PHÁ THAI:
HÀNH ÐỘNG CÓ THỂ CHẤP NHẬN ÐƯỢC KHÔNG?

Trần Việt Kim Ðài. Baldwin Park

I. SUY TƯ CÁ NHÂN VỀ QUAN NIỆM GIẾT NGƯÒI.

Trong mọi chiều hướng suy tư của nhân loại từ khi con người xuất hiện đến nay đều chứa đựng những cố gắng để bảo toàn, phát huy và thăng tiến cá nhân, gia đình, tộc họ, dòng giống vv... Các tranh chấp xẩy ra trong lịch sử đều có nền tảng trên sự sợ hãi rằng chính mình hoặc những kẻ thân thuộc của mình sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn bởi kẻ thù. Ðiều này chứng minh một thực trạng rất tự nhiên, rất con người là sự sống cá nhân đã được trân qúi và bảo vệ với bất cứ gía nào từ thuở xa xưa mà chưa cần kể tới những ràng buộc tâm linh, những luật lệ tôn giáo con người được mạc khải sau này.

Tuy nhiên, khi người chiến sĩ ra chiến trường, mục đích là hủy diệt sự sống của kẻ thù để bảo vệ sự sống cá nhân có ngược lại với thực trạng tự nhiên là trân qúi mạng sống con người không? Khi một kẻ vô luân xông vào nhà dùng cường lực uy hiếp vợ con, tôi có được phép xóa bỏ nguy cơ cho gia đình bằng cách duy nhất là giết chết kẻ vô luân đó không? Khi một ác nhân gây qúa nhiều án mạng khủng khiếp, tòa án quốc gia có quyền ra lệnh hành quyết để cứu những nạn nhân sau này không? Khi người con gái tật nguyền mang thai vì bị cưỡng dâm lúc nằm nhà thương, cô có quyền xin phá hủy bào thai đó không?

Như thế, như một con người bình thường sống trong xã hội, ngoài việc sống theo bản năng sinh tồn còn phải theo ước lệ xã hội và lương tâm, nhất là còn phải sống đúng thiên luật được mạc khải. Như một người công giáo, tôi phải quan niệm thế nào về vấn đề giết ngưòi, và tôi phải đặt vấn đề phá thai như thế nào dưới ánh sáng lương tâm và phúc âm. Hôm nay tôi chỉ xin góp ý kiến cá nhân về một trong những điểm mà tôi nghĩ là then chốt của vấn đề qúa bao la trên mà thôi. Ðó là việc phân biệt giữa chính hành động với nguyên nhân và hoàn cảnh hay hậu qủa của hành động. Tôi nghĩ rằng con người bị ràng buộc phải làm hoặc phải tránh chính hành động sao cho phù hợp với luật lương tâm và luật phúc âm, và điểm này người công giáo không thể chấp nhận việc giết người dưới bất cứ hình thức nào, vì tự nó là hành động của một tội ác bị lên án. Còn nguyên nhân và hoàn cảnh gây nên hành động là nằm trong bình diện xét đoán để thăng thưởng, giảm khinh hay kết án và luận phạt, mà việc xét đoán là thuộc hẳn về Thiên Chúa, con người không thể và không có quyền xét đoán dựa trên hoàn cảnh hay nguyên nhân bên ngoài. Như vậy khi tướng Collin Powell trả lời câu hỏi về vấn đề phá thai là : " quyết định phá thai của ngưòi đàn bà tùy thuộc lương tâm cá nhân và Ðức Chúa của riêng bà ta " tưởng như rất khôn ngoan và rất chính trị, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Sau đây là phân tích mối nguy của một hiểu lầm tôi nghĩ là vô cùng quan trọng.

II. LƯƠNG TÂM CHUNG VÀ LƯƠNG TÂM CỦA RIÊNG TÔI.

Nhắc lại câu trả lời của tướng Collin Powell là tuỳ thuộc lương tâm và Ðức Chúa của mình mà người đàn bà có quyền quyết định phá thai hay không. Câu trả lời này là kết qủa của một quan niệm tổng hợp trong khối quần chúng đông đảo tại Hoa kỳ đến nỗi cả TT Bill Clinton mới đây cũng viện dẫn luận cứ rất chính trị và mị dân này khi trả lời một câu hỏi tương tự. Ngay tự câu nói, tôi thấy rõ ràng một hiểu lầm tai hại nếu không nói là một xuyên tạc cố ý, cố tạo nên hỏa mù để thoa dịu sự khó chịu của một lương tâm tinh tuyền.

a) Khi nói : Lương tâm của mình và Ðức Chúa của mình ( my conscience and my God ) là cho rằng cá nhân mình là đúng. Nhưng chính bản thân mình được nắn theo dáng hình của xã hội bao quanh, bị ảnh hưởng của bạn bè, của trào lưu và của những kẻ mong kiếm nguồn lợi nhuận từ mua chuộc thỏa mãn nhu cầu thú tính của người khác, đã mất hẳn vẻ trong sáng thuở ban đầu. Rồi từ đó, mình tự tạo ra lương tâm theo trào lưu và Ðức Chúa theo thời đại, để rồi lại tự gạt gẫm mình rằng lương tâm và Ðức Chúa của riêng mình cho phép hay không. Ðiểm nguy hiểm là chẳng có lương tâm hay Ðức Chúa nào trong quyết định này mà chỉ có CHÍNH MÌNH, người tự tạo ra lương tâm và Ðức Chúa theo ý riêng, quyết định về một hành động có thể trái hẳn luật tự nhiên, luật nhân bản và luật mạc khải phúc âm.

b) Trái lại, nếu chấp nhận lương tâm và Ðức Chúa ( the conscience and God ) đích thực là sự thật duy nhất, thì con người phải tìm về nguồn sáng của lương tâm minh khai và giới luật của Ðức Chúa hằng sống. Phải thú nhận rằng con ngưòi rất sợ đối diện Sự Thật, không phải vì chính Sự Thật, nhưng vì hậu qủa Sự Thật áp dụng vào nếp sống con người. Một hậu qủa đem con người ra khỏi hỏa mù u ám họ đã quen chấp nhận và hưởng thụ, đến một trạng thái tươi sáng an bình nhưng có thể bị mất mặt với bạn bè, mất danh với người quen, mất việc nơi sở làm, mất nhà mất bạc và mất cả nhiều tháng ngày ăn chơi. Chính vì sợ hậu qủa mất mát này mà nhiều người đã ngủ yên trong ý hướng được che chở bởi lương tâm và Ðức Chúa họ tự tạo nên cho riêng mình, cho phù hợp sở thích cá nhân mình.

Tóm lại, tôi nghĩ cần phải phân biệt rõ ràng điều gì lương tâm tự tại và Thiên Chúa hằng sống phê chuẩn và điều gì cá nhân tôi chấp nhận rồi đặt lương tâm đã bị ảnh hưởng ngoại cảnh và Ðức Chúa theo ý mình làm bình phong trước khi quyết định, nhất là quyết định về việc phá thai. Hai anh em nhà Menendez đã bắn chết cả bố lẫn mẹ mình, và cho rằng lương tâm họ cho phép họ và bắt buộc họ làm như thế, bởi vì, theo họ, bố mẹ họ là những kẻ ăn hiếp, bắt nạt và đe dọa đến mạng sống của họ, nên họ phải giết đi vì bắt buộc chứ không vì họ muốn thế. Ðiều đó không cho phép tôi nghĩ rằng hành động của họ không phải là hành động của những kẻ sát nhân.

III. PHÁ THAI CÓ PHẢI VIỆC GIẾT NGƯỜI KHÔNG?

Trên đây tôi tự đặt cho mình nguyên tắc phải phân biệt giữa Thiên Chúa và lương tâm đích thực với Ðức Chúa và lương tâm tự tạo theo trào lưu xã hội để quyết định hành động của mình. Việc giết người tự nó là tội ác bị kết án, điều này được chấp nhận như là nguyên tắc không thể bàn cãi thêm gì. Nếu có khúc mắc trong một vụ án mạng, người ta chỉ có thể viện dẫn đến nguyên nhân, hoàn cảnh và ảnh hưởng ngoại tại cho hành động của một tội ác đặc thù mà thôi. Những chuyện này tôi sẽ xin góp ý sau này, hôm nay tôi chỉ đặt vấn đề liên quan giữa hành động phá thai và việc giết người mà thôi.

Mọi hành động của con người chỉ mang gía trị hành động đích thực mang trách nhiệm một khi có hiểu biết. Những việc xẩy ra trong giấc mơ, những ăn ngủ của trẻ thơ, những la lối của ngưòi đau đớn vì thương tích hay những đập phá của kẻ điên dại, xẩy ngoài tầm kiểm soát của lương tri đã không đủ đem lại yếu tố hiểu biết, nên cũng chẳng được coi là hành động trách nhiệm. Trái lại bất cứ việc gì mình làm và biết mình đang làm, dù thời gian biết rất ngắn như đánh chết người tấn công mình bất chợt, hoặc thời gian biết rất lâu như hoạch định chương trình giết kẻ thù làm sao không để lại dấu vết vv...luôn luôn là hành động trách nhiệm. Thấy của ngưòi khác đẹp hơn, tốt hơn rồi tìm cơ lấy mất, không phải vì thiếu, nhưng vì thèm, cũng như vì đói mà cướp giật kiếm của ăn đều là những hành động trách nhiệm. Biết mình không cần nhưng vẫn tìm cách chiếm đoạt làm kẻ thiếu may mắn hơn mình, cần thiết hơn mình mất đi cơ hội sống còn cũng như xúi bẩy, bắt buộc đứa nhỏ làm điều ác thay cho mình đều là hành động trách nhiệm.

Bây giờ tôi xin góp ý về mối liên hệ giữa phá thai và giết ngưòi. Xin đừng nhắc đến nguyên nhân, hoàn cảnh ở đây, nhưng xin nhìn thẳng vào chính hành động xem cả hai việc: phá thai và giết ngưòi có đủ yếu tố trách nhiệm, và hậu qủa của chúng có khác nhau không. Giết người là hành động có suy xét, dù cấp thời hay nghiền ngẫm, để làm lợi cho bản thân bằng cách hủy diệt sự sống của kẻ khác. Phá thai là hành động hủy diệt sự sống của một con người để làm lợi cho bản thân mình dưới bất cứ chiêu bài nào. Như thế, TỰ BẢN CHẤT HÀNH ÐỘNG không có sự khác biệt về trách nhiệm và hậu qủa, nên phải được coi là cùng một hành động. Cho nên nếu cho rằng phá thai, là phá bào thai trong bụng tôi chứ không phải người ngoài, nên không phải là giết người thì cũng như bảo rằng thụt két ngân khố quốc gia, không phải của riêng ai, nên không phải là ăn cắp và ăn ngủ với người khác không phải vợ chồng mình, vì người đó rất yêu mình, nên không phải là ngoại tình thì thật sai lầm đến nguy hiểm. Do đó, xét trên phương diện thực chất của hành động, tôi nghĩ rằng phá thai chắc chắn đủ yếu tố cấu tạo thành một hành động giết người thực sự, Còn nguyên nhân và hoàn cảnh tôi xin góp ý sau đây.

IV. NGUYÊN NHÂN VÀ HOÀN CẢNH CÓ CHO PHÉP PHÁ THAI?

Không người bình thường nào nhẫn tâm đến độ liệt kê một ngưòi ăn mày vì qúa đói phải ngấu nghiến bát cơm giật được từ tay bà nhà giầu sửa soạn cho chó bergé, ngang hàng với thằng con nhà mất dậy theo băng đảng vào cửa hàng ăn quịt, dù cả hai đều có hành động ăn giựt không trả tiền. Chính nguyên nhân của hành động đã dẫn con người đi vào con đường công bình và thương xót mà Thiên Chúa, Ðấng Công Bình và Xót Thương tuyệt đối, đã đặt để nơi lương tâm con người. Áp dụng vào vấn đề tội ác, con người ngày nay, tại đất nước này, luôn luôn dùng nguyên nhân và hoàn cảnh để biện minh cho hành động tội ác như giết ngưòi, hiếp dâm, xì ke, băng đảng...Thiết nghĩ, tội ác, tự nó, vẫn là tội ác đáng phải tránh xa và trách phạt, còn nguyên nhân và hoàn cảnh của tội ác phải bị tẩy trừ và được thay thế bằng những nguyên nhân và hoàn cảnh khiến con người thi hành việc thiện.

Riêng về vấn đề phá thai, nhiều người cho rằng có thể chấp nhận được trong ba trường hợp: cưỡng dâm, loạn luân và nguy hiểm đến sinh mạng "người mang thai" ( tôi thấy không chỉnh khi dùng chữ " người mẹ " ở đây, vì nếu bà phá thai thì không có con, nên không thể làm mẹ ). Cả ba trường hợp đều do những hoàn cảnh oan nghiệt. Tuy nhiên, cưỡng dâm và loạn luân có nguyên nhân từ tội ác cá nhân, có thể đề phòng, thay đổi, không phải từ bản chất bất di dịch nơi con người. Còn sinh mạng người mang thai chỉ bị đe dọa sẽ mất nếu không phá thai là điều không chắc chắn, không thể đánh đổi với điều một thai nhi sẽ chắc chắn phải chết khi bị phá đi. Ðây là cuộc trao đổi không công bằng và không được phép, bởi vì ngưòi mang thai có trách nhiệm về hành động của mình lại được thêm một cơ hội để vui chơi, trong khi thai nhi không có trách nhiệm gì lại bị tước đoạt cách dã man cơ hội làm ngưòi duy nhất của mình. Ngoài ra, phá thai còn là tội ác của ý thức xã hội, điều mà xã hội cũng như luật pháp chấp nhận để tránh cho mình trách nhiệm, những khó khăn khi phải duy trì và tôn vinh ý thức lương tri, điều có thể khiến nhiều người thấy khó chịu trong việc kiếm tìm hoan lạc hư ảo thế trần trong cuộc sống.

Hơn nữa, là người Công giáo, tôi còn chấp hành thiên lệnh của Thiên Chúa qua Lời của Ngài trong Sách Thánh, thi hành giáo lệnh của Ngài qua Giáo huấn của Giáo hội, nên tôi không thể để nguyên nhân và hoàn cảnh thay đổi nguyên tắc của tội ác, nhưng phải làm sao thay đổi nguyên nhân và hoàn cảnh để bảo vệ nguyên tắc. Tuy nhiên, xin đừng ai cho rằng nguyên nhân và hoàn cảnh không có ảnh hưởng gì trên tội ác, trái lại, chính chúng sẽ chứng minh sự công minh của Thiên Chúa, Ðấng sẽ phán xét mọi sự. Còn tôi, con ngưòi hèn kém, chỉ dám nêu lên những suy tư nhỏ mọn của một người giáo dân luôn cố gắng tuân hành mọi giáo huấn của Giáo hội mà thôi.

Trích Bản Tin Tiến Bước, Tháng 11/1998, Phong Trào Cursillo Tổng Giáo Phận Los Angeles.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà