20

THIÊN CHÚA CỦA ABRAHAM

VÀ THIÊN CHÚA CỦA CÁC TRIẾT GIA

 

 

Nỗ lực “bắt Thiên Chúa phục vụ” con người, than ôi, vẫn chưa kết thúc dưới chân núi Sinai. Nó được đổi mới trong suốt dòng lịch sử nhân loại dưới những hình thức khác nhau. Một trong những hình thức này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay mà chúng ta đang tìm hiểu. Với sự tiến bộ và tinh tế hơn của cảm tính tôn giáo, các phương thức hoặc chất liệu để đục khắc tượng sẽ thay đổi, nhưng chính bản chất của việc thờ ngẫu tượng thì không. Đây sẽ không còn là một ngẫu tượng bên ngoài và hữu hình, nhưng là một ngẫu tượng bên trong và vô hình. Không còn là một ngẫu tượng vật chất bằng vàng, bạc hay cẩm thạch, nhưng là một ngẫu tượng tinh thần: ý tưởng về Thiên Chúa! Con người định hình ý tưởng của mình về Thiên Chúa (vẫn còn hợp pháp và thậm chí cần thiết); họ suy tư về ý tưởng này và dần dần, một cách khó nhận ra, đi đến chỗ nhầm lẫn (không còn hợp pháp hoặc cần thiết) ý tưởng này với thực tại.

Khi ấy, nếu muốn hiểu điều gì đang xảy ra giữa con người và Thiên Chúa, chúng ta có thể tưởng tượng cảnh sau đây. Một ông vua đồng ý tạo dáng trước một họa sĩ để anh ta vẽ chân dung của mình. Khi các nét vẽ nhà vua trở nên chính xác hơn trên vải, họa sĩ ngày càng bận với công việc; rất vui, anh đi quanh tác phẩm của mình để chiêm ngưỡng. Đến độ, khi công việc hoàn thành, anh nhiệt tình quá nên hoàn toàn quên mất nhà vua đang ở đó trước mặt mình; anh quay lưng về phía ông, đặc biệt háo hức giải thích cho bạn bè những đặc điểm của bức tranh anh vừa vẽ xong... Công việc không kết thúc ở đó. Các sinh viên của nghệ sĩ này đến lấy những bản sao của tác phẩm, mỗi người có những sửa đổi và phóng tác theo phong cách riêng và thị hiếu cá nhân của họ. Những người khác dấn mình vào hết bản sao này đến bản sao khác... Chân dung của nhà vua có thể thấy khắp nơi, nhưng khác xa với thực tế đến nỗi khi nhà vua bí mật vi hành qua đó, không ai nhận ra ông.

Từ "ngẫu tượng" (eidôlon) mang tính mạc khải. Trong cách sử dụng thông thường, nó đi tới chỗ biểu thị một đối tượng vật chất được tôn kính như Thiên Chúa, hoặc theo nghĩa bóng, biểu thị các giá trị hoặc thực tại (chẳng hạn như tình dục, tiền bạc, danh vọng, v.v.) được người ta gán cho một tầm quan trọng quá đáng, như thể chúng là điều tuyệt đối của cuộc sống. Thực ra, "ngẫu tượng" có cùng từ nguyên với "ý tưởng", và thường trong thực tế, hai thuật ngữ này có thể bị nhầm lẫn. Trong một ngôn ngữ kỹ thuật hơn, người ta gọi eidôla là những hình ảnh nằm giữa chủ thể suy tưởng và thực tại: chúng là những hình ảnh biểu thị thuộc tâm trí. Chúng có thể là những phương tiện để biết thực tại, nhưng có thể dễ dàng trở thành những tấm màn ngăn cách chúng ta với thực tại, thay thế cho thực tại, nếu chúng ta tách chúng ra khỏi thực tại này. "Những định kiến": Bacon đã định nghĩa chúng như thế trong danh sách nổi tiếng của mình về các idola, specus, fori, theatri: nghĩa là “những phán đoán có trước” gắn liền với bản tính con người nói chung, với cá nhân, với ngôn ngữ, với trường học, với hệ thống.

Ý tưởng hay khái niệm, với tư cách là thành quả của trí khôn, chắc chắn là giá trị cao quý nhất nơi con người trước ân sủng; nhưng cũng như mọi khi, ngay cả một giá trị tuyệt vời, nếu đi chệch hướng hoặc hư hỏng, cũng trở thành điều tồi tệ nhất: trong tiếng latinh, người ta nói corruptio optimi pessima (làm hư hoại điều tốt nhất là lỗi xấu nhất).

Vậy, có một hình thức thờ ngẫu tượng thuộc tôn giáo bao gồm không phải việc tạo ra những hình ảnh hoặc biểu thị bên ngoài và hữu hình về Thiên Chúa, như bê bằng vàng, nhưng là làm cho chúng trở thành những hình ảnh bên trong, tinh thần và vô hình, coi những hình ảnh như vậy, mà bản thân chúng là một ý tưởng về Thiên Chúa, như Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Và hài lòng với việc đó. Hình thức thờ ngẫu tượng này, không hề giảm đi trong suốt nhiều thế kỷ, mà chỉ tăng cường cho đến lúc đạt tới đỉnh điểm khi lòng tin vào Thiên Chúa bị thay thế bởi ý thức hệ về Thiên Chúa, nghĩa là bởi một suy nghĩ cắt đứt khỏi thực tại và phát triển trong phần trừu tượng trên dữ kiện riêng của nó. Idéo-logie (ý thức hệ) là hình thức hiện đại của Idéo-latrie (thờ ngẫu tượng).

Vậy có sự khác biệt nào giữa Thiên Chúa và ý tưởng về Thiên Chúa? Điểm khác biệt đầu tiên là ý tưởng không có sự tồn tại riêng; nó không tồn tại và Thiên Chúa thì tồn tại! Một sự khác biệt đến vô hạn. Nơi các tiên tri, danh xưng của Thiên Chúa "Ta là Đấng Hiện Hữu", được mạc khải cho Môsê nơi Bụi Cây cháy, thường được Kinh Thánh giữ lại để đánh dấu sự khác biệt giữa Đức Chúa và các ngẫu tượng (x. Is 42,8; 45,18). Như thể Chúa muốn nói: Ta, Ta thực sự hiện hữu và làm cho mọi loài hiện hữu; Ta không phải là một Thiên Chúa trơ trơ và không uy tín, giống như ngẫu tượng của các nước.

Điểm khác biệt thứ hai giữa Thiên Chúa và ý tưởng về Thiên Chúa là ở chỗ Thiên Chúa hằng sống thì độc nhất, trong khi những ý tưởng về Thiên Chúa thì có bao nhiêu người nghĩ về Thiên Chúa hoặc những người suy tư về Ngài là có bấy nhiêu ý tưởng về Ngài. Con người là độc nhất, nhưng những bức ảnh chân dung về người đó, có thể được nhân lên đến vô tận. Thiên Chúa là toàn thể; còn ý tưởng luôn luôn và chỉ thể hiện về Ngài một phần rất nhỏ.

Thiên Chúa hằng sống là một Thiên Chúa “dò xét” bạn ngay lúc bạn dò xét Ngài; là Đấng thấu suốt tư tưởng của bạn ngay cả trước khi tư tưởng ấy hình thành nơi bạn (x. Tv 139,1tt). Ý tưởng về Thiên Chúa thì không thể làm gì về tất cả những việc ấy. Thiên Chúa hằng sống, thì không thể làm chủ được Ngài, không thể hiểu Ngài, trong khi đối với ý tưởng về Thiên Chúa, ngay cả ý tưởng về Thiên Chúa hằng sống, thì có thể.

Sự phân biệt giữa thực tại và ý tưởng về Thiên Chúa, theo một số khía cạnh, nhắc lại sự phân biệt giữa Thiên Chúa hằng sống và "Thiên Chúa của các triết gia". Cả Thiên Chúa hằng sống lẫn Thiên Chúa của các triết gia đều được gọi là Thiên Chúa của ai đó. Thiên Chúa hằng sống được gọi là "Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacob"; Thiên Chúa của các triết gia là Thiên Chúa của Descartes, của Kant, của Hegel… Nhưng đây là hai cách nói hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp trước, thuộc dạng (génitif) là một thuộc dạng chủ quan; trong trường hợp sau, là thuộc dạng khách quan. Trường hợp trước là về Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Abraham và đã tuyển chọn ông: nhân vật chính là Thiên Chúa chứ không phải Abraham. Trường hợp sau là về Thiên Chúa mà Descartes, Kant, Hegel đã nghĩ và đã nói tới: nhân vật chính là triết gia chứ không phải Thiên Chúa. Một sự khác biệt lớn lao!

Blondel đã viết: “Thiên Chúa của các triết gia và các nhà bác học là hữu thể của lý trí, được đạt tới hoặc giả thiết bằng một phương pháp trí tuệ, được coi như một nguyên tắc giải thích hay hiện hữu, mà con người tự phụ có thể xác định, thậm chí gây ảnh hưởng, như một đối tượng mà họ sẽ sở hữu trong cách trình bầy mà họ rất thích thú. Thiên Chúa của Abraham là hữu thể mầu nhiệm và tốt lành, Đấng tự do mạc khải điều gì đó về những sự hoàn hảo khôn dò của mình, mà người ta không đạt tới chỉ bằng tâm trí mà thôi, nơi Ngài người ta thực tế nhận ra một Thực Tại sâu kín, mà sự hiểu biết tự nhiên của chúng ta không thể tiếp cận được, và đối với Ngài sự khởi đầu của minh triết chỉ có thể là sợ hãi và khiêm tốn; nhưng đồng thời, đó chính là Thiên Chúa, khi mạc khải cho con người những bí mật của cuộc đời Ngài, cho họ tham dự vào chính thần tính của Ngài, kêu gọi họ thay đổi thân phận tôi đòi tự nhiên của thụ tạo thành tình bạn, thành một tình nghĩa tử cách siêu nhiên, truyền yêu mến Ngài và chỉ ban mình cho người hiến thân cho Ngài[1]."

Mặc dù khác biệt, nhưng thực tế, Thiên Chúa của Abraham và Thiên Chúa của các triết gia không xung khắc nhau. Kiểu nói "Thiên Chúa của các triết gia" không được tạo ra để đối lập với Thiên Chúa của Kinh Thánh, mà trái lại, để nói về Thiên Chúa này, ngay cả  trong bối cảnh tranh cãi. Đối với những người theo ngộ đạo thuyết Marcion cảm thấy vấp phạm vì "những nóng nảy" của Thiên Chúa trong Cựu Ước, Tertullianô trả lời: "Nếu bạn thực sự muốn có một Thiên Chúa vô hình, điềm tĩnh và yên lặng, thì này, hãy biết cho rằng Ngài chính là Chúa Cha, và chúng ta nói thêm, là Thiên Chúa của các triết gia (philosophorum Deus), rồi hãy gán cho Chúa Con nhập thể hoặc sắp nhập thể, tất cả những gì đối với bạn dường như không xứng với Thiên Chúa[2].”

Ở một mức độ sâu sắc hơn và mang tính xây dựng hơn, sự hòa giải giữa Thiên Chúa hằng sống của Kinh Thánh và Thiên Chúa của các triết gia là công trình mà Thánh Tôma Aquinô đã biết đưa tới chỗ hoàn tất. Khi định nghĩa Thiên Chúa là 'chính Hữu Thể tồn tại', ngài đã liên kết giữa Thiên Chúa của Aristote, 'nguyên nhân đầu tiên, bất động, và làm cho vạn vật chuyển động", và Thiên Chúa của Kinh Thánh và của truyền thống Kitô giáo, chính xác (dựa vào sự đào sâu câu Xh 3,14) là "Đấng hiện hữu".

Trong một đoạn trích dẫn ở trên, Pascal đã lấy lại và làm cho nổi tiếng cách diễn đạt của Tertullianô; ông muốn phân biệt hai công thức nhưng không đặt chúng chống đối nhau. Công thức của ông: "Thiên Chúa của Abraham... không phải của các triết gia và các nhà bác học" chỉ là một cách diễn giải những lời của Đức Giêsu: "Lạy Cha la Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn... ” (Mt 11,25). Do đó, ông không phải là một "người theo chủ nghĩa phi lý trí", người thiếu tin tưởng vào lý trí, nên không thừa nhận vai trò của nó trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Đơn giản hơn, trong trường hợp này, ông bắt lý trí phụ thuộc vào mạc khải. Hầu hết các trường hợp, không phải các tín hữu, trong những thế kỷ trước, đã muốn bỏ qua Thiên Chúa của các triết gia, nhưng đúng hơn, các triết gia đã không biết đến Thiên Chúa của các tín hữu.

Chúng ta dùng một đoạn trong bài thánh thi nổi tiếng mà thánh Grêgôriô Nadian dâng lên Thiên Chúa làm lời cầu nguyện: chúng ta có thể thấy ở đó ý nghĩa thực sự của Thiên Chúa hằng sống, "Đấng vượt ra ngoài lý trí nhưng không chống lại nó":

"Lạy Chúa, vượt quá mọi sự, đó không phải là tất cả những gì người ta có thể ca ngợi về Chúa sao? Thánh thi nào sẽ nói với Chúa, ngôn ngữ nào? Không một lời nào diễn tả Chúa cho được. Tinh thần sẽ gắn bó với điều gì? Chúa vượt xa mọi trí khôn. Chỉ mình Chúa là không thể diễn tả, vì mọi sự được nói ra đều phát xuất từ Chúa. Chỉ mình Chúa là không thể biết được, vì tất cả những gì được nghĩ ra đều phát xuất từ Chúa."

 



[1]  M. Blondel, dans Vocabulaire technique et critique de la philosophie, par A. Lalande. 13e éd., Paris, PUF, 1980, p. 229, note.

[2]  Tertullien, Contre Marcion, II, XXVII, 6; cf. SC 368, p. 165.



Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều