CHÚA NHẬT THỨ VI PHỤC SINH, năm B

Ga 15, 9-17

 

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

 

Cứ mỗi lần nghe bài hát:” Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng…Yêu nhau chính là giới răn của Thầy “, tôi lại như có một cái gì đó xôn xao, thúc giục tôi phải bắt chước Chúa:” yêu và yêu thật nhiều”. Xưa trước khi từ giã các môn đệ thân yêu của Người, Chúa Giêsu đã tâm sự, đã trối lại cho các ông một giới răn mới, giới luật yêu thương.

Giới luật này khác với luật lệ của con người :” Chúa bảo phải yêu thương như Chúa, còn con người cứ sự thường yêu những người nào yêu mến họ”. Đây là điểm đặc biệt và khác lạ của giới luật yêu thương của Chúa Giêsu: “ yêu mọi người ngay cả kẻ thù của mình nữa “

CÁI “ LOGÍC “ YÊU THƯƠNG : Đức ái buộc người Kitô hữu phải yêu thương hết mọi người kể cả những kẻ thù ghét họ ( Lc 6,27-35 ). Yêu người sẽ gặp Chúa và yêu Chúa sẽ gặp người. Đọc đoạn Tin Mừng 15, 9-17 của thánh Gioan, ta có cảm tưởng Chúa nhấn mạnh đến điểm phải yêu thương người khác mà quên đi điểm thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa. Thực ra không phải thế vì mọi tình yêu thứ thiệt đều phát xuất tự Thiên Chúa.  Hãy đọc chậm rãi đoạn Tin Mừng này, ta sẽ bắt gặp cái logíc của Chúa Giêsu trong phần đầu của đoạn Tin Mừng này.” Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” ( Ga 15,9a ). Chữ như làm nổi bật câu nói và sự nhấn mạnh của Chúa Giêsu. Chúa yêu mến con người như Chúa Cha đã yêu mến Ngài. Do đó,” anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em “( Ga15, 12 ). Chính chữ như là móc nối làm ta hiểu rõ giới răn mới của Chúa Giêsu. Trong giới răn mới đã bao hàm giới răn thứ nhất vì ở đây không chỉ nói tới một loại tình yêu hời hợt, một thứ tình yêu bề ngoài nhưng là một tình yêu cao vời, tình yêu hy sinh, tình yêu tự hiến:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người dám hy sinh cho người mình yêu” ( Ga 15, 13 ). Ở đây, Chúa còn đi xa hơn nữa là đòi con người  chia sẻ tâm tư của Người: đó là ý nghĩa của kiểu nói giữ các điều răn của Thầy ( Ga 15, 10 ). Ở trong Chúa, con người sẽ trở nên bạn hữu của Người, hiểu biết Chúa là Đấng yêu thương con người và hành động nơi con người. Nên, con người sẽ sinh hoa trái đích thực của tình yêu, trên cây nho duy nhất là Chúa Giêsu. “ Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”. Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người là Đức Giêsu đến thế gian để yêu thương con người và loài người. Chúa Giêsu đến để chia sẻ thân phận làm người với chúng ta và để yêu thương con người. Chúa Giêsu tự hạ mình để sống kiếp người ngoại trừ tội lỗi.. Đây là cốt lõi của tình yêu Thiên Chúa: Con của Người là Đức Giêsu đã tự hiến chết trên thập hình để cứu rỗi nhân loại.

TÌNH YÊU TỰ HIẾN CỦA CHÚA GIÊSU VÀ SỰ CHIA SẺ TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI CHO HỘI THÁNH VÀ CHO MỖI NGƯỜI: Thánh Gioan đã cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Giêsu. Ngài nhắc đi nhắc lại trong Tin Mừng thứ tư và trong các thư của Ngài :” chúng con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Chúng ta đếm được 70 lần lời nhắc đi nhắc lại này. Ở lại trong Thầy là sống gắn bó, mật thiết với Đức Giêsu Kitô như Người vẫn ở trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Do đó, Chúa Giêsu luôn nhắn nhủ các môn đệ, những người sẽ làm môn đệ của Người và mọi người, mọi thế hệ hãy sống xa cái cám dỗ là sống trong tình trạng thiếu tình thương. Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự cám dỗ thúc đẩy con người hận thù, ghen ghét. Chiến tranh, bạo lực, khủng bố, sida, ma túy là những cám dỗ tai hại nhất khiến con người rời xa tình yêu của Thiên Chúa. Nói đúng hơn, vì không gắn bó thân thiết và mật thiết với Đức Giêsu mà con người sống lại tình trạng của Cain giết Abel. Chúa Giêsu đã tâm sự  và nhắn nhủ các môn đệ. Người bảo các môn đệ :” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Tuy nhiên Người còn đi xa hơn nữa là bảo các môn đệ và mọi người yêu thương cả kẻ thù nghịch, cả những kẻ mà chúng ta không thiện cảm, không thích bao nhiêu.

Giới luật của Chúa Giêsu là chúng ta hãy yêu mến người khác, như thể Người không muốn tình yêu mà Người đã trao ban cho chúng ta sẽ không hoàn trả lại Người, nhưng đổ tràn trên người khác. Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu không cần đáp trả, tình yêu cao vời, tình yêu tự hiến. “ Cho thì vui hơn nhận “( cvtđ 20, 35 ). Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tình yêu của Người cao xa như thế nào, lớn lao như thế nào đối với nhân loại, đối với chúng ta. Chúa tặng ban nhưng không tình yêu của Người cho Giáo Hội, cho nhân loại, cho mỗi người. Người chia sẻ kinh nghiệm tình yêu dâng hiến của Người cho các môn đệ, cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta. Người cho Hội Thánh, cho chúng ta hiểu niềm vui của Người, niềm vui tròn đầy, hạnh phúc viên mãn mà Người đã trao ban cho toàn nhân loại qua cái chết của Người trên thập giá. Đây là đỉnh cao nhất của tình yêu của Chúa Giêsu: chết mới nói hết, chết mới được nên lời.

Lời của Chúa Giêsu hôm nay tự vấn lương tâm của mỗi người, của mọi người trong Hội Thánh:” Hãy xét lại tinh thần hy sinh của chúng ta “. Kahil Gibran viết một câu thật chí lý:” Bạn chỉ cho đi quá ít khi cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”.

Lạy Chúa Giêsu xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B