CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Mác-cô 16: 1-7)

         

          Biến cố Chúa Giê-su sống lại không thể được mô tả như một câu truyện lịch sử với những chi tiết chính xác, nhưng như một câu truyện đức tin chứng tỏ Tin Mừng Phục Sinh đã ảnh hưởng như thế nào trên các môn đệ Người.  Tuy Chúa Giê-su không xuất hiện và trình thuật chú trọng vào ngôi mộ trống, nhưng sự hiện diện của Người đã được ám chỉ trong sứ điệp Phục Sinh, tức là các môn đệ sẽ được thấy Người tại Ga-li-lê.  Tâm trạng của các phụ nữ đi viếng xác Chúa nơi mộ và ý nghĩa của sứ điệp Phục Sinh đã trở thành một đề tài hết sức phong phú để các môn đệ Chúa mọi thời mọi nơi suy nghĩ và đáp lại lời mời gọi rao giảng Tin Mừng.

 

a)  “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?”

 

          Lời nói trên của mấy phụ nữ đi thăm mộ đã cho thấy mối quan tâm thực tế của họ.  Mộ của người Do-thái được đậy lại bằng một phiến đá tròn và lớn, phải ba hay bốn người đàn ông mới đủ sức di chuyển.  Các bà biết rõ điều đó ngay trước khi đi, nhưng các bà vẫn cương quyết tới mộ.  Động lực nào thúc đẩy họ muốn làm một việc sức họ không làm nổi?  Đã có lần Chúa Giê-su giảng về sức mạnh của lòng tin:  “Thầy bảo thật anh em:  nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này:  ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’, nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20).  Đúng vậy, chính lòng tin và lòng yêu mến đã giúp cho các bà không đo lường công việc bằng sức người, nhưng bằng sức mạnh của trái tim.  Và giả như các bà không vần nổi phiến đá sang một bên, thì ít ra sự hiện diện thể xác của Chúa Giê-su trong mộ cũng trở nên nguồn tin và an ủi cho họ rồi.

          Nhưng bên cạnh lòng tin mạnh mẽ ấy, thánh sử Mác-cô ghi lại cảm giác hoảng sợ của các bà.  Trước hết các bà hoảng sợ vì không thấy xác Chúa, mà lại thấy một thanh niên mặc áo trắng ngồi trong mộ.  Đầu tiên có thể các bà hoảng sợ vì nghĩ rằng xác Chúa đã bị người ta lấy đem đi đâu không biết.  Sau đó các bà được người thanh niên mặc áo trắng báo cho biết là Chúa Giê-su đã sống lại.  Nhưng các bà vẫn hoảng sợ, “chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía, chẳng nói gì với ai vì sợ quá”.  Tin Mừng Phục Sinh đã biến đổi cả nỗi hoảng sợ của các phụ nữ, từ hoảng sợ do tình cảm con người chuyển sang thứ hoảng sợ của đức tin, thay vì đi tìm người chết thì các bà lại gặp người sống nơi cõi chết.  Đức tin bao giờ cũng mang lại những thay đổi bất ngờ, đến độ ta không khi nào nghĩ lại có thể xảy ra như vậy.  Làm sao có thể nghĩ người đã thực sự chết lại có thể sống lại?  Nhất là người này khi còn sống đã tiên báo ngài sẽ sống lại ngày thứ ba.  Do đó, thái độ hoảng sợ giờ đây là một góc cạnh của đức tin vào sự Phục Sinh.

 

b)  “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông”

 

          Sứ điệp của người thanh niên mặc áo trắng có vẻ khó hiểu.  Sứ điệp ấy có nghĩa gì khi nói Chúa Giê-su sẽ đến Ga-li-lê trước các môn đệ Người?  Để hiểu ý nghĩa sứ điệp, ta nên biết về tầm quan trọng của Ga-li-lê.  Đối với những người Do-thái khác, Ga-li-lê chỉ là một địa danh tầm thường.  Nhưng đối với Chúa Giê-su và các môn đệ Người, Ga-li-lê là cái nôi truyền giáo, từ đó Tin Mừng được rao giảng và đem đến mọi nơi.  Tại Ga-li-lê, Chúa đã gọi các môn đệ đầu tiên theo Người và lập mối quan hệ thân thiết với Người.  Do đó, hẹn gặp lại các môn đệ tại Ga-li-lê là để trao ban sứ mệnh và tiếp nối công cuộc rao giảng Tin Mừng của Người.  Tin Mừng Gio-an đã dành nguyên chương 21 để ghi lại cuộc gặp gỡ Thầy trò giữa Chúa Giê-su với các môn đệ Người.  Tình Thầy trò được biểu lộ rất cảm động.  Niềm tin vào Chúa Phục Sinh được củng cố.  Mọi người đều chuẩn bị ráo riết những ngày cuối cùng trước khi được lãnh nhận Thánh Thần để lên đường truyền giáo.

          Sứ điệp còn nói rằng ở Ga-li-lê, các môn đệ “sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”.  Khi còn ở bên cạnh các ông, Chúa Giê-su đã cho họ thấy Người là ai.  Gần tới ngày lên đường đi Giê-ru-sa-lem, Người đã ba lần nói với các ông về sứ mệnh của Con Người là thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại.  Tại Giê-ru-sa-lem, Con Người phải chiến thắng quyền lực ma quỷ và tội lỗi.  Cho nên Giê-ru-sa-lem biểu tượng cho nơi sẽ sụp đổ dưới quyền lực của Xa-tan.  Còn Ga-li-lê thì trở nên nơi biểu tượng của Con Người, Đấng sẽ tái lâm để xét xử muôn loài vào ngày phán xét chung.  Vậy kể từ nay cho tới ngày gặp lại Chúa Giê-su tại Ga-li-lê, các môn đệ Người phải làm gì nếu không phải là thi hành bổn phận rao giảng Tin Mừng cứu độ.

 

c)  Sống Tin Mừng Phục Sinh

 

          Cha Eugene LaVerdiere, một học giả Kinh Thánh lỗi lạc, đã cho ta một giải thích hết sức lý thú về người thanh niên mặc áo trắng ngồi bên phải bên trong mộ.  Vị sứ giả ấy mang áo trắng tinh là hình ảnh người Ki-tô hữu vừa được rửa tội.  Ngài đang công bố một chân lý về Chúa Giê-su, là “Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh, Người đã sống lại rồi!”  Sứ điệp này là cốt lõi của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Rồi cha LaVerdiere so sánh vị sứ giả ấy với người thanh niên đã trút áo trắng lại mà chạy trốn khi Chúa Giê-su bị bắt trong Vườn Ô-liu (Mc 14:51-52).  Anh ta đã không nhận ra liên hệ giữa cuộc Thương Khó (Đấng bị đóng đinh) và sự Phục Sinh (Đấng đã sống lại).  Đồng thời anh ta cũng không chu toàn trách nhiệm thi hành lời hứa Rửa tội qua cử chỉ trút lại tấm áo trắng.  So sánh hai hình ảnh ấy, cha LaVerdiere muốn ta hiểu rằng nếu ta muốn làm người môn đệ chân chính của Chúa Giê-su, ta cũng phải giống như người thanh niên mặc áo trắng ngồi trong ngôi mộ, giữa khung cảnh u tối phải rao giảng về sự sống.

          Ta đang sống tại trần gian bị khống chế do quyền lực Xa-tan, chẳng khác nào sống trong khung cảnh u tối trong ngôi mộ.  Nhưng giữa cảnh điên loạn của thế gian tội lỗi này, người môn đệ chân chính của Chúa có bổn phận phải rao giảng và làm chứng cho chân lý Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết và Người sẽ trở lại trong ngày tận thế để xét xử trần gian.  Đời sống gương mẫu theo những giá trị Tin Mừng của ta sẽ là một chứng từ nói lên rằng sau cuộc đời ở trần gian này ta còn có sự sống đời đời, sự sống mà Chúa Ki-tô đã khởi đầu và sẽ được sống lại như Người nếu ta cùng với Người chết đi con người cũ tội lỗi của ta.  Ta rao giảng Tin Mừng Phục Sinh bằng chính cuộc sống lại mỗi ngày của ta, khi ta biến đổi dần dần để trở nên giống với Chúa Ki-tô và lối sống của Người.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi cảm nhận thế nào về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc đời tôi?  Người có phải là lẽ sống của tôi không?  Tại sao?

          Ga-li-lê biểu tượng cho nơi của Chúa Giê-su, Đấng Ki-tô và Con Người sẽ xét xử trần gian.  Vậy tôi có phải là một Ga-li-lê của Chúa Giê-su để tôi gặp gỡ Người và thi hành sứ mệnh Người trao ban không?

          Nhìn lại một vài khía cạnh cụ thể trong đời sống tôi:  những khía cạnh ấy nói lên Chúa Giê-su đã sống lại hay Chúa Giê-su vẫn nằm chết trong mộ?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su phục sinh

          Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

          xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

          Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

          Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

          Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

          Vượt qua đem tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

          Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

          Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

          Chính vì Chúa đã phục sinh

          nên con vui sướng và cam đảm vượt qua,

          dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

          Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh

          gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,

                   tin tưởng và niềm vui.

          Ước gì ai gặp con

          cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa”.

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 83)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

14-4-2006

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B