SỐNG LÀ ĐỨC KITÔ

Chúa Nhật 5A Mùa Chay

 

 

Sống là một hồng ân.   Chỉ khi nào mất mát hay bị đe dọa, sự sống mới nổi rõ như một giá trị lớn lao.   Hôm nay Đức Giêsu sẽ mạc khải tất cả giá trị đích thực của sự sống trong tương quan với Thiên Chúa.

 

NGUỒN SỐNG.

 

Khi còn tại thế, Đức Giêsu sống giữa những tương quan khác nhau.   Trong các tương quan, có lẽ Người gắn bó với gia đình Maria và Matta sâu đậm nhất.    Sâu đậm đến nỗi đứng trước các chết của Lazarô, “Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến.” (Ga 11:33) và “Đức Giêsu liền khóc.” (Ga 11:35)   Tuy nhiên, Người không bị tình cảm đè bẹp trong nỗi thất vọng.  Người vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa.   Trái lại, chị em Matta đã không kìm chế nổi cơn thất vọng, mặc dù vẫn tin tưởng nơi Đức Giêsu.   Cả hai đều nhất trí : “Thưa Thầy, nếu Thầy ở đây, em con đã không chết.” (Ga 11:21, 32)    Nhưng vì thực tế quá bi đát, hai cô không dám xin Thầy làm phép lạ và cũng không dám tin Thầy sẽ trổ tài trong trường hợp đặc biệt này.   Đó là lý do tại sao cô Matta nói : “ Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết,” (Ga 11:24) ngay sau khi Đức Giêsu đã quả quyết : “Em chị sẽ sống lại !” ( Ga 11:23)    Đức Giêsu và cô Matta đều dùng chữ “sẽ”.   Nhưng cô hiểu Lazarô sẽ sống lại trong thời cánh chung.   Còn Đức Giêsu muốn cho cô và mọi người thấy tương lai không quá xa như thế.   Lời hứa sẽ được thực hiện ngay lúc này.  Nói khác, Người muốn cho mọi người thấy Tin Mừng luôn mang chiều kích “hôm nay”.

 

Vượt ngoài sức tưởng tượng, hai cô kinh ngạc trước việc Đức Giêsu trả lại Lazarô cho gia đình và xóm làng.   Từ tình trạng tuyệt vọng, hai cô đã nhận lại tất cả những gì đã mất.   Còn niềm vui nào lớn hơn ?     Niềm vui phát xuất từ niềm tin nơi Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống.    Trước khi truyền cho anh Lazarô ra khỏi mồ, Đức Giêsu đã sốt sắng hướng về Chúa Cha như nguồn động lực khiến Người có thể quyết liệt hành động.   Tin Mừng thuật lại khi đó “Đức Giêsu ngước mắt lên và nói : ‘Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.  Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.’” (Ga 11:41)   Từ xác tín về tình yêu và sứ mạng Chúa Cha trao phó, Đức Giêsu đã mạnh dạn “kêu lớn tiếng : ‘Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!’” (Ga 11:43)  Lời Chúa hoàn toàn ứng nghiệm từng nét từng chữ. 

 

 Làm sao lời Chúa có sức mạnh truyền tử thần phải buông tha con người ?   Đúng là tình yêu mạnh hơn sự chết !   Lời Thiên Chúa đã giải thoát anh Lazarô khỏi ách tử thần.   Những khăn vải trên người anh cũng đủ diễn tả cảnh gông cùm anh vừa trải qua.   Đức Giêsu muốn giải thoát anh hoàn toàn.   Thế nên, Người nói với những người chung quanh : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11:44)

 

Đức Giêsu đã đưa anh trở về cuộc sống bình thường.   Anh sung sướng vô cùng khi nhìn lại các chị và những người hàng xóm.   Hơn ai hết, anh thấy sự sống như một hồng ân Thiên Chúa.   Hồng ân đó hoàn toàn là dấu chỉ của lòng  Chúa thương xót.   Nhưng đồng thời, đó cũng là kết quả của niềm tin “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:27) “để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa.” (Ga 11:4)     Cô Matta đã tuyên xưng như thế.   Cô đạt tới tột đỉnh niềm tin.    Tuy thế, theo phản ứng tự nhiên, cô  vẫn ái ngại  trước lời Thầy đề nghị di chuyển phiến đá lấp cửa mồ (x. Ga 11:39)      Khi anh Lazarô sống lại, cô đã “thấy được vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 11:40) nơi sức mạnh Lời Chúa.     Đúng như Chúa đã phán với Matta : “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”  (Ga 11:25)   Lazarô đã trở thành chứng nhân sống động nhất cho “trung tâm của niềm tin Kitô giáo” (Dictionary of Fundamental Theology 1995:311)  : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11:25)    

 

SỰ SỐNG : MỘT GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI.

 

Sự sống là một giá trị tuyệt vời và cao cả nhất trên mặt đất.   Nhưng giá trị đó đang tiêu trầm và băng hoại.   Những nhóm người ủng hộ phá thai, đồng tính luyến ái đang hoạt động khắp nơi để chống lại con người.   Liên hiệp Kế Hoạch Hóa Gia Đình Hoa Kỳ đã giết 197,070 trẻ chưa sinh năm 2000, tăng 7.8 phần trăm so với năm 1999.   Càng ngày Liên Hiệp càng có nhiều phương tiện tài chánh thực hiện việc phá hủy sự sống con người.  Báo cáo tài chánh năm 2001 tổng cộng Liên Hiệp chi tiêu 672.6 triệu Mỹ kim.  Trong đó 28 phần trăm do tư nhân đóng góp, chính phủ 30 phần trăm.   Ông Douglas R. Scott, Chủ tịch Hội Quốc Tế Quyết Định Phò Sự sống, đã kêu gọi Liên hiệp Kế Hoạch Hóa Gia Đình Hoa Kỳ chấm dứt “việc gia tăng khủng bố các trẻ chưa sinh.” (CWNews 12/03/02)   Mặc dù rất nhiều phương tiện ngừa thai đã tung ra, nạn phá thai vẫn không giảm bớt.   Vấn đề kế hoạch hóa gia đình ngày càng thêm tồi tệ.   Một giải pháp nông cạn không thể giải quyết vấn đề.   Xã hội sẽ không bao giờ có được giải pháp tốt đẹp nếu không tìm cách bảo vệ sự sống như một giá trị tuyệt đối.   Tuyệt đối vì nguồn gốc và cứu cánh sự sống là Thiên Chúa.   Nhất là, vì đã được phục hồi trong Đức Giêsu Kitô, nên sự sống trở thành vô giá.

 

Để phục hồi sự sống, cần phải đặt tất cả niềm tin nơi Đức Kitô.    Thật vậy, chỉ Đức Giêsu mới “là sự sống lại và là sự sống” !   Không thể tìm được năng lực phục hồi sự sống nơi nào khác.   Kết hiệp với nguồn mạch sự sống này, con người sẽ có khả năng hoạt động hữu hiệu.   Quả thế, “chỉ những người cầu nguyện mới có thể là tác giả những hoạt động xã hội và tông đồ hiệu lực.   Ước chi Thánh Thể, nguồn mạch bất tận phát xuất sự hiệp thông và quyết tâm tông đồ, luôn nằm tại trung tâm mọi sự.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit, 08/03/2002)   Không kết hiệp với Đức Giêsu trong Thánh Thể, chắc chắn ĐGH đã không thể có tiếng nói mạnh mẽ thế giới như hôm nay.   Thánh Thể là nguyên nhân hiệp nhất toàn thể nhân loại.   Chính khi kết hiệp với “sự sống lại và sự sống” đó, con người mới hiểu được giá trị sự sống và tìm được đường lối phục hồi những giá trị và liên kết những khác biệt trong sinh hoạt nhân loại.

 

Đó là một niềm tin đích thực của Kitô hữu.   “Niềm tin tôn giáo đích thực là một nguồn suối bất tận đem lại sự kính trọng lẫn nhau và sự hòa hợp giữa các dân tộc; thực vậy, đó là chủ lực chống lại bạo động và xung đột.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 11/03/2002)   Nếu con người không tìm cách nào đối thoại với anh em đồng loại, nhân loại sẽ bị tiêu diệt.   Quả thực, “cuộc đối thoại giua các tôn giáo và các nền văn hóa là một phần cốt yếu trong tiến trình tìm kiếm hòa bình.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 11/03/2002)   Mặc dù hòa bình nhân loại luôn bị đe dọa, nhưng vẫn có “những dấu chỉ niềm hi vọng đích thực” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 11/03/2002)  trong các cuộc đối thoại văn hóa và tôn giáo đó đây.   Các cuộc đối thoại đó nhằm khám phá “những con đường thực hành cổ động sự hiểu biết giữa các dân tộc và tạo lập nền tảng đối đầu với những vấn đề đang đè nặng gia đình nhân loại vào lúc khởi đầu kỷ nguyên này.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 11/03/2002) 

 

Hi vọng đã vươn lên với tinh thần con người.   “Aùnh sáng muôn dân” sẽ giải thoát nhân loại khỏi những chế độ hà khắc, bất công, ích kỷ và đầy thành kiến nặng nề.  Tương quan nhân loại sẽ tràn ngập niềm vui và hi vọng khi mọi người đều sống niềm tin đích thực của mình.   Riêng Kitô hữu luôn xác tín “sống là Đức Kitô”.    Chỉ Đức Kitô mới đem lại sự sống đích thực cho nhân loại mà thôi ! 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà