Vấn Đề Sự Dữ
Làm Sao Một Thiên Chúa Tốt Lành Lại Chấp Nhận Sự Dữ?

Rick Rood
Nguyễn Việt Hữu dịch

Vấn Đề Sự Dữ - Vào đề

        John Stott đã nói rằng "sự kiện về đau khổ rõ ràng gây nên một thử thách lớn nhất cho đức tin người Kitô hữu." Đúng vậy, không có trở ngại nào cho đức tin lớn hơn là thực tại về sự dữ và đau khổ trên đời này. Thật ra, ngay đối với người Kitô hữu, không có thử thách đức tin nào lớn hơn điều này: là Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, lại để chúng ta phải chịu đau khổ trong những lúc vô cùng khốn khó. Và trong thời đại chúng ta, con người càng thêm vỡ mộng vì những hy vọng hão huyền về hạnh phúc và thịnh vượng là những gì một số đông giáo sư Kitô hữu vẫn chủ trương. Tại sao một Thiên Chúa tốt lành lại chấp nhận cho tạo vật của Ngài, và ngay cả con cái của Ngài phải chịu đau khổ như vậy? Trước hết, điều quan trọng là phải phân biệt hai loại sự dữ: sự dữ luân lý sự dữ tự nhiên. Sự dữ luân lý là do những hành động có ý thức tự do của con người; thí dụ như giết người, hãm hiếp và ăn trộm. Còn sự dữ tự nhiên là hậu quả của những chuyển biến thiên nhiên như động đất và lũ lụt. Dĩ nhiên, đôi lúc lại pha lẫn cả hai, thí dụ lũ lụt làm chết người là vì không chuẩn bị kỹ càng hoặc xây nhà cách cẩu thả.

        Điều quan trọng nữa là phải nhận ra hai phương diện của vấn đề sự dữ và đau khổ. Thứ nhất là về phương diện triết học hay hộ giáo. Đây là vấn đề sự dữ theo quan điểm của những người hoài nghi. Họ không chấp nhận có Thiên Chúa, vì nếu Ngài hiện hữu thì Ngài không thể chấp nhận để cho đau khổ xảy ra. Để trả lời biện luận này, ta phải sử dụng luận lý và bằng chứng để "trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1 Pr 3:15).

        Thứ hai là về phương diện tôn giáo hay cảm xúc của vấn đề sự dữ. Đây là vấn đề sự dữ theo quan điểm của tín hữu đang bị thử thách nặng nề về đức tin. Làm sao tôi có thể yêu và tôn thờ Thiên Chúa khi Ngài để tôi phải chịu đau khổ như vậy? Để hiểu rõ vấn nạn này, ta phải dựa vào chân lý đã được Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh. Chúng tôi sẽ phân tích cả hai phương diện của vấn đề sự dữ trong bài này.

        Cũng rất hữu ích nếu chúng ta phân biệt hai phương diện triết học và hộ giáo về vấn đề sự dữ. Phương diện triết học, đó là lý luận làm lung lay niềm tin vào Thiên Chúa. Lý luận này nói rằng thật là vô lý và bất khả nếu chúng ta tin sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng và tốt lành lại được xây dựng trên căn bản hiện hữu của sự dữ ở đời này. Lý luận này thường được trình bày bằng một khẳng định, thí dụ:

1. Nếu có một Thiên Chúa tốt lành, thì Ngài phải tiêu diệt sự dữ.

2. Nếu có một Thiên Chúa toàn năng, thì Ngài sẽ tiêu diệt được sự dữ.

3. Thế mà sự dữ vẫn chưa bị tiêu diệt.

4. Cho nên không thể có một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng nào cả.

Do đó, theo luận lý, không thể tin được rằng cả sự dữ lẫn Thiên Chúa tốt lành và toàn năng lại có thể cùng tồn tại, bởi vì một Thiên Chúa như thế chắc chắn phải và có thể tiêu diệt sự dữ.

Đàng khác, lý luận dựa trên bằng chứng thì chủ trương rằng: cho dù theo luận lý người ta có thể tin Thiên Chúa hiện hữu đi nữa, thì việc Ngài thực sự hiện hữu cũng là hết sức cái nhiên. Chúng ta có bằng chứng về rất nhiều sự dữ xảy ra một cách vô nghĩa và kinh khủng đáng sợ. Vậy đâu là lý do chính đáng có thể biện minh cho việc một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng như thế lại để cho đủ mọi thứ sự dữ xảy ra chung quanh chúng ta?

Những vấn đề này tự bản chất đều vô cùng quan trọng, không chỉ để chúng ta tìm cách bảo vệ niềm tin của mình vào Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn để chúng ta biết sống xứng đáng đời sống Kitô hữu của mình nữa.

Vấn nạn biện chứng về sự dữ

          Chúng ta đã ghi nhận có hai phương diện của vấn đề sự dữ: triết học hay hộ giáo, và tôn giáo hay cảm xúc. Chúng ta cũng nói rằng trong phương diện triết học có hai thứ vấn nạn lung lạc đức tin vào Thiên Chúa: biện chứng và bằng chứng.

David Hume, một triết gia thế kỷ 18, khi đặt câu hỏi về Thiên Chúa, ông đã lập luận vấn đề sự dữ như sau: "Có phải Thiên Chúa muốn ngăn cản sự dữ, nhưng không làm được? Vậy thì Ngài bất lực. Có phải Ngài có thể ngăn cản, nhưng không muốn làm? Vậy thì Ngài ác tâm. Có phải Ngài vừa có khả năng vừa muốn ngăn cản sự dữ? Vậy thì sự dữ bởi đâu?" (Craig, 80). Những người hoài nghi chống lại niềm tin vào Thiên Chúa, dựa trên căn bản vấn nạn biện chứng về sự dữ, đã phát biểu rằng: thật là phi lý hoặc không thể tin được một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng lại hiện hữu cùng một lúc với thực tại sự dữ và đau khổ. Vì một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng như thế không thể chấp nhận cho sự dữ tồn tại được.

        Điểm then chốt để giải đáp vấn nạn hiển nhiên này là phải nhìn nhận rằng khi nói Thiên Chúa là Đấng toàn năng, chúng ta không có ý nói rằng Ngài có khả năng làm bất cứ điều gì ta có thể tưởng tượng ra được. Đúng vậy, Kinh Thánh khẳng định rằng "đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được" (Mt. 19:26). Tuy nhiên Kinh Thánh cũng khẳng định rằng có một số điều Thiên Chúa không thể làm. Thí dụ, Thiên Chúa không thể nói dối (Tt 1:2). Thiên Chúa không thể bị cám dỗ phạm tội, và Người cũng không cám dỗ ai phạm tội (Gc 1:13). Nói cách khác, Ngài không thể làm bất cứ gì "ngược lại" với bản chất công chính của Ngài. Ngài cũng không thể làm bất cứ gì trái với bản chất hợp lý của Ngài trong một thế giới trọng lý lẽ. Chắc chắn ngay cả Thiên Chúa cũng không thể "xóa bỏ những gì Ngài đã làm," hoặc tạo dựng một tam-giác-hình-vuông, hoặc thi hành một sự-thật-giả-dối. Ngài không thể làm những gì là phi lý hay vô ý nghĩa.

        Và dựa vào căn bản trên, chúng ta kết luận rằng Thiên Chúa không thể loại trừ sự dữ mà đồng thời lại không làm cho nó trở nên vô hiệu đối với sự hoàn thành những mục đích quan trọng khác của Ngài. Chắc chắn với Thiên Chúa, khi con người được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, có khả năng nuôi dưỡng một quan hệ riêng với Ngài, thì con người ấy phải là tạo vật có khả năng yêu Ngài một cách tự do và không bị cưỡng ép phải làm theo thánh ý Ngài. Tình yêu và vâng lời dựa trên bất cứ nền tảng nào khác sẽ không phải là tình yêu và vâng lời đích thực, mà là sự khúm núm có mục đích. Nhưng tạo vật có tự do để yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải có tự do để ghét hay không để ý đến Ngài. Tạo vật có tự do để làm theo ý Thiên Chúa thì cũng phải có tự do để từ chối ý Ngài. Vậy khi loài người hành động ngược lại ý Thiên Chúa, thì hậu quả sẽ là sự ác và đau khổ. Cách suy tư này được gọi là "sử dụng ý chí tự do để biện minh" khi đề cập đến vấn đề sự dữ.

        Nhưng còn về sự dữ tự nhiên thì sao - sự dữ xảy ra do những chuyển biến thiên nhiên như động đất, lũ lụt và bệnh tật? Điểm quan trọng đầu tiên ở đây là phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đã sa ngã, và chúng ta phải chịu những thiên tai đáng lẽ sẽ không xảy ra nếu con người đừng ngoan cố chống lại Thiên Chúa. Tuy thế, thật khó mà tưởng tượng được làm sao chúng ta có thể hành động như những tạo vật tự do trong một thế giới rất khác biệt với thế giới của chính mình, một thế giới trong đó những chuyển biến thiên nhiên cho phép chúng ta tiên đoán chỉ đúng một phần nào về những hậu quả do chúng ta chọn lựa hay hành động. Chúng ta thử lấy thí dụ luật về trọng lượng. Đây là một quy trình thiên nhiên, không có nó chúng ta không thể sinh hoạt như con người được. Tuy nhiên trong một số trường hợp, trọng lượng cũng có thể gây ra tai hại rất lớn. Chắc chắn Thiên Chúa có thể tiêu diệt sự dữ - nhưng lại không thể không tiêu diệt tự do của con người, hoặc không thể không tiêu diệt một thế giới trong đó những tạo vật tự do có thể hành động. Và hầu hết chúng ta đều đồng ý cách suy luận này sẽ giải đáp thỏa đáng cho vấn nạn biện chứng về vấn đề sự dữ.

Vấn nạn bằng chứng về sự dữ

        Trong khi hầu hết đồng ý rằng lòng tin vào một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng là hợp lý theo lý trí, thì nhiều người lại chủ trương rằng sự hiện hữu của một Thiên Chúa như thế là không thể có được vì căn cứ vào bản chất của sự dữ mà chúng ta thấy trong thế giới của mình. Họ kết luận rằng nếu thực có một Thiên Chúa như thế, thì thế nào Ngài cũng sẽ không để cho sự dữ xảy ra thật nhiều và thật khủng khiếp trong thế giới của chúng ta như vậy. Sự dữ xảy ra ấy lại thường không có mục đích gì cả.

        Vấn nạn này không coi nhẹ được, vì rõ ràng trong thế giới chúng ta đầy dẫy những sự dữ thật khủng khiếp mà nhiều khi thật khó hiểu được những sự dữ ấy xảy ra để làm gì. Tuy nhiên, dù khó hiểu được vấn đề sự dữ trên phương diện này, nhưng nếu suy nghĩ kỹ càng chúng ta sẽ có những giải đáp hợp lý cho vấn nạn này.

        Chắc chắn chúng ta khó hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chấp nhận cho một số sự việc xảy ra. Lý do đơn giản là vì chúng ta thấy khó tưởng tượng ra đâu là những lý do Thiên Chúa cho phép những việc ấy xảy ra. Điều ấy không có nghĩa là Ngài chẳng có lý do nào cả. Rất có thể những lý do đó không chỉ ở ngoài tầm hiểu biết hiện tại của chúng ta, mà còn ở ngoài khả năng hiểu biết hiện có của chúng ta nữa. Một đứa trẻ không phải lúc nào cũng hiểu rõ hết những lý do tại sao cha nó cho phép hoặc không cho phép nó làm. Không thực tế chút nào nếu ta cứ mong hiểu được những lý do tại sao Thiên Chúa thực hiện những công việc của Người. Chúng ta không hiểu rõ rất nhiều sự việc về thế giới chúng ta đang sống - thí dụ những gì thuộc về công sức của trọng lượng, hoặc chức năng đích thực của những hạt hạ-nguyên-tử. Vậy mà chúng ta vẫn tin vào những thực tại vật lý ấy.

        Tuy nhiên ngoài điều này ra, chúng ta có thể đưa ra một vài lý do tại sao Thiên Chúa để cho một số sự dữ khủng khiếp tồn tại trong thế giới chúng ta đang sống. Có lẽ có những người chẳng bao giờ cảm nhận được mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa nếu họ không có những kinh nghiệm thật đau đớn trong cuộc sống (Tv 119:71). Có lẽ có những mục đích Thiên Chúa muốn thấy nơi những thụ tạo thiêng liêng là thiên thần hoặc ma quỷ, thì cũng có những mục đích Ngài muốn thấy nơi thụ tạo con người qua một số việc làm của chúng ta (Gióp 1-2). Có thể những đau khổ chúng ta gặp trong cuộc sống này là để chuẩn bị cho chúng ta được sống cuộc sống mai sau (2 Cr 4:16-18). Dù không có mặc khải Kinh Thánh, thì những lý lẽ trên cũng đủ để bênh vực cho việc Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra. Và bất cứ giá nào, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng trên thế gian điều tốt có nhiều hơn là sự dữ - ít nhất cũng tốt đủ để làm cho cuộc sống chúng ta trở nên đáng sống.

        Để trả lời vấn nạn về lòng tin nơi Thiên Chúa bị lung lạc vì thấy sự dữ trên thế gian quá nhiều và chẳng có lý do, chúng ta cũng phải kể đến những bằng chứng tích cực nói lên sự hiện hữu của Thiên Chúa: bằng chứng về cách tạo dựng của Ngài trong thiên nhiên, bằng chứng lịch sử về tính cách đáng tin cậy của Kinh Thánh và của việc Đức Giêsu Kitô phục sinh. Nhờ toàn bộ chứng cớ ấy soi sáng, chắc chắn có thể nói là Thiên Chúa có đủ lý do để cho phép biết bao sự dữ xảy ra trên thế gian... hoặc cũng có thể nói là chắc chắn có những lý do như thế.

Vấn nạn tôn giáo về sự dữ - Phần I

        Nhưng vấn nạn về hiện hữu của sự dữ và đau khổ trong thế giới không chỉ là một vấn nạn biện chứng hoặc bằng chứng, mà còn là một vấn nạn có tính cách tôn giáo hoặc cảm xúc thuộc phạm vi cá nhân đối với những ai đang chịu thử thách thật lớn lao. Cho dù những đau đớn chúng ta phải chịu có thể không làm chúng ta mất niềm tin có Thiên Chúa, nhưng nó cũng có thể làm nguy hại đến sự tín thác của chúng ta nơi Thiên Chúa, Đấng chúng ta được tự do tôn thờ yêu mến và cảm thấy được an vui trong tình yêu của Ngài. Nguy hại hơn nữa có thể xảy ra là khi cần phải giúp đỡ một anh/chị em đang gặp đau khổ, chúng ta chỉ lay hoay với mớ kiến thức về vấn đề này, hoặc khi chúng ta cứ cố tìm sự an ủi cho chính mình theo phương thức ấy. Nhưng quan trọng hơn cả những câu trả lời về bản tính của Thiên Chúa, đó là mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa - ngay trong chính cơn thử thách. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, nên những gì chúng ta nói về Thiên Chúa có lẽ không quan trọng bằng những gì chúng ta làm để nói lên tình yêu của Ngài.

        Trước tiên, rõ ràng trong Kinh Thánh khi chúng ta bị đau khổ thì cảm xúc đau đớn là lẽ tự nhiên, hoặc biểu lộ nỗi đau khổ của mình ra không có nghĩa là không có lòng thánh thiện. Thí dụ điển hình là những Thánh vịnh than khóc cũng rất nhiều như những Thánh vịnh ngợi khen và cảm tạ, hai thứ tâm tình ấy còn xen lẫn với nhau ở nhiều nơi trong sách Thánh Vịnh nữa (Tv 13, Tv 88). Thực ra, tác giả Thánh vịnh khuyến khích chúng ta hãy "thổ lộ tâm can mình trước nhan Thiên Chúa" (Tv. 62:9). Làm như thế, chúng ta được bảo đảm Thiên Chúa sẽ thấu hiểu đau đớn của chúng ta. Chính Đức Giê-su đã cảm nhận sâu xa nỗi đau đớn của cuộc sống. Sách Tin Mừng đã viết rõ là khi Gioan Tiền Hô bị chém đầu, thì "Đức Giêsu đã ra đi đến một nơi hiu quạnh" để khóc thương sự ra đi của ông (Mt 14:13). Rồi khi anh bạn La-da-rô qua đời, sách Tin Mừng còn ghi lại rằng mọi người đều thấy Đức Giê-su đã khóc trước mộ của anh (Ga 11:35). Mặc dù đã chấp nhập thi hành theo ý Chúa Cha cho đến chết trên thập giá, Ngài vẫn thú nhận là tâm hồn đang tràn đầy phiền muộn khi nghĩ đến cái chết (Mt 26:38). Không phải là vô lý khi gọi Chúa Giêsu là "một người buồn rầu và thấu hiểu được nỗi lo buồn" (Is 53:3); và chúng ta theo bước chân Ngài nếu thành thực nhìn nhận nỗi đau đớn của chính mình.

Tuy nhiên, từ buồn phiền chúng ta sẽ bước qua ranh giới tội lỗi nếu chúng ta để cho nỗi buồn phiền ấy dập tắt đức tin vào Thiên Chúa nơi chúng ta, hoặc nghe theo lời khuyên của vợ ông Gióp khuyên ông là " hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!" (Gióp 2:9).

        Thứ đến, khi chấp nhận đau khổ, chúng ta nên tìm lấy niềm an ủi qua suy niệm Kinh Thánh. Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa thấu suốt và chăm sóc cho hoàn cảnh của chúng ta, và Ngài hứa sẽ ở với chúng ta để an ủi và gìn giữ chúng ta. Thực vậy, tác giả Thánh vịnh bảo chúng ta rằng "Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ" (Tv 34:19), và khi chúng ta phải đi qua "thung lũng của bóng tối sự chết" thì có Chúa hứa ở cùng chúng ta (Tv 23:4). Thiên Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Isaia rằng: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Is 49:15). Ngài lưu tâm đến chúng ta hơn cả người mẹ lo lắng cho con thơ! Chính Ngài là Đấng chúng ta biết như "Thiên Chúa của mọi niềm an ủi và Cha hay thương xót" theo lời thánh Phê-rô khi ngài mời gọi chúng ta hãy trút mọi nỗi lo sợ cho Thiên Chúa, "vì Người chăm sóc anh em" (1 Pr 5:7). Quan tâm đến chúng ta chính là mối lo lắng của riêng Ngài!

Vấn nạn tôn giáo về sự dữ - Phần II

        Chúng ta đã nói rằng khi chịu đau khổ thì cảm thấy đau đớn là lẽ thường, hoặc biểu lộ đau đớn không phải là không có lòng thánh thiện. Nhưng chúng ta cũng nói rằng khi bị đau khổ, chúng ta phải mau mắn nghĩ đến bản chất của Thiên Chúa và lời hứa Ngài đã hứa với những ai đang phải chịu cơn thử thách lớn lao. Giờ đây, chúng ta muốn chú tâm đến một trong những chân lý của Lời Chúa: ngay cả trong cơn thử thách khắc nghiệt, "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người" (Rm 8:28). Điều này không có nghĩa rằng một cách nào đó sự dữ là điều tốt; nhưng có nghĩa là chúng ta phải nhận ra ngay từ những gì là sự dữ, thì Thiên Chúa vẫn có thể đưa cuộc sống chúng ta đến những mục đích tốt lành của Ngài.

        Ông Giuse là một chứng cớ cho chúng ta thấy ông đã lãnh hội được chân lý này sau nhiều năm chịu những đau khổ âm thầm vì sự phản bội của các anh mình. Ông đã nói với họ: "Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt" (St 50:20). Dù Thiên Chúa không chủ động việc các anh ông phản bội ông, nhưng Ngài đã dùng việc ấy để thực hiện những ý định của Ngài trong tương lai.

        Đây là hy vọng thật lớn lao của chúng ta giữa những đau khổ, một hy vọng chúng ta không hiểu được: Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành chống lại chính sự dữ ấy. Chính nhờ chân lý này, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui ngay cả lúc chúng ta đang ở giữa những buồn sầu và đau đớn. Thánh Phao-lô Tông đồ đã diễn tả chính ngài "phải ưu phiền, nhưng kỳ thực luôn vui vẻ" (2 Cr 6:10). Vậy chúng ta được khuyên nhủ hãy vui trong cơn thử thách, không phải vì những đau đớn của thử thách là nguyên nhân tạo niềm vui (chắc chắn không phải như vậy), nhưng vì trong cơn thử thách, Thiên Chúa có thể có cơ hội để làm những điều tốt lành cho chúng ta.

        Như vậy, đau khổ đem đến những mục đích tốt lành nào? Thứ nhất là đau khổ có thể tạo cơ hội để Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài, tức là để tỏ ra lòng thương xót, trung tín , quyền năng và tình yêu của Ngài giữa những cơn đau khổ (Gioan 9:1-3). Đau khổ cũng là dịp để chúng ta chứng tỏ đức tin chân chính cũng như để tinh luyện đức tin của mình (1 Pr 1:7). Giống như ông Gióp, lòng trung tín của chúng ta trong cơn thử thách cho thấy rằng chúng ta phụng sự Thiên Chúa không chỉ vì những ơn lành Ngài ban, nhưng còn vì tình yêu của chính Thiên Chúa nữa (Gióp 1:9-11). Cơn thử thách khắc nghiệt cũng cho những người tin vào Thiên Chúa cơ hội để bày tỏ tình yêu của họ đối với tha nhân là những chi thể thuộc Nhiệm Thể Chúa Kitô, Đấng "mang lấy gánh nặng cho người khác" (1 Cr 12:26; Gl 6:2). Thực ra, như D. A. Carson đã nói, "những kinh nghiệm đau khổ... làm nảy sinh lòng thương xót và đồng cảm với tha nhân..., và giúp chúng ta có khả năng tốt hơn để nâng đỡ tha nhân" (Carson, 122). Chúng ta đã được Thiên Chúa nâng đỡ ủi an trong lúc đớn đau, như thế chúng ta sẽ có khả năng hơn để an ủi người khác trong cơn khốn khó (2 Cr 1:4). Đau khổ cũng đóng một vai trò chính yếu để làm phát triển những nhân đức thánh thiện, cũng như gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội. Thánh Phao-lô khi nhận ra "cái gai trong thân xác của ngài" đã giúp ngài khỏi tự cao tự đại và cổ võ chúng ta hãy khiêm hạ chân thật và lệ thuộc vào Thiên Chúa (2 Cr 12:7). Tác giả Thánh vịnh cũng đã thừa nhận rằng những đau đớn đã giúp mình thêm quyết tâm làm theo thánh ý Thiên Chúa (Tv 119:71). Ngay đến Đức Giêsu, "Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục" (Dt 5:8). Là con người, qua kinh nghiệm, Đức Giêsu đã học được đâu là giá trị của việc vâng theo thánh ý Chúa Cha, vâng theo ngay cả khi phải thi hành một công việc khó khăn nhất trên thế gian này.

        Sau hết, sự dữ và đau khổ có thể làm thức tỉnh trong chúng ta lòng khát khao mạnh mẽ hướng về thiên quốc hơn, và lúc đó, khi những mục đích của Thiên Chúa qua những kinh nghiệm này đã được hoàn tất, thì cũng là lúc nỗi đau đớn và buồn sầu không còn nữa (Kh 21:4).

 

Trở Về Trang Nhà