SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN

 

Dịp Lễ Thánh Cả Giu-se

19.3.2004

 

 

1.      Thánh Giu-se, Đấng bảo trợ Giáo hội Việt Nam

 

1.1    Lời Chúa : Mt 2, 19-23

Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng : “Này ông, dậy đem Hài nhi và Mẹ Người về đất It-ra-en, vì những người tìm giết Hài nhi đã chết rồi”. Ông liền chỗi dậy, đem Hài nhi và Mẹ Người về đất It-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ac-khê-lao đã kế vị vua cha Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê và đến ở một thành kia gọi là Na-da-ret, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng “Người sẽ được gọi là người Na-da-ret”.

 

1.2    Suy niệm  : Thánh Mat-thêu vừa cho chúng ta thấy một trong những cảnh gian nan thử thách mà Thánh Giu-se phải gánh chịu trong những năm đầu của cuộc sống gia đình. Nhưng vì Ngài là người luôn âm thầm chịu đựng và tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa, hơn nữa Ngài đang mang một trách nhiệm lớn lao là nuôi dưỡng và bảo vệ Con Thiên Chúa, chính điều đó đã giúp Ngài thêm can đảm, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

 

Bối cảnh của lịch sử Giáo hội Việt Nam thuở sơ khai cũng cho chúng ta thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đã giúp các nhà truyền giáo vượt qua gian nan thử thách như thế nào. Và cũng chính Thánh Giu-se là người được Thiên Chúa dùng để thực hiện sự quan phòng đó. Qua biến cố thoát chết giữa phong ba bão táp nơi biển khơi, ngày lễ Thánh Giu-se 19.3.1627, hai nhà truyền giáo dòng Tên, cha Đắc-lộ và cha Marquez, đã tin rằng Thánh Cả đã che chở các ngài và các ngài đã dâng vùng đất mà các ngài mới đặt chân lên cũng như đã dâng công cuộc truyền giáo trên vùng đất ấy cho Thánh Cả. 33 năm sau, khi triệu tập công đồng Dinh-Hiến ngày 14.02.1670, Đức cha Phê-rô Ma-ri-a Lambert de la Motte cũng đã nhận Thánh Giu-se làm Bổn mạng xứ truyền giáo Việt Nam. Trong ngày nhận Giáo Phận, 19/3/1975, nhằm ngày lễ Thánh Giuse, Đức Cha Cố Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm đã cầu xin Thánh Cả phù trợ và gìn giữ  Giáo phận Đàlạt. Rồi năm sau, vào ngày lễ Thánh Giuse, Ngài đã dâng Giáo Phận cho Thánh Giuse chăm sóc.

 

1.3    Cầu nguyện  : Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao nhiêu ơn lành Chúa đã tuôn đổ trên Giáo hội Việt Nam và trên giáo phận Đàlạt chúng con, nhờ sự cầu bầu, che chở của Thánh Cả Giu-se – chúng con luôn tin tưởng vững bước và hy vọng vào tương lai. Xin cho chúng con tiếp tục được sự phù trợ của Ngài, cách đặc biệt trong Năm Thánh Truyền Giáo này, để chúng con trở nên khí cụ của Chúa, đem Tin Mừng cho mọi người anh em bằng một đời sống thấm nhuần tinh thần Phúc âm, làm  cho mọi người nhận ra Chúa chính là Đấng cứu độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. A-men.

 

1.4    Hát  : Con mong, ôi Giê-su ! TTTC tr. 58 – câu 1

        (hoặc một bài khác thích hợp)

 

2.      Thánh Giu-se, người tín hữu gương mẫu.

 

2.1    Lời Chúa : Lc. 2, 23-24

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

 

2.2    Suy niệm : Chữ “luật” được thánh sử Lu-ca nhắc đi nhắc lại 3 lần trong 3 câu kinh thánh ngắn ngủi, như muốn nói lên rằng, mặc dù Thánh Giu-se, vị gia trưởng của thánh gia Na-da-ret, đã được mặc khải về nguồn gốc của Hài nhi Giê-su mà Ngài được chọn làm cha nuôi, Ngài vẫn một dạ trung thành với lề luật của đạo Do-thái, luật mà Ngài biết là đã được ban bố cho con người chứ không phải cho chính Thiên Chúa.

Khi đã về ở Na-da-ret, thánh nhân vẫn tiếp tục quản lý thánh gia trong khuôn khổ của lề luật, như việc hàng năm Ngài đưa vợ con hành hương Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua. Hài nhi Giê-su lớn lên và trưởng thành, không những đã học biết các điều sách luật dạy mà còn học được tinh thần yêu mến lề luật theo gương cha nuôi của mình. Mặc dầu khi sắp từ giã thế gian, Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ một giới răn mới và duy nhất là giới răn yêu thương  : “Đây là điều răn của Thầy; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em” (Ga. 15,12), nhưng Người đã tuyên bố một cách quả quyết rằng  : “Thầy đến không phải để bãi bỏ (lề luật Mô-sê và lời các ngôn sứ) nhưng là để kiện toàn” (Mt. 5,17). Kiện toàn bằng cách nào? Chắc hẳn Người đã học được với cha nuôi của mình cách thức kiện toàn lề luật của Thiên Chúa bằng tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với đồng loại, như Người đã có lần nói  : “Ngày Sa-bat (hay lề luật) được làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sa-bat” (Mc. 2,27)

 

2.3    Cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa, Chúa đã chấp nhận sống dưới chế độ lề luật của đạo cha ông từ khi còn là thai nhi trong lòng Đức Trinh nữ Ma-ri-a đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Đặc biệt trong gần 30 năm sống tại Na-da-ret, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, bên cạnh Thánh Giu-se, chắc hẳn Chúa đã được hướng dẫn rồi sau đó noi gương người cha nuôi thánh thiện của Chúa, để trung thành giữ những gì được ghi chép trong sách luật của đạo. Xin Chúa cho các bậc làm cha mẹ, cũng như những vị lãnh đạo cộng đoàn, biết noi gương Thánh Giu-se, thực thi luật pháp của đạo thánh Chúa, cách riêng luật yêu thương được thể hiện bằng tấm lòng quảng đại bao dung đối với đồng loại của mình. Ngoài việc Ngài là Đấng bảo trợ đầy uy quyền, Hội thánh toàn cầu cũng như Hội thánh Việt Nam, rồi Giáo phận chúng con, giới gia trưởng chúng con, và bản thân mỗi người chúng con, khi nhận Ngài làm Bổn mạng, còn muốn chạy đến với Ngài như gương mẫu người tín hữu hoàn hảo. Hôm nay, trước nhan thánh Chúa, chúng con xin Ngài chuyển cầu cho chúng con bên cạnh Chúa, để chúng con luôn được Ngài phù trì dẫn dắt trong cuộc sống trần gian đang nhiều cám dỗ làm chúng con dễ đi sai đường lối Chúa, dễ phạm tội nghịch với lề luật của Chúa. A-men.

 

2.4    Hát  : Con mong, ôi Giê-su ! TTTC tr.58 – câu 3

         (hoặc một bài khác thích hợp)

 

3.      Thánh Giu-se, Đấng cộng tác vào ơn cứu chuộc.

 

3.1    Lời Chúa  : Ga. 6, 41-42

Người Do-thái xì xầm phản đối bởi vì Đức Giê-su đã nói  : “Tôi là bánh từ trời xuống”. Họ nói  : “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói  : Tôi từ trời xuống?”.

 

3.2    Suy niệm : Có lẽ đây là lần duy nhất Thánh Giu-se được nhắc đến trên bước đường 3 năm rao giảng của Chúa Giê-su. Câu 42 chương 6 của Tin mừng theo Thánh Gioan được trích dẫn trên đây cho thấy sự tương phản rạch ròi giữa nhân tính và thiên tính của Chúa Giê-su : Đức Giê-su là con của ông Giu-se và Đức Giê-su, là bánh từ trời. Quan hệ tương phản này, ngoài việc xác định bản tính Thiên Chúa của Đức Giê-su, còn cho thấy địa vị hết sức cao trọng của Thánh Giu-se trong công cuộc cứu thế của Chúa Giê-su, dù Ngài rất khiêm tốn, có vẻ lu mờ và ít được nhắc tới.

Thật vậy, địa vị trần gian của thánh Giu-se rất khiêm tốn và thấp hèn. Tuy thuộc dòng tộc Đa-vít, nhưng đến thời La-mã đô hộ này, Giu-se chỉ là người thợ mộc, một người lao động, làm chủ một gia đình bé nhỏ, khó nghèo ở Na-da-ret, là chồng của bà Ma-ri-a, là cha của Đức Giê-su.

Nhưng trên bình diện Nước trời, vượt khỏi ngưỡng trần gian, ngay từ ngày chấp nhận đón Đúc Ma-ri-a về ở với mình, thánh Giu-se đã có một vị trí khác hết sức cao trọng trong chương trình cứu độ của Chúa Giê-su. Nếu như thánh Giu-se đã không chấp nhận Đúc Ma-ri-a và hài nhi bà đang cưu mang, thì sự thể sẽ ra sao? Có thể nói thánh Giu-se đã cùng Đứùc Ma-ri-a cộng tác trong chương trình cứu độ. Nếu Eva xưa ăn trái cấm đã kéo A-đam vào con đường tội lỗi và sự chết, thì thánh Giu-se, khi chấp nhận Đức Ma-ri-a, cũng đã âm thầm thốt lên hai tiếng “Xin vâng”.

 

3.3    Cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, giờ đây chúng con rất hạnh phúc được quỳ gối thờ lạy Chúa. Những người Do-thái xưa không nhận ra Chúa khi Chúa nói : “Ta là bánh từ trời xuống”. Nhưng chúng con giờ đây tin thật Chúa đang ẩn mình trong bánh thánh, đang ở gần, ở giữa chúng con.

Và trong không gian tràn ngập yêu thương này, chúng con được chiêm ngắm khuôn mặt đẹp đẽ lạ thường của Thánh Cả Giu-se, người cha nuôi của Chúa ngày xưa. Chúng con ca ngợi Thánh Cả đã âm thầm “Xin vâng” để chương trình cứu độ của Chúa được thực hiện. Xin cho chúng con, cách riêng những người làm cha gia đình, biết bắt chước Thánh Giu-se, luôn nói “Xin vâng” trong cuộc sống để góp phần vào việc loan báo Tin Mừng. Chúng con thật bất xứng, nhưng ơn cứu độ của Chúa, cùng với lời chuyển cầu của Thánh Giu-se, sẽ biến đổi những hy sinh nhỏ bé của chúng con thành công phúc trước mặt Chúa Cha.

 

Năm nay đối với Giáo hội Việt nam chúng con là Năm thánh Truyền giáo, xin Chúa mở lòng mọi tín hữu trên đất nước chúng con biết tận dụng những tháng ngày quý báu của Năm thánh để mở mang nước Chúa.

 

Nhờ lời cầu bàu của Thánh Cả Giu-se, Bổn mạng của Giáo hội Việt Nam, của Giáo phận Đàlạt, của mọi người cha, cha thiêng liêng cũng như cha trần thế, xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Đức Cha Phê-rô, cho cha Tổng đại diện, cho các cha quản xứ, cho các linh mục, tu sĩ và cho mọi người tín hữu trong Giáo phận Đàlạt chúng con, để tất cả mọi thành phần dân Chúa, theo hoàn cảnh và khả năng của mình, làm cho hạt giống Tin Mừng đơm hoa kết trái sung mãn. A-men.

 

3.4    Hát : Con mong, ôi Giê-su ! TTTC tr.58 – câu 2

              (hoặc một bài khác thích hợp)

 

 

Nhóm G.Đ .T.  thực hiện.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà