SỨC MẠNH CỦA GƯƠNG SÁNG

Ðào Ngọc Ðiệp

Người Hoa Kỳ hay có kiểu nói đùa là một ngày kia nhìn vào trong gương và khám phá ra mình bỗng chốc trở thành như cha hoặc mẹ!!!.. Nói rồi nhún vai làm thinh hoặc tủm tỉm cười một mình mắt liếc cha mẹ. Ðối với người Việt chúng ta câu nói đùa này vô tội vạ chẳng có gì hay ho hoặc đặc biệt vì. chúng ta có lẽ không nằm trong "tần số" ấy! Người Việt ta mong rằng "con hơn cha là nhà có phúc", giả như không hơn thì bằng cha có lẽ cũng đã .đủ rồi! Sự việc không chỉ đơn giản như thế! Người Hoa Kỳ thường bảo: Children learn what they live. Nói một cách khác, con cái chúng ta sẽ nên giống chúng ta, mặc dù chúng thường cố gắng hết sức để trở nên cá biệt.

Gương sáng trong cuộc sống của chúng ta chính là cái khuôn đúc nên con cái chúng ta. Gương sáng đóng vai trò lớn trong việc nuôi dạy con cái trong niềm tin. Tiền nhân vẫn thường nói:

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng


Hoặc:

Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

 

Nếu muốn con cái mình nên người Công giáo mẫu mực, chính chúng ta phải sống đời Công giáo mẫu mực. Bert Ghezzi một văn sĩ chiêm niệm Công Giáo trong tác phẩm "Là Người Công Giáo Hôm Nay" (Being Catholic Today, Servant Publication) đã thú nhận: Tôi nghĩ tôi là người Công Giáo hôm nay phần lớn là do ảnh hưởng từ bà mẹ góa của tôi, một người mà đời sống Kitô hữu của bà bao giờ cũng được đặt lên phần ưu tiên. Trong suốt 2 thập niên, tôi nhìn bà quì cầu nguyện mỗi đêm, tôi đi dự lễ với bà mỗi Chúa Nhật và cùng bà cầu nguyện mỗi ngày trước khi dùng bữa. Những điều đó tôi không hẳn giống được như bà nhưng ít nhất nó đã làm nền tảng cho cuộc đời Kitô hữu của tôi hôm nay.

Làm gương sáng không có nghĩa chúng ta phải là một Kitô hữu toàn hảo, nhưng hãy cố gắng hết sức có thể và hãy nói với con trẻ về điều ấy bằng chính những ngôn từ của chúng ta. Nói như thế thì chúng ta phải làm gì? Những điều cơ bản của cuộc sống Công giáo như: Cầu nguyện, học hỏi, cộng đồng và phục vụ. Nếu chúng ta dấn thân thực sự vào những điều thiết yếu này trong cuộc sống chính là chúng ta đang chỉ cho con em mình cách làm thế nào để trở nên người Công giáo.

Cầu nguyện: Tận đáy lòng của người Công giào là sự liện hệ mật thiết với Thiên Chúa và con đường chính yếu để chúng ta cảm nghiệm và phát triển sự kết hợp với Ngài là cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây không chỉ là quì hàng giờ trước thánh thể, trong đêm tối để đọc kinh, lần hạt nhưng phải hiểu là bao gồm nhiều hình thức sinh hoạt khác trong đó: Chúng ta dự lễ với cả gia đình tại nhà thờ giáo xứ; chúng ta phát triển mối liên hệ mật thiết với Chúa qua việc năng lãnh nhận các bí tích; chúng ta quây quần cả gia đình để đọc kinh tối chung và cùng cầu nguyện với nhau; chúng ta năng cầu nguyện riêng với Chúa. Con cái chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện của chúng ta qua những cách thế này.

Học hỏi: Sống đời người Công giáo là chấp nhận mình là học trò suốt đời bởi "chẳng có ai dám tự phụ mình đang bước đi trên con đường đại học về nhân đức" (Augustinô). Chúng ta và con cái phải thường xuyên trau dồi kiến thức về Thiên Chúa và niềm tin vào Ngài qua việc năng đọc Kinh Thánh và các sách báo Công giáo. Học để sống đạo và học để mở lòng mình ra cho Sự Thật. "Ta là đường, là sự thật và là sự sống" (Yn 14, 6). Ít nhất chúng ta hãy đọc và suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày một lần dù là một đoạn ngắn. Không đọc và suy niệm Kinh Thánh, cuộc đời người Kitô hữu lúc nào cũng sẽ chỉ ở mức độ chậm phát triển.

Cộng đồng: Chính Ðức Kitô đã thiết lập cộng đồng khởi đi từ nhóm 12 để chúng ta có thể đón nhận đời sống Kitô hữu của mình từ cộng đồng những người tin và được thông phần vào đời sống thần linh của Ngài. Chúng ta gọi là cộng đồng Kitô, cộng đồng đức tin và chúng ta cảm nghiệm điều này từ giáo xứ. Sự năng động tham gia vào các sinh hoạt của Giáo Hội cho phép chúng ta nâng đỡ tha nhân trong đức tin đồng thời cũng đón nhận được sức mạnh niềm tin từ người khác. Vì thế nếu chúng ta muốn con cái chúng ta tăng trưởng trong niềm tin Công giáo thì chính chúng ta và chúng phải tích cực tham gia vào đời sống trong gia đình Thiên Chúa tại địa phương bao nhiêu có thể.

Phục vụ: Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội như là một sự trao đổi quà tặng. Tất cả các thành viên trong Giáo Hội phải sử dụng quà tặng mình đón nhận được từ Thiên Chúa để phục vụ tha nhân. Quà tặng ở đây chính là tài năng, là thời giờ, là của cải. Hãy đến với tha nhân khi họ cần đến ta. Lòng bác ái chính là cốt lõi của đạo Công Giáo. Cũng chính cách thể hiện tình yêu này sẽ lôi kéo những kẻ không tin vào Ðức Kitô về với Ngài. Như vậy để thành người Công giáo đích danh, chúng ta và con cái mình phải dấn thân trong việc thực thi bác ái cho tha nhân, những người hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn và nhất là những người nghèo khó. Ðừng chờ họ đến với ta nhưng hãy tình nguyện đến với họ.

Nếu chúng ta và tất cả những người Công giáo cùng làm những điều này thì một ngày kia khi ngắm mình trong gương, chúng ta có lẽ sẽ thấy mình ngày một nên giống Chúa hơn nhiều.


Trở về trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà