THAM GIA VÀ HIỆP THÔNG… TRONG TINH THẦN ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

(giaolyductin.org 20/03/12, 11:57 am)

Giáo hội biết rằng những nỗ lực của nhân loại hướng đến sự hiệp thông và tham gia, mặc dầu có những khó khăn, những trì trệ, những mâu thuẫn đủ loại, do những giới hạn của con người, do tội lỗi và Thần Dữ, vẫn được giải đáp hoàn toàn nhờ sự can thiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người và thế giới.[1]

Gọi là “tham gia và hiệp thông… trong tinh thần đồng trách nhiệm”, bài viết mong muốn được đề cập cách riêng đến một số ý nghĩa và vai trò thiết yếu của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội hiện nay với định hướng “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình…”.[2]

Một số văn kiện liên quan đặc biệt đến giáo dân

Có thể nói Thông điệp Tân sự (Rerum novarum, 1891) của Ðức Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Nước Chúa trong lãnh vực xã hội (Qua ubi arcano Dei, 1922) và Thông điệp Năm thứ bốn mươi (Quadragesimo anno, 1931) của Ðức Giáo hoàng Piô XI đã thúc giục người Công giáo dấn thân vào các lãnh vực trần thế, góp phần canh tân các phương thức và đặt nền móng vững chắc hơn cho các hoạt động tông đồ giáo dân.

Đến thời Ðức Giáo hoàng Piô XII, ngài hết sức tận tâm tổ chức các phong trào và hội đoàn Công giáo Tiến hành trên bình diện quốc tế. Trong Thông điệp Những người loan báo Tin mừng (Evangelii praecones, 1951), ngài thậm chí còn xem đó là nhu cầu thiết yếu của Giáo hội: “Cần phải có những giáo dân quảng đại và nhiệt thành hợp tác với giáo sĩ trong việc tông đồ, cũng như tham gia đông đảo vào trong các hàng ngũ Công giáo Tiến hành”.[3]

Rồi Công đồng Vaticanô II, cách riêng là các văn kiện: Hiến chế tín lý về phụng vụ thánh (Sacrosanctum concilium, 1963), Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen gentium, 1964), Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem, 1965),Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad gentes, 1965)đã thực sự mạnh mẽ nêu bật vai trò của giáo dân giữa lòng cuộc sống Giáo hội, xã hội và đòi hỏi phải có sự đào tạo giáo dân ngày càng thêm phần trưởng thành.

Gần đây, người ta còn hay nói đến một khái niệm mới, một ý thức sâu sắc về thế nào là “giáo dân đồng trách nhiệm với giáo sĩ”, chứ không chỉ là “giáo dân như cộng tác viên của giáo sĩ”. Thật vậy, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến khía cạnh này; và đã có những chương trình huấn luyện triển khai, những thực hành cụ thể cho vấn đề này. Chươngtrình Hướng đến sự đồng trách nhiệm của linh mục và giáo dân: Khôn ngoan từ quá khứ, hy vọng cho tương lai của Trung tâm Giáo dân Foyer Unitas từ ngày 06 tháng 6 đến 11 tháng 6 năm 2010 là một thí dụ.[4]Rõ ràng, đây cũng chính là thành quả trực tiếp của các văn kiện của Giáo hội:[5]

· Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici, 1988),

· Huấn thị về một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của các tín hữu không có chức thánh vào tác vụ của các linh mục(Instruction on Certain Questions Regarding the Collaboration of the Non-Ordained Faithful in the Sacred Ministry of Priests, 1997),

· Sứ điệp gửi Đại hội Rôma về giáo dân: Đồng trách nhiệm vì bản chất và hoạt động của Giáo hội (Benedict XVI’s Message to Rome ConferenceonLaity: “Co-responsible for the Church’s Being and Action”, 2009),

· Diễn văn khai mạc Hội nghị Mục vụ Giáo phận Rôma với đề tài: Tư cách thành viên của Giáo hội và tính đồng trách nhiệm về mục vụ” (Benedict XVI’s Address to the Opening of the Pastoral Convention of the Diocese of Rome on the Theme: “Church Membership and Pastoral Co-Responsibility”, 2009).

Thật vậy, một số không ít các văn kiện Giáo hội luôn nhắc đến giáo dân như những thành phần năng động trong Giáo hội, rất quan trọng của Giáo hội: sự hợp tác thiết yếu của giáo dân vào tác vụ của các linh mục, sự đồng trách nhiệm của các Kitô hữu vì bản chất và hoạt động của Giáo hội, tính đồng trách nhiệm về mục vụ của giáo dân cùng với giáo sĩ. Giáo dân cũng thực sự là những người thợ tích cực làm vườn nho của Thiên Chúa. Vâng,

Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”.[6]

Là những người đồng trách nhiệm

Để xây dựng Thân Thể Đức Kitô, Công đồng Vaticanô II, rồi các văn kiện sau này, cách riêng Tông huấn Kitô hữu giáo dân nói đến các đoàn sủng, các tác vụ trong Giáo hội là những ân huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần.[7]

Giáo hội được điều khiển và hướng dẫn nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát các ân huệ khác nhau, thuộc phẩm trật và đoàn sủng, cho tất cả những người đã được rửa tội, bằng cách mời gọi họ, mỗi người theo cách thế của mình, hành động và đồng trách nhiệm. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn đến các tác vụ và đòan sủng, xem xét những liên hệ của chúng với giáo dân và sự tham dự của họ vào đời sống Giáo hội – Hiệp thông.[8]

Thật vậy, đã tượng hình tượng thanh trong các văn liệu Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ” (2009), rồi Sứ điệp Đại hội Dân Chúa 2010, cụm từ đồng trách nhiệm—bao gồm tinh thần trách nhiệm của từng hữu thể[9]—đã tiệm tiến hình thành mỗi lúc một rõ ràng hơn và đã thực sự vang lên cách tuyệt vời trong Thư chung “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (2011):[10]

Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo Hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm[11]của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến.[12]Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”.[13]Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.[14]

Với tinh thần tham gia,hiệp thông đồng trách nhiệm trong đời sống mục vụ, người Kitô hữu cần nhận biết rằng Chúa là Đấng ban tặng nhiều hơn, đúng ra là tất cả, so với những gì Người đòi hỏi và người ta làm được, ngay cả khi làm việc vườn nho ngay từ đầu ngày, hay giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín….

Để không chia rẽ bè phái, không ganh tị nhiều ít, không câu nệ hình thức thiệt hơn, trong phần mở đầu Thư mục vụ tháng 7 năm 2011: Hội đồng mục vụ với tinh thần tham gia và hiệp thông vì sứ vụ gửi các thành phần dân Chúa trong gia đình Giáo phận Long Xuyên, cách riêng quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ, chúng tôi đã nêu rõ một nguyện ước:

… hàng giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận sẽ tiếp tục đồng hành và đồng trách nhiệm đối với sứ mạng của Chúa Kitô, noi gương hai thánh bổn mạng là thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quí và thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng.[15]

Rõ ràng, sự kỳ vọng nơi quý chức các hội đồng, hội đoàn nói riêng, nơi giáo dân nói chung, sẽ là những người: (1) hết lòng vì sứ vụ cùng với các giáo sĩ, các tu sĩ...để luôn tích cực làm các công việc chuyên biệt của mình trong vườn nho của Chúa tại các giáo xứ; (2) chăm chỉ góp phần xây dựng một “Hội thánh tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm”.

 

Thật vậy, dưới ánh sáng lời Chúa và với mục đích giúp thực hành trong mục vụ, những sự kiện nhân trần, với sự hướng dẫn của Giáo hội, tìm thấy căn cội nền tảng nhất của mình. Bởi lẽ, không phải chỉ với trách nhiệm cá nhân (individual responsibility),[16] trách nhiệm tập thể (collective responsibility),[17]nhưng còn là sự đồng trách nhiệm theo chuẩn mực của Giáo hội (ecclesiastical co-responsibility),[18] và nhất là tính đồng trách nhiệm của các tín hữu giáo dân trong cuộc sống và trên hành trình đức tin trong Giáo hội, mà Công đồng Vaticanô II mời gọi các chủ chăn hãy nhận biết:

… người tín hữu giáo dân có quyền, nói đúng hơn, một đôi khi, có bổn phận phải nói lên cho biết ý kiến của họ đối với những điều có liên quan đến những gì tốt lành cho Giáo hội.[19]

Công đồng Vaticanô II đã giúp đưa ra nhiều hình ảnh rất có ý nghĩa về Giáo hội mà theo đó, tinh thần đồng trách nhiệm vì sứ vụ của mọi thành phần dân Chúa sẽ là tham gia và hiệp thông. Thật vậy, Giáo hội được diễn tả:

… là bí tích…, là hiền thê…, là vườn nho…, là “một cộng đồng Thánh Thể”, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là “‘gia đình của Thiên Chúa, một nhóm bừng cháy tinh thần hợp nhất’, ‘một mái nhà thân thương và niềm nở’, ‘một cộng đoàn tín hữu’.”[20]

Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici) số 45-49 nói rất rõ: mọi Kitô hữu (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân)—người già người trẻ, kẻ bé kẻ lớn, thiện nam cũng như tín nữ—đều là những người thợ làm vườn nho của Thiên Chúa, “những nhà quản lý tuyệt vời ân sủng đa dạng của Thiên Chúa”. Tất cả đều được mời gọi làm việc cho Nước Chúa:

… tùy theo sự khác biệt về ơn gọi và hoàn cảnh, về đoàn sủng và tác vụ. Đó là sự khác biệt không những về tuổi tác, nhưng còn về giới tính và khả năng, cũng như về ơn gọi và điều kiện sống: đó là sự khác biệt làm cho kho tàng phong phú của Giáo hội thêm sống động và cụ thể hơn.[21]

Vấn đề chỉ là sự khác biệt của tay nghề giữa những người thợ và vị trí của họ trong chính vườn nho Nước Chúa. Khác vị trí là chuyện tất nhiên dễ hiểu (khách quan) nhưng kém tay nghề là chuyện cần xem lại chính mình (chủ quan). Người thợ cần có trình độ tay nghề cao để công việc của vườn nho được trôi chảy. Muốn có tay nghề cao thì không những phải học mà còn phải hành, phải rèn luyện.

Để có được hàng ngũ giáo dân trưởng thành, Giáo hội đã và vẫn đang rất quan tâm đến việc đào tạo, tốn nhiều công sức đầu tư cho việc huấn luyện, cầu nguyện và nuôi hy vọng người giáo dân sẽ sống đúng vai trò và vị trí thế mạnh của mình trong rất nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực trần thế vào một tương lai không xa.

Với định hướng tổng quát về tính “đồng trách nhiệm” của các thành viên trong gia đình Giáo hội nói chung, Đức Hồng y Yves Congar cũng đã từng khéo léo nói đến tính tất nhiên của việc cùng chia sẻ trách nhiệm của mọi thành viên gia đình giáo hội địa phương.[22] Chính Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong ý thức có những người Kitô hữu sống bên lề Giáo hội (live on its margins), xác quyết việc cần phải coi giáo dân là những người đồng trách nhiệm trong Giáo hội.[23]Ngài nói:

… cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên (collaborator)[24]của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm (co-responsible) thật sự trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo hội.[25]

Đồng thời, cần cải thiện các cấu trúc mục vụ sao cho việc đồng trách nhiệm của các thành phần dân Chúa trong toàn bộ được thăng tiến dần lên, cùng với sự tôn trọng các ơn gọi và vai trò tương ứng của giáo dân và những người sống đời thánh hiến. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi quan niệm, đặc biệt là những gì liên quan đến giáo dân. Không còn được xem họ là những “cộng tác viên” (collaborator)[26]của hàng giáo sĩ nhưng thực sự nhận ra họ là những người “đồng trách nhiệm” (co-responsible) trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo hội, nhờ đấy mà nuôi dưỡng sự đoàn kết của hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân.[27]

Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Mục vụ Giáo phận Rôma với đề tài: “Tư cách thành viên của Giáo hội và tính đồng trách nhiệm về mục vụ”, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI còn nêu câu hỏi rất cụ thể: “Đồng trách nhiệm mục vụ (pastoral co-responsibility)[28]của mọi Kitô hữu, cách riêng là giáo dân, được công nhận và khích lệ đến mức nào?”

Trong những thế kỷ qua, nhờ vào các chứng từ quảng đại của những người lãnh nhận bí tích thánh tẩy đã dùng đời sống mình giáo dục các thế hệ trẻ trong đức tin, chữa lành những người bệnh và giúp đỡ những người nghèo mà cộng đoàn Kitô hữu đã loan báo Tin mừng cho các cư dân Thành Rôma. Chính sứ vụ tương tự như thế (self-same mission) cũng được trao phó cho chúng ta, trong những trạng huống khác nhau, trong một thành phố mà nhiều người lãnh nhận bí tích thánh tẩy đã lạc xa con đường của Giáo hội, và những người có danh là Kitô hữu không còn biết đến vẻ đẹp của đức tin….[29]

Còn Đức Tổng Giám mục Charles Chaput của Tổng Giáo phận Denver (Hoa Kỳ), căn cứ vào các huấn dụ, những lời phát biểu của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, đã lên tiếng hòa điệu trong một bài diễn văn của mình, đề cao vai trò người giáo dân với tinh thần đồng trách nhiệm. Theo ngài, giáo dân…

… có cùng một phẩm giá như các giáo sĩ và tu sĩ. Họ không phải là những thành viên hạng hai của Thân Mình Chúa Kitô.[30]

Cụ thể, người tín hữu giáo dân cần sắm vai tích cực hơn, cộng tác cách đầy đủ và hiệu quả hơn vào cánh đồng truyền giáo (to collaborate fully and effectively in the field of evangelisation) để thực hiện công cuộc Phúc âm hóa và Tân Phúc âm hóa.[31]

Sự hiệp thông làm phát sinh sự hiệp thôngvà được coi chủ yếu như một sự hiệp thông truyền giáo. Thật thế, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo: hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông. Luôn luôn cùng một Thánh Thần duy nhất kêu gọi và hiệp nhất Giáo hội, sai Giáo hội đi rao giảng Tin mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).[32]

Hiện diện trong nhiều lãnh vực đạo đời

Ưu tiên thực hiện ơn gọi riêng của mình bằng cách sống trong trần thế, làm thấm nhập tinh thần Tin mừng vào mọi hành động của mình trong trần thế, để xếp đặt các việc trần thế theo thánh ý của Thiên Chúa, người giáo dân còn được hiểu là có lợi thế hiện diện và khả năng thích hợp để tham dự vào nhiều lãnh vực trong đạo. Thật cũng không quá khó để nhận ra đấy là cách thức Chúa Thánh Thần hoạt động, đấy là điều Giáo hội đang góp công vun trồng và rất mong đợi hoa trái ngày mùa nơi sự tham gia mỗi ngày một đông hơn của giáo dân vào công việc vườn nho của Chúa.

… trong kiểu cách mới về sự cộng tác giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân; trong sự tham dự tích cực vào phụng vụ, vào việc loan báo Lời Chúa, vào việc huấn giáo; trong nhiều dịch vụ và trách vụ được trao phó cho giáo dân, và họ đã đảm nhận rất tốt; trong việc nở rộ các nhóm, các hiệp hội, các phong trào tu đức và dấn thân; trong việc tham gia rộng rãi và rõ nét hơn của phụ nữ vào đời sống của Giáo hội và sự phát triển của xã hội.[33]

Bộ giáo luật 1983 liệt kê những nhiệm vụ giáo dân có thể đảm trách và thi hành là: (1) tác vụ giúp lễ và tác vụ đọc sách,[34](2) tham gia công việc huấn giáo,[35](3) dạy các thánh khoa thần học với danh nghĩa chính thức,[36](4) làm chưởng ấn, lục sự,[37]quản lý trong giáo phận,[38](5) thẩm phán, cố vấn thẩm phán (phụ thẩm), dự thẩm, kiểm toán viên,[39](6) chưởng lý, bảo hệ viên,[40](7) thụ ủy.[41]

Giáo dân có thể làm: (1) nhà thừa sai,[42](2) thừa tác viên ngoại thường của bí tích thánh tẩy,[43](3) thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, đặt Mình Thánh Chúa,[44](4) thừa tác viên chủ trì hôn nhân (chứng hôn),[45]thừa tác viên cử hành nghi thức an táng và nhiều á bí tích khác.[46]

Trong giáo phận cũng như tại giáo xứ, giáo dân còn hoàn toàn có thể và thậm chí còn có lợi thế chuyên môn để làm những thành viên tích cực của hội đồng kinh tế,[47]những thành viên thiết yếu trong hội đồng mục vụ.[48]Ngay tại giáo xứ, dưới quyền lãnh đạo của linh mục chánh xứ, giáo dân có thể bàn bạc, góp ý, điều phối tốt đẹp những công tác tông đồ. Nếu nơi nào không có linh mục, giáo dân còn có thể được ủy thác việc trông coi xứ đạo dưới quyền “một linh mục với các quyền hạn và năng quyền của một linh mục chánh xứ để điều khiển việc mục vụ”.[49]

Thật vậy, sự hiện diện của giáo dân trong các nhiệm vụ đa dạng kể trên chắc chắn đã, đang và sẽ làm thay đổi hình ảnh dư luận thường có về Giáo hội và các phẩm trật trong Giáo hội. Bởi lẽ, giáo dân “có khả năng thì có năng cách để được các chủ chăn mời đảm nhận các chức vụ”[50]nói trên trong tinh thần tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm. Tại Việt Nam, cách riêng tại Long Xuyên, với thành ngữgồm tóm những ý tưởng chính của Đề Cương Năm Thánh 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Hội thánh tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm”, chúng tôi, trong cương vị là giám mục giáo phận cũng như Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, đã hữu ý nhấn mạnh đến tinh thần đồng trách nhiệm của các thành phần trong gia đình của Chúa.[51]Trong lời giới thiệu cho sưu tập Hướng đến Đại hội Dân Chúa Năm Thánh 2010,[52]chúng tôi cũng đã viết:

(Mầu nhiệm Giáo hội…)… đang mời gọi sự hiệp thông đồng trách nhiệm (co-responsible communion) của các thành phần trong gia đình của Chúa, để rồi cả nhà cùng nhau thực thi sứ vụ không thể thay thế của mỗi người.... Đó là ơn gọi thực thi sứ vụ trong mầu nhiệm Giáo hội tại Việt Nam; ơn gọi thực thi sứ vụ trong sự hiệp thông của Giáo hội tại Việt Nam; và ơn gọi thực thi sứ vụ trong công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội tại Việt Nam.[53]

Theo đó, tác giả Chùm suy tư về sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Năm Thánh 2010 cũng đã từng viết một ước nguyện dâng lên đại hội. Ước nguyện rằng, Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 đặt dấu nhấn:[54]

… trên sự thật của “Giáo hội là gia đình của Chúa”. Đó là: (1) sự thật “mầu nhiệm khả tri” của Giáo hội mầu nhiệm, (2) sự thật “mầu nhiệm khả tri” của Giáo hội hiệp thông, và (3) sự thật “mầu nhiệm khả tri” của Giáo hội sứ vụ.[55]

… đậm nét trong việc khuyến khích sự đồng trách nhiệm (co-responsibility) của “Giáo hội là gia đình của Chúa”. Đó là: (1) sự đồng trách nhiệm của Giáo hội mầu nhiệm, (2) sự đồng trách nhiệm của Giáo hội hiệp thông, và (3) sự đồng trách nhiệm của Giáo hội sứ vụ.[56]

Để kết

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong Sứ điệp Đồng trách nhiệm vì bản chất và hoạt động của Giáo hội”năm 2009, đã dạy rằng:

Nếu chính Lời quy tụ cộng đoàn thì chính Thánh Thể làm cho cộng đoàn nên một: “bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Quả vậy, Giáo hội không phải là kết quả của một tập hợp những cá nhân song là sự hiệp nhất những con người được Lời Chúa và Bánh Sự Sống nuôi dưỡng. Sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội sinh ra từ Thánh Thể là thực tại chúng ta cần ý thức, cũng như khi rước lễ, cần ý thức chúng ta được nên một với Chúa Kitô và do đó mà nên một với nhau.[57]

Vậy trong tâm tình noi gương Thánh Phêrô Quý và Thánh Emmanuen Phụng, những ngườiđược nên một với Chúa Kitô và do đó mà nên một với cộng đoàn mình phục vụ, những ngườilàm vườn nho cho Chúa theo lý tưởng “Hội thánh tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm”, tưởng chúng ta cũng rất nên tìm cách minh họa cách sống động, thiết kế cách chi tiết, xây dựng cách cụ thể một nền thần học “đồng trách nhiệm” của Giáo hội dựa trên hình ảnh gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực hiện công trình thần học “đồng trách nhiệm” theo mô hình gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi là để các thành viên trong gia đình của Chúa tại Việt Nam sẽ cùng tham gia và hiệp thông, cùng lao động tích cực trong vườn nho Chúa mà đời sống mục vụ của mỗi giáo xứ cũng như của toàn thể Giáo Hội Công giáomột cộng đồng gia đình gồm cả giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân—vẫn luôn đòi hỏi và đang nỗ lực hướng đến. Thật vậy,

Cũng như người ta được sinh trong một gia đình cụ thể với vị trí địa lý và những điều kiện cụ thể thế nào, thì các Kitô hữu được rửa tội và được huấn luyện trong Chúa Kitô tại các giáo hội địa phương cụ thể cũng như vậy. Những cuộc tụ họp trong sự hiệp thông với Chúa tự thân đã có giá trị. Nghĩa là các cuộc tụ họp ấy không phải là phương thế nhằm đạt đến một mục đích lớn hơn, nhưng tự thân đã là sự hiện thực của Giáo hội. Sự hiện thân hoặc hiện thực này xây dựng Giáo hội từ bên dưới, được liên kết với giáo hội lớn hơn ấy nhờ sự hiện diện phẩm trật và sự chỉ định chủ chăn của họ, còn họ, họ là dân thánh của Thiên Chúa (Plebs sancta), một cộng đồng gồm cả linh mục và dân chúng.[58]

Cuối cùng, với định hướng “tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm”, chúng tôi đề xuất chút tâm tình cầu nguyện, xin Chúa thương ban cho tất cả chúng ta: (1) ơn mở lòng cho công cuộc huấn luyện của Chúa Thánh Thần;(2) ơn luôn có tinh thần đối thoại để hiệp thông trong tình thương của Thiên Chúa là Cha; (3) ơn sẵn sáng được sai đi để hiện diện với tư cách là những chứng nhân cho Chúa Kitô, nghĩa là:(a) biết hiện diện đồng hành, (b) biết hiện diện âm thầm, (c) biết hiện diện tỏa sáng, và (d) biết hiện diện hiệp nhất cách trọn vẹn trong Giáo Hội của Chúa. [59]Vì thế, mỗi chúng ta cần:

… khám phá, nuôi dưỡng, và tạo điều kiện để những ơn đoàn sủng từ hàng giáo dân góp phần tích cực và trực tiếp vào sứ mạng của Chúa Kitô như lời Người mời gọi: “Cả anh chị em nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi đi” (Mt 20,4). Gương mẫu của tinh thần đồng trách nhiệm giữa hàng giáo sĩ và giáo dân là hai Thánh tử đạo của giáo phận, Thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và Thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng.[60]

Gm. Giuse Trần Xuân Tiếu


[1] CL, số 7.

[2]Mt 20,1.

[3]Jean-Loup Ducasse, et al, Chrétiens dans le monde rural: 50 ans d’histoire (LAC-MFR-CMR, 1939-1989: Éditions ouvrières, 1989); AAS 43 (1951) 513.

[4] The Lay Centre at Foyer Unitas, Towards Co-Responsibility of Priests and Laity: Wisdom from the Past, Hope for the Future(06/6/2010 – 11/6/2010) (x. http://www.laycentre.org/coresponsibilityhome.html).

[5] X. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (11-4-1963), trong AAS 55 (1963), tr. 294 (về nguyên tắc đồng trách nhiệm).

[6] Mt 20,1-4.

[7] X. LG, số 4.

[8] CL, số 21.

[9] “Tùy vào sự ý thức của mình, mỗi người mang lấy trách nhiệm về những hậu quả do các quyết định của chính mình” (Every person carries—according to his awareness—the responsibility for the consequences of his decisions) (http://timeforchange.org/self-responsibility.html).

[10] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 23.

[11] Người viết bài này gạch dưới cụm từ “đồng trách nhiệm” (x. http://www.timeforchange.org/co-responsibility.html).

[12] X. LG, số 9; GLHTCG 782.

[13] X. Đề nghị 9.

[14] X. Tài liệu làm việc, số 16.

[15] X. Trần Xuân Tiếu, Thư mục vụ tháng 7 năm 2011: Tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm.

[16]Làm việc với tinh thần trách nhiệm là làm việc với nhân cách; chỉ có con người có trách nhiệm mới biết chọn cách làm việc, cách sống cho bản thân mình (to choose their manner of life), biết chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề niềm tin và cách sống niềm tin ấy (to have their individual responsibility in matters of faith and practice) (x. http://www.unification.net/ws/theme 091.htm).

[17]X. “Liệu trách nhiệm tập thể có hay không? Đến mức nào thì trách nhiệm áp dụng được vào nhóm trong sự kiện một chuỗi những nhân quả? Trách nhiệm có thể chia sẻ không?” (Is there such a thing as collective responsibility? How far does the responsibility go within a group in the event of a causal chain of consequences? Can responsibility be shared?) (http://www.timeforchange.org/co-responsibil -ity.html).

[18] Sự đồng trách nhiệm theo chuẩn mực của Giáo hội (ecclesiastical co-responsibility/Church-oriented co-responsibility) có nghĩa là trong Giáo hội mọi người cùng có trách nhiệm chung (in the Church, all have the co-responsibility); chứ không có nghĩa là mọi người có trách nhiệm bằng nhau trong Giáo hội (all have the equal responsibility in the Church), cũng không có nghĩa là mọi người làm cùng một việc như nhau (all do the same work in the Church).

[19]LG, số 37a.

[20] CL, số 26. Tạ Huy Hoàng, Giáo hội (giáo xứ) như/là gia đình của Chúa (BTH. UBGLĐT: Lưu hành nội bộ, 2010), 28.

[21] CL, số 45.

[22]X. James A. Coriden, The Parish in Catholic Tradition (Giáo xứ trong truyền thống Công giáo) Tạ Huy Hoàng và Các Bạn Hữu chuyển ngữ (New York: Paulist Press, 1997), 59. Có lẽ vì thế mà trong Đại hội Dân Chúa Năm Thánh 2010, Liên nhóm 4 cũng đề nghị: “Để xây dựng sự hiệp thông đích thực, điểm nhấn là đồng trách nhiệm ở mọi cấp, đề cao Bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông”.

[23]X. Bênêđictô XVI,Towards Co-Responsibility of Priests and Laity: Wisdom from the Past, Hope for the Future; 6 June–11 June 2010 (Hướng đến sự đồng trách nhiệm của linh mục và giáo dân: Khôn ngoan từ quá khứ, hy vọng cho tương lai) (06/6/2010 – 11/6/2010). Chương trình “Hướng đến sự đồng trách nhiệm của linh mục và giáo dân: Khôn ngoan từ quá khứ, hy vọng cho tương lai” cung cấp một khảo sát lịch sử và thần học về cách thức người giáo dân và giáo sĩ giúp thăng tiến sự hiệp thông và sứ vụ của Giáo hội: (1) “Some key historical figures to be included in the program are St. Paul and his co-workers, St. Justin Martyr, St. Lawrence, St. Gregory the Great, St. Vincent Pallotti and John Henry Newman”; (2) “Special attention will be given to the ways co-responsibility is lived today by focusing on some specific examples: the Saint Egidio Community and other new lay ecclesial movements”; và (3) “Using the US Bishops’ Document “Co-workers in the Vineyard of the Lord” as a base for discussion, there will be an international colloquium of priests and laity who will reflect on pastoral co-responsibility in the context of communion and mission” (x. http://www.laycentre.org/coresponsibilityhome.html).

[24] Trong trích đoạn này, người viết thêm vào các thuật ngữ tiếng Anh trong ngoặc đơn: (collaborator), (co-responsible).

[25] Bênêđictô XVI, Huấn từ ngày 07 tháng 3 năm 2010 tại giáo xứ Thánh Gioan Thánh Giá (Colle Salario, Rôma).

[26] Trong trích đoạn này, người viết thêm vào các thuật ngữ tiếng Anh trong ngoặc đơn: (collaborator), (co-responsible).

[27]X. Bênêđictô XVI, Sứ điệp gửi Đại hội Rôma về giáo dân: Đồng trách nhiệm vì bản chất và hoạt động của Giáo hội (Benedict XVI’s Message to Rome ConferenceonLaity: “Co-responsible for the Church’s Being and Action”) (http://cantate-domino.blogspot.com/2009 _05_31_archive. html).

[28] Trong trích đoạn này, người viết thêm vào các thuật ngữ tiếng Anh trong ngoặc đơn: (pastoral co-responsibility), (self-same mission).

[29] Bênêđictô XVI, Diễn văn khai mạc Hội nghị Mục vụ Giáo phận Rôma với đề tài: Tư cách thành viên của Giáo hội và tính đồng trách nhiệm về mục vụ” (Address to the Opening of the Pastoral Convention of the Diocese of Rome on the Theme: “Church Membership and Pastoral Co-Responsibility”) ngày 26 tháng 5 năm 2009 tại Đại Giáo đường Thánh Gioan Latêranô.

[30] Charles Chaput, Bài phát biểu tại buổi hội thảo của Quỹ Đầu tư Becket về chủ đề: “Những tiếng nói: giáo dân và tự do tôn giáo”. Hiện nay, Đức Tổng Giám mục Charles Chaput đang trông coi Tổng Giáo phận Philadelphia(nhậm chức ngày 08 tháng 9 năm 2011).

[31]P. Camilo Maccise, The Contribution of the Secular Order to the Church: Co-Responsibility and Collaboration (x. http://helpfellowship. org/Articles%20of%20Interest/secular_order_coresponsibility.htm).

[32] CL, số 32.

[33] CL, số 2.

[34] X. BGL, đ. 230. Giáo dân còn có thể giảng Lời Chúa (trừ bài giảng sau Phúc âm (x. BGL, đđ.776; 762.1).

[35]X. BGL, đ. 776.

[36]X. BGL, đ. 229. Trong Tông huấn về việc dạy giáo lý (Catechesi tradendae) (16-10-1979), Đức Gioan Phaolô II đã nêu bật vai trò của các giảng viên giáo lý giáo dân (CT, số 66).

[37]X. BGL, đ. 483.

[38]X. BGL, đ. 494.

[39]X. BGL, đ. 1431; 1424; 1428.

[40]X. BGL, đ. 1435.

[41]X. BGL, đ. 1483.

[42]X. BGL, đ. 784.

[43]X. BGL, đ. 861.

[44]X. BGL, đ. 910; 943.

[45]X. BGL, đ. 1112.

[46]X. BGL, đ. 1168. Khuôn mẫu pháp lý là vậy, cần có ứng viên giáo dân có đủ khả năng và điều kiện để lãnh nhận, thông dự và thi hành các chức vụ ấy.

[47]X. BGL, đ. 492.

[48]X. BGL, đ. 512.

[49]X. BGL, đ. 517.

[50]X. BGL, đ. 228.

[51]Ban Tổ chức Năm Thánh 2010, “Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh” trong Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ (TP. HCM: Ủy ban Giáo lý Đức tin, 2009).

[52]Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN), Hướng đến Đại hội Dân Chúa Năm Thánh 2010 (TP.HCM: UBGD, 2010), 3.

[53]X. Tạ Huy Hoàng và Các Bạn Hữu, Những mô hình xây dựng giáo hội địa phương (Models of Building the Local Churches), Tập IV (TP. HCM: TTMVTGPSG, 2010), 225.

[54]X. Tạ, Những mô hình..., Tập VIII, 356-420.

[55]Sđd., 357.

[56]Sđd., 358.

[57]Bênêđictô XVI, Sứ điệp gửi Đại hội Rôma về giáo dân: Đồng trách nhiệm vì bản chất và hoạt động của Giáo hội (Benedict XVI’s Message to Rome ConferenceonLaity: “Co-responsible for the Church’s Being and Action”) (http://cantate-domino.blogspot.com/2009_05_31_archive. html).

[58] Coriden, The Parish in Catholic Tradition…, 43.

[59] X. Trần Xuân Tiếu, Thư mục vụ tháng 7 năm 2011 (Giáo phận Long Xuyên).

[60] Trần Xuân Tiếu, Thư mục vụ tháng 1 và tháng 2 năm 2011 (Giáo phận Long Xuyên).

 

 


Trở về Trang Mục Lục