tờ tuần báo The Tidings, một cơ quan ngôn luận chính thức của TGP Los Angeles, số ra ngày 21 tháng 05 năm 2004, dành trọn 12 trang nói về Ơn gọi. ĐHY Roger Mahony mở đầu bằng bài suy tư với 2/3 trang giấy khổ 11x13.5 inches nhấn mạnh đến Ơn gọi của người Kitô hữu, được đâm rễ như một Bí Tích của Chúa Kitô (The Tidings, May 21, 04, Christian Vocation: Rooted as Sacrament of Christ, P. A2). Ngài hướng về điều khoản IV trong tiến trình Tổng Công Nghị (Synod) kết thúc hồi tháng 9 năm 2003, là Thừa Tác Vụ và lãnh đạo: Giáo dân và người được truyền chức (Gathered and sent, 2003, p. 18). Lời kêu gọi tha thiết và chương trình hoạch định rất qui mô, tuy nhiên, kết quả khả quan hay không, còn tùy thuộc nơi lòng sốt sắng và lời cầu nguyện của mọi người để Chúa Thánh Thần hoạt động trong Tổng Giáo Phận.

       

Tổng Giáo phận Los Angeles với gần 6 triệu tín hữu. Đây là TGP hàng đầu tại Hoa Kỳ về nhân sự cũng như về địa lý. TGP với 3 quận hạt Los Angeles, Ventura và Santa Barbara gồm 278 giáo xứ được chia làm 5 Giáo Khu. Tổng số linh mục trong TGP trên dưới khoảng 350, trong đó 1/3 là các cha Dòng và một số linh mục đến giúp từ các quốc gia khác như Peru, Aán độ, Phi Luật Tân, Đại Hàn, vv… Linh mục Việt Nam hoạt động trong TGP là 37 (một số là Linh mục dòng). Số Đại chủng sinh Việt Nam tu học tại Đại chủng viện St. John của TGP gồm khoảng gần 40% trên tổng số. Phần đông tu sinh là người gốc Nam Mỹ. Số tu sinh da trắng chỉ khoảng trên dưới 10%. Đại chủng viện St. John nằm trong quận hạt Ventura là một khu đất rộng và đẹp, cơ sở khang trang và yên tịnh, rất thích hợp cho việc tu luyện. Rất tiếc, vì số tu sinh thiếu vắng nên Đại chủng viện đã đóng cửa Phân khoa Triết học cách đây hai năm và đang chuẩn bị bán một phần đất khác (6 mẫu tây). Một giáo phận có tiếng là sầm uất, đông giáo dân vào bậc nhất Hoa Kỳ, tại sao lại thiếu Ơn gọi? 

       

Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Tuy nhiên, Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn một ít người cách đặïc biệt trong các thừa tác vụ khác nhau như Giám Mục, Linh mục, tu sĩ, hoặc Tông đồ giáo dân, vv… Dù trong bất cứ thừa tác vụ đặc biệt nào, gia đình vẫn là môi trường quan trọng nhất trong việc vun trồng các Ơn gọi đặc biệt ấy. Một trong các diễm phúc lớn lao nhất của các gia đình Công Giáo là có một, hai người hoặc hơn nữa, được Thiên Chúa tuyển chọn vào các thừa tác vụ đặïc biệt để phục vụ vương quốc của Ngài. Tuy nhiên, chỉ còn một vài luật trừ tại một số giáo phận và đoàn thể, nói chung, tình trạng Ơn gọi tại Bắc Mỹ và Aâu châu đã sa sút trầm trọng. Trầm trọng đến độ không còn tu sinh, nhà Dòng và chủng viện phải đóng cửa. Thiếu vắng linh mục, nhà thờ phải bán cho các Giáo phái Tin Lành. Tình trạng thiếu Ơn gọi và linh mục tại Bắc Mỹ có lẽ còn khả quan hơn Aâu châu gấp bội. Tại Hoa Kỳ, mỗi giáo xứ có trung bình từ 4 đến 6 thánh lễ Chúa Nhật với số người tham dự đầy nhà thờ. Ở Aâu châu nói chung, mỗi thánh lễ Chúa Nhật chỉ qui tụ vài chục người tham dự, đa số là người già cả. Nhiều người Công Giáo tại Aâu châu đang đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo hội, cũng như đang quên dần các nghi thức phụng vụ. Linh Mục Pierre Trần đang du học tại Paris và vẫn thường ra giúp dâng lễ tại nhà thờ Chính Toà vào các ngày Chúa Nhật. Cha nói: “Tôi trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân tại đây, nhiều người thưa lại “OK” hoặïc “Mercy” thay vì “Amen” khi nghe Linh mục nói Mình Thánh Chúa Kitô”. Nghi thức Phụng Vụ chủ yếu của Giáo Hội là Thánh lễ mà còn quên dần thì ý niệm về Ơn gọi hỏi còn được bao nhiêu?

 

        Cha C.J McCloskey III trong Nguyệt San Our Sunday Visitor’s Catholic Parent, số May/June 2000, đã phân tích và kết luận rằng tình trạng thiếu Ơn gọi tại Âu-Mỹ do bởi nhiều nguyên do khác nhau, như sự hình thành một gia đình nhỏ hơn (trung bình là 1 hoặc 2 con); cư ngụ tại những đô thị đông đúc, chật chội, vì thế tinh thần con người cũng đâm hẹp hòi khiến lòng quảng đại sẵn có cũng bị bóp nghẹt; thiếu sự hiểu biết về giáo lý và đôi khi ngộ nhận về Giáo hội; đời sống xã hội thác loạn do bởi khoái lạc chủ nghĩa và sự tự do thái quá về tính dục làm mất đi tính đơn sơ và trong sáng của tâm hồn. Những gương mù, gương xấu bởi thiếu trung thành với Thiên Chúa và Giáo hội của hàng chục ngàn cặp vợ chồng Công giáo, ngay cả một số linh mục và một vài giáo phái lớn đã ảnh hưởng đến tầng lớp giới trẻ. Tâm hồn giới trẻ bị đầu độc và nhiễm độc nặng nề. Gia đình, học đường và Giáo hội không có những biện pháp ngăn chặn và giáo dục đủ và kịp thời để vực giới trẻ khỏi vũng lầy xã hội ngày càng lún sâu. Ơn gọi trong tầng lớp giới trẻ bị lui dần vào quên lãng đến thui chột như hôm nay.

 

        Tuy thế, những tấm gương thánh thiện sáng ngời vẫn có tầm ảnh hưởng mãnh liệt đến tâm hồn người trẻ nếu họ được đón nhận đúng lúc và kịp thời, chẳng hạn hình ảnh dấn thân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các Đại hội giới trẻ tại Rôma (1985), Buenos Aires (1987), Santiago de Compostella (1989), Czestochowa (1991), Denver (1993), Manilla (1995) và Paris (1997), vv… với hàng triệu thanh thiếu niên khắp thế giới hiệp nhất trong lời cầu nguyện, hi sinh và nhiệt thành với Giáo hội, Mẹ Thánh Têrêsa, Thánh Tiến sĩ Giáo Hội Têrêsa thành Lisieux, vv… Các cha mẹ Công giáo muốn vun trồng Ơn gọi cho Giáo hội phải dám can đảm bơi ngược dòng văn hoá hiện tại, vì thế giới hôm nay dường như đã sắp đặt, ở một thời điểm nào đó, đang cản trở con người, nhất là giới trẻ, hướng về Thượng Đế. Văn hoá ấy được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là “văn hoá sự chết”, một thứ văn hoá hủy diệt mọi ý niệm về vẻ đẹp và chân lý trong tâm hồn người trẻ. Hệ thống giáo dục hôm nay đề cao ý niệm nhân bản thế tục như là những giá trị căn bản, và những giá trị căn bản thế tục ấy lại phá vỡ nếp sống đạo hạnh của chính gia đình họ. Những ý niệm nhân bản thế tục này đang thúc đẩy người trẻ vượt khỏi mọi ràng buộc thiêng liêng trong gia đình của họ.

 

Ba yếu tố cơ bản và có tầm ảnh hưởng mãnh liệt nhất đối với những người trẻ hôm nay là văn hoá chung, hệ thống giáo dục và môi trường gia đình. Là những bậc cha mẹ Công giáo, chúng ta có thể làm gì để tạo một môi trường màu mỡ cho Ơn gọi có dịp nảy nở trong tâm hồn con cái chúng ta?

1.      Cha Mẹ là người bạn tốt nhất của con cái. Để trở nên một người bạn tốt và tâm giao của con cái không phải là điều dễ dàng cho nhiều bậc cha mẹ. Chấp nhận phóng ra một nhịp cầu thông cảm là dám đón nhận một sự bẽ bàng. Con cái hoà nhập vào xã hội hiện đại nhanh hơn cha mẹ và dĩ nhiên cung cách ứng xử với người khác cũng nằm trong một phạm trù dị biệt. Vì thế, nền móng của sự tin tưởng trong tình bạn giữa cha mẹ và con cái phải đặt trên căn bản tôn trọng sự tự do của con cái. La mắng, kể công và đòi hỏi phải thế này hay thế nọ thường không đem lại kết quả tốt. Đối với con trẻ sinh ra và lớn lên trong xã hội hiện đại, tư tưởng, nếp suy nghĩ và cách hành xử của cha mẹ thường bị chúng coi là lỗi thời và cổ hủ. Là người Công giáo, chúng ta phải tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần đã và đang hoạt động trong tâm hồn con cái mình ngay sau khi chúng lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Bổn phận của chúng ta là một gương mẫu tốt cho chúng noi theo, uốn nắn chúng theo đường lối ngay thẳng, nhận thức phải trái và gieo vãi Tin mừng của Chúa Kitô vào cõi lòng non dại và thơ ngậy của chúng. Chúng ta nói với chúng về Giáo hội, về Ơn gọi phục vụ vương quốc của Chúa Kitô theo chiều hướng tích cực. Đừng chỉ trích hay phê phán một cách tiêu cực những hành vi sai trái của các linh mục, tu sĩ hay những người đang phục vụ trong Giáo hội theo chiều hướng suy nghĩ của mình, bởi chính mình, là bậc cha mẹ, đôi khi cũng chỉ phán đoán một chiều hoặc hướng theo chiều phán đoán của kẻ khác. Biết đâu kẻ chúng ta nghe theo, lại cũng một chiều hay sai lầm. Con cái chúng ta phải thấy và nghe chúng ta cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện cách quảng đại cho không chỉ riêng mình nhưng cho Giáo Hội, cho Ơn gọi, cho mọi người với tâm tình tạ ơn. Chúng ta quan tâm tới chúng từ việc học hành, sức khoẻ, những thành tích ở học đường, đoàn thể, những dự phóng tương lai, nghề nghiệp, nhưng tất cả những điều ấy chỉ là thứ yếu so với đời sống đạo đức, hạnh phúc và là một người Công Giáo gương mẫu và tốt lành.

 

2.      Tạo một nếp sống giản dị, hiếu thuận trong gia đình tùy theo điều kiện và lứa tuổi của con cái. Cha Thánh Gioan Vianney, quan thầy của các cha xứ, có lần được các bậc phụ huynh trong xứ của Ngài hỏi làm thế nào để giáo dục con cái cách tốt nhất. Ngài đã khiêm tốn trả lời rằng hãy đem các em đến với Bí tích Hoà Giải và Thánh Thể thường xuyên hơn. Với lời khuyên ngắn gọn nhưng hữu hiệu ấy, chúng ta cùng hình dung ra cách nào để hấp dẫn con cái chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà vẫn tôn trọng sự tự do của chúng. Đức Thánh Chao Phaolô VI nhấn mạnh rằng thế giới hôm nay có quá nhiều thầy dạy và người ta đã chán nghe những lời dạy bảo. Nếu người ta nghe lời dạy bảo, ấy là vì người dạy bảo chính là chứng nhân. Vì vậy, điều quan trọng là tạo cơ hội để con cái chúng ta nhận ra chính chúng ta là những người mộ đạo, những chứng nhân của Đức Kitô. Chúng phải thấy chúng ta là người năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, xưng tội, đọc Kinh Thánh, lần chuỗi, vv… Chúng phải thấy chúng ta dám hi sinh những thú vui khác để làm những công việc đẹp lòng Thiên Chúa như một ưu tiên trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta đem con cái cùng đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, và tạo cơ hội để cả gia đình cùng tham gia các công tác giáo xứ. Khuyến khích các em tham gia các phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, Fatima, ban giúp lễ, ca đoàn, hoặc giới trẻ, vv…

 

3.      Dạy cho con cái về lòng thương xót người nghèo khó và bị bỏ rơi. Thói thường, người ta đánh giá kẻ khác bằng dung mạo, chức vị và tài sản. “Xin giới thiệu với Anh Chị, đây là Ông A, Giám đốc công ty X”. “Do you know who’s that man? -Hey, he’s our six digit boss!”. Chúng ta dạy dỗ con cái đừng chiếm đoạt hay sở hữu đồ chơi một cách bất công hay đánh giá người khác bằng số lượng tài sản họ có, nhưng chúng ta dạy chúng biết chia sẻ từ đồ chơi đến cái bánh, viên kẹo và dám chấp nhận sự thiệt thòi để cảm thông với người bị thiệt thòi và bị bỏ rơi. Tùy tuổi tác của con cái, chúng ta đưa con cái đến thăm viếng kẻ đau yếu, tật nguyền như nhà thương, viện dưỡng lão, vv… Chúng ta sống và làm gương cho con cái trong cung cách cư xử với người khác như một món quà Chúa gửi đến chứ đừng như một phương tiện để lợi dụng.

 

4.      Tiêm nhiễm vào tâm hồn con cái cách thưởng thức cái hay và vẻ đẹp, dù là thiên nhiên, văn chương, âm nhạc hay nghệ thuật. Sách vở, báo chí, CDs, băng nhạc, dụng cụ âm nhạc, tác phẩm hội hoạ trong nhà, các chương trình truyền hình chúng ta cùng xem, những buổi du ngoạn, nghỉ hè, vv… là những cơ hội chúng ta có thể dùng để giải thích cho con cái về giá trị và cách thưởng thức cái hay, cái đẹp mà Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc. Chúng ta cần quan tâm đến con cái khi chúng ở nhà một mình với máy TV, computer, đặc biệt là electronic games hay internet. Những phương tiện này cần được kiểm soát vì rất dễ bị lợi dụng.

 

5.      Quan tâm đặc biệt về cách hình thành lối sống của con cái bên ngoài gia đình. Chúng ta nên mạnh bạo khuyến khích con cái đời sống chung với nhiều thành phần bạn bè. Sinh hoạt trong các hội đoàn nơi giáo xứ là cách tốt nhất để rèn luyện các em trong lãnh vực này. Chúng ta có thể hình dung ra câu nói: Không phải tất cả mọi người đến nhà thờ và tham gia sinh hoạt trong giáo xứ đều là những người hoàn hảo, nhưng nếu họ là người xấu, họ sẽ chẳng bao giờ có mặt tại những nơi này. Đời sống chung tuy ngắn ngủi trong các sinh hoạt đoàn thể nhưng sẽ giúp con cái chúng ta tiêm nhiễm tinh thần đồng đội và trách nhiệm. Ngoài ra, những chương trình sinh hoạt lành mạnh và hướng thiện, cũng như học hỏi về giáo huấn của Giáo Hội, Kinh thánh và tinh thần đạo đức do các phong trào đề ra, sẽ giúp con cái chúng ta có một cơ sở về nếp sống đạo hạnh trong tương lai. Chúng ta cũng giới thiệu cho các em các thánh và đời sống gương mẫu của các ngài và khuyến khích các em theo đòi đời sống đạo đức ấy. Chúng ta nên nhớ rằng Ơn gọi để phục vụ vương quốc của Chúa Kitô không nhất thiết phải là đời sống linh mục, tu sĩ hay tận hiến trong các dòng tu nhưng tha thiết với Giáo Hội trong các công tác tông đồ giáo dân cũng là một ơn gọi đáng quí và nên khích lệ.

 

Đây chỉ là những gợi ý cơ bản giúp chúng ta chuẩn bị khu đất tốt tại gia cho Ơn gọi. Là người Công giáo, chúng ta hãy cứ gieo vãi mầm Ơn gọi. Gieo càng nhiều càng tốt và gieo đi gieo lại cho đến khi hạt giống Ơn gọi nảy mầm và mọc lên. Cây Ơn gọi có phát sinh hoa trái hay không là do lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta. Hãy để Chúa Thánh Thần ban thêm sức sống và Giáo hội thu gặt. Nếu chúng ta ước ao dâng hiến con cái mình cho Thiên Chúa qua lời cầu nguyện hằng ngày và cẩn thận chuẩn bị chúng, Thiên Chúa sẽ nhận lời. Chúng ta cũng không quên dâng con cái mình cho Mẹ Thánh Maria. Với lời chuyển cầu của Mẹ Thánh, con cái chúng ta sẽ là những nhà truyền giáo trong thiên niên kỷ mới này.

 

 JB. Đào Ngọc Điệp

21 tháng 05, 2004


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà