PHỤC VỤ LÀ CỨU ĐỘ

Chúa Nhật 29B Thường Niên

 

Is 53:10-11

Mc 10:35-45

Dt 4:14-16

 

Ngày nay nhiều người không muốn nói đến hi sinh.  Vì hi sinh gợi lên những hình ảnh tiêu cực, thụ động.   Nhất là trong chế độ nô lệ và đô hộ, người ta đã lợi dụng hai chữ hi sinh để biện minh cho những đàn áp bất công của chính quyền và xoa dịu nỗi đau khổ của dân tộc  bị trị.   Làm cách nào thấy được ý nghĩa đích thực và hình ảnh tươi đẹp của hai chữ hi sinh ?   Chính Đức Giêsu sẽ dùng cả cuộc đời và cái chết để mô tả bản chất, ý nghĩa và giá trị của sự hi sinh.  

 ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG

        Khi thấy đám đông ùn ùn kéo đến với Đức Giêsu, các môn đệ Giacôbê và Gioan tưởng tượng một tương lai rực sáng sẽ đến với Thày.   Các ông liền nghĩ ngay tới miếng đỉnh chung.   Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng các ông bạo dạn đến bày tỏ nguyện vọng với Thày (Mc 10:35-37).   Thày và môn đệ đều chơi trò hú tim khi rào trước đón sau trước một vấn đề khó nói.   Nhưng hai thái độ mang hai ý nghĩa khác nhau.    Một đàng sợ không dám đề cập thẳng vấn đề.   Một đàng muốn tạo một bất ngờ, khiến các ông chưng hửng.   Thầy chỉ nắm chắc phần dành cho thân phận con người.   Còn phần dành cho Thiên Chúa, Người không dám đụng  tới.   Làm thế, Chúa muốn cho các ông biết đã đụng chạm tới lãnh vực Thiên Chúa mà không hay.   Hay làm sao được khi tham vọng đã che mờ mắt các ông ?!

Không phải chỉ có Giacôbê và Gioan bị mờ mắt, nhưng thái độ chung của cả cộng đoàn tông đồ đều giống nhau trước tham vọng ngàn đời đó của con người.   Cứ tưởng các ông đã mở mắt trước thái độ “tẽn tò” của hai ông.   Nhưng không.  “Mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan.” (Mc 10:41)   Đức Giêsu thật kiên nhẫn khi phải nói “toạc móng heo” cho cả mười hai ông biết một sự thật căn bản trong Nước Thiên Chúa: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”  (Mc 10:44)    Tại sao thế ?   Vì muốn cứu độ muôn người, các ông không thể dùng cùng một phương cách như những người chỉ sống bằng nghề cỡi đầu cỡi cổ thiên hạ.   Muốn cứu người, phải xuống thấp hơn người mới nâng người lên được.   Người tài ba nhất và có trách nhiệm nhất là người phải xuống thấp nhất.    Đó là đòi hỏi bình thường.  

Nhưng lý do chính yếu là “vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45)   Hiến mạng sống cũng chỉ là một phương thức phục vụ.   Nói khác, từ nay phục vụ có một sức mạnh cứu độ. Lý do vì phục vụ là cách làm cho Đức Giêsu hiện diện giữa nhân loại.  Nếu muốn chuyên lo việc cứu độ, người môn đệ không thể từ chối trở thành “đầy tớ mọi người”.   Thật vậy, chắc các ông phải nhớ lời tâm sự : “Thầy sống giữa anh em như một người đầy tớ.”    Chính thánh Phaolô cũng không ngần ngại nói về chiều kích cứu độ của công việc phục vụ : “Tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.” (1 Cr 9:19)   Thánh nhân còn quả quyết : “Chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu.” (2 Cr 4:5)   Nghĩa là muốn noi gương và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Người, ông phải phục vụ mọi người.  

Phục vụ là đường lối duy nhất thi hành thánh ý Chúa Cha.   Bởi đó, khi xuống thế để phục vụ, Đức Giêsu “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta.” (Dt 4:15)  Ngay vào giờ phút cuối đời, Người cũng bị cám dỗ để khỏi uống chén đắng (Mt 26: 39; 18:11)   Nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ ghê hồn đó nhờ dõi theo Thiên ý.  Chúa Cha muốn Người đem cả mạng sống phục vụ hạnh phúc nhân loại.   “Thiên Chúa hài lòng về ơn cứu chuộc như thành quả sau cái chết, chứ Người không vui thú với đau khổ và chính cái chết.” (Fahey 1994:673)   Chính vì hiểu biết sâu xa về giá trị đau khổ và cái chết như thế, Đức Giêsu đã “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta” (Dt 4:15) và có đủ tư thế để kêu gọi môn đệ chia sẻ thân phận và sứ mạng cứu độ : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu,” (Mc 10:39) để trở nên “đồng hình đồng dạng với” (Rm 8:29) Thầy.  Càng phục vụ, càng trở nên giống Thày.

Nếu Thầy “phải bị nghiền nát vì đau khổ,” (Is 53:10) làm sao môn đệ có thể bình chân như vại với những giấc mơ “vinh thân phì da” ?    Sở dĩ đau khổ vì “người tôi trung phải ‘hiến thân làm lễ vật đền tội và gánh lấy tội lỗi’ muôn dân.”(Is 53:10-11)    Theo Thày không phải để đi vào cõi tiêu diệt, nhưng để “làm cho muôn dân nên công chính.” (Is 53:11)   Đó chính là ơn cứu độ lớn lao Thầy đã thực hiện và còn phải được các môn đệ tiếp tục để giải thoát con người.   Bởi đó tự do và niềm vui chỉ là những hệ quả hay những dấu chỉ ơn cứu độ.   Ơn cứu độ lớn hơn tự do và niềm vui rất nhiều.   Ơn cứu độ chính là đời sống sung mãn với và trong Thiên Chúa.

 NHU CẦU LỚN LAO

Hơn lúc nào, nhân loại đang khao khát ơn cứu độ.   Thống kê mới nhất cho thấy số Kitô hữu mới chiếm gần hai tỉ trong tổng số trên sáu tỉ dân số thế giới.    Nhu cầu cứu độ còn quá lớn, nhất là tại Á châu, nơi có quê hương Việt Nam yêu dấu.   Nếu chỉ nghĩ tới địa vị cá nhân, làm sao người môn đệ có thể cảm nghiệm được niềm vui khi thấy muôn dân được cứu độ ?   Thế nhưng, muốn cứu độ muôn dân, môn đệ phải làm gì ?    Phải chăng chỉ cần “giữ vững lời tuyên xưng đức tin” và “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”  (Dt 4:14.16) ?   Ngay cả những ai muốn sống trung thành với Chúa, cũng nên nhớ rằng “Đức Giêsu định nghĩa sự trung thành trong hành vi là ý chí chấp nhận mạo hiểm (đòi phải có đức tin) để đạt kết quả tốt.   Ví dụ làm sáng tỏ vấn đề nhất là dụ ngôn những nén bạc trong Tin Mừng Mathêu 25:14-30.   Hai người làm lợi gấp đôi nén bạc, đã được chủ gọi là “đầy tớ tài giỏi và trung thành” (Warren 1995:64).

Đời sống đạo đức và siêng năng cầu nguyện là ưu tiên số một, nhưng không phải là tất cả.   “Thiên Chúa muốn chúng ta trung thành và sinh hoa trái nữa.” (Warren 1995:62)   Thực vậy, Đức Giêsu đã nói : “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.” (Ga 15:16)  Hoa trái là gì ?   Theo Warren (1995), Tân Ước đã dùng hoa trái Lời Chúa 55 lần để chỉ các dạng hoa trái khác nhau : sám hối (Mt 3:8; Lc 13:5-9), thực hành chân lý (Mt 7:16-21; Cl 1:10), lời cầu nguyện được Chúa chấp nhận (Ga 15:7-8), dâng cúng tiền bạc (Rm 15:28), sống đơn sơ như con trẻ và chinh phục các người vô tín ngưỡng về cho Chúa Kitô (Rm 1:13).   Đó là những hoa trái làm vui lòng Thiên Chúa và đem lại vinh quang cho Người.   Quả thật, “điều mà Chúa Cha được tôn vinh là : anh em sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15:8)

          Nhưng trên hết, không có việc nào sinh nhiều hoa trái và làm vinh danh Thiên Chúa bằng việc truyền giáo.   Quả thực, “lúa chín đầy đồng . . .” (Lc 10:2)   Chủ ruộng là Thiên Chúa.   Người mong muốn gì, nếu không phải là thu góp được nhiều hoa màu tươi tốt chất đầy kho lẫm ?   Nhận thức như thế, nên Công đồng Vatican đã quả quyết : “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành trên trần thế là Giáo Hội truyền giáo.” (TMD 2)  Giáo Hội tiên khởi rất vui mừng khi gặt hái được nhiều hoa trái cho Chúa.   Chính thánh Phaolô đã cho thấy những người đầu tiên trở lại đạo tại xứ Akhaia là “những hoa trái đầu mùa của xứ Akhaia.” (1 Cr 16:15)   Ngày nay, nhiều giáo hội chưa phát triển được vì chỉ thích co cụm lại với những nhu cầu nội bộ.   Họ không có nổi cái nhìn của Đức Giêsu về nhu cầu cứu độ lớn lao của toàn thể nhân loại.   Họ đang xa rời lý tưởng phục vụ.   Nhưng không có ơn cứu độ nào khác ngoài con đường phục vụ của Đức Giêsu, Đấng đã chết để phục vụ hạnh phúc nhân loại.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B