Thánh Mác-ta Betania

Ngày 29-7

Vào ngày 29 tháng 07, Giáo hội Công giáo kính nhớ Thánh Mác-ta Betania. Có lẽ thánh Nữ sinh vào năm thứ nhất tại Betania, tức tại al-Eizariya, Palestina ngày nay. Ngài là Chị của Maria Betania (Lc 10,38), và cũng là Chị của La-gia-rô (xc. Ga 11,20). Ngài thuộc về số những người bạn bè thân hữu khắng khít nhất của Chúa Giê-su. Tin Mừng theo Thánh Gio-an tường thuật về ba người chị em này rằng, Chúa Giê-su yêu thương họ (xc. 11,5). Và lời tường thuật này chỉ được Tin Mừng theo Thánh Gio-an dành cho ba chị em làng Betania mà thôi. Mác-ta đã lo lắng để thiết đãi Chúa Giê-su một cách chu đáo nhất có thể (xc.Lc 10,38-42) khi Ngài đến thăm gia đình Betania. Nhưng trong cuộc viếng thăm này, mặc dù Mác-ta đã tỏ ra hết sức chu đáo đối với Chúa Giê-su, nhưng thay vì được khen, Chị lại bị Chúa Giê-su khiển trách. Đối với Chúa Giê-su, việc lắng nghe Lời Chúa quan trọng hơn là việc chạy qua chạy lại để phục vụ Ngài.

Theo Tin Mừng của Thánh Gio-an (12,1-3), Mác-ta cũng thiết đãi Chúa Giê-su trong bữa tiệc khi Ngài được một phụ nữ vô danh đến xức dầu dưới chân. Sau đó Mác-ta đã chủ động yêu cầu sự giúp đỡ của Chúa Giê-su khi em của Chị là La-gia-rô qua đời (Ga 11,20), và theo trình thuật của Thánh Lu-ca, Mác-ta đã đóng một vai trò rất quan trọng trong biến cố Chúa làm phép lạ cho La-gia-rô sống lại. Trước khi Chúa Giê-su làm phép lạ, Chị đã công khai tuyên xưng rằng: Thưa thầy, con tin rằng, Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống (xc. Ga 11,27).

Theo tương truyền, sau khi Chúa Giê-su về trời, cùng với hai người em và những người đồng hành khác, Mác-ta đã bị người Do-thái đặt lên một chiếc thuyền không buồm cũng không bánh lái và đẩy ra biển. Tuy nhiên, nhờ vào một phép lạ, họ đã cập bến an toàn tại Marseille, Pháp Quốc. Tại đây, Chị đã thành lập một Đan Viện và đã sống với các phụ nữ đồng chí hướng trong Đan Viện đó.

Một tương truyền thuộc vùng Provence kể rằng, tại vùng mà sau này người ta gọi là thung lũng Tarascon Rhône, có một con rồng Tarasque chuyên ăn thịt người. Thánh Mác-ta đã chinh phục con rồng đó bằng dấu Thánh Giá và nước Phép, và đã cột dây thừng vào lưng nó rồi dắt nó tới Arles để thả nó xuống sông Rhône rộng lớn, và yêu cầu nó phải ở yên đó. Một tương truyền khác kể lại rằng, nhiều người muốn giết con rồng tại Tarascon, vì họ sợ hãi chúng, nhưng Thánh Mác-ta đã giấu con rồng ấy vào cái hang và đã cứu sống nó.

Vào năm 1187 người ta đã phát hiện ra một thi thể tại vùng Tarascon. Do có sẵn những truyền thuyết về Thánh Mác-ta tại vùng này, nên người ta đã ngay lập tức tin rằng, bộ hài cốt trên chính là bộ hài cốt của Thánh Mác-ta. Vào thế kỷ 12 có một phiên bản đầy đủ về đời sống của Thánh Maria Madalena, về Thánh Mác-ta và về Thánh Lagiarô, với tên gốc tiếng Latinh là: Vita SS. Mariae Magdalenae, Marthae et Lazari. Tác phẩm này được biên soạn bởi một Đan Sĩ Dòng Xi-tô. Hiện tại, trong nhà thờ kính Thánh Mác-ta tại Tarascon, Pháp Quốc, có một ngôi mộ được cho là mộ của Thánh Mác-ta. Nhà thờ này được xây dựng từ thế kỷ XII, và các Thánh Tích được cho là của Thánh Nữ vẫn còn được bảo quản tại Nhà Thờ này từ đó tới nay.

Thánh Mác-ta thường được nhìn ngắm như một mẫu gương của những người nội trợ chất phác. Nhưng Eckhart lại nhìn thấy nơi Thánh Mác-ta những điều vượt trội đối với cô em gái của Thánh Nữ: Trong khi Maria còn đang phải học thì Mác-ta đã có thể hành động. 

Cả Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Tin lành đều mừng kính Thánh Mác-ta vào ngày 29 tháng 07 (Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Nữ với Lễ bậc III, tức Lễ nhớ buộc), còn Giáo hội Chính thống thì mừng kính Thánh Mác-ta vào ngày mồng 04 tháng 06.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh