NGUỒN GỐC LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊ-SU (14-9)

 

Hằng năm chúng ta cử hành Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su, được phụng vụ của Hội Thánh quy định là lễ kính, vào ngày 14 tháng Chín.

Theo truyền thuyết, cây thánh giá của Chúa Giê-su đã được bà thánh Hê-lê-na (255-328, lễ kính ngày 18-8), mẹ của hoàng đế Công-tăng-ti-nô I (288-337) tìm được và dựng lại tại nơi Chúa Giê-su đã bị đóng đinh, tức là trên đồi Can-va-ri-ô, vào khoảng cuối thập niên thứ hai của thế kỷ IV.

Để ngăn cấm các Ki-tô hữu đến viếng mộ Chúa Giê-su và nơi Chúa chịu đóng đinh, vào năm 135, hoàng đế La-mã đã cho dựng đền Capitole với các bàn thờ kính thần Jupiter và thần Vénus bao trùm hết các nơi thánh. Sau khi trở thành Ki-tô hữu, hoàng đế Công-tăng-ti-nô I đã phá đền thờ Capitole và thay thế bằng những đền thờ Ki-tô giáo (nổi tiếng nhất là Vương cung thánh đường Anastasis, kính nhớ việc Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông).

Các đền thờ này được cung hiến ngày 13 tháng Chín năm 335. Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su ngày 14 tháng Chín được lập ra để kỷ niệm ngày cung hiến đó.

 

Trên đây là nguồn gốc Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su được Bách khoa từ điển Quid 1998 nêu lên ở trang 477. Còn có một nguồn gốc khác, xin được giới thiệu thêm sau đây, được ghi lại theo sách “Theo vết chân Ngài” (tập 3, trang 145-147):

Vào thế kỷ VII, vua Ba-tư là Khosroês đã chiếm thánh địa Giê-ru-xa-lem, và chuyển về vương quyền của mình cây thánh giá đã được bà thánh Hê-lê-na tìm lại được và dựng trên đồi Can-va-ri-ô. Hoàng đế Hê-ra-cơ-li-ô I (La-mã Đông phương, 610-641) sau mười bốn năm vừa thương thuyết vừa giao chiến với vua Ba-tư, đã lấy lại được cây thánh giá và rước về kinh đô (phương Đông) là Constantinople, rồi một năm sau đưa trả lại chỗ cũ.

Khi tới Giê-ru-xa-lem, hoàng đế đích thân vác thánh giá trên vai tiến tới nhà thờ trên đồi Can-va-ri-ô. Nhưng trong khi đang tiến lên giữa bầu khí thinh lặng đầy cung kính, thì bỗng hoàng đế cảm thấy không thể bước đi được nữa. Ngài bày tỏ nỗi kinh ngạc với vị thượng tế Da-ca-ri-a đi bên cạnh. Vị thượng tế thưa: “Hoàng thượng mặc cẩm bào trong khi Chúa Giê-su ăn mặc nghèo khó đã rảo qua các đường phố của thành này để tiến tới lễ hy sinh; Hoàng thượng đầu đội triều thiên vinh quang trong khi Ngài phải đội mão gai ô nhục; Hoàng thượng đi giày trong khi Ngài phải lê bước chân không...” Nghe vậy, hoàng đế liền cởi bỏ phẩm phục sang trọng, bỏ giày, bỏ mũ, và tiếp tục vác thánh giá lên đỉnh núi Sọ một cách dễ dàng.

Biến cố lạ lùng này là nguồn gốc của Lễ suy tôn thánh giá Chúa Giê-su ngày nay.

 

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con thờ lạy Chúa,
chúng con chúc tụng Ngài,
vì Ngài đã dùng cây thánh giá mà cứu chuộc thế gian.

 

11-9-2003

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà