THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

 

Lời loan báo căn bản nhất mà Giáo hội có sứ mệnh đem đến cho thế giới và thế giới chờ đợi nơi Giáo hội, đó là lời loan báo về tình yêu Thiên Chúa. Nhưng để có thể loan báo, các người rao giảng Tin mừng phải được lời loan báo thấm nhuần trước, cuộc đời họ phải được lời loan báo  soi sáng. Đó là mục tiêu của bài suy niệm này.

Kiểu nói “tình yêu Thiên Chúa” có hai nghĩa khác nhau : nghĩa thụ động với Thiên Chúa là chủ thể (Thiên Chúa yêu), nghĩa năng động với Thiên Chúa là đối tượng (yêu Thiên Chúa). Con người ta vốn thích năng động hơn thụ động, thích việc ta làm cho Chúa hơn việc Chúa làm cho ta. Giảng thuyết Kitô giáo cũng đi theo đường lối này, trong nhiều thời kỳ hầu như chỉ nói về yêu Chúa, “bổn phận” phải yêu mến Thiên Chúa (de diligendo Deo).

Tuy nhiên mạc khải Kitô giáo lại dành ưu tiên nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, chứ không phải tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. Aristote cho rằng Thiên Chúa làm thế giới chuyển động vì Ngài được yêu. Ngài là đối tượng của tình yêu và là lý do cứu cánh của tất cả thụ tạo. Nhưng Kinh thánh thì nói ngược lại. Thiên Chúa làm thế giới chuyển động vì Ngài yêu thế giới.

Vậy điều quan trọng nhất khi nói về tình yêu Thiên Chúa không phải là con người yêu Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa yêu con người, và yêu con người trước: “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta (1 Ga 4,10). Mọi sự khác đều tùy thuộc vào đó, kể cả khả năng chúng ta yêu mến Chúa. “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19).

1. Tình yêu của Thiên Chúa từ đời đời

Gioan là người thích làm những bước nhảy vọt. Khi thuật lại cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, các tác giả Phúc âm khác chỉ kể lại bước đầu về cuộc đản sinh của Ngài. Gioan thì không, nhưng làm một bước nhảy vọt ngược trở lại, từ thời gian tới vĩnh cửu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Gioan cũng làm như vậy về tình yêu. Các tác giả khác, kể cả Phaolô, đã nói về tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ trong lịch sử, và đạt tới tột đỉnh trong cái chết của Chúa, còn Gioan thì vượt lên trên lịch sử. Ngài không chỉ cho thấy một Thiên Chúa yêu thương, nhưng một Thiên Chúa là tình yêu. “Lúc khởi đầu đã có tình yêu, tình yêu vẫn hướng về Thiên Chúa, và tình yêu là Thiên Chúa”. Đó là cách làm rõ thêm lời xác quyết Thiên Chúa là tình yêu.

Liên hệ tới lời xác quyết này, Augustinô đã viết: “Nếu trong cả lá thư này của Gioan và trong mọi trang Kinh thánh, không có lời ca ngợi nào khác về tình yêu, mà chỉ có lời này, tức Thiên Chúa là tình yêu…chúng ta hẳn không cần đòi hỏi gì nữa. Đó là tin vui giải thích mọi điều khác”.

Người ta tranh luận mãi mà chưa đi đến kết luận xem có Thiên Chúa không. Nhưng thiết tưởng điều quan trọng nhất không ở chỗ biết có Thiên Chúa hay không, nhưng ở chỗ biết Thiên Chúa là tình yêu. Giả sử Ngài hiện hữu mà không phải là tình yêu, người ta chắc phải sợ hơn là vui vì có Ngài, là điều đã xẩy ra trong nhiều dân tộc và văn minh. Đức tin Kitô giáo bảo đảm với chúng ta rằng : Thiên Chúa vừa hiện hữu vừa là tình yêu.

Chúng ta hãy đi từ Ba Ngôi. Tại sao người Kitô hữu lại tin Thiên Chúa Ba Ngôi. Lý do là vì họ tin Thiên Chúa là tình yêu. Nếu Thiên Chúa được quan niệm như Luật tối cao, đương nhiên không cần phải có nhiều ngôi vị. Và khi đó, Ba Ngôi là chuyện không hiểu được. Quyền năng có thể chỉ cần một ngôi để thực hiện, chứ tình yêu thì không. Không thể có tình yêu nếu không có người hay vật nào đó để yêu, cũng như, theo triết gia Edmund Husserl, không thể có tri thức nếu không tri thức về cái gì.

Theo mạc khải, mà Giáo hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, và đã làm rõ trong Kinh Tin Kính, thì Thiên Chúa là tình yêu trước khi có thời gian, vì từ đời đời Ngài hằng có một người Con là Ngôi Lời, Đấng yêu thương bằng một tình yêu vô biên là Chúa Thánh Thần. Trong mọi tình yêu luôn phải có người nào đó để yêu, người nào đó được yêu, và tình yêu nối kết hai người. Tình yêu đời đời nơi Thiên Chúa đã biểu hiện như thế.

2. Tình yêu của Thiên Chúa trong việc tạo dựng

Một khi tình yêu nguồn mạch này đổ ra trong thời gian, lúc ấy có lịch sử cứu độ. Giai đoạn đầu tiên là tạo dựng. Tự bản tính, tình yêu có tính chất bung ra (diffusivum sui), thông đạt cho người khác. Nếu hành động đi theo hữu thể (agere sequitur esse), thì Thiên Chúa, vì là tình yêu, nên tạo dựng là vì yêu.

Tại sao Thiên Chúa lại tạo dựng nên ta. Sách Giáo lý xưa dạy rằng : để ta nhận biết, yêu mến và phụng sự Chúa ở đời này, để cùng Ngài hưởng phúc thiên đàng mãi mãi ở đời sau. Trả lời như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Nó chỉ đáp lại câu hỏi : Mục đích nào Chúa dựng nên ta? chứ không phải câu hỏi : Tại sao Ngài dựng nên ta? Lý do nào thúc đẩy Ngài dựng nên ta? Với câu hỏi trên, không nên trả lời : để ta yêu Ngài, nhưng là : vì Ngài yêu ta. Hiện hữu là được yêu, đó là nguyên lý của khoa hữu thể học Kitô giáo, theo triết gia Công giáo người Pháp Gabriel Marcel.

Theo thần học Do thái, “vũ trụ được tạo dựng không phải để các tinh tú và các vật thể khác gia tăng trong đó, nhưng để có một không gian cho giao ước, để Thiên Chúa thể hiện tình yệu của Ngài và con người đáp lại”. Tạo dựng là để thực hiện cuộc đối thoại tình yêu của Thiên Chúa với con người.

Về điểm này, quan điểm Kitô giáo về nguồn gốc vũ trụ thực khác xa với chủ nghĩa khoa học, theo đó vũ trụ do tình cờ mà có. Một trong những đau khổ của thanh niên thiếu nữ là, một ngày nào đó, thấy mình  chỉ do tình cờ mà sinh ra, không phải do cha mẹ mong muốn. Một thứ chủ nghĩa khoa học vô thần dường như cũng muốn áp đặt đau khổ đó cho toàn thể nhân loại.

Về việc chúng ta được tạo dựng do tình yêu của Thiên Chúa, có lẽ không ai ngoài thánh Catarina Sienna giúp chúng ta xác tín như vậy, trong lời cầu nguyện ngài dâng lên Ba Ngôi: “Lạy Cha hằng hữu, làm sao Cha đã tạo dựng những thụ tạo của Cha. Ngọn lửa tình yêu đã thúc bách Cha, ôi tình yêu khôn tả, cho dù trong ánh sáng, Cha đã thấy mọi tội lỗi mà thụ tạo sẽ phạm chống lại Cha là Đấng vô cùng nhân từ, Cha vẫn tạo dựng như thể không thấy điều đó…Cha đã soi sáng cho con chân lý của Cha, nghĩa là tình yêu đã thúc bách Cha tạo nên muôn loài”.

Đây không chỉ là agape, tình yêu thương xót, trao tặng, mà còn là eros ở tình trạng tinh tuyền, lôi cuốn đến đối tượng của tình yêu, nhìn ngắm và say mê vẻ đẹp của nó.

3. Tình yêu của Thiên Chúa trong mạc khải

Giai đoạn hai của tình yêu là mạc khải, là Kinh thánh. Thiên Chúa nói với ta về tình yêu của Ngài, nhất là qua các tiên tri. Qua Hôsê, Ngài nói: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó…Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó…Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người mang trẻ thơ nâng lên ấp vào má. Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn…Hỡi Ephraim, Ta từ chối người sao nổi…Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,1-8).

Cùng một ngôn ngữ như vậy, chúng ta nghe lại trong Isaia: “Có phụ nữ nào mà quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? (Is 49,15); và trong Giêrêmia: “Ephraim có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực mến yêu. Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều” (Gr 31,20).

Trong những sấm ngôn này, tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả vừa theo cách của người cha, vừa theo cách của người mẹ. Tình yêu của người cha thì khích lệ, quan tâm. Người cha muốn cho con mình lớn lên, giúp nó trưởng thành. Vì vậy, ông sửa dạy nó, không muốn khen nó trước mặt nó, sợ nó nghĩ mình không cần học hỏi thêm nữa. Bù lại, tình yêu của người mẹ thì đón nhận, âu yếm. Đó là tình yêu từ gan ruột, từ lòng dạ đã sinh ra con.

Nơi con người, hai mẫu tình yêu đó phân biệt nhau khá rõ. Triết gia Sénèque nói: “Bạn thấy sự yêu thương của người cha và sự yêu thương của người mẹ chứ, khác nhau biết bao. Người cha đánh thức con trai dậy từ sớm để học bài, không chịu được khi thấy nó ở nhưng, ông bắt nó đổ mồ hôi, đôi khi phải khóc. Trái lại, người mẹ ôm con vào lòng, luôn muốn cho nó ở gần mình, không muốn nó khóc, lo lắng hay vất vả”. Trong khi Thiên Chúa của triết gia ngoại đạo chỉ có “những tình cảm của một người cha yêu thương, nhưng không yếu đuối”, thì Thiên Chúa của Kinh thánh còn có những tình cảm của một người mẹ yêu thương, nhưng “có yếu đuối”.

Con người còn có kinh nghiệm về một mẫu tình yêu khác nữa : tình  yêu mạnh mẽ như tử thần, và lửa tình là ngọn lửa bừng cháy (Dc 8,6). Trong Kinh thánh, Thiên Chúa cũng có thứ tình yêu này, một tình yêu đam mê đối với con người, lúc thăng, lúc trầm : niềm vui lúc đính hôn (x. Gr 2,2) và ngày cưới (Is 62,5), lúc đoạn tình dứt nghĩa (Hs 2,4tt), cuối cùng là phục hồi về ngày trước, chan chứa hy vọng (x. Hs 2,16 ; Is 54,8).

Tự căn bản, tình yêu vợ chồng là tình yêu ao ước và lựa chọn. Nếu thực sự con người ao ước Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cũng thực sự ao ước con người một cách mầu nhiệm, không những ao ước mà còn muốn và coi trọng tình yêu, cảm thấy vui mừng như “niềm vui của chàng rể đối với nàng dâu” (Is 62,5).

4. Tình yêu của Thiên Chúa trong việc nhập thể

Đây là giai đoạn quyết định của tình yêu. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Giống như trước việc tạo dựng, trước việc nhập thể người ta tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa làm người?” (Cur Deus homo?) Trong một thời gian dài, câu trả lời là : để cứu ta khỏi tội lỗi. Duns Scot đã đào sâu giải đáp này, coi tình yêu là động lực cơ bản của nhập thể, cũng như của mọi công trình hướng ngoại (ad extra) khác của Ba Ngôi.

Theo Scot, Thiên Chúa yêu mình trước, rồi Ngài muốn được những người khác yêu. Ngài quyết định nhập thể chính là để có một hữu thể khác yêu Ngài bằng một tình yêu lớn lao ngần nào có thể. Nhập thể vẫn sẽ xẩy ra, cho dù Ađam không phạm tội. Đức Kitô là người đầu tiên được nghĩ tới, được mong muốn, là Trưởng tử mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15), chứ không phải là giải pháp cho vấn đề tội của Ađam.

Ý kiến của Scot chỉ giải đáp được một phần, và có thể được bổ túc dựa vào những gì Kinh thánh nói cho ta hay. Thiên Chúa muốn Con mình nhập thể, không chỉ để có một ai bên ngoài yêu Ngài cho xứng với Ngài, nhưng còn và nhất là còn để có một ai bên ngoài để Ngài yêu cho xứng với Ngài. Và ai đó chính là Con Thiên Chúa làm người, “đẹp lòng Cha mọi đàng”. Cùng với người Con này và trong người Con này, tất cả chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời.

Đức Kitô là bằng chứng tối cao của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Không chỉ là bằng chứng theo nghĩa khách quan, mà còn theo nghĩa chủ quan. Nói khác đi, Ngài không chỉ là bằng chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, mà còn là chính tình yêu của Thiên Chúa mặc lấy hình hài nhân loại, để có thể yêu và được yêu, trong tình huống cụ thể của ta. “Lúc khời đầu đã có tình yêu, và tình yêu đã trở nên người phàm”.

Thánh Phaolô đã cố gắng diễn tả cách mới mẻ tình yêu của Thiên Chúa, khi nói “tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8,39). Thế nên từ đây tình yêu của ta đối với Thiên Chúa phải được biểu lộ cách cụ thể bằng tình yêu đối với Đức Kitô, vì tất cả tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta tiên vàn được biểu lộ trong Đức Kitô.

5. Tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống các tâm hồn

Lịch sử tình yêu của Thiên Chúa không kết thúc với cuộc Vượt qua của Đức Kitô, mà còn tiếp tục kéo dài qua việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đấng làm cho tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô hiện diện và hoạt động cho tới ngày tận thế. Do đó, chúng ta không chỉ sống bằng kỷ niệm về tình yêu của Thiên Chúa, như một sự việc đã qua. Là vì, “Tình yêu của Thiên Chúa được đổ xuống lòng ta, nhờ bởi Thánh Thần đã được ban cho ta” (Rm 5,3).

Nhưng tình yêu được đổ xuống lòng ta qua phép Rửa là tình yêu nào vậy? Một tình cảm của Thiên Chúa dành cho ta chăng? Một thái độ nhân từ đối với ta chăng? Có gì đó còn hơn thế nữa. Đây là tình yêu của Thiên Chúa, tức tình yêu trong Ba Ngôi giữa Chúa Cha và Chúa Con, giờ đây, qua việc nhập thể, đã mặc lấy hình hài nhân loại, thông phần với chúng ta khi ở lại trong chúng ta. “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

Chúng ta được vinh dự “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), nghĩa là thông phần tình yêu của Thiên Chúa. Như thánh Gioan Thánh giá giải thích, nhờ ân sủng, chúng ta tìm lại được mình trong cơn lốc tình yêu, từ muôn đời lưu chuyển trong Ba Ngôi, giữa Chúa Cha và Chúa Con. Hoặc nói đúng hơn : trong cơn lốc tình yêu, giờ đây ở trên trời, lưu chuyển giữa Chúa Cha và Con của Người là Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết, mà chúng ta là thành phần.

6. Chúng ta đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa

Những điều nói trên là mạc khải khách quan cho thấy tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử. Trước mạc khải này, chúng ta phải làm gì, phải nói gì khi đã nghe biết Chúa yêu ta dường nào?

Câu trả lời đầu tiên là : Đến lượt ta, ta phải yêu mến Thiên Chúa. Đó không phải là điều răn quan trọng nhất hay sao? Đúng, nhưng nó chỉ đến sau. Một câu trả lời khác có thể có : Ta hãy yêu nhau như Chúa đã yêu ta. Gioan đã chẳng nói “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4,11) đó sao?. Cả điều này nữa, cũng đến sau. Còn điều phải làm trước tiên, chính là tin vào tình yêu Thiên Chúa. Sau khi nói “Thiên Chúa là tình yêu”, Gioan xác nhận: “Chúng ta đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16), tức tin vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta.

Như vậy, tiên vàn là tin. Nhưng đây là một đức tin đặc thù : tin đến ngỡ ngàng, một đức tin không thể tin được (nói có vẻ nghịch lý, nhưng thực sự là vậy), một đức tin không thể hiểu được điều mình tin, cho dù tin vào điều đó. Thiên Chúa đang sống trong hạnh phúc vĩnh cửu, làm sao lại muốn dựng nên ta, và hơn thế nữa, còn muốn đến với ta bằng xương bằng thịt, để chịu khổ ở giữa ta và vì ta? Làm sao điều đó có thể xẩy ra được? Quả thực đây mới là đức tin làm cho ta ngỡ ngàng, nhưng hạnh phúc.

Clive Staples Lewis (C,S.Lewis), một người trở lại nổi tiếng, và cũng là nhà hộ giáo, tác giả của loạt truyện Chroniques de Narnia đã được quay thành phim, rất ăn khách, có viết một cuốn tiểu thuyết hơi lạ, tựa đề “Tactique du diable” (Chiến thuật của quỷ). Sách gồm những lá thư của một quỷ già, gửi cho một quỷ trẻ còn non kinh nghiệm, đang có nhiệm vụ cám dỗ một thanh niên ở London vừa trở lại sống đời Kitô hữu. Quỷ già muốn dạy cho quỷ trẻ chiến thuật cám dỗ. Đây là một khảo luận hiện đại về luân lý và khổ chế, với điều kiện hiểu ngược lại, tức là làm ngược với những gì được gợi ra.

Tác giả cho ta thấy một cuộc tranh luận giữa các quỷ. Chúng không thể hiểu rắng Kẻ Thù (ở đây là Thiên Chúa) lại có thể thực sự yêu thương “những con sâu bọ này là loài người, và muốn cho họ được tự do. Chúng tin chắc không thể xẩy ra như thế được. Chắc phải có một sự lừa đảo nào đó. Chúng nói đã điều tra từ ngày Cha Chúng Ta (tên chúng đặt cho Lucifer), vì lý do này, đã rời xa Kẻ Thù. Cho đến nay chúng chưa tìm ra, nhưng sẽ tìm ra sự xảo trá lừa đảo đó. Theo chúng, tình yêu của Thiên Chúa đối với thụ tạo là mầu nhiệm khó hiểu nhất. Thiết tưởng ít ra trong vấn đề này thì quỷ có lý.

Hẳn có người nói : tin như vậy cũng dễ thôi. Không dễ đâu, ngược lại, có lẽ là chuyện khó nhất, ngay cả cho chúng ta. Ta có thực sự tin là Thiên Chúa yêu chúng ta không?. Không phải không tin thực sự, nhưng là không tin cho đủ. Nếu chúng ta tin, thì cuộc đời ta, mọi sự, mọi biến cố, cả đau khổ nữa, đều thay đổi tất tần tật trước mặt chúng ta, và thay đổi ngay tức khắc. Chúng ta sẽ ở trên thiên đàng ngay hôm nay, vì thiên đàng là gì nếu không phải là được vui hưởng hoàn toàn tình yêu của Chúa.

Thế giới hôm nay ngày càng khó tin vào tình yêu. Người nào đã từng bị phản bội, bị tổn thương, cảm thấy sợ yêu và được yêu, vì biết bị lừa đảo thì đau khổ như thế nào. Do đó, số người không tin vào tình yêu của Chúa, thậm chí vào bất cứ tình yêu nào, ngày càng thêm đông. Dấu hiệu của văn hóa tục hóa hôm nay là vỡ mộng, vô liêm sỉ. Cũng có người tin vào tình yêu của Chúa, coi nó là đẹp, nhưng do kinh nghiệm cá nhân, người đó cho rằng “tình yêu ấy không dành cho tôi, vì tôi không xứng”

Mọi người cần biết là Thiên Chúa yêu họ. Các môn đệ của Chúa có nhiệm vụ đem đến cho họ tin mừng này. Giống như các Kitô hữu, cũng có những người biết kính sợ Thiên Chúa, quan tâm đến công bằng xã hội, tôn trọng con người, hòa bình và lòng khoan dung, nhưng không một ai trong các triết gia, các tôn giáo, nói cho người ta biết rằng Thiên Chúa yêu họ, là người đầu tiên yêu họ bằng tình yêu thương xót và ao ước, có cả eros lẫn agape.

Thánh Phaolô gợi ra cho ta một phương pháp áp dụng ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa vào cuộc sống cụ thể của ta. Ngài viết thế này: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, gươm giáo? ..Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35.37). Những nguy hiểm và kẻ thù của tình yêu Chúa mà Phaolô kể ra cũng chính là những gì ngài đã thực sự có kinh nghiệm trong suốt cuộc đời ngài (x. 2 Cr 11,23 tt). Ngài nhớ lại chúng và nhận ra rằng không điều gì đủ mạnh để tách ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi làm như Phaolô : nhìn lại cuộc đời ta, lôi ra ánh sáng những gì là buồn sầu, đe dọa, mặc cảm, về thể lý hay luân lý. Ta sẽ thấy chúng không là gì khi nghĩ đến tình yêu của Chúa dành cho ta.

Thánh Tông đố còn đưa mắt nhìn ra thế giới chung quanh, rồi nói: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng, cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loại thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Chúng ta cũng có thể làm như vậy : nhìn ra thế giới chung quanh, một thế giới làm ta phải lo âu, sợ hãi. Với chúng ta ngày hôm nay, trời cao hay vực thẳm, hướng lên thì vô cùng lớn, hướng xuống thì vô cùng nhỏ, đó là vũ trụ và nguyên tử. Tất cả sẵn sàng đè bẹp chúng ta. Con người thì yếu đuối và cô đơn trong một thế giới quá lớn so với nó, và ngày càng đe dọa với những khám phá và phát minh khoa học có khi không kiểm soát nổi, gây ra những thảm họa khôn lường.

Dầu vậy đi nữa, có một điều vẫn làm cho chúng ta tin tưởng : Thiên Chúa yêu ta và mạnh hơn tất cả. “Ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất”.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Chay, năm 2011, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều