21

CÁC ÔNG GIẾT

MỘT THIÊN CHÚA ĐÃ CHẾT

 

 

Làm thế nào đi đến điểm mấu chốt của tiến trình làm cho Thiên Chúa hằng sống chỉ còn là ý tưởng về Thiên Chúa đối với con người? Người ta đã có thể đi đến cuộc khủng hoảng đã nói như thế nào? Theo một nghĩa nào đó, một sự tiến hóa như vậy là tự nhiên: sự phát triển của nó vẫn luôn tiếp diễn, đã tăng tốc trong thời hiện đại, bắt đầu từ Descartes.

Nhà triết học này là nguồn gốc của một sự đảo ngược: Đối với ông, biết Ngài ưu tiên hơn hữu thể của Ngài, hoặc, nói theo ngôn ngữ kỹ thuật, tri thức luận ưu tiên hơn hữu thể học. Điểm khởi đầu hay nền tảng mọi sự không phải: "Thiên Chúa hiện hữu", nhưng: "Tôi, tôi hiện hữu." Ở nền tảng, người ta không đặt cái "Tôi hiện hữu" vĩ đại của Thiên Chúa, nhưng cái "tôi hiện hữu" nhỏ bé của con người. "Tôi suy tưởng, vậy tôi hiện hữu", chứ không phải: "Thiên Chúa suy tưởng (hay đúng hơn: Ngài yêu), nên tôi hiện hữu." Sự dịch chuyển của điểm phát xuất lôi kéo theo sự dịch chuyển của trọng tâm: chuyển từ thực tại sang ý tưởng, từ đối tượng sang chủ thể. Theo Descartes, “sự hiện hữu của Thiên Chúa được chứng minh a posteriori (hậu thiên)", khởi từ sự kiện là chúng ta mang trong mình ý tưởng về Thiên Chúa. Ý tưởng về Thiên Chúa ở hàng đầu và đến ngự trên chính ngai của Thiên Chúa.

Theo quan điểm này, Thiên Chúa giản lược thành "ý tưởng bẩm sinh" mà chúng ta có về Ngài và là ý tưởng–mẹ của tất cả những ý tưởng khác, nhưng nó vẫn luôn luôn và đơn giản là một ý tưởng. Thiên Chúa không tự giới thiệu và không buộc con người phải nhận mình trước tiên như một thực tại, nhưng như một ý tưởng về một thực tại, ngay cả đó là thực tại cao xa nhất. Ngài không được công nhận như Đấng mà không có Ngài chúng ta không thể hiện hữu, nhưng như Đấng mà không có Ngài chúng ta không thể suy tưởng, vì ý tưởng về Thiên Chúa mang tất cả những ý tưởng khác. Trong khi thánh Phaolô dạy rằng “ở nơi Người, chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17,28) thì Descartes cho rằng Thiên Chúa là Đấng mà trong Ngài và nhờ Ngài chúng ta được ban việc suy tưởng. Thiên Chúa trước hết là nền tảng của khả năng suy luận và chỉ sau đó mới là nền tảng sự hiện hữu của chúng ta. Sự đảo ngược có vẻ tinh vi, nhưng trên thực tế lại mở đường cho những hậu quả khôn lường.

Chúng ta không muốn đánh giá về tính chất có căn cứ của phương pháp lập luận này nơi chính nó (mà nếu cần, là công việc của triết học); chúng ta cũng không muốn phủ nhận công lao của tác giả đã đưa một phương pháp chặt chẽ hơn vào thực hành triết học. Chúng ta chỉ tìm cách nêu bật ảnh hưởng tiêu cực của phương pháp này đối với sự phát triển của đức tin và tình cảm tôn giáo.

Cũng như rất thường xẩy ra trong những trường hợp như vậy, hậu quả không xuất hiện ngay lập tức. Bản thân Descartes vẫn trung thành với tinh thần đã tồn tại cho đến lúc đó. Là một nhà tư tưởng có đạo, ông muốn củng cố đức tin chứ không muốn phá hủy nó. Nhưng vận hành đã được tung ra. Chỉ cần một triết gia – và triết gia đó sẽ là Kant – thực hiện bước tiếp theo khi khẳng định rằng khởi sự từ một Thiên Chúa "được suy tưởng", người ta không thể tìm thấy bất kỳ con đường nào dẫn đến một Thiên Chúa hiện hữu, và rằng, từ ý tưởng về Thiên Chúa, người ta không bao giờ có thể suy ra "thực tại" Thiên Chúa[1]” để ngay lập tức thấy rõ hậu quả của việc thay đổi quan điểm này sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Bước tiếp theo dẫn đến chủ thuyết duy tâm tuyệt đối của Hegel, theo đó "Ý tưởng là một Thượng Đế sáng tạo, mà khi sáng tạo, thì tạo ra chính mình". Từ dây ý tưởng về Thiên Chúa nằm trong sự tự chủ đối với thực tại: không phải thực tại gợi ra ý tưởng, nhưng ý tưởng gợi ra thực tại và cho nó hiện hữu. Các vai trò hoàn toàn bị đảo ngược. Thiên Chúa hằng sống ở bên ngoài hệ thống tư tưởng này; và hệ thống tư tưởng thế chỗ của Ngài. Eidolon của Thiên Chúa đã thay thế Thiên Chúa. Ý tưởng được "tuyệt đối hóa". Nó được xưng tụng là Đấng Tuyệt Đối. Người ta thấy lại tình trạng thờ bản thân (autolatrie) mà thánh Tông Đồ đã vạch trần dưới hình thức thờ ngẫu tượng ngoại giáo. Như Péguy lưu ý, con người hiện đại tôn thờ bản thân trong vỏ bọc của một vị thần lần lượt thuộc trí tuệ, lịch sử hoặc xã hội học.

Thiên Chúa hằng sống phải chịu số phận của nhà vua già trong thảm kịch: trước tiên ông được chào đón với tất cả vinh dự trong lâu đài (đó là tinh thần con người); một khi ông đã ở bên trong, thì cửa đóng lại, cây cầu được nâng lên và nhà vua, không có khả năng tự vệ, mất đội quân cấm vệ, bị truất phế khi ông đang ngủ. Macbeth thay thế vua của mình. Sự thay thế mà tôi nói ở trên đã hoàn tất: thay cho Thiên Chúa thật, người ta đã đặt một Thiên Chúa giả.

Khi đó, một sự kiện đã được báo hiệu: Feuerbach xuất hiện, người sẽ làm nổ tung toàn bộ tiến trình này bằng cách tấn công tận gốc "chính ý tưởng về Thiên Chúa". Thiên Chúa không hiện hữu. Thực tại của ý tưởng về Thiên Chúa, trong chừng mực mang một thực tại nào đó, không phải là một Hữu Thể riêng biệt, cao siêu, vô hạn; chính là con người. Con người đã tạo ra một Thiên Chúa theo hình ảnh của họ. Bằng cách này, Feuerbach đã hoàn thành chương trình được Hégel, thầy của ông, loan báo, là người đã viết nơi một trong những tác phẩm hồi còn trẻ: "Sau tất cả những nỗ lực trong quá khứ, chính là một công lao dành cho thời đại chúng ta khi đòi lại cho tài sản của con người, ít nhất trên lý thuyết, những kho báu đã bị lãng phí trên trời; nhưng thế kỷ nào sẽ có khả năng thực tế đòi được hưởng quyền này và bảo đảm tài sản này[2]? Feuerbach có "tài năng" ấy. Ông đã “công bố trên mái nhà" điều mà thầy của ông, chắc hẳn giữ ý vì những quy định rất nghiêm khắc vẫn còn tác động mạnh đến những kẻ tấn công giáo huấn chính thức, nên chỉ dám "nói thầm vào tai" trong giảng dạy riêng tư và kín đáo hơn.

Không ai ngoài một tín hữu Kitô có thể đánh giá đúng sự thật sâu xa và tính chất có căn cứ của hoạt động này; không ai sẽ tỏ lòng biết ơn nhiều hơn đối với người đã đưa nó đến chỗ kết thúc, tuy nhiên, bằng cách xác định rõ rằng điều bị hủy hoại như vậy không phải là đức tin nhưng là sự thờ ngẫu tượng. Tiến trình bị vạch trần như thế của việc hình thành niềm tin vào Thiên Chúa chính xác là tiến trình ẩn dưới sự thờ ngẫu tượng. Thánh Tông Đồ đã mặc nhiên cảnh báo chúng ta rằng: quả thật trong việc thờ ngẫu tượng, con người chế tạo cho mình một Thiên Chúa theo hình ảnh của mình.

Do cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các trường phái triết học, Feuerbach đã nhầm lẫn hình ảnh với thực tại, mà thậm chí không biết điều đó: nhầm lẫn hình ảnh méo mó và không có đức tin Kitô giáo, với đức tin Kitô giáo. Như ông đã tuyên bố, ông đã không bóc trần "yếu tính Kitô giáo", nhưng yếu tính của việc thờ ngẫu tượng hay ý thức hệ về Thiên Chúa.

Phê bình của Feuerbach liên quan đến việc thờ ngẫu tượng, chứ không phải niềm tin thực sự vào Thiên Chúa hằng sống, là một điều được công nhận ngay cả nơi các nhà tư tưởng không nghi ngờ là có mục đích hộ giáo. Erik Fromm viết: "Con người chuyển những đam mê và phẩm chất của mình cho thần tượng. Người đó càng vét rỗng mình, thần tượng càng lớn lên và mạnh mẽ. Thần tượng là hình thức tha hóa của kinh nghiệm mà con người trải qua. Bằng cách tôn thờ thần tượng, con người tôn thờ chính mình... Người đó phụ thuộc vào thần tượng, vì đơn giản bằng cách phục tùng nó, anh ta tìm thấy cái bóng của mình, ngay cả khi không có thực chất. Thần tượng chỉ là một vật vô hồn, trong khi ngược lại Thiên Chúa là một Thiên Chúa hằng sống[3]. "

Bằng chứng chắc chắn nhất mà các lý thuyết gia của thuyết vô thần hiện đại không thể đạt tới Thiên Chúa hằng sống, đó là họ không biết Ngài. Họ biết Thiên Chúa của các trường phái, các hệ thống, của thầy này thầy kia, nhưng không biết đủ Thiên Chúa của đức tin mà các tín hữu chân chính đã sống. Họ chỉ biết Thiên Chúa qua sách vở. Thế mà Thiên Chúa hằng sống được gặp thấy trong cuộc sống của những con người hơn nhiều so với trong sách vở, bởi vì một hữu thể sống động không thể được chứa đựng trong những thực tại chết.

Sự vắng mặt của bất kỳ tham chiếu nào về Thiên Chúa Ba Ngôi cho thấy một dấu hiệu rõ ràng là chúng ta không còn ở trước mặt Thiên Chúa hằng sống của mạc khải. Có những người tuyên bố tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi "thực tế không quan trọng đối với con người" (Kant); những người khác, thay vì Ba Ngôi được biết đến trong Kinh Thánh như là hiệp thông, lại chỉ muốn nói về một thứ ba ngôi trên bình diện triết học, như một sự trở thành biện chứng (Hegel: un devenir dialectique). Điều này hoàn toàn đối nghịch với Ba Ngôi, vì không thể nói về hiệp thông tình yêu giữa các Ngôi trong Ba Ngôi, những Ngôi nối tiếp nhau trong một "sự trở thành vĩnh cửu". Cùng lắm là các Ngôi có thể yêu nhau "trong dự kiến", chứ không phải trong thực tế.

Thật sự sẽ không dễ dàng đưa Thiên Chúa trở lại với một ảo ảnh do việc chiêm quan yếu tính của Ngài gây ra, nếu người ta khởi sự từ Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi. Quả vậy, con người cần gì phải tự phân chia, cần gì “tự nhân mình thành ba”, thành Cha, Con và Thánh Thần?

Về vấn đề này, trách nhiệm của các Kitô hữu ngay lập tức là rõ ràng. Họ đã ưu đãi cho kết luận đáng buồn này, theo mức độ họ dần dần mất đi ý thức về thực tại ba ngôi sống động và cảm thấy được, để chạy theo một khái niệm mơ hồ về "thần tính” hoặc “yếu tính thần linh”, là khái niệm dọn đường cho "tự nhiên thần giáo” (déisme). Hoặc theo mức độ họ cho phép chủ trương Thiên Chúa, vốn là Hữu Thể (Esse), dần dần giảm xuống thành một Thực Thể (Ens) với rất nhiều bài giảng mơ hồ về Thiên Chúa, trong đó chính Thiên Chúa cuối cùng không gì khác hơn là một Deus vagus (Thiên Chúa mơ hồ), một hữu thể "thuộc loại Thiên Chúa", mơ hồ và bất định.

Vậy các cha đẻ của thuyết vô thần đã không biết Thiên Chúa của truyền thống lớn của Giáo Hội, mà chỉ biết Thiên Chúa như được giới thiệu trong các môi trường đại học. Thực tế họ không biết gì về Thiên Chúa thánh thiện và mầu nhiệm, Đấng tuyên bố trong Kinh Thánh: "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi; đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta" (Is 55,8). Thiên Chúa đã làm cho người biết những lời xé lòng sau đây phải thốt lên: "Chúa làm con run sợ vì kinh hoàng"; hoặc một lần nữa: "Lạy Chúa, muôn lạy Chúa, sao Ngài nỡ bỏ rơi con?" (Tv 22,2). Thiên Chúa mà một tín hữu Do Thái, trước khi chết, có thể thưa với Ngài lời nói kinh khủng khắc trên tường một ngôi nhà bị hỏa hoạn tại một trong rất nhiều cuộc tàn sát người Do Thái mà lịch sử ghi nhận: “Lạy Chúa, Chúa đã làm mọi sự khiến con mất niềm tin, nhưng Chúa đã không thành công!" Hoặc, nếu họ biết một Thiên Chúa như vậy qua việc miệt mài thường xuyên đọc Kinh Thánh, thì Ngài đã không thành công đi vào khuôn khổ tư duy của họ.

Một Thiên Chúa như vậy – và chính họ cũng ý thức được điều đó – con người không có khả năng bịa đặt, vì Ngài là một Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh mà chính con người có thể tạo ra. Một Thiên Chúa mà con người không thể "sử dụng". Một Thiên Chúa, không những không đáp ứng được những khát vọng và ham muốn của con người, mà còn làm cho họ bối rối và hoàn toàn "làm mờ tối" tâm trí họ, cho dù để ban cho họ hạnh phúc sau đó.

Sự khác biệt giữa Thiên Chúa và những người thế chân Thiên Chúa thì không có nền tảng. Thiên Chúa của Kinh Thánh sẽ không than vãn vì con người muốn bỏ rơi Ngài (như Sartre trình bày trong tác phẩm Les mouches); Ngài sẽ không xin xỏ tín đồ hay những chứng từ công nhận như một nhà sáng lập nào đó của những tôn giáo mới mẻ và rỗng tuếch này. Ngài không nói: "Xin ngươi xá cho, Ta cầu xin ngươi, hãy tin vào Ta..." Đúng hơn, Ngài lấy quyền bính cao cả và êm ái mà quả quyết, như chúng ta đã nhắc nhớ lúc đầu: "Hãy dừng lại và hãy biết rằng Ta là Thiên Chúa." "Dù các ngươi muốn hay không, tin hay không, ta vẫn là Thiên Chúa."

Tertullianô đã viết: "Để biết Thiên Chúa là ai, chúng ta đừng đến trường học của các triết gia, cũng không phải nơi Epicurus, nhưng hãy lắng nghe các tiên tri và Đức Kitô[4]." Khi một triết gia chỉ biết hỏi các triết gia khác, để biết Thiên Chúa là ai, thì ông ta hành động như một người vẽ bản đồ đi hỏi ý một người vẽ bản đồ khác, để biết những đặc điểm của một vùng mà cả hai đều chưa từng đến xem hoặc rảo bộ qua. Như đôi khi người ta vẫn nói, trong trường hợp này, phải dùng bản đồ địa lý để xem địa hình được vẽ trên đó.

Một người lính đánh thuê bị thương nói với kẻ thù sắp kết liễu cuộc đời anh ta: "Ngươi muốn giết một người đã chết". Đối với những người ngày nay tuyên bố rằng Thiên Chúa đã chết và chính họ là những kẻ giết Ngài, hoặc với những người nói thêm rằng Ngài đã chết "mà không cần xét xử[5]”, một tín hữu có thể trả lời cũng bằng ấy lý do: "Các ông đã giết một Thiên Chúa đã chết rồi."

Một Thiên Chúa như thế đã chết, đó là một tin vui cho cả chúng ta nữa. Nhưng chúng ta hãy cảnh giác và đừng tìm cách làm cho Ngài sống lại! Thần tượng đúng là phủ nhận Thiên Chúa hằng sống. Trong mức độ những người này đã dẫn đầu cuộc chiến không phải chống lại Thiên Chúa hằng sống nhưng là chống lại cái bóng của Ngài, thuyết vô thần của họ không phải là phủ nhận Thiên Chúa, nhưng là chối bỏ sự phủ nhận Thiên Chúa. Theo một cách nào đó, họ đã làm cho con đường để khám phá lại Thiên Chúa hằng sống dễ dàng hơn. Họ là đồng minh của chúng ta hơn là đối thủ của chúng ta.

Lời chỉ trích mà Bonhoeffer gửi đến cái được gọi là "Thiên-Chúa-trám-lỗ", cuối cùng cũng đi theo cùng một chiều hướng: đó là một lời chỉ trích mang tính Kinh Thánh điển hình, dựa vào Môsê. Bởi vì vai trò được gán cho Thiên-Chúa-trám-lỗ của các Kitô hữu rất gần với những ý định mà người Do Thái gán cho con bê bằng vàng ở sa mạc. Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận để không rút ra từ lời chỉ trích này kết luận hàm hồ rằng chúng ta phải làm quen với cách sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu ("etsi Deus non daretur"). Dĩ nhiên, đó là điều mà cả Môsê lẫn Kinh thánh không bao giờ có ý định dạy bảo.

Chúng ta hãy mở rộng tâm trí đến những chiều kích vô hạn của Thiên Chúa thật, bằng cách lấy phần tiếp theo của bài thánh ca mà Grêgôriô Nadian thưa lên với Chúa làm lời cầu nguyện của chúng ta:

Tất cả mọi chúng sinh, những người nói và những người câm, tôn xưng Chúa. Tất cả mọi chúng sinh, những người suy nghĩ và những người không suy nghĩ gì, tỏ lòng tôn kính Chúa. Mong muốn của mọi người, tiếng rên rỉ của mọi người hướng về Chúa. Tất cả những gì hiện hữu đều cầu xin Chúa, và hướng về Chúa, mọi chúng sinh đang nghĩ về vũ trụ của Chúa, dâng lên một bài thánh ca của thinh lặng."

 



[1]  Voir l’ouvrage déjà cité (note 40): L’unique fondement possible pour une démonstration de l’existence de Dieu.

[2]  G.W.F. Hegel, Écrit de jeunesse, 1, 34; Oeuvres complètes, 1. Hambourg 1989, p. 372.

[3]  E. Fromm, You shall be as Gods, New York, 1966, chap. 2.

[4]  Tertullien, Contre Marcion, II, xvi; cf. SC 368, p. 103.

[5]  J.P. Sartre, Le diable et le Bon Dieu, X, 5’ Paris, Gallimard, 1951, p. 231.



Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều